Xuất Khẩu Gỗ Và Lâm Sản Dự Kiến Năm 2022 đạt Khoảng 16,3 Tỷ USD

Sáng 14/7, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Quang Bảo – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện: Số vụ vi phạm giảm 1,2% so với cùng kỳ, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 50% so với cùng kỳ; số vụ cháy rừng giảm 65% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại một số tỉnh như Một số tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Trung. Nguyên nhân chủ yếu là phá rừng lấy đất làm nương rẫy.

Về công tác phát triển rừng, diện tích trồng rừng đạt 119.400 ha, đạt 49% kế hoạch, bằng 103,1% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vậy, nhiều tỉnh vẫn chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Chính sách về phát triển rừng còn hạn chế, nguồn kinh phí hỗ trợ còn thấp, chưa đáp ứng theo chính sách quy định, chưa kịp thời.

Về khai thác lâm sản, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung khoảng 8,5 triệu m3, đạt 46% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 56% kế hoạch. Xuất siêu ước đạt 7,508 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2021. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc - chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Bên cạnh những điểm sáng của ngành lâm nghiệp 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Diện – Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) – nhận định, hiện ngành lâm nghiệp đang phải đối diện với khó khăn kép khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, các đơn hàng xuất khẩu giảm tốc. Đặc biệt là tại Hoa Kỳ - một thị trường lớn trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam - sự biến động của thị trường này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành.“Mặc dù xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm tăng 3%, trong đó, xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng hơn 10% nhưng tại trường Hoa Kỳ lại giảm. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 9,1 tỷ USD, nếu nhân đôi lên thì dự kiến năm nay chúng ta có thể đạt chỉ tiêu cho ngành chế biến gỗ. Tuy nhiên, hiện các đơn hàng xuất khẩu đang bị giảm, thậm chí có những doanh nghiệp đã ngừng sản xuất”, ông Diện chia sẻ thêm.

Một vấn đề nữa được ông Diện đưa ra đó là mặt hàng dăm gỗ giá cao đang tăng cao, từ 130 USD/tấn thời điểm đầu năm lên 180 USD/tấn hiện nay. Tuy nhiên, việc này dẫn đến hệ lụy người dân sẽ bán gỗ non và ảnh hưởng đến chiến lược phát triển gỗ lớn.

Theo các chuyên gia, do tác động bởi tình hình dịch bệnh, chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc cũng như chi phí đầu vào tăng cao do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, khiến nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, nên người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Vì vậy, xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – nhận định, nếu diễn ra như hiện nay thì sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm còn nhiều biến động, đặc biệt là thị trường. Do đó, Tổng cục Lâm nghiệp cũng khuyến nghị các doanh nghiệp bên cạnh các thị trường truyền thống thì cần linh hoạt đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm.

Đối với nguồn nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu cần tăng cường việc sử dụng nguyên liệu trong nước, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Đồng thời liên kết với nhau để sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho chế biến để giảm được giá thành.

Với những khó khăn cả về thị trường đầu ra và nguồn nguyên liệu đầu vào, cũng như chi phí logistics, vận chuyển…. Tổng cục Lâm nghiệp dự báo, xuất khẩu gỗ và lâm sản cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 16,3 tỷ USD.

“Đến thời điểm này giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn tăng 3%. 6 tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu chỉ đạt 8,6 tỷ, còn 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 9 tỷ. Thường về 6 tháng cuối năm thì giá trị xuất khẩu cao hơn, nhưng năm nay thị trường chịu ảnh hưởng nhiều về nguyên liệu sản xuất, chi phí logictis,… do đó, chúng ta cần phải khắc phục sớm”,ông Nguyễn Quốc Trị cho biết thêm.

Về phía Tổng cục Lâm nghiệp sẽ chủ động họp bàn với các hiệp hội và các doanh nghiệp để một mặt vẫn chủ động đáp ứng các hợp đồng đã ký. Một mặt mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Mặc khác, sẽ bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu lâm sản đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2022.

Bên cạnh đó sẽ tập trung thực hiện, phối hợp các ngành chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời, sẽ nhân rộng mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm, qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.

Gỗ Việt

Từ khóa » Khoảng Gỗ