Xuất Khẩu Trái Cây Việt đón Nhiều Tin Vui

Những tín hiệu lạc quan

Niềm vui đến với ngành nông nghiệp khi mới đây Bộ NN&PTNT nhận được thông báo từ các cơ quan chức năng Mỹ, về việc hoàn thành thẩm định các thủ tục và chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi từ Việt Nam. Như vậy, bưởi da xanh sẽ là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Trước đó, 6 loại trái cây tươi được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ, gồm: Xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Bưởi da xanh Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Bưởi da xanh Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, nhiều địa phương trọng điểm trồng bưởi da xanh của Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể trở thành vùng nguyên liệu chuẩn cả về số lượng và chất lượng. Hiện cả DN và nhà vườn đều sẵn sàng để đưa loại nông sản này sang Mỹ. Đơn cử như tại Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre với hơn 100ha bưởi được cấp chứng nhận GlobalGAP, đủ khả năng cung ứng sản lượng xuất khẩu lên đến 65 tấn quả/tháng.

Tại tỉnh Bắc Giang, thời điểm này, hàng trăm thương nhân Trung Quốc đã được các cơ quan chức năng Việt Nam và phía nước bạn tạo điều kiện xuất - nhập cảnh. Dự kiến, đầu tháng 6/2022, các đoàn thương nhân Trung Quốc sẽ đến Bắc Giang để khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều.

Năm 2022, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt khoảng 180.000 tấn
Năm 2022, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt khoảng 180.000 tấn

Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm nay ước đạt khoảng 180.000 tấn, thu hoạch trong thời gian từ 20/5 - 20/7. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu chính của quả vải Bắc Giang. Niên vụ vải 2022, dự kiến sản lượng vùng trồng dành xuất bán sang thị trường này khoảng 95.000 tấn. Tỉnh cũng đang duy trì 300 cơ sở đóng gói phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân này.

Đáng chú ý, hiện toàn tỉnh Bắc Giang có 16.000ha vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; một số vùng trồng đã được cấp mã số, mã vùng theo tiêu chuẩn cao của Mỹ, Nhật, Australia.

Cùng với đó, quá trình sản xuất, thu hoạch luôn bảo đảm sản phẩm vải thiều sạch, an toàn thực phẩm. Với những yếu tố như vậy, năm 2022, Bắc Giang sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).

Nỗ lực đảm bảo các điều kiện xuất khẩu an toàn

Đề cập về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các loại trái cây chủ lực, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, đơn vị tiếp tục theo dõi, chỉ đạo sản xuất các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như: Thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, bưởi... Qua đó có chỉ đạo cụ thể về rải vụ phù hợp thị trường tiêu thụ, bán được giá tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trước mắt, đối với quả vải ở 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương sắp bước vào vụ thu hoạch, Cục phối hợp với các địa phương sẵn sàng điều kiện bảo đảm xuất khẩu; đồng thời ráo riết tổ chức hội chợ quảng bá giới thiệu tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các tỉnh rà soát cụ thể quy mô, sản lượng các loại nông sản chủ lực, triển khai hiệu quả các giải pháp cấp mã số vùng trồng và tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu quy định.

Mặt khác, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo việc quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu nhằm phân loại, sơ chế, bảo quản, nâng cao giá trị, bảo đảm chất lượng nông sản trước khi tiêu thụ, xuất khẩu.

Song song với đó xây dựng phương án tổng thể chế biến nông sản theo từng mùa vụ, đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương.

Thông tin về tình hình giao thương qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho hay, những ngày gần đây việc thông quan hàng hóa, trong đó có xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc qua cửa khẩu thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh đã dần trở lại bình thường, không còn cảnh ùn tắc.

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn", Bộ Công Thương khuyến nghị các địa phương vùng trồng, DN, lái xe tăng cường áp dụng biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch. Từ đó, góp phần duy trì bền vững việc mở cửa thông suốt các cửa khẩu” - ông Trần Thanh Hải nói.

Từ khóa » Thị Trường Xuất Khẩu Trái Cây Của Việt Nam