TRUNG DUNG TÂN KHẢO Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ QUYỂN I: TRUNG DUNG KHẢO LUẬN » Mục lục » Chương: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 Chương 7 XUẤT XỨ & ĐẠI Ý TRUNG DUNG XUẤT XỨ Trung Dung cũng như Đại Học là hai thiên trong Lễ Ký. Đến đời Tống, Chu Hối Am (Chu Hi 1130 1200) mới tách rời ra, cho hợp với Luận Ngữ, Mạnh Tử thành bộ Tứ Thư. Có nhiều người võ đoán: Trung Dung không phải của Tử Tư chép. Hồ Hoài Thâm, tác giả quyển Trung Quốc tiên hiền học thuyết, cho rằng: Trung Dung có lẽ là của Đổng Trọng Thư thời Hán viết, vì Trung Dung chủ trương thuyết «Thiên nhân hợp nhất» mà thuyết này mãi tới thời Hán mới được Đổng Trọng Thư xiển minh.[1] Nhưng như trên ta đã khảo sát, nhưng tư tưởng trong Trung Dung đã có sẵn trong Ngũ Kinh, và thuyết «thiên nhân hợp nhất» là một thuyết tối cổ, những chữ «phối mệnh», «khắc phối Thượng đế», «Thượng đế lâm nhữ» đã là những câu cửa miệng nhân gian thời Thương, Chu, như Kinh Thi đã cho biết. Vả ngay trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã cho biết «thị vị phối thiên, cổ chi cực» (Lý tưởng cao siêu của người xưa là được kết hợp với Trời).[2] Cho nên ức đoán này không thể đứng vững. H.J. Allen mới đây lại cho rằng Khổng Tử không phải là một nhân vật có thực, và quyển Trung Dung chỉ là một nguy thư do Phật tử Trung Hoa thời Hán đã chép.[3] Giả thuyết này, chẳng ai cho là đứng đắn. Cách đây mấy chục năm, Von Erkes cũng cho rằng Trung Dung không phải là một tác phẩm hoàn toàn thuộc Khổng giáo, mà chính có pha phách tư tưởng Lão giáo. Sách này, theo ông đã được viết đời Tần Thủy Hoàng, ngụ ý tán tụng Tần Thủy Hoàng và công nghiệp thống nhất đất nước của vua Tần. Thực không gì mỉa mai hơn, nếu Trung Dung đã được viết để tán dương Tần Thủy Hoàng, vì trong sách toàn trích dẫn Khổng Phu Tử và cuối sách lại hết lời ca tụng Khổng Phu Tử một người mà bao sách vở trước tác đã bị Tần Thủy Hoàng cho vào lửa hết.[4] Sở dĩ có những ức đoán quàng xiên, gượng gạo như vậy, vi người ta thường có thiên kiến rằng Khổng Tử chỉ là một nhà luân lý học tầm thường, vụ thực, trái ngược hẳn với Lão Tử đến khi đọc Trung Dung thấy những tư tưởng cao siêu, họ không biết ăn nói ra sao.[5] Tuy nhiên những giả thuyết trên cũng cho cho ta thấy rằng Trung Dung là một triết thuyết cao siêu, chủ trương «thiên nhân hợp nhất»và tư tưởng Trung Dung không biên giới... Trung Dung, theo truyền thống Nho giáo đã được Tử Tư trước tác. Tử Tư tên chữ là Khổng Cấp, cháu đích tôn của đưc Khổng. Ông sinh vào khoảng năm 500 tcn. Ông đã từng được thấy, được nghe đức Khổng cho tới khi ông hai ba mươi tuổi, vì đức Khổng mất vào năm 479. Có người cho rằng Tử Tư mất năm 440, có người cho rằng ông sống lâu hơn.[6] Điều đó không có gì là quan trọng... ĐẠI Ý TRUNG DUNG Trung Dung gồm 33 chương, nhưng tựu trung chỉ dùng một chữ là thâu tóm hết: đó là chữ «thành» 誠. Rémusat, Wieger, P. Intorcetta và đa số học giả định «thành» là hoàn thiện. Dựa theo lời chú giải của Chu Hi, một số học giả khác trong đó có James Legge, định «thành» là tinh hoàn, chân thực, hoàn toàn hợp nhất với chân lý, không còn pha phách tà ngụy.