Xứng Danh Bộ đội Cụ Hồ - Báo Hậu Giang

Bộ đội nhân dân, Bộ đội Cụ Hồ là những mỹ từ đẹp đẽ. Thời chiến, ở đâu có bộ đội ở đó có bình yên; thời bình, ở đâu có bộ đội ở đó có hơi ấm của tình yêu thương. Tết này khi nhắc đến bộ đội, đâu chỉ ông Mận, bà Phượng mà còn nhiều hơn nữa bởi các anh đã, đang ngày đêm cống hiến để mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Dân quân tự vệ giúp dân thu hoạch lúa sập.

Chuyện của dân là của mình

Giữa tháng 7-2021, sau cơn giông, mái nhà của ông Nguyễn Văn Mận, ở ấp Phú Lộc, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tốc hoàn toàn, vật dụng trong nhà hư gần hết.

Hay tin, ông bỏ xe ve chai chạy riết về, vợ cũng không còn tinh thần gì để mần mướn cho xong buổi. Dự định ráng dành dụm đến cuối năm sẽ sửa lại nhà ăn tết, nay thêm khốn khó…

Cơn giông lớn quét qua địa bàn không chỉ nhà ông mà cây trái, mùa màng của nhiều hộ dân ở xã hư hại nhiều. Trong lúc mưa gió, cấp ủy, chính quyền, nhất là cán bộ Huyện đội và dân quân địa phương đoán được nhà dân sẽ bị ảnh hưởng nên luôn trong tâm thế sẵn sàng.

Và vừa nhận lệnh thì các anh đội mưa xuống giúp dân. Hôm đến nhà ông Mận có bộ đội thường trực và dân quân xã. Không lâu lắm, mái ấm được dựng lại, sau cơn mưa trời lại sáng. “Mấy chú bộ đội thật sự là chỗ dựa của người dân chúng tôi. Vừa đến nơi là các chú sốc vô vừa che chắn, vừa thu dọn, sau đó là dựng, lợp nhà lại bằng vật liệu mới trong vòng 2 ngày”, ông Mận kể.

Sự giúp đỡ ấy trong những ngày mưa lạnh tháng bảy làm vợ chồng ông ấm lòng, là động lực để vợ chồng ông vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Gặp lúc gần tết, thấy ông Mận dọn lau cửa nẻo như thể quý mái ấm này. “Quý lắm chứ, có được căn nhà vững chắc như thế phần nhiều nhờ mấy chú bộ đội”, ông Nguyễn Văn Mận tâm sự rồi ngước nhìn mái nhà.

Dân quân tự vệ hỗ trợ bà Phượng dọn dẹp lại nhà.

Không chỉ là mái ấm kín mưa kín nắng mà bộ đội ta còn vào tận bếp lo cho dân như thể người chung gia đình. Ở thành phố Vị Thanh, Ban Chỉ huy Quân sự địa phương này đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Bếp lửa hậu phương”.

Cách làm là hàng quý, đơn vị phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp và xã, phường chọn 1 gia đình có thanh niên đang tại ngũ gặp khó khăn để hỗ trợ, giúp đỡ (sửa nhà, làm hàng rào…). Quan trọng nhất là cùng tổ chức bữa cơm với gia đình nhằm thắt chặt tình đoàn kết quân - dân. Trong quá trình tiếp giúp sẽ ghi và gửi hình ảnh cho thanh niên đang đi nghĩa vụ xem, giúp quân nhân an tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.

“Bếp lửa hậu phương” vừa nồng ấm ở nhà bà Trương Thị Hồng Phượng, phường I; bà có 2 con trai, 1 trong số đó nhập ngũ đầu năm 2021, còn lại xa nhà…

Đơn chiếc nên nhiều việc nặng bà phải tự làm lấy, chuyện nặng quá thì phải mướn. Như mới đây khi mặt bằng tuyến lộ trước nhà phải bàn giao để mở rộng, một mình bà đâu dọn nổi cây cối, sửa lại hàng rào và chang đất cho bằng phẳng để đi lại. Nắm được hoàn cảnh của bà, nên anh em của mô hình xuống tiếp giúp; rồi còn tặng cho bà 1,5 triệu đồng để làm vốn mua bán, kinh doanh.

Năm thanh niên thì làm nhanh hơn 1 phụ nữ, thoắt cái mọi thứ đâu vào đó. Bữa cơm cũng được dọn ra, quây quanh là bộ đội, đại diện các ban, ngành phường. Ăn cơm mà bà đỏ hoe đôi mắt… “Dù đơn chiếc nhưng mỗi khi gặp khó khăn là tôi không cô đơn. Những lúc thăm gặp như thế này như tiếp thêm động lực để tôi cố gắng vượt qua khó khăn, tiếp tục dạy con chấp hành tốt nội quy, quy định đơn vị để không phụ lòng hậu phương hết mực chăm lo gia đình mình”, bà Phượng tâm sự.

Hình ảnh bộ đội giúp dân không chỉ bao nhiêu đó mà đã quen thuộc lắm rồi khi thiên tai ập xuống là bà con thấy các anh về; lúa sập, hoa màu thu hoạch không kịp các anh lại đến… Súng đạn quân thù còn không ngăn được anh tiến bước thì sá chi mưa nắng bão giông… Bởi vậy mà trong những lần giúp dân, các anh thường xuyên nói với nhau: “Chuyện của dân là của mình”.

