Xuất - Nhập Khẩu Việt Nam Giai đoạn 2018-2020: Thực Trạng Và Giải ...
Có thể bạn quan tâm
THỰC TRẠNG
Tổng quan tình hình xuất - nhập khẩu
|
Số liệu ở Hình 1 cho thấy, thương mại hàng hóa hai chiều của Việt Nam tăng trưởng đều đặn qua các năm. Quy mô xuất khẩu tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 264,267 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 282,6612 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2019 và kim ngạch nhập khẩu đạt 262,7 tỷ USD, tăng 3,7%. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng 7% so với năm trước, bằng đúng chỉ tiêu được Quốc hội giao cho Chính phủ trong năm 2020. Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam, bởi nếu chỉ nhìn vào 2 quý đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là nhờ sự cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc xây dựng các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19, đảm bảo tăng trưởng trong khi giữ được thành quả của công tác phòng chống dịch; mặt khác còn cho thấy nỗ lực không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu có sự chuyển dịch sang các nước có hiệp định thương mại tự do và cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á - Âu. Năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam tiếp tục đạt mức khá, như: xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 20,4 tỷ USD, tăng 8,4%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 19,7 tỷ USD, tăng 8,1%; xuất khẩu sang Nga đạt 2,67 tỷ USD, tăng 9%. Đặc biệt, các thị trường đối tác trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hội nhập để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Trong đó, thị trường Canada tăng 19,8% (đạt 3,91 tỷ USD), Mexico tăng 26,3% (đạt 2,83 tỷ USD), Chile tăng 20,3% (đạt 940,7 triệu USD). Năm 2020, do đại dịch Covid-19, nên xuất khẩu sang ASEAN giảm 8,4% so với năm 2019; xuất khẩu sang thị trường châu Âu giảm 5,3%. Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu chung vẫn đạt tăng trưởng dương. Điều này chứng tỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu đã tìm kiếm được những thị trường thay thế để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm bù đắp được sụt giảm kim ngạch ở các thị trường truyền thống.
Xuất - nhập khẩu hàng hóa theo thành phần kinh tế
Hình 2 cho thấy, tỷ trọng đóng góp vào hoạt động thương mại quốc tế của các doanh nghiệp FDI lớn hơn tỷ trọng của các doanh nghiệp trong nước và có xu hướng ngày một gia tăng. Cụ thể, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 185,278 tỷ USD (tăng 6,5% so với năm 2018) và chiếm tỷ trọng khoảng 70%; kim ngạch nhập khẩu đạt 149,411 tỷ USD (tăng 5,26% so với năm 2018), chiếm tỷ trọng 58,96%. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 204,459 tỷ USD (tăng 10,35% so với năm 2019), chiếm tỷ trọng 72,3%; kim ngạch nhập khẩu đạt 169,014 tỷ USD (tăng 13,12% so với năm 2019), chiếm tỷ trọng 64,34%, kéo theo cán cân thương mại đạt giá trị thặng dư và có giá trị tăng đều theo các năm.
Các doanh nghiệp trong nước tuy có sự cải thiện trong đóng góp vào kim ngạch xuất – nhập khẩu, nhưng lại tỏ ra kém cạnh tranh hơn trong việc tác động vào cán cân thương mại. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 78,989 tỷ USD (tăng 13,27% so với năm 2018), kim ngạch nhập khẩu đạt 103,983 tỷ USD (tăng 9,54% so với năm trước), chiếm tỷ trọng 41,04%. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 78,196 tỷ USD (giảm 1% so với năm 2019), chiếm tỷ trọng 27,7%, giảm 2% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu đạt 93,686 tỷ USD (giảm 10% so với năm trước), chiếm tỷ trọng 35,66%, kéo theo cán cân thương mại thâm hụt qua các năm.
Xuất - nhập khẩu hàng hóa theo nhóm loại hình
Hình 3 cho thấy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Năm 2019, tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm xuống còn 1,6% (từ 1,9% năm 2018) và nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng lên 84,3% (từ 82,9% năm 2018). Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 là điện thoại và các loại linh kiện đạt 51,38 tỷ USD (tăng 4,4%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 35,93 tỷ USD (tăng 21,5%); hàng dệt may đạt 32,85 tỷ USD (tăng 7,8%); giày, dép đạt 18,32 tỷ USD (tăng 12,8%); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 18,3 tỷ USD (tăng 11,9%) (Bộ Công Thương, 2020).
Đến năm 2020, giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt khoảng 240,8 tỷ USD, chiếm 85,2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Tỷ trọng của xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản xếp thứ hai, chiếm 8,9% với giá trị đạt khoảng 25 tỷ USD. Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt 2,9 tỷ USD, giảm 34,8% so với năm 2019.
Trong khi đó, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch nhập khẩu năm 2019 là 51 tỷ USD, tăng lên 64 tỷ USD năm 2020, tương đương 24,6%. Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng có kim ngạch nhập khẩu năm 2019 đạt 36,7 tỷ USD, tăng 11,7% so với năm 2018, sang năm 2020 đạt giá trị 37,3 tỷ USD, tăng 1,4% so với năm 2019. Điện thoại và các loại linh kiện với kim ngạch nhập khẩu năm 2019 đạt14,6 tỷ USD, giảm 8,2% so với năm 2018, nhưng sang năm 2020 tăng lên giá trị 16,5 tỷ USD, tương đương mức tăng 13,9% so với năm 2019. Vải các loại có kim ngạch nhập khẩu năm 2019 là 13,3 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018; sang năm 2020 đạt 11,9 tỷ USD, giảm 10,5% so với năm 2019 (Hình 4).
