Xung đột Armenia-Azerbaijan: Chiến Sự đã được Báo Trước - PLO
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27-9, xung đột bùng phát dữ dội tại khu vực Nagorno-Karabakh. Đây là cuộc đối đầu giữa hai quốc gia Cận Đông là Azerbaijan (được công nhận chủ quyền đối với Nagorno-Karabakh) và Armenia (hậu thuẫn chính quyền ly khai ở Nagorno-Karabakh).
Những diễn biến nguy hiểm trong một thời gian ngắn và ngay lúc thế giới đối mặt hàng loạt vấn đề nghiêm trọng đã khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại.
Một đơn vị pháo binh Armenia tham chiến tại Nagorno-Karabakh hồi cuối tháng 9. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ARMENIA
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên người Armenia và người Azerbaijan đối đầu ở Nagorno-Karabakh. Cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ ly khai này là hệ quả dai dẳng của những xáo trộn và bất ổn trong lịch sử.
Bài toán địa chính trị, địa chiến lược tại Nagorno-Karabakh
Nam Caucasus (người Nga gọi là Ngoại Kavkaz) là phần phía nam dải đất nằm giữa biển Caspi và biển Đen. Người Armenia (chủ yếu theo Cơ đốc giáo) và người Azerbaijan (chủ yếu theo Hồi giáo) là hai trong ba sắc tộc chính ở khu vực này, nhóm còn lại là người Georgia.
Chuyên gia Thomas de Waal thuộc Văn phòng châu Âu (tại TP Brussels, Bỉ) của Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie nhấn mạnh rằng Nam Caucasus "là khu vực giáp với Iran, là láng giềng của châu Âu và Nga, còn Mỹ cũng tham gia vào khu vực trong những năm 1990".
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đây là một chiến trường khốc liệt khi Đế quốc Nga hậu thuẫn người Armenia còn người Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Azerbaijan. Năm 1915, người Thổ Nhĩ Kỳ còn thảm sát khoảng 1,5 triệu người Armenia.
Nagorno-Karabakh là một vùng ở phía tây Azerbaijan, có hơn 90% dân cư là người Armenia. Ban đầu, lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin được cho là muốn giao khu vực này cho Armenia quản lý.
Tuy nhiên, vào năm 1923, ông Stalin thành lập Tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh đặt dưới sự kiểm soát của Azerbaijan. Giới phân tích cho rằng Moscow thay đổi quyết định như vậy để lấy lòng người Thổ Nhĩ Kỳ, theo báo The Washington Post.
Tại thời điểm đó, Armenia và Azerbaijan là hai nước cộng hòa cùng thuộc Cộng hòa liên bang Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ngoại Kavkaz - một trong bốn thực thể sáng lập Liên Xô.
Bản đồ khu vực nam Caucasus: Azerbaijan (màu cam), Armenia (màu vàng đất), Nagorno-Karabakh (màu đỏ) và khu vực do Armenia chiếm đóng (màu nâu đất). Ảnh: EURASIA REVIEW
Người Armenia luôn phản đối quyết định này của chính quyền trung ương Moscow. Cuối những năm 1980, do ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc ở Liên Xô, sự bất đồng giữa người Armenia và người Azerbaijan bắt đầu dâng cao.
Liên Xô tan rã dẫn tới xung đột đẫm máu tại Nagorno-Karabakh
Khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, Azerbaijan bãi bỏ quy chế tự trị của Nagorno-Karabakh. Đáp lại, Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập và thể hiện rõ mong muốn hợp nhất với Armenia.
Xung đột vũ trang nổ ra giữa một bên là Armenia và Nagorno-Karabakh, bên còn lại là Azerbaijan. Đầu những năm 1990, người Armenia kiểm soát phần lớn khu vực đông nam Azerbaijan (giáp với Armenia), bao gồm Nagorno-Karabakh.
Trong sáu năm xung đột, 30.000 người đã thiệt mạng và khoảng một triệu người khác buộc phải rời bỏ nhà cửa để tránh chiến sự, theo hãng tin Al Jazeera.
Tháng 5-1994, Armenia, Azerbaijan và Nagorno-Karabakh đã ký thỏa thuận ngừng bắn. Vai trò trung gian hòa giải của Nga và sự hỗ trợ của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) được coi là những nhân tố chính tạo ra kết quả tích cực này.
