Xử Lý Triệt để Bùn Thải Cho Nhà Máy Nước - Bộ Xây Dựng

Tháng 11.2016, nhà máy xử lý nước (NMN) Hà Thanh đi vào hoạt động với công suất thiết kế 29.300 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân trên địa bàn TP Quy Nhơn, các khu tái định cư, KKT Nhơn Hội, KCN Phú Tài và vùng phụ cận. Đến nay, công suất hoạt động của nhà máy khoảng 30.000 - 32.000 m3/ngày đêm; đi cùng là lượng bùn thải sau xử lý nước rất lớn, khoảng 200 kg/ngày.Tại nhiều nhà máy xử lý nước, hầu hết lượng nước bùn phát sinh hằng ngày đều được thu gom và dẫn về hồ chứa hoặc hồ lắng cặn rồi xả trực tiếp ra ao, hồ, sông… Xử lý này tiết kiệm được chi phí, nhưng gây thất thoát rất nhiều nước sạch có thể tái sử dụng, nhất là gây ô nhiễm cho môi trường nước mặt, nước ngầm khu vực xung quanh. “Nhu cầu cấp nước sạch rất cấp thiết thì vấn đề xử lý lượng bùn thải, tận dụng bùn thải và nước tách bùn phát sinh trong xử lý tại NMN cũng cần phải cải thiện và giải quyết, giảm thiểu tối đa tác động, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh” - kỹ sư Mai Xuân Tiên, Tổng Giám đốc SENCO, cho hay.Để đáp ứng nhu cầu bức thiết này, SENCO đã nghiên cứu, thiết kế giải pháp thu gom, xử lý lượng bùn nước phát sinh trong quá trình xử lý của NMN Hà Thanh. Trong đó, xây dựng hệ thống xử lý nước bùn trong nhà máy với tổ hợp bao gồm: hệ thống mương dẫn tách dòng bùn và nước về bể chứa bùn và bể thu hồi nước rửa lọc, bể nén bùn, máy ép bùn, hệ thống bơm bùn, nước, bơm hóa chất… Chi phí ban đầu cho đầu tư hệ thống khoảng 2,5 tỉ đồng.Ngoài NMN Hà Thanh, đến nay, giải pháp xử lý bùn từ NMN của SENCO đã được ứng dụng hiệu quả tại NMN Anh Phát cấp nước cho KKT Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), công suất giai đoạn 1 là 30.000 m3/ngày đêm. Giải pháp đã đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Ðịnh lần thứ X (2016 - 2017). Theo kỹ sư Phạm Văn Dương, Giám đốc NMN Hà Thanh, quy trình vận hành định kỳ nhà máy tiến hành các quá trình xả nước, bùn từ cụm bể lắng và bể lọc. Cụ thể, 3 ngày nhà máy cho xả bùn cặn từ bể lắng và 2 ngày cho tiến hành rửa bể lọc (chu kỳ rửa lọc của bể lọc là 48 giờ). Lượng nước, bùn trong nhà máy sẽ theo hệ thống mương dẫn để đưa về hệ thống xử lý. Bùn phát sinh hằng ngày được lưu giữ trong bể chứa bùn, từ bể chứa bùn sẽ bơm vào bể nén bùn để làm tăng nồng độ bùn, sau đó đưa vào máy ép khô để giảm độ ẩm của bùn. So với các giải pháp xử lý bùn hiện nay tại các NMN thì hệ thống ép bùn áp dụng tại NMN Hà Thanh mang lại một phương án mới trong thiết kế, thi công các công trình xử lý nước cấp, nhằm cấp nước phục vụ các hoạt động trong xã hội. Hệ thống thu gom nước bùn từ quá trình xả cặn bể lắng và xả nước của cụm bể lọc được thiết kế tách biệt hoàn toàn để phù hợp với từng quy trình xử lý của nhà máy (gồm 2 mương dẫn, 1 mương dẫn để xả bùn về bể chứa bùn và 1 mương dẫn nước thu hồi quá trình xả cặn bể lọc, xả nước lọc đầu về bể chứa nước thu hồi).

Kỹ sư SENCO kiểm tra hệ thống van xả rửa lọc và xả bùn.

“Hệ thống thu gom và xử lý bùn khắc phục nhược điểm quy trình xử lý bùn tại các NMN hiện nay khi thu hồi được một lượng lớn nước sạch đã qua xử lý (hiệu suất thu hồi 99,04%), không phát sinh lượng bùn, nước thải ra môi trường, không gây ra các tác động xấu đến nguồn nước mặt và nước ngầm” - kỹ sư Dương cho biết.Lượng bùn sau ép tại NMN Hà Thanh đã được Sở TN-MT xác nhận là chất thải không độc hại, được lưu giữ tại kho và cung cấp cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng (1 tấn bùn có thể sản xuất 2.220 viên gạch, với tỉ lệ bùn thải 45% trong hỗn hợp nguyên liệu). Với hệ thống này, nhà máy cũng tiết giảm đáng kể diện tích kho chứa. Hàng tấn bùn thải ra môi trường mỗi ngàyÐánh giá về hiệu quả của ứng dụng xử lý bùn do SENCO triển khai tại NMN Hà Thanh, tiến sĩ Nguyễn Việt Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho rằng: “Giải pháp này có ý nghĩa và giá trị rất lớn khi hệ thống thu gom và xử lý bùn khắc phục được nhược điểm về quy trình xử lý bùn tại các NMN hiện nay, đó là thu hồi lại được một lượng lớn nước sạch đã qua xử lý, tạo ra một chu kỳ xử lý khép kín, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường”.Theo ông Cường, SENCO là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ xử lý triệt để bùn thải cho NMN tại Bình Ðịnh. Trên địa bàn tỉnh, dù ít nhà máy cấp nước tập trung quy mô lớn, nhưng đơn vị cấp nước quy mô huyện, xã không ít, làm phát sinh hàng tấn bùn thải mỗi ngày. Dù bùn thải của các NMN không phải là chất thải nguy hại, nhưng bắt buộc phải được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành.Theo báo Bình Định

Từ khóa » Nhà Máy Nước Bùn Thải