Xuất Khẩu Hàng Dệt May Sang Các Thị Trường Tháng 1/2021 đạt 2,66 ...

Xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường tháng 1/2021 đạt 2,66 tỷ USD

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng dệt may tháng 1/2021 đạt 2,66 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 12/2020 nhưng tăng 7,7% so với tháng 1/2020.

Riêng xuất khẩu vải đạt 199,4 triệu USD, chiếm 7,5% trong tỏng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này.

Xuất khẩu hàng dệt may của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 1,66 tỷ USD, chiếm 62,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, giảm 7% so với tháng 12/2020 nhưng tăng 21,7% so với tháng 1/2020.

Hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ đạt 1,31 tỷ USD, chiếm 49,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, giảm 2,9% so với tháng 12/2020 nhưng tăng 7,9% so với tháng 1/2020

EU đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 311,26 triệu USD, chiếm 11,7%; tiếp đến thị trường Nhật Bản đạt 289,48 triệu USD, chiếm 10,9%, giảm 11,4% và sang Hàn Quốc đạt 235,84 triệu USD, chiếm 8,9%.

Theo nhận định của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2021 ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn và bất định. Xu thế giảm giá, hàng hoá đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất sẵn có sẽ trở nên dư thừa và xuất hiện nhiều yêu cầu các năng lực sản xuất mới. Dù vậy, năm 2021, ngành dệt may vẫn đặt kế hoạch bằng 2020, xuất khẩu cao nhất đạt 39 tỷ USD.

Bộ Công Thương cho rằng, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Trong đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết giữa tháng 11/2020 sẽ được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội cho dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Trong thời gian tới, ngành dệt may cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ... Đồng thời, ngành dệt may cần tiếp tục tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà Hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, để đạt được kết quả tốt trong năm 2021, các doanh nghiệp dệt may cần phải tìm hiểu tình hình thay đổi của thị trường trong nước và quốc tế để tìm giải pháp phù hợp, chủ động ứng phó với tình hình kinh tế trong năm 2021. Ngoài ra, để thực hiện giải pháp vượt qua thách thức của dịch COVID-19 không có giải pháp nào khác là xây dựng các liên kết chuỗi của ngành công nghiệp dệt may trong khu vực, đặc biệt là liên kết chuỗi với các nước trong khối cộng đồng mà các hiệp định thương mại tự do, đây là vấn đề sống còn cho mục tiêu phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, ngành cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới. Đồng thời tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.

Xuất khẩu hàng dệt may tháng 1/2021

(Tính toán theo số liệu công bố ngày 8/2/2021 của TCHQ)

ĐVT: USD

vinanet.vn

Từ khóa » Thị Trường Xuất Khẩu Dệt May Của Việt Nam