[7] Chung quy «thành» vẫn là hoàn thiện, mà hoàn thiện là hợp nhất với bản tính, với thiên lý, thiên mệnh. Theo Trung Dung, con đường đưa tới hoàn thiện, khởi đầu bằng chữ Kính, chữ Sợ. Kính sợ Trời tiềm ẩn trong lòng mình và sẽ trải qua các giai đoạn học hỏi, suy tư tu luyện, để kết thúc bằng sự «phối Thiên», sự hợp nhất với Trời. Sự hoàn thiện ấy đã sẵn có nơi con người, đã tiềm ẩn trong «tính bản nhiên», nên công trình tu luyện con người là ở tại sự cố gắng phát huy mọi tiềm năng, tiềm lực, tiềm thức, tiềm chân, tiềm thiện cho tới chỗ hiện thực chí cùng chí cực, chí thành, chí thiện. Chu Hi đã cho rằng sách bắt đầu bằng một lý rồi phân tán ra muôn ngàn, nhưng thâu tóm lại vẫn chỉ là một lý ấy, khác nhau chăng là ở hai thể ẩn hiện mà thôi.[8] Khi mục đích sách đã tỏ, thì sự kết cấu sách và sự liên lạc giữa các chương, cú cũng chẳng khó tìm. Ta có thể phác họa đại ý Trung Dung như sau: Bản tính con người là thiên lý, thiên tính, thiên mệnh, thiên đạo. Khuôn mẫu hoàn thiện ấy, đạo Trời ấy chẳng hề rời bỏ con người một phút giây. Đạo người là noi theo tính bản nhiên ấy. Bản tính con người khi chưa phát hiện là Trung, là thái cực tinh hoàn, bất nhiên, bất ỷ. Khi phát xuất ra nếu theo đúng lớp lang, tiết tấu sẽ đạt tới mức thái hòa, mức hoàn thiện. Cho nên, Trung hòa là gốc ngọn, đầu đuôi của lịch sử nhân loại (ch.1).[9] Con đường hoàn thiện hay đạo Trung Dung là đạo của người quân tử, chẳng phải là đạo của kẻ tiểu nhân (ch.2). Nó rất cao siêu, rất hoàn mỹ, nhưng cũng rất khó khăn nên ít người hiểu được, theo được (ch.3,4). Muốn theo Trung Dung, muốn trở nên hoàn thiện phải phát huy ba đại đức: trí, nhân, dũng chứ không phải bon chen khoe tài, khoe trí với đời, chứ không phải bạo hỏ bằng hà, khinh thân, liều mạng (ch.6,7,8,9,10). Muốn theo đạo Trung Dung, chẳng cần phải tìm hiểu quái dị, chỉ cần chuyên tâm, dốc trí theo trọn đạo Trời (ch.9). Đạo Trời ấy tiềm ẩn ở đáy lòng, nhưng nếu biết phát huy ra, sẽ trở nên mênh mông, bao trùm vũ trụ (ch.12). Cho nên chẳng phải đi đâu xa để tìm khuôn mẫu lý tưởng cho con người: khuôn mẫu ấy đã tìm ẩn sẵn trong lòng người (ch.13). Vậy muốn trọn đạo Trời, chỉ cần lo tận thiện mình, yêu thương người khác như mình, lấy sự hoàn thiện làm khuôn phép cho mọi hành vi, cử chỉ mình, hướng dẫn đường lối giao tế của mình cho trọn niềm hiếu đễ, trọn nghĩa quân thần, vẹn tình bằng hữu. (ch.13). Người quân tử sẽ vui sống trong mọi hoàn cảnh (ch.14), tuần tự tiến bước trên đường nhân, nẻo đức (ch.15), hiểu lẽ thiên nhân tương dữ (ch.16), sống sao cho đức hạnh chói chang sáng tỏ, thuận lòng Trời, được lòng người, như vua Thuấn, vua Văn, vua Vũ (ch.17, 18). Những lễ nghi tế tự tông miếu, Giao Xã, cổ nhân bày ra chẳng qua là để nhắc nhở rằng tổ tiên xưa đã thờ Trời, kính Trời, tu thân tích đức để trở nên hoàn thiện; cho nên người ngày nay phải hiểu thâm ý, phải nối được chí lớn của tổ tiên mới là vẹn hiếu (ch.19). Nếu đạo làm người phải lấy Trời làm gốc, lấy chữ thành, chữ hoàn thiện làm chủ chốt, thì một nền chính trị lý tưởng cũng phải xây trên căn bản ấy. Trong nước trên dưới phải một lòng lo bề tu đức lập thân. Vua phải theo gương đức hạnh, dùng hiền tài trị dân, lo khuyến khích, vỗ về bách tính để cho nước thịnh, dân giàu, công nghệ mở mang. Dân phải giữ vững đạo con em, lo tròn phận