Xuất Khẩu Cán đích Sớm | .vn

Nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu của tỉnh, có thể nhận thấy trong năm 2013, nhóm hàng dệt may, giày dép, xi măng-clanke là những nhóm hàng có giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, giá trị xuất khẩu tăng. Riêng kim ngạch xuất khẩu ximăng-clanke đạt 5,2 triệu tấn, tăng 36,8% so với năm 2012 và chiếm 36,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2013, hàng hóa của tỉnh xuất khẩu sang 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhìn chung, một số thị trường truyền thống ở khu vực châu Âu (chủ yếu là hàng dệt may) vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng. Thị trường châu á kim ngạch tăng do xuất khẩu mặt hàng clanhke sang thị trường Hồng Kông, Singapore tăng mạnh… Nhóm hàng may mặc xuất khẩu ước đạt 195 triệu USD, chiếm 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, vượt 9,8% kế hoạch năm, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; Đơn cử như Công ty TNHH NiengHsing (Khu công nghiệp Khánh Phú) là doanh nghiệp dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh, ước đạt 67,63 triệu USD cả năm 2013.

Mặc dù gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh giảm sút so với cùng kỳ năm trước nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm truyền thống vẫn tạo được sự ổn định, phát triển sản xuất và tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao được coi là "lá cờ đầu" với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,1 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ, tạo việc làm và đời sống ổn định cho người lao động trực tiếp và những người nông dân ở vùng nguyên liệu.

Cũng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống như cói, thêu ren, mây tre đan... cũng giảm sút so với cùng kỳ. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,4 triệu USD, giảm 56,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ vẫn duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động khu vực nông thôn, các mặt hàng thủ công của tỉnh chủ yếu vẫn xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu đầu mối thuộc các tỉnh, thành phố lớn. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại để nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời hỗ trợ quảng bá, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Theo đánh giá của ngành Công thương, kim ngạch xuất khẩu 580 triệu USD trong năm 2013 của tỉnh so với nhiều địa phương khác còn rất "khiêm tốn". Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, quy mô kinh tế của địa phương cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn thì kết quả đó đã là sự nỗ lực rất lớn. Hơn nữa, ngoài những ngành hàng giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động như may mặc, giày dép, tỉnh cũng chú trọng đến những ngành hàng xuất khẩu truyền thống mang lại giá trị gia tăng cao, gắn với vùng nguyên liệu, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nhất là lao động ở vùng nông thôn, như hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm chế biến xuất khẩu. Cùng với hỗ trợ đào tạo nghề, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh đang tập trung xây dựng thương hiệu một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Những kết quả đạt được trong lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh những năm gần đây, ngoài sự quan tâm của tỉnh với việc xây dựng đề án về phát triển xuất khẩu giai đoạn 2011- 2015, cần có sự nỗ lực rất lớn của ngành Công thương. Trước hết, trong hoạt động khuyến công, đã tập trung cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp thông qua hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ mô hình phát triển với các nghề như đan cói, đan bèo, mây tre đan vốn là thế mạnh của địa phương về xuất khẩu và giải quyết việc làm. Một công tác khác hết sức quan trọng đó là hoạt động xúc tiến thương mại. Với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách tỉnh, Sở Công thương đã tổ chức, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ ngành hàng để quảng bá sản phẩm địa phương, hỗ trợ các đơn vị tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước, tập trung cho các ngành hàng có thế mạnh, ngành hàng truyền thống...

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ xuất khẩu năm 2014 đạt trên 600 triệu USD, thời gian tới, ngành Công thương đã đề ra giải pháp tổng thể. Trước hết là phối hợp với các ngành đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt, may trên địa bàn; các dự án có công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn như: Linh kiện điện tử, điện thoại... Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, tập trung hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu mới...Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 8-10-2012 của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ đến năm 2015, tập trung vào các nội dung: Bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống (cói, thêu ren, chế tác đá...); đầu tư cơ sở hạ tầng các làng nghề; quy hoạch trung tâm giới thiệu và bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của tỉnh. Cùng với đó, Sở sẽ đẩy mạnh công tác đánh giá, dự báo thị trường; tổ chức tập huấn phổ biến nội dung cam kết quốc tế, làm rõ các lợi thế mà Việt Nam có thể thụ hưởng để các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, cải cách thủ tục hành chính để phục vụ xuất khẩu hàng hóa.

Với nhiều giải pháp đồng bộ và sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người lao động, tin rằng không lâu nữa, tỉnh ta sẽ vào top những địa phương có thành tích xuất khẩu mạnh trong cả nước.

Thanh Chiên

Từ khóa » Cờ Clanhke