Xuất Khẩu Ngành điều Còn Nhiều Thách Thức

Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 5/2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 49,9 nghìn tấn, trị giá 304,65 triệu USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 7,0% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 202,9 nghìn tấn, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 5,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.105 USD/ tấn, tăng 2,4% so với tháng 4/2022, nhưng giảm 0,6% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.992 USD/tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, tháng 5/2022 so với tháng 5/2021, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Anh, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Ả rập Xê út. Tính chung, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực tăng so với cùng kỳ năm 2021, gồm: Hoa Kỳ, Anh, Australia, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ả rập Xê út, Italy.

Mặc dù tính đến thời điểm này, xuất khẩu điều của Việt Nam đã vượt con số 1 tỷ USD, tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội điều Việt Nam, những diễn biến của thế giới như xung đột Nga – Ukraine, lạm phát toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu thụ và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, việc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “zero covid” khiến việc xuất khẩu điều của Việt Nam sang thị trường này tiếp tục gặp bất lợi.

Cùng với nguồn cung trong nước, một lượng không nhỏ xuất khẩu điều của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu điều thô. Số liệu của Hiệp hội điều Việt Nam cho hay, 5 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp ngành điều nhập khẩu khoảng 968.000 tấn điều thô từ nước ngoài với giá trị gần 1,4 tỷ USD, giảm 35,24% về lượng và giảm 37,84% về trị giá. Tuy nhiên, nếu xem xét giá nhập khẩu điều thô từ châu Phi từ đầu vụ đến nay đã tăng 15-20% so với cùng kỳ.

Theo các doanh nghiệp ngành điều, việc giá điều thô nguyên liệu tăng cao hơn 15-20% so với năm trước, cộng với chi phí xăng dầu, vận chuyển liên tục tăng trong khi giá điều nhân xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều nhà máy chế biến nhỏ đã phải tạm dừng sản xuất để "cắt lỗ", các nhà máy lớn cũng giảm công suất và chế biến cầm chừng vì càng chế biến nhiều thì càng lỗ.

Trong bối cảnh giá cước tàu biển vẫn neo ở mức cao so với trước dịch COVID-19, trong khi đó, giá nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, số lượng nhân điều xuất khẩu dự báo sẽ giảm trong những tháng tiếp theo, có thể kéo dài đến hết năm 2022.

Ngoài cung cầu, giá cả, chất lượng điều cũng là vấn đề. Theo Hiệp hội điều Việt Nam, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tắc nghẽn logistics, thiếu container rỗng trên quy mô lớn dẫn đến tình trạng nhiều lô điều thô nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam bị chậm tiến độ, một số phải lưu kho thời gian dài làm giảm chất lượng, không đảm bảo chất lượng chế biến xuất khẩu. Tương tự, một số lô điều nhân chế biến cũng phải lưu kho, sử dụng chất bảo quản, chống sâu mọt đến khi xuất đi thì bị phát hiện dư lượng chất bảo quản, đã có một số lô hàng bị đối tác trả lại hoặc cảnh báo.

Do đó, Hiệp hội điều Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, đảm bảo chất lượng tốt nhất, giao hàng đúng tiến độ để giữ uy tín, lòng tin của khách hàng; đồng thời tập trung nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến để nâng giá trị gia tăng và thương hiệu điều Việt Nam.

Từ khóa » Thị Trường Xuất Khẩu điều Của Việt Nam