Xuân Nhâm Dần - Lan Man Chuyện “cọp” Cù Lao

 

Cửa ngã ba Vàm Đại Ngãi

 

    Có thể nói, Cù Lao Dung là vùng đất cách biệt với đất liền, ngay cả khi đã định hình một dãy rừng cây ngập tràn màu xanh mượt mà do hàng trăm năm phù sa bồi lắng. Dù đã hình thành một dải đất giồng nhấp nhô trên mặt nước, nhưng hầu như ít có dấu chân người, nguyên nhân chủ yếu là do các cư dân đang quan tâm khai thác các khu vực trong đất liền còn quá nhiều hoang hóa. Mãi đến đầu thế kỷ XVIII, vùng đất cù lao bắt đầu nhen nhóm việc khai phá theo con nước thủy triều thường nhật. Bởi nơi đây, khi chưa có những con đê bao ngạn thì toàn bộ vẫn bị ngập dưới con nước thủy triều trên dòng sông Ba Thắc (sông Hậu). Với địa hình như thế là điều kiện thuận lợi cho các loài thực vật sinh sôi, nẩy nở khắp nơi, mà “đặc sản” trên dải đất này là cây bần, dừa nước, cây giá… trở thành những rừng cây bạt ngàn và là một nơi cư ngụ lý tưởng của nhiều loại thú rừng hoang dã, trong đó, cũng là nơi trú ngụ của loại cọp đồng bằng, loài thú dữ của vùng sông nước.

    Trong tiến trình hình thành và phát triển, vùng đất cù lao này đã khoác lên mình nhiều tên gọi khác nhau: Huỳnh Dung Châu, Cù lao Hổ Châu, Cù lao Duông và cuối cùng là Cù Lao Dung. Không phải ngẫu nhiên mà tên “Cù lao Hổ Châu” đã có một thời được người dân địa phương nhắc tới. Có nhiều giả thuyết cho rằng, trong thời kỳ đầu của tiến trình khai phá vùng đất mới, khi mõm đất đầu tiên đã nhô lên khỏi mặt nước và nhanh chóng “nuôi nấng” 2 loài cây hoang dại nhưng nức tiếng khắp vùng sông nước Nam bộ sau này là cây bần và dừa nước. Sau này một đám “ăn theo” gồm những cây giá, cây dà, cây đước, tràm… dần dần hình thành nên những khu rừng rậm bạt ngàn. Lúc này, Cù Lao Dung vẫn chưa có dấu chân người, mà nơi đây là nơi trú ngụ của loài cọp vùng sông nước từ bên bờ của cửa Định An bơi qua sinh sống.

    Những năm đó, người dân trong vùng xung quanh thường thấy những con cọp hay mon men xuống mé rạch, mé sông để săn mồi, thỉnh thoảng lại thấy chúng “thả bè” qua Vàm Tấn hoặc giáp ranh Kế Sách, rồi sau đó chúng lại kéo nhau trở lại vùng đất cù lao là nơi trú ngụ chính. Theo cố học giả Vương Hồng Sển và nhà nghiên cứu Sơn Nam, thì cọp đồng bằng không to lớn như cọp vùng rừng núi, chúng chỉ nhỉnh hơn giống chó săn bản địa và cũng không “oai phong, lẫm liệt” như giống cọp ở vùng sơn địa chánh gốc. Có lẽ thế nên trong dân gian có câu: Rồng lên trên cạn bị tôm giỡn/ Cọp xuống đồng bằng bị chó khinh”.

Con đường huyết mạch Cù Lao Dung

 

    Theo nhiều sử liệu, cọp Cù Lao Dung có nguồn gốc từ vùng rừng sác của đất Gia Định xưa, dần dần chúng di chuyển về miệt Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh với những di tích, địa danh như: Giồng Ông Hổ, Bưng Hai Hổ, Miếu Ông Hổ. Ở vùng rừng rậm ven biển, vùng rừng sác cù lao, những người đến đốn cây khai phá ở một khu nào đó dùng mọi cách gây ra những tiếng động lớn để cọp (nếu có) sẽ dạt đi nơi khác. Nhưng cọp vùng sông nước thường ít khi vồ người, chúng chỉ mò cua, bắt ốc, chụp chim, săn chồn… là những món ăn hàng ngày của chúng.

    Sang đầu thế kỷ XIX, tình hình khai hoang lập nghiệp trên vùng sông nước cù lao đã bắt đầu tác động rất lớn không chỉ đối với những cô chú cọp lem luốc mà còn ảnh hưởng đến nhiều chủng loài khác. Vùng cù lao không còn hình ảnh “dưới sông sấu nổi, trên bờ cọp um” nữa, chúng thả bè vượt sông Ba Thắc để tìm đến những vùng rừng chưa khai hoang còn lắm hoang vu. Khi cọp không còn thì tên gọi cù lao Hổ Châu cũng dần dần biến mất, thay vào đó là vùng đất Cù Lao Dung màu mỡ ngày hôm nay.

Kỳ Lâm

Từ khóa » Cù Lao Cọp