Xúc Tiến Thương Mại Là Gì? Nội Dung, Vai Trò Của Xúc Tiến Thương Mại

Xúc tiến thương mại là một hoạt động quan trọng đối với các doanh nghiệp. Thông qua xúc tiến thương mại, doanh nghiệp có thể tận dụng các lợi thế để thu hút khách hàng tiềm năng trên thị trường nói chung và thị trường mục tiêu nói riêng và từ đó đạt được mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận. Vậy xúc tiến thương mại là gì? Có những hình thức xúc tiến thương mại nào? Hãy cùng Luận Văn 99 tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

Khái niệm xúc tiến thương mại là gì?

Trong những năm trở lại đây, xúc tiến thương mại (Tiếng Anh: Promotion) là một khái niệm được rất nhiều người và tổ chức trên thế giới nhắc đến. Một số định nghĩa nổi bật về khái niệm xúc tiến thương mại là gì được đưa ra như sau:

Theo cách hiểu truyền thống: “Xúc tiến thương mại là hoạt động trao đổi và hỗ trợ trao đổi thông tin giữa bên bán và bên mua, hoặc qua khâu trung gian nhằm tác động tới thái độ và hành vi mua bán nhằm thúc đẩy việc mua bán và trao đổi hàng hóa, dịch vụ”.

Theo Philip Kotler: “Xúc tiến thương mại là hoạt động thông tin marketing hướng đến khách hàng tiềm năng”.

Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) lại đưa ra định nghĩa “Xúc tiến thương mại bao gồm tất cả các biện pháp có tác động khuyến khích, hỗ trợ phát triển thương mại”.

Còn theo luật Thương mại Việt Nam 2005: “Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, bao gồm các hoạt động như: Khuyến mãi, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và Hội chợ triển lãm thương mại”.

Từ những định nghĩa trên, ta có thể hiểu đơn giản khái niệm xúc tiến thương mại là các hoạt động xúc tiến việc bán sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường mục tiêu nói riêng và trên thị trường nói chung.

xuc_tien_thuong_mai_la_gi_luanvan99Xúc tiến thương mại là gì?

Mục tiêu của xúc tiến thương mại là gì?

Hầu hết trong tất cả các doanh nghiệp, hoạt động xúc tiến thương mại đều bao gồm 03 mục tiêu chính là:

  • Truyền đạt thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm đến với khách hàng. Các công cụ xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp truyền đạt thông tin về doanh nghiệp, về sản phẩm của họ và tác động chúng lên người tiêu dùng. Các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp đến khách hàng phải có ích và thúc đẩy họ có những phản ứng tích cực đáp lại thông tin. Không những thế, các chính sách xúc tiến thương mại cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp có được thông tin phản hồi từ phía người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giá cả trước và sau khi bán hàng.
  • Đẩy mạnh quá trình tiêu thụ sản phẩm. Các công cụ của chính sách xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình chào hàng, bán hàng, thâm nhập thị trường, tiêu thụ sản phẩm… Nhờ đó, khối lượng hàng hóa sản phẩm của doanh nghiệp được bán ra thị trường nhanh hơn, nhiều hơn, cơ hội thâm nhập vào thị trường mới, tăng thị phần trên thị trường thêm nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Và do đó quá trình kinh doanh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn.
  • Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ góp phần rất lớn trong việc lôi kéo sự chú ý, thích thú và tâm trạng vui vẻ, háo hức khi mua sắm sản phẩm của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, về lâu về dài các hoạt động này còn giúp doanh nghiệp tạo dựng lòng tin từ phía khách hàng cũng như hình ảnh tốt về doanh nghiệp và sản phẩm của họ. Từ đó sẽ lôi kéo thêm nhiều khách hàng tiềm năng đến với doanh nghiệp. Hay nói cách khác, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ cao hơn do với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường rất nhiều.

muc_tieu_cua_xuc_tien_thuong_mai_luanvan99Mục tiêu của xúc tiến thương mại là gì?

Xem thêm:

Marketing thương mại là gì? Tìm hiểu về Marketing thương mại

➢ Mẫu đề tài luận văn thạc sĩ, luận văn Marketing mới nhất

Nội dung của xúc tiến thương mại

Hội chợ triển lãm thương mại

Hội chợ triển lãm thương mại được hiểu là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện tập trung trong một thời gian và địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ nhằm thúc đẩy,tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ.

