Xuân Quỳnh – Wikipedia Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. Mời bạn giúp hoàn thiện bài viết này bằng cách bổ sung chú thích tới các nguồn đáng tin cậy. Các nội dung không có nguồn có thể bị nghi ngờ và xóa bỏ. |
Xuân Quỳnh | |
---|---|
Chân dung Xuân Quỳnh | |
Sinh | Nguyễn Thị Xuân Quỳnh 6 tháng 10, 1942Hà Đông, Bắc Kỳ, Liên bang Đông Dương |
Mất | 29 tháng 8, 1988Hải Dương, Việt Nam | (45 tuổi)
Nguyên nhân mất | Tai nạn giao thông |
Quốc tịch | Việt Nam |
Nghề nghiệp | Nhà thơ |
Năm hoạt động | 1962–1987 |
Tác phẩm nổi bật |
|
Phối ngẫu | Lưu Tuấn (cưới 1964–1972)Lưu Quang Vũ (cưới 1973–1988) |
Con cái | Lưu Tuấn AnhLưu Quỳnh Thơ |
Giải thưởng | Giải thưởng Nhà nước 2001 – Văn học nghệ thuật Giải thưởng Hồ Chí Minh 2017 – Văn học nghệ thuật |
Xuân Quỳnh (6 tháng 10 năm 1942 – 29 tháng 8 năm 1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở làng La Khê, quận Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), là một nữ nhà thơ người Việt Nam. Bà nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa. Bà được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học Việt Nam.
Sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 2 năm 1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà từng nhiều lần đi Nhật Bản để làm phim và dự Đại hội thanh niên sinh viên lần thứ nhất thế giới năm 1959 tại Vienna (Áo).
Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh theo học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, bà bắt đầu làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Xuân Quỳnh là hội viên báo Văn Nghệ từ năm 1967, là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ, trước đó, Xuân Quỳnh kết hôn lần đầu với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương sau đó ly hôn. Từ năm 1978 đến lúc mất, Xuân Quỳnh là biên tập viên của Nhà xuất bản Tác phẩm mới.
Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương, cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.
Bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Ngày 30 tháng 3 năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký Quyết định số 602 chính thức truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho cố nhà thơ Xuân Quỳnh với hai tập thơ là Lời ru trên mặt đất và Bầu trời trong quả trứng.[1][2]
Tác phẩm
[sửa | sửa mã nguồn]Các tác phẩm chính:
- Tơ tằm – Chồi biếc (thơ, in chung phần Chồi biếc, Nhà xuất bản Văn học, 1963), 18 bài thơ
- Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung, 1968), 28 bài thơ
- Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974)
- Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978), 34 bài thơ
- Cây trong phố – Chờ trăng (thơ, in chung phần Chờ trăng, 1981)
- Sân ga chiều em đi (thơ, 1984)
- Tự hát (thơ, 1984)
- Hoa cỏ may (thơ, 1989), 18 bài thơ
- Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994)
- Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (1994)
- Không bao giờ là cuối (thơ, 2011), 21 bài thơ
- Tiếng gà trưa (1984)
Các tác phẩm viết cho thiếu nhi
- Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi, 1981)
- Bầu trời trong quả trứng (thơ văn thiếu nhi, 1982), 32 thơ và 16 văn
- Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985)
- Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984)
- Vẫn có ông trăng khác (truyện thiếu nhi, 1986)
- Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995)
- Chú gấu trong vòng đu quay (tập truyện)
Các bài thơ được phổ nhạc
- Sóng (nhóm sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) trong năm 4/2017)
- Thơ tình cuối mùa thu (Phan Huỳnh Điểu)
- Thuyền và biển (Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc 12 câu cuối trong những năm 80)
- Mẹ của anh (Trịnh Vĩnh Thành)
Thành tựu nghệ thuật
[sửa | sửa mã nguồn]Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã trở nên nổi tiếng như Thuyền và biển, Sóng (viết năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào năm 1968), Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh... Các bài thơ Sóng, Tiếng gà trưa, Chuyện cổ tích về loài người (Lời ru trên mặt đất, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1978) được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt nam. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ: Thuyền và biển (tháng 4 năm 1963), Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh.
