Xứng Danh đệ Nhất Danh Ca Vọng Cổ - Công An Nhân Dân

Chiếu Cà Mau… gối đầu mỗi đêm

"Hò ơ… chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm/Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu/Chiếu này tôi chẳng bán đâu/Tìm cô không gặp/ Hò ơ… tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm…" - (lời "Tình anh bán chiếu" của soạn giả Viễn Châu).

Anh Tám - Bí thư xã nằm ven kênh Xà No xuống câu vọng cổ thật mùi, giơ tay cầm ly rượu đế ực một hơi kêu "chót" trông thật đã đời! Ở miền Tây khi có đám giỗ, đám cưới… là tụ nhau suốt đêm chơi đờn ca tài tử. Bài tủ của nhiều người vẫn là "Tình anh bán chiếu". Và câu chuyện rôm rả về "ông vua vọng cổ" Út Trà Ôn vẫn được lưu truyền theo nhịp chảy của sông Tiền, sông Hậu. Tôi nhớ như in câu nói của tay đờn kìm Tám Kha, chuyên nghề giăng lưới ven cồn khi tiếp Đoàn Nhà văn thành phố xuống thăm vùng chiến trường xưa: "Đúng là giọng trời cho, khó tìm được người thứ hai. Giọng kim (còn gọi là giọng đồng) của Út Trà Ôn có thể ca từ dây hò đến dây xề hay dây đào mà chất giọng vẫn vang sang sảng, ngọt ngào. Ông toàn diện về ca ngâm, cách sắp nhịp, nhả chữ rất độc đáo…".

NSND Viễn Châu cho biết: "Một lần đi từ Bạc Liêu về Sài Gòn, tới chợ Phụng Hiệp thì xe hơi hư máy, phải đậu lại sửa. Khi ngồi nghỉ, tôi thấy một anh chàng ôm đôi chiếu bông đứng mệt nhọc giữa trưa nắng như chờ ai trước một căn nhà đóng kín, xa xa lại có một đám cưới. Khi đó, tôi chỉ nhìn chứ chưa hề nói chuyện với anh bán chiếu câu nào. Một số báo bịa ra chuyện tôi đến hỏi thăm, rồi mới biết anh từ Cà Mau đem chiếu lên Phụng Hiệp giao nhưng cô chủ nhà đi đâu mất biệt. Chuyện chỉ có vậy nhưng với con mắt của người viết, tôi nhìn anh bán chiếu và nghĩ ngay đến một mối tình, rồi tự hỏi tại sao mình không cho anh bán chiếu mang tâm trạng hụt hẫng trước một tình yêu đơn phương?… Tôi đã viết bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu" để anh Mười (nghệ sĩ Út Trà Ôn) thu đĩa. Hồi đó, báo giới Sài Gòn đã phong cho anh Mười là Hoàng đế vọng cổ khi đĩa "Tình anh bán chiếu" được tái bản liên tục".

Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, tên thường gọi trong gia đình là Mười Út (vì ông là con thứ mười và cũng là con út) sinh năm 1919 tại ấp Đông Phú, làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long (trước thuộc tỉnh Cần Thơ). Năm 1937, Mười Út được người quen giới thiệu với Đài Phát thanh Sài Gòn. Giọng ca truyền cảm, chân chất của ông nhanh chóng được đông đảo thính giả yêu chuộng. Một ký giả của Đài RFA cố công tìm hiểu về nghệ danh của ông đã khẳng định: "Nghệ danh Út Trà Ôn là do Đài Pháp Á đặt cho ông Nguyễn Thành Út, sau khi ông rời quê nhà Miệt Vườn ở huyện Trà Ôn, lên Sài Gòn thi thố tài năng…".

NSND Út Trà Ôn (trái) và NSND Viễn Châu.

Nghệ sĩ Út Trà Ôn bị chơi khăm

Ông nổi tiếng nghiêm túc với nghề, vẽ cặp chân mày mất đến hai tiếng đồng hồ. Thế mà ông lại bị hai nghệ sĩ đàn em là Diệu Hiền và Hồng Nga chơi khăm một vố khá nặng.

Một lần, Diệu Hiền được tăng viện vô đoàn làm kép chánh, vô câu vọng cổ: "Cha ơi con biết mình đã làm nên tội. Ơn của cha con ngàn đời ghi nhớ khi cha đã hy sinh cho con có một cuộc sống đủ… đầy". Không biết trời xui đất khiến ra sao, NSƯT Diệu Hiền lẹo lời "đủ…đầy" thì lại ca thành "đẩy…đù". Út Trà Ôn nổi khùng xô cô té nhào xuống dàn đờn.

Có một dạo Út Trà Ôn khoái chơi… số đề. Còn bài bạc các thứ thì hồi nào ông cũng khoái! Lúc đó, Hồng Nga được nhận vào đoàn hát để phụ việc lặt vặt, cô bày ra trò nằm mơ báo mộng để ông ghi số đề. Hồng Nga bịa chuyện: "Con nằm mơ gặp vua Huỳnh Đế, ông ấy cho 5 xu". Út Trà Ôn gãi đầu đoán mò: "Làm gì có ông vua Huỳnh Đế nào, chắc là con cua huỳnh đế". Chiều đó xổ số trật lất, Hồng Nga trốn biệt, ông nghỉ chơi đề luôn.

Diễn vở tuồng "Tuyệt tình ca", Hồng Nga đóng vai bà giáo Lan, Út Trà Ôn đóng vai ông Cò. Giữa chừng, "bà giáo" nắm tay "ông Cò" rồi ém hơi nói nhỏ một câu không có trong kịch bản: "Bàn tay này chơi xập xám hoài coi chừng có ngày bị cảnh sát hỏi thăm". Không thể phản ứng gì mà phải tỏ ra mùi mẫn, lâm ly, ông chỉ biết trừng mắt nhìn Hồng Nga. Vào hậu trường, Hồng Nga trốn biệt, tới lớp khác mới lò dò ra sân khấu...

