Xung Quanh Việc Sắp Xếp Lại Tổng Cục TDTT | SCTV

Nên thận trọng

Ngày 26.4.2022, Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (viết tắt là Ban Chỉ đạo) đã có thông báo, với nội dung: “Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành đã được Ban Chỉ đạo, Thủ tướng tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tiễn... Các bộ, ngành chủ động đánh giá và xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc phạm vi quản lý, cơ bản đáp ứng các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sắp xếp và tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực…”.

Xung quanh việc sắp xếp lại Tổng cục TDTT

Thể thao mang lại sự gắn kết xã hội hết sức mạnh mẽ

Trên cơ sở kết luận trên, Bộ Nội vụ đã gửi công văn đề nghị Bộ VH-TT-DL tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch, Tổng cục TDTT theo hướng giảm cấp trung gian, đồng nghĩa với việc không duy trì mô hình tổng cục nữa. Gần đây, Tổng cục TDTT đã liên tiếp có các cuộc họp để xin ý kiến của các phòng ban, đơn vị trực thuộc tổng cục về việc cơ cấu lại bộ máy. 100% ý kiến đều không muốn bị hạ cấp từ tổng cục xuống cục. Còn nếu trong trường hợp bị hạ cấp, một số ý kiến đề xuất nên thành lập 2 cục gồm: Cục Thể thao quần chúng và phong trào, Cục Thể thao thành tích cao.

Trước khi các cấp có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng về việc này, nhiều chuyên gia và những người đang hoạt động trong lĩnh vực thể thao đã nêu quan điểm, chủ trương của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết nhưng việc cơ cấu lại bộ máy phải hết sức thận trọng và được dựa trên tinh thần chỉ đạo là cần “phù hợp yêu cầu thực tiễn”. Vậy yêu cầu thực tiễn của ngành TDTT cụ thể như thế nào?

Thể thao là một ngành đặc biệt

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 23.4.2022, Thủ tướng nêu các tiêu chí trong trường hợp thành lập tổng cục thuộc Bộ: Một là có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; hai là chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở T.Ư; ba là trường hợp đặc biệt do Chính phủ xem xét quyết định.

Có thể xem xét ngay tiêu chí thứ ba, vì TDTT vốn là một ngành đặc biệt. Sự đặc biệt ấy đến từ chính bối cảnh ra đời, từ đầu năm 1946, ngành đã có tới… 9 lần điều chỉnh về bộ máy quản lý (cơ quan ngang bộ, tổng cục, cục, nha, ban) vì nhiều lý do khác nhau. Trong tiến trình 76 năm ấy, mô hình Cục TDTT chỉ được duy trì trong 2 năm (1990 - 1992), do không đáp ứng được yêu cầu quản lý, nên phải chuyển đổi thành mô hình tổng cục. Trong khi ấy, mô hình Tổng cục TDTT có thời gian duy trì nhiều nhất 39 năm (chiếm 51,2% tổng số thời gian), trong khi mô hình Cục thuộc Bộ chỉ được duy trì 2 năm (chiếm 2,6% tổng số thời gian). Thực tiễn cũng chứng minh kể từ khi được sáp nhập vào Bộ VH-TT-DL, các cấp quản lý TDTT ở địa phương cũng bị xáo trộn theo và yếu đi so với giai đoạn là Ủy ban TDTT. Như vậy, có thể nhận thấy nếu không có được vị thế ít nhất là ở cấp tổng cục như hiện tại, cơ quan quản lý nhà nước về TDTT ở T.Ư sẽ khó có thể đảm đương tốt vai trò quản lý, định hướng cho sự phát triển chung, đặc biệt là phát huy được tiềm năng to lớn của công tác TDTT trong bối cảnh và xu hướng phát triển mới (đặc biệt là cần đẩy mạnh mảng kinh tế thể thao, thúc đẩy thể thao chuyên nghiệp…).

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT, nhấn mạnh: “Hai nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành thể thao là phát triển sức khỏe toàn dân và thể thao thành tích cao. Tôi cho rằng yêu cầu của Bộ Nội vụ chỉ tập trung vào việc giảm cấp trung gian nhưng chưa xét tới đặc thù ngành thể thao. Cần xem xét hình thức nào có thể tham mưu cho Chính phủ, làm việc hiệu quả với các địa phương và quan hệ quốc tế. Nếu chỉ cấp cục, việc chỉ đạo các địa phương có thực hiện được hiệu quả hay không? Cục có trực tiếp thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế được không?”.

Một quan chức ngành thể thao chia sẻ: “Năm 2011, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 08 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020. Trong đó nội dung nghị quyết đã nêu cao vai trò của thể thao và trên thực tế, thể thao đã có tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của xã hội, trong đó bao gồm cả kinh tế. Nếu hạ cấp chức năng của cơ quan quản lý về thể thao sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thể thao VN. Thế nên vấn đề này cần được xem xét một cách thấu đáo, tránh làm suy yếu hoạt động và quản lý của ngành TDTT”.

Từ khóa » Tổng Cục Tdtt