Nhiều sáng tạo hữu ích

Song song với xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, các anh cũng không quên ngày đêm huấn luyện để nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

Thiết bị lò đốt rác thải bằng sắt di động giúp bệnh viện dã chiến, khu cách ly xử lý tốt rác thải.

Thượng tá Lê Xuân Điền, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Bộ binh 114, chia sẻ, mỗi năm đơn vị tổ chức huấn luyện cho nhiều lực lượng như tân binh, dự bị động viên, kết thúc huấn luyện 100% đạt yêu cầu. Góp phần vào thành tích trên là cải tiến, sáng tạo về “bộ bia ẩn hiện” của trung tá Lê Văn Mãnh (trợ lý quân khí, Ban Quân khí, Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).

Trước năm 2019, trung tá Mãnh công tác tại Trung đoàn Bộ binh 114. Theo truyền thống, huấn luyện tập bắn, tập ngắm cũng như kiểm tra bắn đạn thật cho cán bộ, chiến sĩ sử dụng hệ thống dây kéo và ròng rọc để điều khiển bia ẩn hiện. Công việc này cần nhiều người, thiết bị cồng kềnh, lắp ráp phức tạp, độ ổn định trong huấn luyện không cao, bố trí số lượng bia ít... Cũng từ khó khăn, bất cập đó mà trung tá Mãnh nuôi ý chí sáng kiến ra “bộ bia ẩn hiện”.

Từ khi ra đời, bia giúp ích rất nhiều cho công tác huấn luyện của bộ đội về nhân lực, đảm bảo an toàn và chuyên nghiệp hơn. Cụ thể, người sử dụng chỉ cần đứng từ xa điều khiển bia ẩn hoặc hiện, đồng thời có thể bố trí cùng lúc 10-15 bia để bắn (thời gian bia hiện từ 10-15 giây)...

Phát huy tinh thần sáng tạo và cống hiến tài năng của Bộ đội Cụ Hồ, thượng tá Lê Minh Tuấn, Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật, khoe tháng 7-2021 đơn vị còn sáng chế ra “thiết bị lò đốt rác thải bằng sắt di động” giúp khu cách ly, bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch Covid-19 xử lý tốt các loại rác thải trong sinh hoạt.

Người trực tiếp vận hành lò này nhớ lại: Trước kia, tại bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế chủ yếu xử lý rác thải bằng phương pháp thủ công là đốt rác theo truyền thống. Phương pháp này còn nhiều hạn chế như không tiêu hủy rác hoàn toàn, quá trình đốt khói, mùi khó chịu và không thể thực hiện được trong điều kiện trời mưa.

Thiết bị gồm buồng đốt, bánh xe, ống khói và bộ phận cung cấp gió, nhiên liệu; khi cần thì chất củi vào buồng đốt mồi, rồi đổ rác vào buồng đốt chính, nạp nhiên liệu (dầu), sau đó dùng lửa đốt củi mồi… “Nó cơ động, bố trí nhanh chóng tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế bằng xe ô tô tải nhỏ hoặc di chuyển qua lại giữa các vị trí có tập trung rác trong cùng một khu cách ly; thao tác vận hành đơn giản; bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế cũng dễ dàng”, thượng tá Tuấn cho biết.

Từ tháng 7 đến nay có 7 lò ra đời phục vụ đắc lực công tác tiêu hủy rác ở các khu cách ly y tế. Theo tính toán, nếu dùng thiết bị này đốt 500kg rác, chi phí khoảng 500.000 đồng (20 lít dầu và 0,5m3 củi khô) so với chi phí xử lý rác thông thường (giá 23.500 đồng/kg) là 11.750.00 đồng, tiết kiệm trên 11.000.000 đồng.

Dân quân tự vệ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Đại tá Huỳnh Việt Trung, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chia sẻ, những việc làm vì dân và cải tiến, sáng tạo trong hoạt động hoàn toàn xuất phát từ việc triển khai sâu rộng, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Chỉ thị số 788 ngày 26/12/2013 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Từ đó, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể rất tiêu biểu, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới.

Ngày tết cận kề cũng chưa phải là lúc các anh nghĩ đến việc thư giãn mà lên các kế hoạch nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giúp cho Nhân dân có được những ngày xuân an yên. Bộ đội Cụ Hồ là thế, ở đâu có bộ đội ở đó có hơi ấm của tình yêu thương…

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho hay, năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ thiên tai, trong đó 11 vụ sạt lở đất, 8 vụ lốc xoáy làm sập và tốc mái 25 căn nhà. Nắm được tình hình, đơn vị cử 35 bộ đội thường trực, gần 150 lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với ban, ngành, địa phương giúp dân khắc phục. Năm qua, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ hỏa hoạn và đơn vị cũng cử 15 bộ đội thường trực, 60 dân quân tự vệ đến để khắc phục hậu quả.

NHẬT TÂN

Từ khóa » Tiêu Chí Xứng Danh Bộ đội Cụ Hồ