sự. Tóm lại cá nhân cũng như xã hội đều có bổn phận phát huy mọi tìm năng mình để đi đến hoàn thiện (ch.20). Vì Trời hoàn thiện, nên tiến tới hoàn thiện là lý tưởng của người quân tử. Muốn đạt tới mức hoàn thiện, cần học hỏi, suy tư, cố gắng mãi mãi, cố gắng không ngừng, sửa sang chếch mác, hoàn hảo bản thân rồi lại lo cái thiện mọi người, để quần sinh vũ trụ đều đạt được mức hoàn thiện (ch.21, 22, 23, 24, 25). Cố gắng không ngừng, phát huy mọi tiềm năng, tiềm lực mình để tiến tới hoàn thiện, đó là theo đúng định luật tiến hóa của đất Trời (ch.25). Và khi đã hoàn thiện mình, người quân tử sẽ đạt tới mức chí thành chí thiện, thông phần vinh hiển Trời, trường sinh vĩnh cửu cùng Trời đất (ch.26, 27). Đạo Trung Dung, như đã mô tả trên, thực cao siêu hoàn mỹ. Trời chỉ trao đạo đó cho các đấng thánh nhân (ch.27). Nó được xây dựng trên những nền tảng vĩnh cửu, có những tiêu chuẩn bất biến, hợp nhân tâm thế đạo, hợp định luật đất Trời. Dầu trong dĩ vãng xa xăm, dầu trong tương lai mờ mịt, nếu có vị thánh nhân nào ra đời cũng đều chủ trương như vậy cả (ch.29). Theo Trung Dung, bậc chí thành là những người đạt đạo hoàn thiện. Những bậc ấy, trong số đó có đức Khổng sẽ như vầng nhật nguyệt soi sáng khắp nhân gian, vì các ngài thông phần vinh quang Trời, và mãi mãi sẽ được nhân loại suy tôn tán tụng (ch.30,31,32). Trong đoạn kết, Trung Dung lại toát lược tâm pháp thánh hiền: «Kính sợ Trời, dầu ở nơi vắng vẻ, học cho thông suốt để biết tới cùng cực, rèn luyện mình cho tuyệt hết niềm tây, toàn thiện để thành tựu mình đến trọn vẹn (ch.33). Đại ý Trung Dung là vậy, thế mà không biết vì sao đã mang tiếng lấp lửng, nước đôi? CHÚ THÍCH [1] Trung Quốc tiên hiền học thuyết, tr.147;148;149. [2] Lão Tử Đạo Đức Kinh, ch.2, 68. [3] H.J. Allen, Is Confucius a myth? E.V. Zenker, Histoire de philosophie chinoise, tr.125. [4] Edouard Erkes, Chinesische Literatur, Breslau 1922, p.39. E.V. Zenker, Histoire de la philosophie chinoise, p.125. [5] E.V. Zenker, Histoire de la philosophie chinoise, p.125. [6] P. Léon Wieger S.J, Histoire des croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine, p. 221. [7] L'ideal de l'humanité reallisé dans la personne du Saint la perfection absolue qui est son partage est bien ce qui signifie le terme 誠. Rémusat l'a rendu par «la perfection et la perfection morale»; le P. Intorcetta par «Vera solidaque perfectio» – Legge le traduit par «Sincerity, simplicity or singleness of Soul» the disposition to the capacity of what is good without any deteriorating element, with no defect of intelligence, or intromission of selfish thoughts. Ces derniers mots décrivent très bien les effets de 誠 signalés par Tchou Hi. 德 無 不 實 而 明 無 不 照 者 聖 人 之 德 所 性 而 有 者 天 道 也. Mais ils expriment pas assez clairement ce qu'il est en soi. Tchou Hi en donne cette définition: 誠 者 真 實 無 妄 謂. Cet état de conformité est le propre du saint. (Stanislas le Gall, Le Philosophe Tchou Hi, p.64 et ss) [8] Tựa Trung Dung. [9] Vị phát giả, Thái cực, chi tĩnh, dĩ phát giả Thái cực chi động 未 發 者 太 極 之 靜 已 發 者 太 極 之 動 (Chu Hi đáp Lã Tử Ước. Stanislas le Gall, Le Philosophe Tchou Hi, p.116.) » Mục lục » Chương: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 |