Xung đột Pháp Luật Là Gì? Phạm Vi Của Xung đột Pháp Luật?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Xung đột pháp luật là gì?
  • 2 2. Nguyên nhân của hiện tượng xung đột pháp luật:
    • 2.1 2.1. Nguyên nhân khách quan:
    • 2.2 2.2. Nguyên nhân chủ quan:
  • 3 3. Phạm vi của xung đột pháp luật:
  • 4 4. Giải quyết xung đột pháp luật:

1. Xung đột pháp luật là gì?

Xung đột pháp luật là hiện tượng pháp lý trong đó hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng tham gia vào điều chỉnh một quan hệ tư pháp quốc tế mà nội dung điều chỉnh trong mỗi hệ thống pháp luật sự khác nhau.

 Nguyên nhân: do mỗi nước có điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau, bởi vậy pháp luật của các nước được xây dựng trên các nền tảng đó cũng có sự khác nhau.

Ví dụ: Một nam công dân Việt Nam muốn kết hôn với một nu công dân Anh. Lúc này, những vấn đề cần giải quyết là luật pháp nước nào sẽ điều chỉnh quan hệ hôn nhân này hay nói chính xác hơn là họ sẽ tiến hành các thủ tục kết hôn theo luật nước nào. Câu trả lời là hoặc luật của Anh hoặc luật của Việt Nam. Giả sử, hai công dân này đều thỏa mãn các điều kiện về kết hôn của pháp luật Anh và Việt Nam, lúc đó, vấn đề chọn luật nước nào không còn quan trọng. Bởi vì, luật nào thì họ cũng được phép kết hôn. Nhưng, nếu nam công dân Việt Nam mới chỉ 19 tuổi, nu công dân Anh 17 tuổi thì theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam, cả hai đều chưa đủ độ tuổi kết hôn (Điều 9, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định độ tuổi kết hôn với nam – đủ 20 tuổi trở lên, nữ – đủ 18 tuổi trở lên). Trong khi đó, luật hôn nhân của Anh thì quy định độ tuổi được phép kết hôn đối với nam và nữ là 16 tuổi. Như vậy, đều về độ tuổi được phép kết hôn nhưng pháp luật của cả hai quốc gia đều hiểu không giống nhau. Đấy chính là xung đột pháp luật.

2. Nguyên nhân của hiện tượng xung đột pháp luật:

Như vậy, xung đột pháp luật là hiện tượng đặc thù của tư pháp quốc tế, nó xuất phát do hai nhóm nguyên nhân đó là, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.

2.1. Nguyên nhân khách quan:

Nguyên nhân khách quan của hiện tượng xung đột pháp luật là do pháp luật các nước có sự khác nhau. Bởi vì, pháp luật do nhà nước xây dựng nên, phù hợp với các điều kiện chính trị, xã hội… của nước mình. Vì vậy, có rất nhiều yếu tố làm cho pháp luật của các nước trên thế giới không giống nhau, nguyên dân dẫn đến sự khác nhau của pháp luật các nước là do chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia đều tồn tại dựa trên một nền tảng kinh tế nhất định với một chế độ sở hữu tương ứng với nền kinh tế đó. Mà mỗi nước lại sở hữu một chế độ xã hội theo đó, chế độ sở hữu được hiểu là một bộ phận của cơ sở hạ tầng, có mối quan hệ biện chứng với kiến trúc thượng tầng trong đó pháp luật là một cấu thành quan trọng. Vì vậy, dựa trên một chế độ sở hữu nhất định thì pháp luật cũng được hình thành để phản ứng một cách phù hợp và tương xứng.

Từ các nguyên nhân khác như tập quán, truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, bởi cách giải thích pháp luật khác nhau, áp dụng pháp luật khác nhau và hơn nữa là trình độ phát triển ở các nước là không đồng đều… dẫn đến sự khác nhau giữa hệ thống pháp luật các nước. Như vậy, nếu pháp luật các nước không có sự khác nhau thì không có hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật cũng có thể điều chỉnh quan hệ.

Ngoài nguyên nhân đã được nêu ra ở trên thì một nguyên nhân khác nữa dẫn đến việc xung dột này là do quan hệ tư pháp quốc tế luôn có yếu tố nước ngoài. Bởi các quan hệ mà tư pháp quốc tế điều chỉnh là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế.

2.2. Nguyên nhân chủ quan:

Nguyên nhân chủ quan là do có sự thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài của nhà nước . Thực tế có những quan hệ pháp luật nảy sinh, mặc dù hệ thống pháp luật của các nước là khác nhau, cũng có sự xuất hiện của yếu tố nước ngoài tức là thỏa mãn hai điều kiện của nguyên nhân khách quan nói trên, nhưng vẫn không có xung đột pháp luật.

Trong khi đó, các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài sẽ phát sinh hiện tượng xung đột pháp luật. Do bản chất của các quan hệ này là quan hệ dân sự, các quan hệ đời thường diễn ra hằng ngày giữa người dân với nhau, họ là các chủ thể ngang quyền và bình đẳng với nhau.

