Xuất Khẩu Dệt May Tăng Mạnh Nhưng Còn Rủi Ro - Báo Nhân Dân

Theo báo cáo từ VCBS, trong năm 2021, Việt Nam chứng kiến sự gia tăng lớn trong xuất khẩu xơ, sợi, vải đạt 5,6 tỷ USD, tăng 50,2% so với năm 2020. Việt Nam lần đầu tiên vượt Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu xơ, sợi lớn thứ 6 trên thế giới. Trong xu hướng có sự dịch chuyển các đơn hàng khỏi Trung Quốc, Việt Nam trở thành nước được hưởng lợi, theo đó lượng nhập khẩu xơ, sợi tăng mạnh, đạt 16 tỷ USD để đáp ứng các đơn hàng thiết bị bảo vệ cá nhân cho EU và Mỹ. Nhờ khả năng chống dịch giai đoạn 2020 tốt hơn các nước xuất khẩu xơ, sợi khác, Việt Nam trở thành điểm sáng giữa các quốc gia đang vật lộn vì dịch bệnh, có sự giảm mạnh trong nhập khẩu xơ, sợi như Bangladesh, Indonesia…

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu may mặc tập trung vào 10 quốc gia có thị phần lớn nhất. Trung Quốc và EU luôn là hai khu vực xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới (năm 2020 đạt lần lượt 141,6 tỷ USD và 125,3 tỷ USD, tổng chiếm 60% giá trị xuất khẩu may mặc trên thế giới). Việt Nam lần đầu tiên vượt Bangladesh với 28,6 tỷ USD xuất khẩu may mặc, xếp thứ 3 thế giới. Đứng đầu về nhập khẩu hàng may mặc là các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản chiếm đến 62% tổng giá trị nhập khẩu may mặc toàn cầu, giảm mạnh so với con số 75% năm 2019. Thêm vào đó, giá trị nhập khẩu riêng lẻ giảm 8-14% so với 2019 do nhu cầu giảm bởi Covid-19.

Xơ, sợi dệt của Việt Nam, đặc biệt là xơ tái chế, được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, chiếm đến gần 60% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2021, giá trị xuất khẩu xơ, sợi dệt sang Trung Quốc tăng mạnh 39% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, một phần do giá bán xơ tái chế cao hơn giá xơ nguyên sinh. Thị trường xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam chủ yếu là Mỹ (chiếm đến 45-50% tổng giá trị). Năm 2021, giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt 16 tỷ USD (tăng 15% so với cùng kỳ).

Mỹ chiếm gần 60% kim ngạch nhập khẩu bông vào Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2021, trị giá nhập khẩu bông từ Mỹ giảm 11% so với cùng kỳ dẫn đến thị phần giảm 22% còn 36%. Đối với vải và xơ, sợi dệt, Trung Quốc luôn là nhà cung ứng hàng đầu khi chiếm xấp xỉ 60% kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này vào Việt Nam. Năm 2021, trị giá nhập khẩu vải và xơ, sợi dệt từ Trung Quốc tăng lần lượt 25% và 33% so với cùng kỳ, nâng thị phần nhập khẩu từ quốc gia này lên xấp xỉ 2-3%. Ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng làm thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2021.

Năm 2021 đánh dấu sự tăng trở lại về trị giá nhập khẩu các mặt hàng dệt may nhằm giải tỏa nhu cầu bị dồn nén trong giai đoạn bùng phát Covid-19. Cụ thể kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ đạt 114 tỷ USD, tăng 27,2% so với năm 2020 và 2,7% so với năm 2019, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam tăng 15,2% so với năm 2020 và 7,2% so với năm 2019. Việt Nam đứng thứ 2 thị phần nhập khẩu dệt may tại Mỹ. Đến năm 2021, thị phần của Việt Nam giảm nhẹ 1% do ảnh hưởng từ các đợt giãn cách. Ngoài ra, mặt hàng dệt may Việt Nam có dấu hiệu bị chịu áp lực về giá. Sau khi nguồn cung giá rẻ là Trung Quốc bị ảnh hưởng, Mỹ có xu hướng gia tăng nhập hàng từ các nước có giá dệt may thấp hơn Việt Nam, khiến giá dệt may nhập từ Việt Nam giảm mạnh 7,7% so với cùng kỳ.