Từ năm 1994, Nagorn-Karabakh tiếp tục tồn tại như một thực thể độc lập với tên gọi Cộng hòa Artsakh. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế, kể cả Armenia, không công nhận nhà nước ly khai này.
"Chiến tranh bốn ngày" - bùng phát lẫn kết thúc đều bất ngờ
Sáng sớm 2-4-2016, xung đột tái bùng phát tại Nagorno-Karabakh. Sự kiện này được gọi là "Chiến tranh bốn ngày" và trở thành vụ đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ sau thỏa thuận ngừng bắn năm 1994 (tính đến trước tháng 9-2020).
Cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc bên còn lại khơi mào xung đột nhưng có vẻ Azerbaijan là bên tấn công trước.
Một trực thăng Azerbaijan bị bắn hạ tại Nagorno-Karabakh trong "Chiến tranh bốn ngày" năm 2016. Ảnh: AP
Chính quyền Yerevan cảnh báo xung đột này có thể dẫn tới "chiến tranh quy mô lớn", trong khi chính quyền Baku đe dọa tấn công TP Stepanakert - thủ phủ của Nagorno-Karabakh.
Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều bị cáo buộc đã hỗ trợ quân sự cho đồng minh của mình. Giống như trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Moscow hậu thuẫn Armenia, trong khi Ankara về phe Azerbaijan.
Trong bốn ngày chiến sự, khoảng 400 người Armenia đã thiệt mạng và lực lượng của Azerbaijan cũng chịu thương vong tương đương, theo Al Jazeera. Iran - giáp với Nagorno-Karabakh - cho biết một số quả rocket đã rơi xuống phía bắc nước này.
Lo ngại xung đột leo thang, nhiều cường quốc kêu gọi Yerevan và Baku tôn trọng lệnh ngừng bắn và nối lại đối thoại. Đến trưa 5-4-2016, Nagorno-Karabakh, sau đó lần lượt là Armenia và Azerbaijan, tuyên bố đình chiến "bất ngờ như cách chiến sự bắt đầu".
Chiến sự ác liệt ở Nagorno-Karabakh trong một tuần qua
Theo các hãng tin Sputnik, Al Jazeera và Reuters, sáng sớm 27-9, quân đội Azerbaijan đã không kích và pháo kích Nagorno-Karabakh. Armenia đổ lỗi cho Azerbaijan đã tấn công trước và gọi hành động của nước láng giềng là lời tuyên chiến. Trong khi đó, Azerbaijan nói rằng nước này chỉ "đáp trả" những động thái quân sự "khiêu khích trên quy mô lớn" của Armenia.
Từ ngày 28-9, Armenia nhiều lần cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã trực tiếp hỗ trợ quân đội Azerbaijan như triển khai lính đánh thuê người Syria, cử máy bay F-16 đến tham chiến hay "trực tiếp kiểm soát" không quân Azerbaijan…
Tính tới ngày 3-10, lực lượng người Armenia thông báo tiêu diệt ít nhất 205 xe tăng và xe thiết giáp, 10 trực thăng, hơn 110 máy bay không người lái và hơn 10 máy bay quân sự của Azerbaijan. Đại diện Nagorno-Karabakh cho biết lực lượng quân nhân tại vùng lãnh thổ này đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3.000 lính Azerbaijan.
Armenia nói rằng một máy bay chiến đấu Su-35 của nước này đã bị F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ nhưng, như đối với những lời cáo buộc khác của Yerevan, Ankara phủ nhận việc can thiệp trực tiếp vào chiến sự ở Nagorno-Karabakh.
Ngày 3-10, Azerbaijan tuyên bố đã phá hủy 230 xe tăng và xe thiết giáp, 250 đơn vị pháo, nhiều hệ thống rocket và đạn cối, 10 trung tâm chỉ huy tác chiến và đài quan sát, bảy kho đạn dược, hơn 130 xe quân sự và một hệ thống phòng không S-300 và 38 hệ thống phòng không khác của phía Armenia. Chính quyền Baku không cập nhật thông tin về thương vong.
Một khu vực gần TP Stepanakert - thủ phủ của Nagorno-Karabakh - bị vũ khí hạng nặng của Azerbaijan tấn công hôm 2-10. Ảnh: NEWSWEEK
Iran một lần nữa chịu ảnh hưởng do xung đột ở sát biên giới. Chính quyền tỉnh Đông Azerbaijan (Iran) - giáp với Nagorno-Karabakh - cho biết một số ngôi làng ở tỉnh này bị rocket và đạn cối của Azerbaijan bắn trúng khiến ít nhất một trẻ em bị thương nặng, theo hãng thông tấn IRNA.
