Xử Nghiêm Thao Túng Chứng Khoán Nhưng Không Hình Sự Hóa Quan ...

Chiều 22-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Quản lý, giám sát còn lỏng lẻo

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian qua, thị trường vốn và thị trường tiền tệ đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ... và đóng góp quan trọng trong việc huy động nguồn lực phục vụ phát triển của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, Thủ tướng cho rằng cần nhận diện, đánh giá thẳng thắn, khách quan những tồn tại nội tại của thị trường vốn, từ đó có giải pháp phát triển ổn định, căn cơ trước mắt cũng như lâu dài. Thậm chí cần có những giải pháp mạnh để lành mạnh hóa thị trường.

"Chính phủ thể hiện rất rõ quan điểm xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái, để minh bạch hóa thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung giải quyết ngay những bất cập đã và đang được nhận diện trong thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ ngành"- Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những vụ việc xảy ra liên quan đến thị trường vốn trong thời gian gần đây có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là quản lý nhà nước còn lỏng lẻo và trong thời gian dài, việc giám sát, kiểm tra không được đẩy mạnh.

Theo người đứng đầu Chính phủ, sẽ có nhiều người đều đặt câu hỏi tại sao lại có vụ việc phát hành trái phiếu như Tân Hoàng Minh, tại sao lại có vụ việc thao túng chứng khoán của Chủ tịch công ty FLC, hay công ty chứng khoán Trí Việt... Và cũng sẽ có nhiều câu hỏi liên quan đến việc phát hành trái phiếu, đến thị trường chứng khoán.

Từ đó, Thủ tướng khẳng định nếu không làm quyết liệt, "con sâu làm rầu nồi canh" sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn, đến niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

“Nhà đầu tư hỏi có hay không việc thao túng, làm giá của các công ty chứng khoán”

Về những tồn tại, bất cập của thị trường tài chính, Thủ tướng khái quát:

Thứ nhất, tồn tại lớn nhất là thị trường tiền tệ, chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung và dài hạn. Trong khi đó, thị trường vốn (có thị trường chứng khoán, trái phiếu) chủ yếu cung ứng vốn trung và dài hạn nhưng chưa phát triển hài hòa, bền vững. Vốn trung và dài hạn đang dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, tạo nên sức ép và rủi ro đối với tổ chức tín dụng...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay ông nghe nhiều phàn nàn của nhà đầu tư về thị trường chứng khoán. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay ông nghe nhiều phàn nàn của nhà đầu tư về thị trường chứng khoán. Ảnh: NHẬT BẮC

Về việc này, Thủ tướng ví như một người muốn gánh được hàng hóa cần phải để cân xứng hai đầu, nếu lệch sẽ đi chậm hoặc không đi được. Ngân hàng làm sao gánh được phần lớn vốn trung hạn và dài hạn.

Thứ hai, đối với thị trường trái phiếu, Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận những vụ việc vừa qua. Đặc biệt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu do che giấu thông tin đã bộc lộ bất cập, đặc biệt về cơ chế chính sách để bị lợi dụng.

Đó là sự thiếu minh bạch thông tin, điều kiện phát hành lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng, tỷ lệ an toàn tài chính, tiêu chí đánh giá xếp hạng... của doanh nghiệp phát hành. Cạnh đó, sự giám sát, kiểm tra, quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan tổ chức liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả, quyết liệt... và vẫn còn những khoảng trống pháp lý trong quản lý, giám sát thị trường.

Thứ 3, đối với thị trường chứng khoán, Thủ tướng nêu rõ thị trường chứng khoán thời gian qua có bước phát triển mạnh mẽ nhưng quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Đặc biệt, thị trường này cũng bộc lộ những hạn chế, gây bức xúc cho nhà đầu tư trong giai đoạn gần đây.

Thủ tướng cho biết ông nghe rất nhiều phàn nàn về hiện tượng nghẽn lệnh, tình trạng làm giá thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường; chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề; chế tài xử lý, xử phạt còn bất cập...

Cạnh đó, thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác. Có những doanh nghiệp thậm chí làm ăn thua lỗ nhưng giá chứng khoán tăng tính bằng nhiều lần, không theo quy luật nào...

“Nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi liệu có hay không việc thao túng, làm giá của chính các công ty chứng khoán...”- Thủ tướng cho biết vì những việc này, thời gian gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý nghiêm sai phạm để làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ nhà đầu tư.

Thứ tư, đối với thị trường tiền tệ, Thủ tướng đánh giá vẫn còn tình trạng sở hữu chéo, tình trạng nợ xấu tiềm ẩn sau đại dịch COVID-19 có thể sẽ gia tăng, khó khăn trong thực hiện việc tái cơ cấu và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Hiện tượng sử dụng vốn không đúng mục đích vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sử dụng vốn vay không đúng mục đích trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán... Thậm chí là thành lập nhiều công ty sân sau để vay vốn ngân hàng, chuyển vốn lòng vòng...

Xử lý nghiêm sai phạm

Để khắc phục những hạn chế trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 7 lưu ý đối với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền để bảo vệ nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường trái phiếu.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát lại cơ chế, chính sách, tập trung sơ kết, tổng kết để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi hành lang pháp lý như Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, khẩn trương sửa Nghị định 153 và Nghị định 155 để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, góp phần lành mạnh, minh bạch hóa thị trường.

Đặc biệt, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu của doanh nghiệp ...

Thủ tướng yêu cầu tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là xử lý nghiêm tình trạng thao túng, làm giá, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững...

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục rà soát, củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý tình trạng tồn tại bất cập thời gian qua, nhất là liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu...

Về xử lý sai phạm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ với quyết tâm cao lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có hiệu quả.

“Ai cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế”- Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường.

Sau hội nghị này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo và sớm trình Chính phủ ban hành văn bản phù hợp về phát triển ổn định thị trường vốn.

Thủ tướng: Tổ chức, cá nhân sai phạm về cổ phiếu, trái phiếu chỉ là thiểu số

Thủ tướng: Tổ chức, cá nhân sai phạm về cổ phiếu, trái phiếu chỉ là thiểu số

ĐỨC MINH Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Hình Sự Hóa Vụ án Kinh Tế