Xử Lý Rác Thải đô Thị, Bài Toán Nhiều Lời Giải Nhưng Chưa Có đáp Số

quang ninh xu ly rac thai do thi bai toan nhieu loi giai nhung chua co dap so 329117
Nhà máy rác Trung Lương xây dựng xong đã lâu nhưng vẫn đang vận hành thử.

Các nguồn lực huy động vào xử lý rác thải đô thị

Quảng Ninh sớm huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách hợp sức với nhà nước xử lý rác thải đô thị. Ở công đoạn thu gom, vận chuyển rác thu được kết quả khá tốt, việc xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến rác, lò đốt rác kết quả không được như mong muốn.

Cụ thể, từ năm 1996 các đô thị đã cổ phần hóa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành kinh doanh công ích này. Nhiều mô hình dịch vụ như: Hợp tác xã, công ty môi trường ra đời đã thay thế cho dịch vụ vệ sinh công cộng thời bao cấp. Mô hình mới năng động, hiệu quả và bớt đi gánh nặng ngân sách nhà nước vào trang sắm xe máy bốc xúc, vận chuyển rác, xử lý rác. Nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã hăng hái đầu tư vào thị trường vệ sinh môi trường này.

Xin điểm danh theo mốc thời gian những doanh nghiệp đã từng và đang xuống tiền đầu tiên xây dựng cơ sở chế biến rác, xử lý chất thải rắn (CTR), lò thiêu rác ở Quảng Ninh với quy mô lớn và vừa. Trong số đó, có doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, có doanh nghiệp thì lụi bại, còn để lại hậu quả xấu cho địa phương.

quang ninh xu ly rac thai do thi bai toan nhieu loi giai nhung chua co dap so 329117
Ngày 30/7/2018, ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy thực tế kiểm tra nhà máy, lãnh đạo Indevco hứa cuối năm đưa 6/6 lò hỏa thiêu rác vào hoạt động đạt công suất đốt 900 tấn rác/ngày.

Năm 2006, Công ty Cổ phần Xử lý chất thải Hạ Long đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên diện tích 4ha tại tổ 25 và 26 Khu 4, phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long với công suất 150 - 250 tấn rác/ngày, xử lý theo công nghệ vi sinh. Nhà máy đã đóng cửa giải thể từ năm 2012 mà đến nay bà Trần Thị Loan khi ấy là tổ trưởng tổ 26b còn chưa hết kinh hoàng, vì khu phố mình ngày đó nhiều người bị mắc bệnh về đường hô hấp, đau đầu. Trường Mầm non Hoa Đào gần lò rác, một số cháu nhỏ bị ngất vì ám khí độc của lò rác này phát tán ra môi trường. Khi ấy thành phố Hạ Long kết nghĩa với huyện Ba Chẽ theo chỉ đạo của tỉnh hỗ trợ huyện miền núi này về cơ sở vật chất để “xóa đói giảm nghèo”. Trong số nhiều mặt hàng giúp đỡ cho huyện Ba Chẽ có 30 tấn phân vi sinh, sản phẩm đầu tay do nhà máy này làm ra. Không ngờ đưa phân ra bón cây thì cây đổ bệnh chết, vì trong rác còn dư lượng dầu mỡ thải, axit pin đèn, độc khí từ bóng đèn leon hỏng mà rác thải không được phân loại từ đầu nguồn gây ra.

Nhà máy rác Trường Xuân xây dựng năm 2011 trên diện tích 4,65ha tại thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô với mức đầu tư trên 27 tỷ đồng, bằng nguồn vốn kinh phí sự nghiệp môi trường và ngân sách huyện. Theo thiết kế, công nghệ lò đốt rác Model EST-100S, có công suất lò đốt 300kg/h, tương đương với 7,2 tấn/ngày, được coi là dây chuyền công nghệ đồng bộ và hiện đại nhất tại thời điểm đó. Nhà máy rác Trường Xuân giới thiệu có công nghệ đồng bộ và hiện đại nhất.