Thông qua các hội chợ triển lãm thương mại, các doanh nghiệp sẽ mang những hình ảnh về doanh nghiệp và sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất.

Tại đây, doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với các khách hàng tiềm năng, mở rộng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp khác từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản xuất.

Khuyến mại

Khuyến mại là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp bằng cách mang đến cho khách hàng những lợi ích nhất định.

Khuyến mại là một hình thức xúc tiến thương mại quan trọng giúp kích thích tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian ngắn khi tổ chức các hoạt động khuyến mại. Các hình thức khuyến mại gồm có: đưa hàng hóa mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu dùng thử không thu tiền, tặng hàng hóa cho khách hàng,…đây là hoạt động xúc tiến nhằm bổ sung cho quảng cáo, kích thích khách hàng tìm tới hành vi mua sắm, khuyến mãi đặc biệt có tác dụng trong thời gian ngắn, chỉ là tăng trưởng tạm thời và khách hàng nhanh chóng quay trở lại trạng thái bình thường với thói quen, hành vi mua sắm cũ. Chi phí khuyến mãi thường nhỏ hơn so với quảng cáo.

Quảng cáo thương mại

Đây là hoạt động để giới thiệu hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp tới khách hàng. Thông qua quảng cáo thương mại, doanh nghiệp có thể tuyên truyền nhằm giới thiệu hàng hóa, dịch vụ hay hoạt động của hãng kinh doanh về hàng hóa hay dịch vụ đó, tạo sự hứng thú của khách hàng với sản phẩm và kích thích sức mua của người tiêu dùng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, bán hàng và dịch vụ. Mục đích của hoạt động quảng cáo là tăng cường sự nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn được sản phẩm thích hợp và đây là cách mà nhà sản xuất quảng bá sản phẩm. Với tác động của thông tin quảng cáo, tâm lý khách hàng dễ bị thay đổi và có thể trở thành nô lệ của hàng hóa vì sự tiêu dùng được quảng cáo kích thích.

Trong hoạt động quảng cáo thương mại, các ngôn từ phóng đại để kích thích thị hiếu người tiêu dùng được sử dụng nhiều để tạo nên sự thay đổi nhanh chóng các nhu cầu tiêu dùng, hình thành lối tiêu dùng mới cho khách hàng.

Khảo sát thị trường

Khảo sát thị trường là hoạt động nhằm tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, gặp gỡ đối tác tiềm năng,…Thông qua đó, doanh nghiệp định hướng lựa chọn thị trường, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị.

noi_dung_xuc_tien_thuong_mai_luanvan99Nội dung xúc tiến thương mại

Xây dựng và phát triển thương hiệu

Thương hiệu có vai trò vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Trong điều kiện kinh tế thị trường mở và sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu được coi là yếu tố quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp.

Thương hiệu sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết về doanh nghiệp một cách nhanh chóng hơn và tạo niềm tin cho khách hàng để thúc đẩy hành vi mua sắm. Một thương hiệu mạnh sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp so với các đối thủ.

Quan hệ công chúng

Quan hệ công chúng là bất kỳ nhóm người có quyền lợi thực tế và hiển nhiên, có tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như dư luận xã hội, chính quyền cơ quan chức năng chuyên môn của nhà nước, các tổ chức xã hội và đoàn thể,…

Trong kinh doanh hiện đại, tác động của vấn đề rất nhạy cảm, quan trọng với hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chỉ có thể phát triển khi có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể, sự quan tâm của dư luận. Nếu không tranh thủ sự quan tâm của chính quyền, dư luận xã hội mà trước hết là các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo chí,…sẽ khiến doanh nghiệp đánh mất vị thế, uy tín trong hoạt động kinh doanh, mất khách hàng, dẫn đến sụt giảm về doanh số và doanh thu,…

Vai trò của xúc tiến thương mại

Vai trò của xúc tiến thương mại đối với doanh nghiệp

Xúc tiến thương mại là hoạt động quan trọng trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế doanh nghiệp. Cụ thể:

Hỗ trợ, cung cấp thông tin thương mại về cơ chế, chính sách, thông tin thị trường, chính sách,…kịp thời, chính xác và có hiệu quả cho doanh nghiệp.

