Xúc Tiến Quảng Bá Du Lịch Ninh Bình Cần Có Chiến Lược đồng Bộ để ...

Chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch

Ninh Bình có nhiều tiềm năng du lịch nổi trội, có tính cạnh tranh so với các điểm đến khác, có sức hút lớn như Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm... Đi cùng với đó là nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch làng nghề, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Thông qua hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình đã dần được tạo dựng trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế, là một điểm đến thân thiện, hấp dẫn.

Đánh giá về công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình, ông Phạm Văn Phong, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để đạt được những kết quả trên, những năm qua, công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch luôn được chú trọng, đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức như tham gia các hội chợ về du lịch, trong đó đặc biệt hướng đến các thị trường tiềm năng như châu Âu, Hàn Quốc... và một số thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu, phim quảng cáo cho du lịch bằng nhiều ngôn ngữ và chuyên nghiệp, tạo ấn tượng với du khách về thiết kế, hình ảnh và chất liệu in ấn. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đã thiết lập và phát triển được trang thông tin điện tử tổng hợp du lịch Ninh Bình với hai tên miền www.ninhbinhtourism.com.vn và www.dulichninhbinh.com.vn. Đây là phương tiện quan trọng để tiếp cận với các thị trường khách hàng mục tiêu và tiềm năng của Ninh Bình không kể đến không gian và thời gian.

Cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm ngành Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức thành công một số sự kiện văn hóa, thể thao như: Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, Lễ hội chùa Bái Đính, tổ chức các trận đấu bóng chuyền, bóng đá, tuần du lịch... Tổ chức tiếp đón nhiều đoàn Famtrip, Presstrip (hãng lữ hành, phóng viên báo chí) về khảo sát tham quan viết bài, xây dựng tour, tuyến mới. Thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao trong và ngoài tỉnh được tổ chức, hình ảnh du lịch Ninh Bình liên tục được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức thi đã lựa chọn được biểu tượng và tiêu đề du lịch "Ninh Bình - Non nước hữu tình" làm cơ sở cho việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Ninh Bình một cách nhất quán và chuyên nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch được tổ chức thường xuyên và thực hiện sát với nhu cầu thực tế giúp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng giao tiếp ngoại ngữ của đội ngũ lao động ngành Du lịch, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của du lịch Ninh Bình, tạo ấn tượng tốt đối với du khách khi đến tham quan.

…nhưng còn dàn trải

Mặc dù công tác xúc tiến, quảng bá khá đa dạng nhưng vẫn còn dàn trải, chưa xác định được điểm mạnh nhất của du lịch Ninh Bình để tập trung quảng bá, xúc tiến. Các doanh nghiệp tham gia các hội chợ du lịch ít khi làm khảo sát xem kết quả hội chợ thế nào, phản hồi của khách hàng ra sao và thị trường nhắm đến trong thời gian tới... Do đó, mặc dù có nhiều tiềm năng về di tích, lịch sử, văn hóa, song du lịch Ninh Bình vẫn chưa khơi dậy được tiềm năng. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho rằng: Hoạt động xúc tiến du lịch ở tỉnh ta còn thiếu các chương trình xúc tiến dài hạn và mang tính chuyên nghiệp. Thông tin quảng bá du lịch còn chung chung, chưa sát với yêu cầu tìm hiểu thông tin của khách hàng, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, thiếu hấp dẫn. Công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh điểm đến bằng chính chất lượng, sản phẩm du lịch, sự hiếu khách của người dân địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của công tác xúc tiến, quảng bá còn hạn chế, do đó chưa quan tâm đúng mức về kinh phí và nhân lực, thời gian. Sự phối kết hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên.

Tiến sỹ Đỗ Cẩm Thơ, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) nhận xét: Hiện nay, Ninh Bình chưa thực sự có một chiến lược đồng bộ về xây dựng thương hiệu trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Việc xây dựng thương hiệu yêu cầu một kế hoạch tổng thể và chi tiết để có thể đem lại kết quả tích cực, lâu dài cho điểm đến trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương. Qua nghiên cứu tôi thấy rằng Ninh Bình vẫn chưa xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu cho du lịch của mình. Hiện tại logo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được sử dụng là biểu tượng của du lịch Ninh Bình với slogan "Ninh Bình, non nước hữu tình" mặc dù đã phần nào thể hiện được những tiềm năng của du lịch Ninh Bình là phong cảnh núi non, sông nước "sơn thủy hữu tình". Tuy nhiên, biểu tượng này mới chỉ dừng lại ở việc thể hiện tên và hình ảnh đặc trưng của Ninh Bình mà chưa có sức hấp dẫn độc đáo và đánh trúng vào tâm lý, thị hiếu khách và đặc trưng cho một sản phẩm du lịch nào của địa phương.

Hướng đi mở cho hoạt động quảng bá du lịch

Để khắc phục những bất cập trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng và ngày càng cao của du khách, theo ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), Ninh Bình phải "khéo léo xây dựng, quảng bá du lịch qua những "câu chuyện" về văn hóa ẩm thực, văn hóa nghệ thuật của địa phương và kịp thời xây dựng được những chương trình, chiến lược, giải pháp phát triển mới, tăng tính hấp dẫn và đánh thức các loại hình du lịch của Ninh Bình".

Ông Phạm Văn Phong cũng cho rằng để công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đạt được hiệu quả thì tỉnh Ninh Bình cần tăng cường nâng cao nhận thức về du lịch trong các cấp, các ngành và nhân dân. Từ đó tạo lập và nâng cao hình ảnh của du lịch Ninh Bình trong khu vực và trên thế giới để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào du lịch. Xây dựng hệ thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch ở những đầu mối giao thông quan trọng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan thông tin đối ngoại, đặt các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm. Hiện nay, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Tổng cục Du lịch ban hành chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đồng bộ trên cả nước. Đây là định hướng quan trọng cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ở Ninh Bình trong thời gian tới. Theo đó, chương trình xúc tiến phải được tiến hành đồng bộ trên nhiều hình thức. Thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch chuyên nghiệp, nhắm vào thị trường mục tiêu. Lấy điểm đến, sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch làm đối tượng xúc tiến. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức chính phủ, phi chính phủ để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Xuân Trường

Từ khóa » Slogan Du Lịch Ninh Bình