Xung đột luôn âm ỉ nhưng ít được cộng đồng quốc tế quan tâm
Vì không có một nghị quyết hòa bình, trong hơn 20 năm qua, vấn đề ở Nagorno-Karabakh trở thành một "xung đột bị đóng băng". Nếu không tính đến "Chiến tranh bốn ngày" thì từ đầu năm 2015 đến tháng 8-2020, các bên ở Nagorno-Karabakh đã vi phạm lệnh ngừng bắn gần 300 lần, theo Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG).
Chiến sự ngày 27-9 không phải lần đối đầu quân sự đầu tiên giữa Armenia và Azerbaijan trong năm nay. Từ ngày 12-7, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã liên tục cáo buộc Armenia vi phạm thỏa thuận ngừng bắn nhưng truyền thông quốc tế gần như bỏ qua thông tin này, theo tờ The New York Times.
Ngày 13-7, bà Olesya Vartanyan - chuyên gia cao cấp của ICG về khu vực Nam Caucasus - nhận định rằng nhiều người sẽ rất bất ngờ nếu xung đột Armenia-Azerbaijan leo thang thành chiến tranh quy mô lớn, song lưu ý rằng bất kỳ kịch bản nào cũng có thể xảy ra. Đến ngày 28-9, bà Vartanyan cảnh báo rằng thế giới "đang bước rất gần tới một cuộc chiến tranh quy mô lớn".
Trang mạng The Conversation (Úc) lưu ý rằng sau những đụng độ hồi tháng 7, người dân Azerbaijan rất tức giận và ông Elmar Mammadyarov phải từ chức Ngoại trưởng Azerbaijan. Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Zakir Hasanov cũng chịu sức ép từ dư luận nhưng không từ chức.
Do đó, leo thang xung đột được cho là lựa chọn có chủ đích của chính quyền Baku để giành lại sự ủng hộ của dân chúng.
Thực tế rằng Baku không còn quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh và người Armenia xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc ở khu vực này cũng làm người dân Azerbaijan lo lắng và kêu gọi chính quyền tiến hành chiến tranh toàn diện để giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ.
Trong khi đó, tạp chí Foreign Policy lưu ý rằng 2020 là một năm tồi tệ và điều này có thể đã khiến xung đột ở Nagorno-Karabakh nghiêm trọng hơn. Hậu quả của đại dịch COVID-19 là rất nặng nề và như phần lớn các nước khác, Armenia và Azerbaijan đều căng thẳng vì sự suy thoái kinh tế do đại dịch.
Ông Richard Giragosian - Giám đốc Trung tâm Khu vực học tại Yerevan - lại cho rằng Nagorno-Karabakh có vẻ là mặt trận mà Moscow và Ankara đang tranh giành ảnh hưởng. Ông cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm dòng máy bay vũ trang không người lái mới của nước này ở Nam Caucasus.
(Mời bạn đọc đón đọc Bài 2- Xung đột Armenia-Azerbaijan: Mỗi bên có toan tính riêng)
(PLO)- Mỹ, Nga và Pháp kêu gọi một lệnh ngừng bắn giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ nói ba nước này không nên tham gia các cuộc hòa đàm. HOÀN ĐỨCTừ khóa » Bản đồ Azerbaijan Và Armenia
-
Armenia–Azerbaijan Border - Wikipedia
-
Chiến Tranh Nagorno-Karabakh – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đối đầu Armenia-Azerbaijan 2020: Đột Biến Ngoài Sức Tưởng Tượng
-
Caucasus Live Map And News Today - Azerbaijan Armenia Georgia ...
-
Political Map Of Armenia - Nations Online Project
-
Perspectives | On The Armenia-Azerbaijan Border, The Map Is Not The ...
-
Armenia | Geography, Population, Map, Religion, & History | Britannica
-
Azerbaijan Map Pictures, Images And Stock Photos - IStock
-
Armenia And Azerbaijan 1992–93 - The Map Archive
-
Map Of Azerbaijan And Region | Download Scientific Diagram
-
Armenia - Maps
-
The Nagorno-Karabakh Conflict: A Visual Explainer | Crisis Group