Những vai diễn để đời

Vào vai ông Cò Hương quận 9 trong vở "Tuyệt tình ca", NSND Út Trà Ôn diễn y như thật, ca ngâm đầy tâm trạng, biểu đạt nội tâm bằng âm hưởng ngọt ngào, quyến rũ. Soạn giả Hoa Phượng xây dựng nhân vật theo kiểu "đo ni đóng giày" cho chính ông. Vào lớp đầu ông Cò Hương hối hận, phân bua với người vợ lớn, Út Trà Ôn ca với tâm trạng não nuột: "Mỗi lần thấy bông ô môi điểm hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng tôm rộn rã đón xuân sang, mỗi lần về ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An là mỗi lần tôi nhớ đến màu xuân của đầu năm binh lửa. Nhớ đến dáng người vợ trẻ đã chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời tỉnh Long… Hồ… Phải đâu khi thuyền vừa tách bến sông là tôi đã chấm dứt tình thâm phụ tử". Độc đáo nhất là ông nói trong ca và ca trong nói:"Chỉ tội nghiệp cho hai đứa kia không biết nó sống chết ra sao, sống có được ấm no, chết có được yên mồ mả. Trong khi ba của nó lên xe xuống ngựa, một cũng ông Cò hai cũng ông Cò… Ôi, ông Cò cũng là người cầm cân nẩy mực nhưng đối với các con tôi lại có sự bất công. Quận này tôi có nhiệm vụ giữ trật tự an ninh mà trong lòng tôi lại không có an ninh trật tự…" . Đến bây giờ trong làng vọng cổ, nhiều bậc cao niên nhắc đến vở tuồng này đều chắc lưỡi bảo rằng: "Cả đời người nghệ sĩ mới có một vai diễn nhớ đời như thế!".

Sau năm 1975, nghệ sĩ Út Trà Ôn cùng các nghệ sĩ Phùng Há, Ba Vân, Thanh Nga, Hoàng Giang… diễn vở "Đời cô Lựu" của soạn giả Trần Hữu Trang, nức tiếng suốt nhiều năm. Đến năm 1980, Út Trà Ôn nhận diễn vai ông Tám Khỏe trong "Người ven đô" của Minh Khoa, trên sân khấu cải lương Sài Gòn I. Lúc này ông không cộng tác cho một đoàn nào cả, mà chỉ hát theo yêu cầu của các cơ quan của Đài phát thanh - Truyền hình và thu băng video, làm thành viên ban giám khảo trong những đợt tuyển lựa giọng ca cải lương. Chắc hẳn thính giả cả nước còn nhớ bài vọng cổ "Đài hoa dâng Bác" của tác giả Trần Nam Dân do NSND Út Trà Ôn ca. Thêm một lần nữa Út Trà Ôn khẳng định ngôi vị của mình: "Ôi thương biết mấy những ngọn sóng đại dương năm xưa từng tiễn đưa Bác và những viên gạch hồng…sưởi ấm Bác giữa mùa đông...". Hơi vẫn buông một cách thong thả, giọng ngân ở nhịp chẻ, âm giọng bổng lên như tiếng chuông đồng vang vang…

Cải lương không thể chết

Ca sĩ Bích Phượng, người con út của NSND Út Trà Ôn tâm sự: "Hồi lên 10, mỗi chiều chủ nhật ba dắt đi xem hát. Mọi người ai cũng hỏi: Lớn lên có theo nghề của ba không? Tôi hồn nhiên trả lời "Không" khiến ba rất thất vọng. Một hôm bất thần trông thấy con gái rượu của mình xuất hiện trên truyền hình với nhóm nhạc dân tộc, ba đã kêu lên với vợ: "Con Phượng hát dân ca hay thiệt bà ơi! Thôi thì nó đi theo tân nhạc cũng quý rồi! Miễn dính dấp đến nghệ thuật đã là hậu duệ của Út Trà Ôn".

Với soạn giả Viễn Châu, ông thổ lộ nỗi niềm lúc đang bị bệnh nhũn não nặng, đi đứng khó khăn: "Bây giờ tôi không còn nhớ gì, mỗi khi xem con cháu hát trên truyền hình thì thấy thèm được ra sân khấu. Xã hội ngày tiến triển, bài vọng cổ cũng theo đó mà sáng tạo. Nhưng sao bây giờ các em nhỏ ca không bằng niềm say mê. Vì thế bài vọng cổ bị cải biến quá nhiều, có người ca hàng trăm chữ, cố để khoe giọng mà quên cải lương cần chất tự sự. Tôi sẽ buồn lắm nếu ai đó nhân danh cải tiến bài vọng cổ mà phá đi nét chân phương, mùi mẫn mà ông cha ta đã dày công sáng tạo... Phải chi còn khỏe tôi lại theo cô Út Bạch Lan đi chấm thi. Cải lương hơn bao giờ hết xuất phát từ nhân dân thì không bao giờ chết…".

Đến thời điểm hiện nay chưa ai có thể sánh với giọng ca Út Trà Ôn, dù mỗi nghệ sĩ có nét diễn, chất giọng hay riêng. Trên 50 năm kể từ khi bước chân vào lĩnh vực sân khấu cải lương, NSND Út Trà Ôn để lại trong lòng khán giả mộ điệu hàng chục vai diễn độc đáo, hàng trăm bài hát vọng cổ vang danh. NSND Út Trà Ôn thật xứng với danh xưng "Đệ nhất danh ca vọng cổ"

Từ khóa » Ca Cổ đài Hoa Dâng Bác út Trà ôn