Xử Trí Sai Cách Khi Côn Trùng Bay Vào Mắt Có Thể Gây Mù

Cô gái này khi được tiến hành đo thị lực chỉ đạt 3/10. Thị lực bệnh nhân giảm do khi không may bị côn trùng bay vào mắt, cô gái khó chịu, tìm cách dụi để đẩy dị vật ra ngoài.

Tuy nhiên cô gái này vẫn còn may mắn, có những trường hợp chỉ vì vài hạt bụi hay côn trùng bay vào mắt mà đã có người phải múc bỏ mắt do dụi, sau đó bị sưng nề, viêm nhiễm đã tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, corticoi để nhỏ mắt mà không đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường.

Xử trí sai cách khi côn trùng bay vào mắt có thể gây mù - 1

Tuyệt đối không dụi mắt khi có dị vật bay vào.

Theo TS Cương, tình trạng dụi mắt khi côn trùng, dị vật bụi, sạn bay vào mắt rất phổ biến. Phản xạ đầu tiên của người bị dị vật bay vào mắt thường cố thổi, hoặc dụi với mong muốn dị vật di chuyển ra đầu mắt, đuôi mắt để “khều” ra ngoài.

Hành vi dụi mắt khiến dị vật bị cọ xát mạnh với mắt làm rách giác mạc. Đặc biệt, trong tình trạng bị côn trùng bay vào mắt, việc dụi mắt rất nguy hiểm do côn trùng bị dập nát trong mắt và tiết nhiều độc tố hơn, thậm chí lông của côn trùng có thể xuyên sâu rất khó lấy ra và gây viêm nhiễm, suy giảm thị lực.

Có những trường hợp độc tố của công trùng (như kiến ba khoang hay phấn bướm) tiết ra khiến bệnh nhân bị bỏng giác mạc, mắt phù nề, giảm thị lực.

Trong khi đó, nguy cơ bị dị vật chui vào mắt rất phổ biến, đi đường chỉ một cơn gió có thể cuốn bụi, sỏi nhỏ bay vào mắt. Hay đi đường ở các vùng nông thôn không có kính bảo hộ dễ bị côn trùng bay vào mắt.

TS Cương khuyến cáo, khi gặp tình huống này, cần bình tĩnh để xử trí đúng cách. Theo đó, tuyệt đối không được dụi mắt. Hãy chớp mắt liên tục để loại bỏ dị vật nhỏ, hoặc dùng nước muối sinh lý nhỏ nhiều rồi chớp mắt để các dị vật nhỏ trong mắt trôi ra một cách tự nhiên.

Trong trường hợp ở nhà có thể nhúng bên mắt có dị vật vào một bát nước sạch và chớp liên tục để dị vật trôi ra, tuyệt đối không dụi mắt.

Sau đó, dùng nước muối sinh lý hay thuốc nhỏ mắt có thành phần Natri clorid 0,9% để tra mắt nhiều lần trong ngày, nhỏ với số lượng lớn để rửa trôi dị vật còn xót lại, nhất là với những trường hợp bị côn trùng bay vào mắt.

Nếu xử lý như trên mắt vẫn cộm, khó chịu, dị vật chưa ra hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất.

Bác sĩ Cương cũng lưu ý nhiều người mắt thường rửa mắt bằng cách nhỏ nước muối sinh lý. Tuy nhiên khi sử dụng nước muối để rửa mắt hằng ngày cần phải lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, không chất bảo quản để sử dụng cho chăm sóc mắt để an toàn vì mắt là cơ quan nhạy cảm, dễ phản ứng, dị ứng.

Tuyệt đối không dùng chung các loại thuốc nhỏ mắt, bao gồm cả muối sinh lý. Mỗi người nên dùng riêng một lọ, khi nhỏ mắt tránh chạm vào đầu lọ để tránh nhiễm khuẩn. Cũng cần lưu ý thêm, nước muối sinh lý không nên một lọ dùng cả năm, không nhớ mở từ bao giờ cứ thấy là nhỏ mắt. Khuyến cáo của các bác sĩ một lọ nước muối sinh lý sau khi mở nắp chỉ nên dùng trong 2 tuần. Tương tự, nước mắt nhân tạo, thuốc nhỏ mắt cũng chỉ nên dùng trong 2 tuần sau khi mở nắp, có những loại không có chất bảo quản thời gian sử dụng còn ngắn hơn.

Việc sử dụng lọ thuốc đã mở nắp để lâu ngày có thể gây nhiễm khuẩn do lọ thuốc tiếp xúc với môi trường, dùng lâu dài lại càng gây hại.

"Hãy nhớ, trước khi dùng thuốc nhỏ mắt hãy rửa tay thật sạch, mở nắp thuốc, nhỏ 1 - 2 giọt vào cung đồ dưới (đây là hồ chứa thuốc), sau khỉ bỏ tay chớp chớp mắt 1 - 2 cái. Tiếp đó, hãy đóng thật chặt nắp thuốc để tránh nhiễm khuẩn", BS Cương hướng dẫn.

Hồng Hải

Từ khóa » Cách Chữa Muỗi Bay Vào Mắt