Nhìn chung, hoạt động xuất – nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020 đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:
Thứ nhất, hoạt động xuất - nhập khẩu phát triển chưa đồng đều ở các tỉnh, thành phố, chỉ tập trung ở một vài địa phương, như: TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên... Một số nơi đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu có giá trị cao, nhưng cũng lại thiên về nhập khẩu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động thương mại nói chung. Nguyên nhân là do, đặc thù từng vùng gây nên sự phát triển chưa đồng đều, ngoài ra chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa khai thác triệt để lợi thế đặc thù của từng địa phương; đồng thời, thiếu sự thúc đẩy, tạo điều kiện cụ thể từ phía các cơ quan chức năng.
Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước vẫn còn loay hoay, thiếu tính cạnh tranh trong hoạt động xuất - nhập khẩu, tỷ trọng kim ngạch xuất - nhập khẩu có xu hướng giảm. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực tài chính thấp, khả năng quản lý còn hạn chế, khó có thể đáp ứng được nhiều điều kiện, như: các quy định khắt khe về kỹ thuật, các chính sách bảo hộ, các quy định về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, yêu cầu phức tạp về bao bì, ký mã hiệu, ngôn ngữ trên bao bì, áp dụng công cụ chống bán phá giá và chống trợ cấp... gây ảnh hưởng không nhỏ khi tham gia hoạt động thương mại quốc tế.
Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ xuất - nhập khẩu như hoạt động xúc tiến thương mại chưa được triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất, tiếp thị đến thâm nhập thị trường. Nhiều quy định vẫn còn chồng chéo, phát sinh nhiều thủ tục hành chính chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động thương mại.
Thứ ba, cơ cấu xuất - nhập khẩu theo khu vực kinh tế tuy có phát triển, nhưng chưa đồng đều, có thị trường mang lại giá trị kim ngạch cao, nhưng nhiều thị trường còn mang lại kim ngạch xuất - nhập khẩu thấp. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa nắm bắt tận dụng hết những tiềm năng sẵn có của mình, đồng thời thiếu nguồn thông tin hay sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nên các doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện tham gia vào nhiều thị trường.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Trong khuôn khổ bài viết này, nhóm tác giả xin đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam, cụ thể như sau:
Một là, hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện khắt khe về lao động, môi trường, chính sách bảo hộ, quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu. Có phương án phát triển hoạt động xuất - nhập khẩu cụ thể, phù hợp với đặc thù kinh tế của từng địa phương, khai thác thế mạnh để giúp các địa phương phát triển đồng bộ, tăng hiệu quả kinh tế. Tăng cường đầu tư công nghệ phục vụ công tác kiểm tra, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác. Đồng thời, cần quy định các chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục xuất - nhập khẩu, tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến gắn với thương mại điện tử, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ tránh trục lợi, gian lận nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu tham gia hoạt động thương mại.
Ba là, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tích cực và cung cấp thông tin cần thiết cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động logistics, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp cũng như đảm bảo quản lý nghiêm ngặt để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn mà các thị trường quốc tế yêu cầu.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cử cán bộ đi đào tạo tại các doanh nghiệp FDI công nghệ cao hoặc các nước phát triển công nghệ cao nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong hoạt động xuất - nhập khẩu, đáp ứng đòi hỏi của thị trường quốc tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Công Thương (2020). Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2019, Nxb Công Thương
2. Bộ Công Thương (2021). Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2020, Nxb Công Thương
Trần Thị Phương Thảo, Hoàng Xuân Trường - Trường Đại học Hải Phòng
(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 22, tháng 8/2021)
Từ khóa » Công Bố Báo Cáo Xuất Nhập Khẩu Việt Nam 2019
-
TTWTO VCCI - Báo Cáo Xuất Nhập Khẩu Việt Nam Năm 2019
-
Báo Cáo Xuất Nhập Khẩu Việt Nam 2019: "Sách Trắng" Về Hoạt động ...
-
[PDF] Báo Cáo Xuất Nhập Khẩu Việt Nam 2019 - Báo Công Thương
-
Lần Thứ 6 Công Bố Báo Cáo Xuất Nhập Khẩu Việt Nam - Trang Chủ
-
Số Liệu Xuất Nhập Khẩu Các Tháng Năm 2019 - Tổng Cục Thống Kê
-
Báo Cáo Xuất Nhập Khẩu Việt Nam 2019 "Sách Trắng" Về Hoạt động ...
-
[PDF] BÁO CÁO XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM 2020
-
Báo Cáo Xuất Nhập Khẩu Việt Nam Năm 2019.pdf - BỘ CÔNG ...
-
Tổng Quan Hoạt động Xuất Nhập Khẩu Của Việt Nam Năm 2019
-
CÔNG BỐ BÁO CÁO XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM 2021 - - Valoma
-
Báo Cáo Xuất Nhập Khẩu Việt Nam 2019 | KisStartup
-
Công Bố Báo Cáo Xuất Nhập Khẩu Việt Nam 2021
-
Bộ Công Thương Công Bố Danh Sách Sơ Tuyển “Doanh Nghiệp Xuất ...
-
Tình Hình Xuất Nhập Khẩu Việt Nam Năm 2019 - VIETDATA