Xử Trí Cấp Cứu Bỏng đường Hô Hấp - Medlatec

Nguyên nhân gây bỏng đường hô hấp

Bỏng đường hô hấp thường do các yếu tố sau: Mặc dù trong thời gian ngắn nhưng với nhiệt độ càng cao thì mức độ bỏng càng nặng; Do tác dụng của các chất trong không khí nóng: khói nóng gây tổn thương nặng hơn so với không khí nóng; hơi nước nóng thường gây bỏng nặng hơn không khí nóng vì gây bỏng toàn bộ đường hô hấp, trong đó tổn thương nặng nhất là ở đường hô hấp trên. Thời gian nạn nhân tiếp xúc với nguồn nhiệt càng lâu thì bỏng càng nặng. Ngoài ra, khí thải động cơ ôtô, xe máy, máy phát điện, khí ga, khói than, củi cháy dở... cũng là nguyên nhân gây bỏng và ngộ độc rất nặng dễ dẫn đến tử vong.

Biểu hiện thế nào?

Thông thường sau các vụ cháy, bệnh nhân bị bỏng mặt, môi, lông mũi bị cháy, bị hóa chất hoặc chất lỏng nóng ngấm vào niêm mạc mũi, miệng, họng thường có kèm theo bỏng hô hấp. Khi bị bỏng đường hô hấp thường có các biểu hiện: đã hít thở phải nhiều khí khói của đám cháy, khó nuốt, khó nói, cảm giác khó chịu ở cổ họng, nền lưỡi. Nói khàn nhưng không mất giọng nói hoàn toàn, biến đổi giọng nói. Ho khàn trong những ngày đầu, những ngày sau ho có đờm, có thể thấy đờm đen màu bồ hóng, có bọt lẫn các tia máu. Khó thở, có thể tím tái, co kéo vùng nền xương ức và các khoang liên sườn. Thở nhanh, nông, nhịp thở tới 32-56 lần/phút. Nghe phổi, tiếng thở yếu, thô, có thể thấy ran rít, ran ướt, tiếng lép bép... Sốt cao 39-400C. Huyết áp động mạch thấp. Nước tiểu ít , dưới 20-30ml/h. Thầy thuốc khám thấy: niêm mạc miệng, hầu họng, thanh quản có các đám sung huyết, ở trên các mảng màu đỏ khô có các màng tơ huyết trắng xám. Phù lưỡi, phù nề dây thanh âm, dây thanh âm đỏ, chuyển động kém.

Có thể phân ra ba mức độ bỏng đường hô hấp: Bỏng nhẹ: giọng nói bình thường, rối loạn hô hấp nhẹ, không có tím tái, ít bị biến chứng phế viêm hoặc nếu có cũng diễn biến không nặng và khỏi; Bỏng vừa: giọng nói khàn, rối loạn hô hấp nặng, tím tái, nghe phổi có tiếng thở thô, có ran rít, ran khô; thường có biến chứng viêm phổi với diễn biến khá nặng; suy hô hấp và suy tim độ I, II; Bỏng nặng: giọng nói khàn nặng, khó thở nặng, có thể tắc thở, tím tái, tĩnh mạch cổ nổi, ho khàn hoặc có đờm đặc, suy hô hấp và suy tim cấp nặng; khí phế thũng, xẹp phân thùy phổi, hoại tử; Giai đoạn cuối thường gặp phù phổi cấp dễ dẫn đến tử vong. Thường thì tử vong gặp nhiều nhất trong những ngày đầu sau bỏng; còn tử vong do biến chứng viêm phổi, do biến chứng nhiễm khuẩn toàn thân thường sau từ 3-20 ngày.

Cần phải làm gì?

Bỏng đường hô hấp đơn thuần chỉ xảy ra do hít phải khí, khói độc. Khi gặp nạn nhân bị bỏng đường hô hấp cần bình tĩnh nhanh chóng mở cửa, bật quạt thổi khói tản ra, tắt mọi động cơ xe máy đang nổ, dập tắt các chất đang cháy, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi vùng khói và nhiệt. Đặt nạn nhân nằm ở chỗ thoáng khí để sơ cứu theo tư thế Fowler (nửa nằm, nửa ngồi - đầu cao). Cho nạn nhân thở không khí trong lành ngay tức thì hoặc chuyển nhanh tới phòng cấp cứu. Dùng khăn mùi xoa hay vải mỏng lót tay để móc hết đờm dãi, dị vật, khai thông đường thở cho nạn nhân. Nếu nạn nhân bị ngừng thở, ngừng tim phải tiến hành ngay việc hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Tại phòng cấp cứu: Cần hút loại bỏ hết dị vật, dịch tiết ở mũi miệng, đường thở. Cho bệnh nhân thở ôxy. Thông khí nhân tạo là một biện pháp bắt buộc trong điều trị bỏng hô hấp. Cho thuốc an thần, trấn tĩnh, giảm đau, loại không ức chế hô hấp. Truyền dịch với khối lượng truyền trong 24 giờ đầu nhiều gấp 1,3-1,4 lần so với những trường hợp chỉ bỏng da đơn thuần có cùng diện tích và độ sâu bỏng mà không có bỏng hô hấp. Đảm bảo số lượng nước tiểu của nạn nhân từ 30-50ml/h trở lên ở người lớn và 0,5-1ml/kg/h ở trẻ em dưới 30kg. Cần theo dõi chặt chẽ và đặt ống nội khí quản và mở khí quản sớm khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở. Phòng tránh nhiễm khuẩn bằng kháng sinh theo kháng sinh đồ. Khi đã ổn định, bệnh nhân cần được hướng dẫn tập thở hàng ngày, vỗ rung, tập vận động sớm để phục hồi.

Lời khuyên của thầy thuốc

Cần nghiêm chỉnh thực hiện quy chế phòng chống cháy nổ tại nơi ở và nơi làm việc. Tuyệt đối không nổ máy xe hơi, xe máy trong gara, trong nhà ngay cả khi mở cửa. Không bao giờ đặt máy phát điện trong nhà hay ở gầm sàn nhà, gần cửa sổ hay cửa ra vào. Nên nhớ rằng, dù mở các cửa chính và cửa sổ hoặc dùng quạt vẫn không ngăn ngừa khí CO tích tụ trong nhà và có thể gây tai nạn chết người bất cứ lúc nào. Máy phát điện bao giờ cũng để cách xa cửa sổ và cửa chính đang mở. Tuyệt đối không đốt than, đốt củi trong nhà, trong phòng đóng kín cửa. Không bao giờ sử dụng thiết bị đốt khí gas không có thông hơi trong phòng kín hoặc trong phòng ngủ đề phòng tai nạn có thể xảy ra.

Tổn thương do bỏng đường hô hấp thường để lại những hậu quả rất nặng nề: nếu nhiệt độ khí nóng ở miệng là 350-5000C thì nhiệt độ ở thanh quản sẽ là 150-3500C, ở phần trên của khí quản là 80-1000C, ở chỗ phân đôi của khí quản là 65-950C; nhiệt độ máu ở tâm thất trái tới 440C, gây tổn thương cơ quan hô hấp như bỏng nặng, phù nề, bít tắc đường hô hấp, khí phế thũng, xẹp phân thùy phổi... Các tai nạn chết người do bỏng đường hô hấp và ngộ độc khí CO thường xảy ra do bất cẩn khi hàn xì ở nhà xưởng hầm lò, nổ máy xe hơi và xe máy trong phòng kín; đốt bếp than, bếp gas khi ngủ ở phòng kín...

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Từ khóa » Bỏng Hô Hấp