Như vậy, lý do khách quan là tiền đề quan trọng để xuất hiện hiện tượng xung đột pháp luật, lý do chủ quan là lý do quyết định có tồn tại quan hệ xung đột pháp luật hay không. Nếu lý do khách quan thỏa mãn nhưng lại không có sự đồng ý cho áp dụng pháp luật nước ngoài trong loại quan hệ đó thì hiện tượng xung đột pháp luật cũng không thể nảy sinh như các quan hệ trong lĩnh vực luật công có yếu tố nước ngoài.

3. Phạm vi của xung đột pháp luật:

Mỗi nước có các điều kiện khác nhau về chính trị, kinh tế – xã hội phong tục tập quán, truyền thống lịch sử…

Phạm vi của xung đột pháp luật: xung đột pháp luật chỉ xảy ra trong các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài. Còn trong các lĩnh vực quan hệ pháp luật khác như hình sự, hành chính… không xảy ra xung đột pháp luật bởi vì:

Luật Hình sự, Hành chính mang tính hiệu lực lãnh thổ rất nghiêm ngặt (quyền tài phán công có tính lãnh thổ chặt chẽ).

Luật Hình sự, Hành chính không bao giờ có các quy phạm xung đột và tất nhiên cũng không bao giờ cho phép áp dụng luật nước ngoài;

Trong các quan hệ về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp có yếu tố nước ngoài thường không làm phát sinh vấn đề xung đột pháp luật vì các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này mang tính tuyệt đối về lãnh thổ. Các quốc gia chỉ cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài để điều chỉnh các quan hệ trong trường hợp có điều ước quốc tế do quốc gia đó đã tham gia kí kết đã quy định hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Đối với các quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài như hôn nhân, hợp đồng dân sự, thương mại… thì xung đột pháp luật sẽ nảy sinh hầu hết trong các quan hệ này, tuy nhiên xung đột pháp luật sẽ không xảy ra trong một số trường hợp đặc biệt do tính chất đặc thù của một số quan hệ, ở đây tiêu biểu là một số quan hệ liên quan về sở hữu trí tuệ, quan hệ tố tụng tòa án trọng tài.

Điều 678. BLDS 2015 quy định về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản như sau:

“ 1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Như vậy, về nguyên tắc việc xác lập quyền của tài sản sẽ được xác lập nơi pháp luật có tài sản, tuy nhiên quyền sở hữu trí tuệ  lại có ngoại lệ.

Điều 679. Quyền sở hữu trí tuệ BLDS 2015 quy định:

“ Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ.”

Như vậy, với đặc điểm nổi bật là tính vô tính của tài sản, nên tài sản trí tuệ phát sinh trên cơ sở pháp luật nước nào, yêu cầu bảo hộ ở đâu thì chỉ được bảo hộ và chỉ bảo hộ được trong phạm vi nước đó mà thôi. Vì vậy, đối với các quan hệ này không có xung đột pháp luật, do vậy không thể áp dụng luật nước ngoài để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho một đối tượng nào đó ở Việt Nam. Song, đối với các quan hệ hợp đồng có đối tượng liên quan đến chuyển giao quyền đến sở hữu trí tuệ như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc chuyển giao quyền sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ; hoặc các quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra được xem là các quan hệ hợp đồng, bồi thường thiệt hại hay quan hệ dân sự bình thường và đều có xung đột pháp luật.

4. Giải quyết xung đột pháp luật:

Để giải quyết hiện tượng xung đột pháp luật thông thường các cơ quan chức năng thường sử dụng hai phương pháp đó là phương pháp thực chất và phương pháp xung đột. Theo đó, thì phương pháp thực chất được biết đến là phương pháp dùng quy phạm thực chất, trực tiếp điều chỉnh quan hệ mà không cần bất kì một khâu trung gian nào. Do vậy, quy phạm này quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ. trực tiếp điều chỉnh các quan hệ không những thế mà quy phạm này còn được ghi nhận trong các điều ước quốc tế quy phạm thực chất thống nhất và được ghi nhận trong pháp luật quốc gia quy phạm thực chất thông thường

Việc giải quyết xung đột pháp luật theo phương pháp thực chất  được xác định như thế thì đối với phương pháp xung đột được áp dụng trong việc giải quyết xung đột  là phương pháp sử dụng các quy phạm xung đột để giải quyết xung đột pháp luật. Đây là các quy phạm pháp luật đặc biệt, nó không quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ, nhiệm vụ của các quy phạm xung đột chỉ là xác định hệ thống pháp luật của quốc gia nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ, còn bản thân quan hệ chưa được giải quyết. Tuy nhiên, khi cơ quan có thẩm quyền muốn giải quyết vấn đề thì cần căn cứ vào quy phạm xung đột, áp dụng hệ thống pháp luật mà quy phạm xung đột dẫn chiếu tới.

Từ khóa » Ví Dụ Về Xung đột Pháp Luật Là Gì