Nhưng không hiểu nhà đầu tư có mua nhầm thiết bị không mà hơn 10 năm nay không đốt được mẻ rác nào. Lò bễ “đắp chiếu”, sắt thép hoen rỉ, nhà xưởng rêu phong cỏ mọc. Đầu tư 27 tỷ đồng tiền ngân sách thời giá năm 2011 khi giá vàng thị trường quốc tế là 40,06 triệu đồng/lượng, đống vàng trở thành đống sắt vụn. Phiền toái nữa là trên một hòn đảo chỉ có 2 đơn vị hành chính cấp xã mà vẫn phải đào hố chôn lấp rác thải sinh hoạt.

quang ninh xu ly rac thai do thi bai toan nhieu loi giai nhung chua co dap so 329117
Nhà máy rác Quảng Nghĩa vừa đốt vừa ủ phân compost.

Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Móng Cái được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 2/2012, vốn đầu tư 111,9 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 21,83ha tại thôn 5, xã Quảng Nghĩa (gọi tắt là Nhà máy rác Quảng Nghĩa), do Công ty Cổ phần Xử lý chất thải miền Đông làm chủ đầu tư. Nhà máy quy mô xử lý rác sinh hoạt cấp vùng gồm thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà, được đầu tư 2 giai đoạn, giai đoạn 1 công suất xử lý rác 150 tấn/ngày đêm, giai đoạn 2 nâng công suất xử lý lên 250 tấn rác/ngày đêm với 2 công nghệ chính là công nghệ ủ phân compost và công nghệ đốt rác gồm 2 lò thiêu công suất 60-90 tấn rác/ngđ. Năm 2021, tiếp nhận trung bình 125-130 tấn rác/ngày, trong đó lượng rác của thành phố Móng Cái là 90-95 tấn/ngày, lượng rác của huyện Hải Hà là 30-35 tấn/ngày. Hiện chủ lực là ủ phân vi sinh, các công đoạn phân loại rác làm thủ công là chính.

Nhà máy rác Khe Giang tiền thân là Nhà máy rác Bắc Sơn khởi công xây dựng 4/2012, năm 2015 chuyển về Khe Giang nay là nhà máy rác Khe Giang, tên đầy đủ là Nhà máy xử lý tái tạo chất thải rắn Khe Giang, công nghệ hỏa thiêu, công suất ban đầu 200 tấn/ngày, kinh phi đầu tư 115 tỷ đồng, diện tích sử dựng đất 6ha ở thung lũng Khe Giang thuộc thôn Tập Đoàn, xã Thượng Yên Công (Uông Bí), do Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Việt Long làm chủ đầu tư. Theo Quyết định số 876/QĐ-UBND, ngày 11/2/2015 của UBND tỉnh quy hoạch nhà máy xử lý rác cấp khu vực gồm Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên. Nhà máy này có triển vọng tốt, rác không cần phân loại đổ thẳng vào lò lửa cháy rừng rực, hỏa thiêu rác triệt để kể cả nước rỉ rác, nay công suất đã nâng lên 500 tấn ngày, từng giải nguy cho thành phố Hạ Long trong đợt rác ứ đọng bất thường tháng 5/2021. Hiện, rác nhập về đến đâu đốt hết ngay đến đấy lưu lượng 200 tấn rác/ngày lò hoạt động còn có lò sơ cua, khi cần có thể nâng gấp rưỡi công suất, ví dụ như dịp Tết Nhâm Dần đạt 750 tấn/rác ngày.

Nhà máy rác Vũ Oai tên đầy đủ là Trung tâm xử lý chất thải rắn Vũ Oai, xây dựng theo Quyết định số 468/QĐ-UBND, ngày 15/02/2016, phê duyệt Quy hoạch 1/500 có kết hợp với trồng trọt... diện tích 265,5ha, trong đó có nhà máy đốt rác đi kèm là một dây chuyền công nghệ xử lý chất thải y tế, diện tích đất nền 14,46ha và 14,88ha khu chôn lấp cặn bã giai đoạn II tại xã Vũ Oai, thành phố Hạ Long, quy mô xử lý rác cấp vùng gồm hai thành phố là Hạ Long, Cẩm Phả và huyện Vân Đồn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Indevco làm chủ đầu tư. Nhà máy được quảng bá rộng rãi có công nghệ đốt rác hiện đại đẳng cấp Âu Châu với công suất 900 tấn/ngày, có hệ thống phân loại tự động, đốt trực tiếp ngay khi rác được vận chuyển về nhà máy, tổng mức đầu tư xây dựng trên 1.000 tỷ đồng.