Là cầu nối giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa khách hàng với doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các bạn hàng trong và ngoài nước. Xúc tiến thương mại là công cụ hữu hiệu duy trì và chiếm lĩnh thị trường, làm cho hoạt động bán hàng trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy đưa hàng hóa vào kênh phân phối hợp lý. Xúc tiến thương mại hỗ trợ và tạo cơ hội để doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, doanh nghiệp sẽ thể hiện năng lực, uy tín và hình ảnh của đơn vị để tạo niềm tin cho khách hàng.

Xúc tiến thương mại tạo điều kiện để củng cố, khẳng định vị thế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được thông tin về thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh,…từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả, giúp doanh nghiệp phát huy thế mạnh và rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp dẫn đầu khác. Hoạt động thương mại cũng có ý nghĩa trong việc hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp để từ đó tiếp cận tốt hơn với khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển hoạt động kinh doanh sản xuất và nâng cao vị thế doanh nghiệp.

vai_tro_cua_xuc_tien_thuong_mai_luanvan99Vai trò của xúc tiến thương mại đối với doanh nghiệp

Vai trò của xúc tiến thương mại đối với quốc gia

Xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. Đây là một công cụ hữu hiệu để giải quyết đầu ra cho nhiều ngành sản xuất, tạo điều kiện và thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất nhập khẩu.

Xúc tiến thương mại gắn kết nền kinh tế đất nước với kinh tế thế giới. Thông qua các hoạt động ngoại thương, thị trường trong nước sẽ liên kết chặt chẽ với thị trường nước ngoài. Xúc tiến thương mại giúp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thiết lập và tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của đất nước trên thị trường quốc tế.

Vai trò của xúc tiến thương mại đối với địa phương

Xúc tiến thương mại sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực, kích thích tăng trưởng kinh tế, gắn kết nền kinh tế của tỉnh với kinh tế thế giới thông qua các hình thức hoạt động như giới thiệu, quảng bá về văn hóa, vùng đất, con người, tiềm năng thế mạnh của địa phương; mở rộng và liên kết các thị trường tiềm năng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm,….Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Vai trò của xúc tiến thương mại đối với người dân

Xúc tiến thương mại có vai trò tác động và góp phần thay đổi cơ cấu tiêu dùng. Nhu cầu của người tiêu dùng thường không cố định, họ luôn có những nhu cầu tiềm ẩn, nên vai trò của xúc tiến thương mại là đánh thức những nhu cầu đó và kích thích người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm khác. Xúc tiến thương mại có hiệu quả sẽ chiếm được lòng tin của khách hàng, sự yên tâm về chất lượng, giảm thiểu rủi ro và nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng.

Chức năng của xúc tiến thương mại là gì?

Tổ chức và phối hợp tổ chức, thực hiện quá trình lưu thông hàng hóa và dịch vụ

Xúc tiến thương mại có vai trò thúc đẩy trao đổi, lưu thông hàng hóa trên thị trường một cách hợp lý, nhanh chóng, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu khách hàng về giá trị sử dụng và giá cả hợp lý. Xúc tiến thương mại đẩy mạnh quá trình lưu thông hàng hóa thông qua hệ thống các kênh phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy giao dịch thương mại trong và ngoài nước.

chuc_nang_cua_xuc_tien_thuong_mai_luanvan99Chức năng của xúc tiến thương mại là gì?

Xúc tiến thương mại đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng

Là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, xúc tiến thương mại tác động đến tiêu dùng thông qua xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, kết nối cung cầu, khảo sát và mở rộng thị trường, tìm kiếm các nhà đầu tư, đối tác và khách hàng tiềm năng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Xúc tiến thương mại gắn sản xuất với thị trường, gắn nền kinh tế trong nước với kinh tế thế giới

Thông qua xúc tiến thương mại, sản xuất hàng hóa phát triển, gắn sản xuất với tiêu dùng. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường trong nước có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường nước ngoài thông qua hoạt động xuất nhập khẩu. Xúc tiến thương mại dù trực tiếp hay gián tiếp đều thúc đẩy hàng hóa dịch vụ trong nước ra thị trường nước ngoài và ngược lại.

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về khái niệm xúc tiến thương mại là gì cũng như nội dung, mục đích và vai trò của hoạt động xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sẽ giúp doanh nghiệp có thể tăng doanh số bán hàng từ đó thu được mức lợi nhuận tốt hơn. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết này của chúng tôi sẽ hữu ích dành cho bạn đọc!

Từ khóa » Thế Nào Là Xúc Tiến đầu Tư Thương Mại