Các nước Đông Nam Á chủ yếu xuất khẩu xơ ngắn PSF (bao gồm cả tái chế và nguyên sinh) sang thị trường Trung Quốc, chiếm 47% tổng trị giá nhập khẩu xơ PSF trong năm 2021. Sản lượng xơ PSF nhập từ Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR 2018-2020 đạt 23,4%, trong đó chủ yếu là xơ PSF tái chế với mức giá cao hơn xơ nguyên sinh. Nhờ chú trọng đầu tư vào các nhà máy sản xuất xơ tái chế từ năm 2018 cộng kiểm soát dịch tốt khiến cho thị phần nhập khẩu xơ Việt Nam vào Trung Quốc trong khối Đông Nam Á tăng từ 30% vào năm 2018 lên 41% trong năm 2021.

Thiếu tự chủ về nguồn nguyên liệu cũng như tập trung chủ yếu vào gia công khiến Việt Nam tuy là nhà xuất khẩu may mặc lớn thứ 2 thế giới nhưng biên lợi nhuận vẫn rất thấp (xấp xỉ 5-6%). Đồng thời, với các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc, việc chuỗi cung ứng bị phân mảnh khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được lợi ích của các hiệp định FTA. Nhằm khắc phục vấn đề này, nhiều doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam như TNG, MSH, TCM... đều đang đẩy mạnh đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất từ năm 2020, gia tăng ký kết các hợp đồng FOB để nới rộng biên lợi nhuận. Ngoài ra, để đón đầu sự dịch chuyển nguồn hàng từ Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng chú tâm vào xây mới và mở rộng nhà máy sản xuất lên 15-30% công suất hiện tại. Trong đó có nhiều nhà máy đã bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2021.

Ngành dệt may định hướng xuất khẩu là động lực chính. Hiệp định EVFTA, CPTPP, RCEP hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu dệt may, dự kiến thị phần dệt may của Việt Nam tại EU và Mỹ vẫn mở rộng. Nhiều quốc gia giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc tạo đà cho sự phát triển của các quốc gia khác bao gồm Việt Nam. Nhờ những thuận lợi trong thị trường xuất khẩu mục tiêu, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số trong năm 2021. Các doanh nghiệp xơ, sợi đánh dấu sự tăng trưởng tích cực về lợi nhuận, lẫn biên lợi nhuận trong năm 2021 do giá trung bình xuất khẩu xơ, sợi tăng mạnh 38%, tăng nhanh hơn tốc độ tăng của giá bông nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất (+24% so với cùng kỳ).

Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt doanh thu 18,7 tỷ USD trong bối cảnh thị trường tiếp tục bất ổn và chi phí đầu vào tăng. Căng thẳng giữa Nga - Ukraine đã tạo sức ép lên giá năng lượng. Hiện nay, hơn 60% thị phần sợi toàn cầu tập trung vào sợi nhân tạo tổng hợp vốn có nguồn gốc từ dầu mỏ, than đá, khí đốt. Do đó, xung đột Nga - Ukraine tác động trực tiếp và dự kiến sẽ đẩy mạnh giá sản xuất xơ, sợi trong năm 2022.

Các doanh nghiệp may mặc phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến động trong giá nguyên liệu. Giá bông và giá xơ, sợi nhập khẩu đầu năm nay giảm hơn 10% về lượng nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với cùng kỳ, trong khi giá trị các sản phẩm may mặc không tăng đủ để bù đắp chi phí tăng thêm (giá bán chỉ tăng 15-17% trong cùng một giai đoạn). Điều này làm thu hẹp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp may mặc. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã phải vật lộn để duy trì hoạt động sản xuất trong quý đầu năm do gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời giá đầu vào, nhiên liệu và chi phí hậu cần tăng vọt.

Từ khóa » Dệt May Xuất Nhập Khẩu