Hạn định dự án xây dựng trong 5 năm (2016-2020), kế hoạch quý IV năm 2018 Nhà máy rác Indevco đốt mẻ rác đầu. Nhưng đến nay chưa đốt được mẻ rác nào, chả rõ “cơm sống tại gạo hay tại nồi”, bởi dư luận đồn đoán chủ đầu tư không mặn mà nghề xử lý rác, lập dự án này làm vì để khai thác than dưới nền móng. Nhưng cũng có ý kiến cho là chủ đầu tư xuống tiền thật mua phải của giả; nhầm nữa là dùng người sai, thuê chuyên gia đốt rác bên Tây về đốt rác bên ta, rác chưa phân loại còn õng nước, hết xăng dầu đốt mồi là lò bễ tắt ngấm.

Nhà máy xử lý rác Trung Lương, gọi tắt là Nhà máy rác Trung Lương khởi công xây dựng năm 2016, diện tích sử dụng đất 15,24ha ở thôn Trung Lương, xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều, do Công ty TNHH Viễn Đông làm chủ đầu tư. Nhà máy đầu tư theo công nghệ lò đốt RS-VINABIMA đốt rác kín, gồm 2 dây chuyền (hiện mới có 1 dây chuyền), mỗi dây chuyền thiêu 100 tấn/ngày đêm, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Nhà máy này cũng một thời cộm lên tiếng xấu, rằng chủ đầu tư lập dự án xử lý rác làm tấm “bình phong” che đậy hình thức khai thác than dưới lòng đất. Hiện, nhà máy xây dựng xong đã lâu nhưng vẫn đang vận hành thử, chưa thấy trình làng sản phẩm đốt rác.

Xử lý rác khi khởi nghiệp ai cũng tưởng đây là một nghề “buôn thất nghiệp, lãi quan viên”, bởi dịch vụ công ích Nhà nước khuyến khích, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về tiền thuế sử dụng đất, các loại thuế, vay mượn tín dụng ngân hàng… Rác thải sinh hoạt nhập về còn thu lượm được nhựa tái sinh, khi đốt tận dụng được nhiệt phát điện, phế thải sau xử lý làm phân bón cây, tro xỉ làm cốt liệu gạch không nung… đâu cũng hái ra tiền.

Đầu tư vào xử lý rác tưởng ăn chắc, nhưng doanh nghiệp thành công thì ít, thất bại thì nhiều, không chỉ ở Quảng Ninh mà trên phạm vi toàn quốc. Đơn cử như Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ mới khởi nghiệp vào cuối năm 2018, như còn “chân ướt chân ráo” bước vào làng xử lý rác thải mà đã đăng quang Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia năm 2020, giải thưởng cao quý về môi trường đô thị Việt Nam. Nhà máy này, chủ đầu tư là Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ (thuộc Tập đoàn Everbright Environment), xử lý rác bằng công nghệ đốt công suất 400 tấn rác ngày, còn tận dựng được nhiệt phát điện với trên 150.000 Kwh/ngày hòa vào lưới điện quốc gia.

quang ninh xu ly rac thai do thi bai toan nhieu loi giai nhung chua co dap so 329117
Nhà máy rác Khe Giang hỏa thiêu rác triệt để kể cả nước rỉ rác, xỉ lò còn sản xuất gạch không nung.

Trái lại Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh (nhà máy rác Đông Anh), diện tích sử dụng 88.514m2, xây dựng trên địa bàn xã Việt Hùng (huyện Đông Anh, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 768,4tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư Thành Quang. Theo công bố của chủ đầu tư tại Lễ khởi công dự án (ngày 15/12/2011), nhà máy rác này có công suất 300 tấn rác/ngày đêm nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động.

Nhà đầu tư xây dựng lò bễ đốt rác không thành như ném tiền xuống sông xuống biển, thiệt hại kinh tế đã đành, địa phương gửi lòng tin vào bài giải đốt rác của họ nghe trôi chảy. Hơn nữa còn được Hội đồng thẩm tra công nghệ dự án đầu tư của Sở Khoa học và Công nghệ, thành viên hội đồng gồm nhiều chuyên gia đầu ngành của các vụ viện Trung ương, có quy trình thẩm định và kết luận bằng văn bản 100% nhất trí với công nghệ của dự án. Địa phương đã đóng cửa các bãi chôn lấp rác, nhưng chờ đợi mãi không thấy đáp số bằng ngọn lửa bùng cháy trong lò mà rác đô thị ngày ngày vẫn ùn lên gây ra tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Từ khóa » Nhà Máy Rác Quảng Ninh