Xuất Khẩu Tôm đặt Mục Tiêu 4 Tỷ USD

Xuất khẩu tôm đặt mục tiêu 4 tỷ USD - Ảnh 1.

Giá thành sản xuất tôm đang tăng cao do biến động từ quốc tế - Ảnh minh họa

Đây là nhận định được ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra tại Hội nghị Phát triển ngành tôm năm 2022, hôm nay (11/3), do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Theo đó, chi phí nhiên liệu, phí vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng là những yếu tố tác động mạnh mẽ lên giá thành sản phẩm đối với con tôm của Việt Nam năm 2022. Ông Hòe cũng nhấn mạnh việc giá thành tăng dẫn đến làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam so với tôm Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Theo ước tính của lãnh đạo VASEP trong năm nay, tăng trưởng về giá trị của tôm khoảng 7-10%; tăng trưởng về sản lượng tôm sẽ vào khoảng 2-3%.

Năm 2021, mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3 % so với năm 2020, trong đó tôm nước lợ đạt 920 nghìn tấn.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, Việt Nam phấn đấu sản xuất khoảng 260 nghìn - 270 nghìn con tôm bố mẹ. Trong đó, tôm thẻ chân trắng 200 nghìn - 210 nghìn con, tôm sú 60 nghìn con; tôm giống khoảng 140 - 150 tỷ con (tôm thẻ chân trắng 100 - 110 tỷ con và tôm sú 30 - 40 tỷ con). Diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn. Trong đó tôm sú 275 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 675 nghìn tấn, còn lại là tôm khác.

Thống kê của VASEP cho thấy trong năm 2022, Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn là những thị trường chính xuất khẩu tôm của Việt Nam. Bên cạnh đó cần tập trung thêm các thị trường tiềm năng khác như: Canada, Australia, Anh,… Thị trường Nga sẽ bị đứt đoạn do các nguy cơ về thanh toán và vận chuyển và sẽ khó phục hồi trong thời gian ngắn.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 550.428 tấn, tăng 46,3% so với cùng kỳ 2021.

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành sản xuất nuôi tôm của nước ta vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế.

Điển hình là nguồn tôm bố mẹ phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên. Trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn tới người nuôi tôm cũng như doanh nghiệp chưa chủ động được trong sản xuất. Còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản, nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch.

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp). Chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá cước vận chuyển vật tư tăng cao. Cộng thêm hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, nhấtt là hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cần sớm có tham mưu để ổn định, thống nhất hệ thống cơ quan quản lý thủy sản từ trung ương đến địa phương; có chính sách thu hút, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ kỹ thuật, Ban quản trị các hợp tác xã và tổ hợp tác, doanh nghiệp, trang trại và các cơ sở nuôi để có khả năng tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời Tổng cục Thủy sản xem xét đề xuất hỗ trợ tiền điện cho người nuôi tôm, cụ thể giảm khoảng 30% trong vòng một năm kể từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022; Bố trí các chương trình cho vay vốn ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất và giãn nợ cho các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng thủy sản để phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cần đẩy mạnh nghiên cứu, nhân rộng sản xuất tôm bố mẹ chất lượng cao, hạn chế tối đa nhập khẩu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường tổ chức liên kết trong chuỗi tôm. Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ cần liên kết thành hợp tác xã, tổ hợp tác.

Đỗ Hương

Từ khóa » Tôm Việt Nam Xuất Khẩu