Xuất Khẩu Của Việt Nam Sang Các Thị Trường CPTPP Tăng Trưởng ...

Ba năm đầu thực thi Hiệp định CPTPP là thời điểm kinh tế - thương mại toàn cầu nói chung và các đối tác trong khối nói riêng đứng trước rất nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng.

Xuất khẩu 46 tỷ USD sang thị trường CPTPP

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường thuộc khối CPTPP năm 2021 đều ghi nhận mức tăng trưởng dương.

Theo Bộ Công thương, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 91,4 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu nông sản, máy móc - thiết bị, điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản… sang 10 quốc gia thành viên CPTPP với giá trị 46 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 45,4 tỷ USD.

Trong đó, các thị trường xuất khẩu đạt giá trị lớn gồm: Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Chi-lê. 3 thị trường còn lại (Pê-ru, Brunei và New Zeland) dù tăng trưởng mạnh, nhưng giá trị tuyệt đối trong giao dịch thương mại còn thấp.

Chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019, CPTPP đã qua chặng đường 3 năm đầu thực thi. Trong 3 năm qua, kinh tế - thương mại toàn cầu nói chung và thương mại giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP nói riêng đứng trước rất nhiều khó khăn.

Năm 2019, thương mại quốc tế bị ảnh hưởng đáng kể bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột thương mại ở nhiều khu vực trên thế giới, sự suy giảm tương ứng của nhiều nền kinh tế...

Năm 2020 - 2021, Covid-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu, hoạt động thương mại bị xáo trộn chưa từng có tiền lệ. Diễn tiến dịch bệnh, chính sách giãn cách xã hội, các quyết định đóng cửa tạm thời nền kinh tế, đứt gãy chuỗi sản xuất và vận tải… là những yếu tố hoàn toàn mới, bất thường, tác động trực tiếp tới hoạt động thương mại.

Trong bối cảnh đó, thương mại giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP vẫn được duy trì liền mạch, thông suốt. Năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối này đạt 39,5 tỷ USD. Năm thứ hai (năm 2020), dưới tác động của Covid-19, kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ, đạt 38,75 tỷ USD, nhưng bước sang năm thứ ba đã lấy lại đà tăng trưởng, đóng góp đáng kể vào kết quả xuất khẩu hơn 336,3 tỷ USD của cả nước, cho thấy nỗ lực vượt khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam.

Dư địa còn rất lớn

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, trong 3 năm qua, các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng khá tốt những lợi thế của CPTPP để gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường thành viên trong Khối.

“Khác với khu vực Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu tương đối truyền thống của Việt Nam, khu vực CPTPP, đặc biệt là các nước châu Mỹ như Canada, Mexico, Pê-ru là những thị trường tương đối mới. Trước khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này còn khiêm tốn, nhưng kể từ khi có CPTPP đã tăng lên đáng kể. Điều này phản ánh, các doanh nghiệp đã tận dụng được hiệp định thương mại tự do (FTA) này để đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Hải nói.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng lên 80 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở một góc độ khác, việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.

Dễ thấy nhất là các thị trường mới của Việt Nam trong CPTPP (Canada, Mexico và Pê-ru) có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh: “CPTPP đang cho kết quả ban đầu rất tích cực từ góc độ mở đường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiến vào châu Mỹ, một khu vực còn mới mẻ và rất nhiều tiềm năng cho Việt Nam”.

Đơn cử, với Canada, theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Canada, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada năm 2021 đạt gần 5,3 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng dương năm thứ 3 liên tiếp kể từ năm 2019, sau khi Việt Nam và Canada chính thức trở thành thành viên CPTPP.

Tất cả các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada trong năm 2021 đều tăng trưởng so với năm 2020. Trong đó, máy móc, điện, điện tử là mặt hàng chủ lực, đóng góp chính vào tổng giá trị xuất khẩu. Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và năng lực sản xuất ấn tượng của doanh nghiệp Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Canada, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á, nhưng hàng Việt mới chiếm 1,7% tổng giá trị nhập khẩu của Canada, nên dư địa thị trường còn rất lớn. Việc Chính phủ Canada tiếp tục theo đuổi chiến lược đa dạng hóa thị trường và coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp Việt tiếp cận và mở rộng khai thác thị trường tiềm năng này.

Giới chuyên gia nhận định, năm 2022, các FTA, trong đó có CPTPP, sẽ tiếp tục mở ra những lợi thế về ưu đãi thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, từ đó giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế. Nhờ đó, xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: Báo Đầu tư

Từ khóa » Cơ Cấu Xuất Khẩu Của Việt Nam