Xuất Khẩu Gỗ Rừng Trồng Vẫn Khả Quan - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ rừng trồng ở Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ rừng trồng ở Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Xuất khẩu gỗ thu triệu đô

Tỉnh Tuyên Quang hiện duy trì được hơn 132.000ha vùng nguyên liệu rừng trồng ổn định, trong đó diện tích rừng gỗ lớn là hơn 69.800ha, diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững FSC là 35.800ha. Tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, chế biến quy mô lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 9 nhà máy sản xuất chế biến gỗ rừng trồng. Nổi bật như Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, công suất 1,3 triệu m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang 680.000m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Na Hang 25.000 m3/năm... Ngoài ra, còn 300 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng quy mô vừa và nhỏ.

Những sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng của các nhà máy trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được đón nhận tại nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và công nghiệp của tỉnh.

Chỉ tính riêng các nhà máy của Công ty Woodsland Tuyên Quang, trung bình mỗi năm sản xuất ra 150.000m3 sản phẩm gồm ván dăm, ván ép và các sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất để xuất khẩu chủ yếu vào Tập đoàn IKEA - tập đoàn kinh doanh đồ gỗ lớn nhất thế giới.

Theo Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất chế biến cũng như xuất khẩu gỗ.

Tuy nhiên, năm 2021 ngành gỗ của tỉnh Tuyên Quang có thể nói là thành công trong việc đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh khi mà hàng loạt các sản phẩm gỗ và chế biến từ gỗ đều có những đóng góp không nhỏ trong giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Chỉ tính 9 tháng năm 2021, giá trị khẩu khẩu hàng hóa tỉnh Tuyên Quang đạt 117 triệu USD, bằng 82% kế hoạch năm và tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng mặt hàng gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, toàn tỉnh đã xuất khẩu được hơn 3.300 tấn giấy đế, giá trị hơn 1,7 triệu USD; bột giấy xuất khẩu được gần 8.000 tấn, giá trị khoảng hơn 4,7 triệu USD; gỗ tinh chế (ván dán) xuất khẩu với tổng giá trị hơn 4,3 triệu USD; gỗ ván ép xuất khẩu giá trị hơn 4,2 triệu USD.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp, nhà máy vẫn đạt được những đơn hàng triệu đô từ xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Ảnh: Đồng Thưởng.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp, nhà máy vẫn đạt được những đơn hàng triệu đô từ xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Ảnh: Đồng Thưởng.

Doanh nghiệp gặp khó

Giống như tình hình chung của cả nước, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang gặp phải đó là chi phí vận tải tăng cao cả đường bộ và đường thủy. Hàng hóa bị lưu kho tại cảng nhiều ngày do đó chi phí lãi ngân hàng đồng thuận tăng theo.

Song song với đó, một nguồn chi phí lớn phát sinh nữa đó là chi phí thuê nhân công có tay nghề cao cũng tăng lên, do 1 số bộ phận công nhân có tay nghề cao ở các tỉnh khác như Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ do dịch bệnh nên đã chuyển về địa phương làm việc.

Do khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nhiều hợp đồng thu mua gỗ được cấp chứng chỉ FSC trong dân của Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang chưa thực hiện được.

Trong khi đó, nhiều hộ gia đình thiếu tiền đã bán hàng nghìn ha diện tích gỗ rừng đã đến giai đoạn được khai thác ra ngoài thị trường với giá như gỗ rừng thông thường.

Như vậy, trung bình mỗi mét khối gỗ, chủ rừng sẽ mất từ 5 đến 7% giá trị gia tăng mà rừng được cấp chứng chỉ FSC được hưởng.

Công ty CP Bột giấy và giấy An Hòa là một trong những đơn vị sản xuất chế biến lâm sản lớn nhất tỉnh Tuyên Quang với công suất đạt 1.300.000 m3/năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều thách thức.

10 tháng năm 2021, Công ty Giấy An Hòa đã thực hiện xuất được hơn 7.900 tấn bột giấy, 560 tấn giấy in, giấy viết... Đây là những kết quả khả quan trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tuy nhiên, do chủ động nắm bắt và thích ứng được những thay đổi của thị trường, công ty nỗ lực thực hiện song song nhiệm vụ phòng dịch đi đôi với sản xuất, đồng thời không ngừng nghiên cứu và đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính, nhân sự Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường bột giấy và giấy gần như bị đóng băng, giá sản phẩm xuống thấp kỷ lục. Công ty cũng đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hoá, doanh thu giảm so với 2020.

Gữa năm 2021, thời điểm dịch bùng phát mạnh, nhưng nhờ có định hướng chiến lược rõ ràng, linh hoạt, nhạy bén, sự đoàn kết của cả tập thể ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên trong công ty, sự đồng hành, ủng hộ của các khách hàng nên các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy, Công ty Cổ phần Giấy An Hòa đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, làm chủ thị trường để cố gắng hoàn thành mục tiêu trong năm 2021.

Tuyên Quang cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Đào Thanh.

Tuyên Quang cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Đào Thanh.

Đồng hành doanh nghiệp

Trước khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 1474, ngày 27/9/2021 về việc thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thành viên trong tổ công tác đã gặp gỡ doanh nghiệp, người dân nắm bắt tình hình, khó khăn vướng mắc để có giải pháp đồng hành gỡ khó.

Cùng với đó, thực hiện chương trình Khuyến công quốc gia, năm 2020 tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ cho 8 cơ sở công nghiệp nông thôn gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất may, đồ gỗ, chè…, tổng vốn được hỗ trợ 2,2 tỷ đồng. Năm 2021, tỉnh đang triển khai hỗ trợ 3 cơ sở công nghiệp nông thôn, tổng kinh phí 800 triệu đồng.

Thực hiện chương trình Khuyến công địa phương, năm 2020 tỉnh hỗ trợ cho 7 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng thiết bị trong sản xuất trà, đồ gỗ, giấy…, tổng kinh phí hỗ trợ 560 triệu đồng; năm 2021 hỗ trợ cho 5 cơ sở công nghiệp nông thôn, tổng kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng, doanh nghiệp sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cũng đã có văn bản đề nghị Công ty Điện lực Tuyên Quang thực hiện chính sách hỗ trợ giảm giá điện cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tháng 4, 5, 6, 10, 12 năm 2020, tổng số tiền trên 64 tỷ đồng.

Lập tổ công tác hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản

Ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm của ngành gỗ nói riêng và hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, tỉnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ kết nối nông sản có sản lượng lớn cho nông dân. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế cho đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp, người dân hoạt động trong lĩnh vực này.

Tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến EVFTA, CPTPP đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt thông tin và tận dụng cơ hội từ FTA mang lại.

Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang cũng đã gửi các văn bản đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp là đối tác, bạn hàng của các tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh Tuyên Quang tại các tỉnh, thành phố trên cả nước tạo điều kiện thuận lợi cho các xe hàng được thông thương, thông quan thuận lợi, đúng quy định.

Từ khóa » Gỗ ép Tuyên Quang