Gia đình
[sửa | sửa mã nguồn]Bà từng kết hôn hai lần. Bà kết hôn lần đầu với nhạc công chơi đàn violon Lưu Tuấn. Xuân Quỳnh và Lưu Tuấn có một con trai tên là Lưu Tuấn Anh. Sau khi li hôn chồng, bà vẫn ở chung một tòa nhà với chồng con ở phố Huế, Hà Nội.[3]
Lần thứ hai bà kết hôn với Lưu Quang Vũ (1948–1988) vào năm 1973. Lưu Quang Vũ kém Xuân Quỳnh 6 tuổi, đã li dị vợ là nghệ sĩ ưu tú Tố Uyên (1948–) vào năm 1972 và có một con trai riêng với Tố Uyên tên là Lưu Minh Vũ. Tháng 2 năm 1975, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh có với nhau một con trai đặt tên là Lưu Quỳnh Thơ (tên ở nhà là Mí). Lưu Quỳnh Thơ sau đó mất lúc 13 tuổi cùng với cha mẹ trong vụ tai nạn năm 1988.[4]
Vinh danh
[sửa | sửa mã nguồn]Vào ngày 6 tháng 10 năm 2019, nhân dịp kỉ niệm 77 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh, Google đã chính thức thay đổi ảnh đại diện logo trên trang chủ của mình thành bức hoạ cơ Xuân Quỳnh cùng với hình ảnh con thuyền lướt trên sóng và đàn chim trên bầu trời. Hình ảnh này nằm trong bộ sưu tập các Doodle của Google được lập ra nhằm tôn vinh những nhân vật, sự kiện nổi tiếng và đáng nhớ có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Như vậy, sau cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cố họa sĩ Bùi Xuân Phái vừa được Google vinh danh trên trang chủ, Xuân Quỳnh là danh nhân Việt Nam thứ 3 và là người phụ nữ Việt đầu tiên được Google vinh danh.[5][6]
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có một con đường nội khu của một khu đô thị mang tên Xuân Quỳnh.[5]
Tại Hà Nội, tên của bà được đặt cho một con phố ở quận Cầu Giấy, nằm trong khu đô thị Trung Yên.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn] Wikiquote có sưu tập danh ngôn về: Xuân Quỳnh- Sóng
- Thuyền và biển
- Tiếng gà trưa
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ “Nhà thơ Xuân Quỳnh đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh”.
- ^ “Xuân Quỳnh trở thành nữ văn sĩ đầu tiên của Việt Nam được Google vinh danh”. Báo Tuổi trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Trần Hoàng Thiên Kim (5 tháng 12 năm 2013). “Con trai đầu của nữ sĩ Xuân Quỳnh: Mẹ là mẫu hình lý tưởng”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2017.
- ^ Lê Bảo Trung (28 tháng 8 năm 2013). “Vụ tai nạn Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Kỳ 1: Mùa hè định mệnh!”. Báo Dân trí. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2017.
- ^ a b “Xuân Quỳnh trở thành nữ văn sĩ đầu tiên của Việt Nam được Google vinh danh”.
- ^ Hà Thu (6 tháng 10 năm 2019). “Google vinh danh nữ sĩ Xuân Quỳnh”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2021. Truy cập 7 tháng 11 năm 2021.
| |
---|---|
Đợt 1 (1996) |
|
Đợt 2 (2000) |
|
Đợt 3 (2007) |
|
Đợt 4 (2012) |
|
Đợt 5 (2017) |
|
Đợt 6 (2022) |
|
#: Được truy tặng giải thưởng sau khi qua đời. |
Từ khóa » Hình ảnh Nhà Thơ Xuân Quỳnh
-
Những Hình ảnh đầy ắp Tình Yêu Của Gia đình Xuân Quỳnh
-
Nhà Thơ Xuân Quỳnh - Tin Tức, Hình ảnh, Video, Bình Luận
-
[PDF] Hình ảnh Biểu Tượng Trong Thơ Xuân Quỳnh
-
Xuân Quỳnh - Vẫn Mãi Một Tình Yêu
-
Top 10 Bài Thơ Nổi Tiếng Của Nhà Thơ Xuân Quỳnh
-
Hình Tượng ám ảnh Trong Thơ Xuân Quỳnh - Khoa Văn Học
-
Xuân Quỳnh Trở Thành Nữ Văn Sĩ đầu Tiên Của Việt Nam được Google ...
-
Chuyện Tình đẹp Nhưng đầy Bi Thương Của Xuân Quỳnh
-
Những Trang Thơ Xuân Quỳnh Ngọt Ngào Hay Nhất Mọi Thời đại
-
Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ: Từ đường Tình Yêu, Nghệ Thuật đến ...
-
Những Bài Thơ Hay Nhất Của Nhà Thơ Xuân Quỳnh - Sách Hay 24H
-
Hình ảnh Nhà Thơ Xuân Quỳnh Xuất Hiện Trên Biểu Tượng Google
-
Đặt Tên đường Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh: “Thành Phố đang Tôn ...