Xương Rồng Tai Thỏ Có Tác Dụng Gì, Có ăn được Không?

Xương rồng tai thỏ là một loại xương rồng dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc. Trước đây, mọi người thường biết đến loại cây này như một loại cây kiểng trang trí, làm hàng rào hoặc chỉ đơn giản là một loại cây mọc hoang.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người bắt đầu dùng nó như một loại thực phẩm (ngoài ra còn dùng làm thuốc). Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu công dụng của cây xương rồng tai thỏ nhé!

Công dụng làm thuốc của cây xương rồng tai thỏ

Trước đây, dân gian quê tôi thường lấy nhánh và phiến lá của cây xương rồng tai thỏ, cắt nhỏ ra, rang với muối rồi cho vào miếng vải, đợi bớt nóng thì chườm lên lưng (giúp giảm nhức lưng). Nhà tôi cũng có trồng vài cây xương rồng tai thỏ, vậy nên, những người gần xóm thỉnh thoảng lại ghé qua, xin về làm thuốc.

Xương rồng tai thỏ
Hình ảnh cây xương rồng

Bên cạnh đó, loài cây này còn được dùng làm thực phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị tiểu đường, u xơ tuyến tiền liệt, rối loạn mỡ máu và giúp nhuận tràng.

Cách chế biến xương rồng tai thỏ

Có lẽ thông tin “hot” nhất khi nói về loài xương rồng này chính là: nó có thể dùng làm thức ăn. Theo Tiến sĩ Trần Bá Thoại (Ủy viên Ban chấp hành Hội Nội tiết Việt Nam) thì các bẹ lá xương rồng tai thỏ có chứa vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất chống oxy hóa.

Ở Hoa Kỳ, dân gian đã dùng cây này làm thức ăn từ rất lâu. Ở nước ta, xương rồng tai thỏ được dùng làm thực phẩm trên khắp cả nước nhưng ít phổ biến, thường được biết đến là đặc sản Quảng Nam.

Xương rồng nấu tôm
Xương rồng nấu tôm

1. Luộc

Món đơn giản nhất chính là xương rồng tai thỏ luộc. Với món này, bạn chỉ cần đem xương rồng gọt hết phần gai và lớp vỏ xanh bên ngoài, sau đó cắt mỏng và đem đi luộc (đến khi chuyển sang màu vàng là được). Được biết, người dân Quảng Nam thường dùng món này, chấm với mắm cái trong bữa cơm hàng ngày của họ, tuy đơn giản nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng.

2. Xào tỏi

Xương rồng tai thỏ xào tỏi là món ăn khá được yêu thích đối với các du khách khi đến Quảng Nam. Món này bước đầu được chế biến như món luộc, sau đó vắt ráo nước rồi đem đi xào tỏi như các loại rau xanh thông thường.

Ngoài ra, loại xương rồng này còn được biến tấu thành nhiều món ăn khác nhau như canh chua, cá kho, gỏi cùng tôm thịt, xào trứng, salad theo kiểu của người phương Tây hay thậm chí là làm nước ép.

Thông tin thêm

Xương rồng trên thế giới hiện có rất nhiều loại, tuy nhiên, không phải loại nào cũng có thể dùng làm thực phẩm cho con người. Chẳng hạn, xương rồng ba cạnh là loại có độc, có thể gây kích ứng da, phồng rộp, mù mắt (nếu để nhựa cây rơi vào). Vì vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ về loại xương rồng bạn tìm thấy trước khi dùng chúng làm thực phẩm.

Ngoài ra, xương rồng thường có nhiều gai, kể cả trên lá và quả nên khi thu hoạch, bạn không nên dùng tay không để hái trực tiếp (vì gai xương rồng nhìn có vẻ nhỏ và yếu nhưng chúng có thể đâm xuyên qua da). Vì vậy, bạn nên sử dụng bao tay hoặc cây gắp khi thu hoạch và chế biến chúng nhé!

Tham khảo: Xương rồng ba cạnh có độc không, có dùng làm thuốc được không?

Nguyễn Sen

Nguồn tham khảo

  1. Kỳ lạ loại cây toàn gai nhưng có thể ăn, giá bán 25.000 đồng/kg, https://danviet.vn/ky-la-loai-cay-toan-gai-nhung-co-the-an-gia-ban-25000-dong-kg-50202011124584888.htm, ngày truy cập: 17/ 11/ 2021.
  2. Xương rồng ba cạnh có độc không, có dùng làm thuốc được không?, https://caythuoc.org/xuong-rong-ba-canh-co-doc-khong-co-dung-lam-thuoc-duoc-khong.html, ngày truy cập: 18/ 11/ 2021.

Từ khóa » Cây Xương Rồng ăn Dc Ko