Xuất Khẩu Nông Sản - Kỳ Vọng Tạo đột Phá Cho Nền Nông Nghiệp: Bài 2
Có thể bạn quan tâm
Công ty CP Tập đoàn Minh Trung Việt Nam tại Hòa Bình mong muốn xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị nông sản của tỉnh. Ảnh chụp tạiChi nhánh Công ty CP Tập đoàn Minh Trung Việt Nam tại Hòa Bình (KCN Lương Sơn).
Cần nắm bắt, tận dụng cơ hội
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Nông nghiệp và nông dân, các doanh nghiệp (DN), HTX đã giúp giá trị xuất khẩu nông sản vẫn tăng trưởng dương bất chấp những khó khăn do đại dịch. Điều này đồng nghĩa với giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác ngày càng nâng lên, tính đến hết năm 2021, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt trên 128 triệu đồng/năm. Đến nay, tỉnh đã cấp được 14 mã số vùng trồng (MSVT) với trên 168 ha canh tác cho các loại cây trồng như: Chuối, thanh long, nhãn, bưởi và 10 mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG), tăng 5 MSVT với 92,43 ha và 4 MSCSĐG so với năm 2020. Đây cũng là cơ hội để những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh khẳng định chất lượng, quảng bá thương hiệu, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, từ tháng 6/2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Hiệp định cho phép các DN Việt Nam nói chung và DN trên địa bàn tỉnh nói riêng tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu trong thời gian tới. Đối với Hòa Bình là tỉnh vùng cao, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào để phát triển các nông sản đặc hữu, chủ lực. Đây tiền đề quan trọng để tỉnh xây dựng, phát triển, nâng cao vị thế trong tiến trình hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức mà các DN phải vượt qua khi tham gia vào sân chơi lớn, đó là phải đảm bảo tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, lao động, kiểm soát gian lận thương mại. Sản phẩm sản xuất phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế…
Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Minh Trung Việt Nam tại Hòa Bình (KCN Lương Sơn) là DN chế biến nông sản đóng trên địa bàn tỉnh nhiều năm nay. Với quy trình chế biến khép kín áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ISO 22000:2018, công ty chuyên sản xuất các loại sản phẩm như: Cháo, chè, nước trái cây các loại, ngô ngọt, súp lạc sữa, thực phẩm đóng hộp chế biển từ sản phẩm nông, lâm, thủy sản... Năm 2021, tổng sản lượng sản phẩm của công ty đạt hơn 40 triệu lon, doanh thu 650 tỷ đồng. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu ước đạt 550 tỷ đồng. Doanh thu từ xuất khẩu ổn định, nhưng trên thực tế, hầu hết tất cả nguyên liệu chế biến của công ty đều được nhập khẩu hoặc thu mua từ các địa phương khác. Ông Nguyễn Trung, Phó Giám đốc chi nhánh cho biết: Để ổn định thu nhập của người lao động, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản của tỉnh, công ty rất mong được tỉnh tạo điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, nông dân cần tập trung hơn vào khâu sơ chế trước khi DN thu mua. Việc này sẽ giúp nâng cao được giá trị nông sản và cũng giúp DN tiết kiệm được chi phí, thời gian trong khâu sơ chế sản phẩm.
Đầu tư, nâng cao giá trị các mặt hàng chiến lược
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, có thể thấy rõ nhiều tồn tại, hạn chế cản trở sự phát triển nông nghiệp bền vững như: Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, trình độ thâm canh của nông dân ở các địa phương trong tỉnh chưa đồng đều; việc xây dựng MSVT chưa được quan tâm sâu sắc; một số vùng nguyên liệu chưa được tổ chức bài bản; quy mô sản xuất nông nghiệp chủ yếu còn nhỏ lẻ, tính cạnh tranh của nông sản, hiệu quả sản xuất chưa cao; thị trường nông thôn chưa đáp ứng được hệ thống tiêu thụ sản phẩm liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, dẫn đến giá các loại nông sản sản xuất số lượng lớn chưa có tính ổn định. Ngược lại, giá đầu vào nông nghiệp liên tục tăng, tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng giá của nông sản, ảnh hưởng tới thu nhập của nông dân dù là vụ được mùa... Do đó, để tăng sức cạnh tranh cho nông sản, nhất là nông sản xuất khẩu, cần nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ từ tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất, nhập khẩu...
Để sản xuất nông nghiệp của tỉnh thực sự bền vững trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đề ra phương châm phát triển kinh tế tỉnh nhanh, bền vững; xanh, xanh hơn và xanh hơn nữa. Phát triển trên 4 trụ cột, trong đó nông nghiệp được xác định là nền tảng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các loại cây, con bản địa để cung cấp lương thực, thực phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố, nhất là vùng Thủ đô và vươn tới xuất khẩu. Hiện nay, cùng với nhiều giải pháp đã, đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện, để đạt được các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, ngành Nông nghiệp đang nỗ lực trong việc kết nối giữa các địa phương và DN, HTX; tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất để xây dựng những cánh đồng mẫu, vùng nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn để phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản trên địa bàn.
Vừa qua, Sở NN&PTNT phối hợp với huyện Yên Thủy tổ chức hội thảo xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm trồng trọt phục vụ công nghiệp chế biến. Tại đây, Công ty CP Tập đoàn Minh Trung Việt Nam đã thống nhất với huyện tập trung liên kết sản xuất - tiêu thụ 2 sản phẩm chính là lạc và ngô nếp. Trước mắt, công ty tạm mua 50 tấn lạc củ của HTX Yên Trị; sau khi sơ chế sản phẩm sẽ có thông báo chính thức quy cách và số lượng, đơn giá với địa phương. Đây là bước đầu trong việc hình thành vùng nguyên liệu sản xuất của công ty nói riêng và của huyện Yên Thủy, của tỉnh nói chung. Dự kiến cuối năm nay, 2 bên sẽ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả bước đầu và xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh 3 vụ. Đồng chí Bùi Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để hình thành được vùng nguyên liệu đảm bảo các tiêu chí phục vụ cho công nghiệp chế biến của các DN, huyện tập trung phát triển đa dạng mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ưu tiên phát triển các HTX ứng dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hoặc sản xuất sản phẩm Chương trình OCOP; hỗ trợ các HTX ứng dụng chuyển đổi số và thích ứng với BĐKH…Từ đó mở ra nhiều cơ hội, triển vọng mới cho lĩnh vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX bứt phá mạnh mẽ trong nền kinh tế thị trường.
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Với trên 100 chuỗi sản xuất, liên kết và tiêu thụ nông sản đang hoạt động hiệu quả, các mặt hàng nông sản phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi... Hòa Bình hoàn toàn đủ khả năng để xây dựng vùng nguyên liệu trồng trọt phục vụ công nghiệp chế biến theo một lộ trình bài bản. Cơ hội mở cửa vào các thị trường lớn cho mặt hàng nông sản là rất lớn. Nhưng để tận dụng được cơ hội này, các DN, HTX cần tập trung vào các giải pháp như: Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế thông qua phát triển sản phẩm theo chuỗi, tập trung vào chế biến sâu; tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của thị trường xuất khẩu...
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiến hành khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh tại một số DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản trên địa bàn. Từ đó, Sở NN&PTNT đã tổng hợp ý kiến, đề xuất để có giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu. Hiện, sở đang chuẩn bị cho việc tổ chức hội thảo với các DN sản xuất, HTX, đơn vị liên quan để trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc nhằm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, HTX và DN.
Thu Hằng
Từ khóa » Giá Trị Nông Sản Xuất Khẩu
-
Xuất Khẩu Sản Phẩm Nông Sản Chủ Lực Của Việt Nam
-
Giá Trị Xuất Khẩu Nông Sản Tăng Gần 17% Nhưng Lợi Nhuận Của Nông ...
-
Xuất Khẩu Nông Sản đạt Gần 28 Tỉ USD Trong 6 Tháng, Mỹ Là Thị ...
-
4 Tháng đầu Năm: Xuất Khẩu Nông Sản Tăng 15,6%
-
Nông Sản Việt Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu - Báo Kinh Tế đô Thị
-
Xuất Khẩu Nông Sản: Vượt Qua Thách Thức, Giữ đà Tăng Trưởng
-
[PDF] THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP
-
Giá Nông Sản Tăng, Giảm Không ổn định Do Phụ Thuộc Lớn Vào Xuất ...
-
Xuất Khẩu Nông, Lâm, Thủy Sản 6 Tháng đầu Năm Thặng Dư 5,75 Tỷ USD
-
Xuất Khẩu Nông Sản: Bộ Công Thương Khuyến Cáo điều Gì?
-
Mặt Hàng Nông Sản Ghi Nhận Những Tín Hiệu Vui Trong 4 Tháng đầu Năm
-
Khoảng 85% Sản Phẩm Nông Nghiệp Xuất Khẩu Thô, Giá Trị Thấp
-
Định Vị Thương Hiệu Cho Nông Sản Việt (10/11/2015 15:26) - Chi Tiết Tin
-
Khơi Thông Tiêu Thụ Và Xuất Khẩu Nông Sản - Báo Nhân Dân