Xuyên Sơn Giáp | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Xuyên sơn giáp là vảy cứng phơi khô/ sao vàng của con tê tê. Dược liệu này có vị mặn, tính hơi hàn, tác dụng bài nùng, lợi sữa, hoạt huyết, thông kinh và được sử dụng để điều trị u xơ tuyến tiền liệt, bế kinh, tắc sữa, xơ gan, bệnh trĩ,…

Xuyên sơn giáp

Xuyên sơn giáp là vảy cứng phơi khô/ sao vàng của con tê tê (con trút)

  • Tên gọi khác: Vảy con tê tê, bào sơn giáp, vảy con trút
  • Tên khoa học: Manis pentadactyla L.
  • Họ: Tê tê (danh pháp khoa học: Manidae)

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm

Tê tê là loài động vật quý hiếm, có bề ngoài gần giống với loài bò sát. Tuy nhiên đây là loài động vật có vú, đẻ con và nuôi con bằng sữa. Toàn thân tê tê cứng và được bao phủ bởi các vảy lớn, chỉ chừa phần bụng phía dưới. Vảy tê tê cứng, nhọn và được cấu tạo từ keratin giống như lông, móng, sừng,… của các loài động vật có vú khác.

Khi còn nhỏ, vảy thường mỏng và mềm nhưng theo thời gian, các vảy này có xu hướng cứng và sắc nhọn dần. Tê tê có móng nhọn, cứng, dài nên thường phải co chân trước và di chuyển bằng mu bàn chân. Loài động vật này không có răng nhưng lưỡi dài đến 40cm, nước dãi dính nên dễ bắt mồi. Thức ăn của tê tê chủ yếu là mối, kiến và các côn trùng nhỏ.

Thông thường tê tê có chiều dài trung bình từ 30 – 100cm, con đực thường lớn hơn con cái, có đặc tính chậm chạp, hiền lành. Loài động vật này tự vệ bằng cách phun xịt dung dịch có mùi hôi ở tuyến gần hậu môn.

2. Bộ phận dùng

Vảy cứng của tê tê được dùng làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, vảy ở đuôi có đặc tính dược lý mạnh nên dùng làm thuốc là tốt nhất.

3. Phân bố

Tê tê sinh sống những vùng rừng rậm nhiệt đới ở châu Phi và châu Á.

4. Thu bắt – sơ chế

Thu bắt tê tê bằng cách ném đất cát vào, sau đó con vật tự cuộn tròn lại. Khi bắt về, bỏ vào nước sôi, vảy sẽ tự rụng. Sau đó dùng vảy rửa sạch và phơi khô.

Vảy tê tê được bào chế theo những cách sau đây:

  • Không bao giờ được dùng sống.
  • Nướng phồng vảy, sau đó đốt cháy, tẩm giấm, mỡ, nước tiểu của trẻ nhỏ hoặc dầu mỡ rồi sao với đất, nướng hoặc sao với bột hến.
  • Ngâm trong nước vôi lỏng (5 lít nước với 20g vôi tôi) trong 1 ngày đêm. Sau đó rửa lại nhiều lần với nước sạch. Lấy vảy để riêng cho khô, thêm cát vào và rang nóng. Sao chi đến khi vảy vàng và phồng lên, bảo quản trong lọ và đậy kín. Khi dùng có thể giã dập, tán bột, tẩm nước tiểu trẻ em hoặc tẩm giấm.
  • Rửa vảy cho sạch, sau đó phơi khô, tẩm giấm, sao đến khi vảy vàng và phồng lên là được.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo, tránh ẩm.

6. Thành phần hóa học

Chưa có nghiên cứu.

Vị thuốc xuyên sơn giáp

1. Tính vị

Vị mặn, tính hơi hàn, có độc.

2. Qui kinh

Quy vào kinh Can và Vị.

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Công dụng: Hoạt huyết thông kinh, thông tia sữa, bài nùng và tiêu thũng.
  • Chủ trị: Ung nhọt mới phát, loa lịch, trưng hà, kinh bế, sữa tắc, ít sữa, tý thống và phong thấp.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Vảy tê tê có tác dụng tăng số lượng bạch cầu và nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể.

4. Cách dùng – liều lượng

Xuyên sơn giáp được dùng bằng cách sắc uống, tán bột làm hoàn,… Mỗi ngày dùng từ 6 – 12g.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ xuyên sơn giáp

Xuyên sơn giáp

Vảy tê tê được dùng để trị xơ gan, bệnh trĩ, u xơ tuyến tiền liệt, tắc sữa, viêm tuyến vú,…

1. Bài thuốc chữa ung thư tuyến trạng loại đàm uất khí kết và can uất khí trệ

  • Chuẩn bị: Nga truật 10g, long quỳ 30g, hạ khô thảo 20g, đảm nam tinh 10g, hải tảo 15g, thiên hoa phấn 20g, bạch anh 20g, đương quy 15g, đan sâm 30g, can thiền bì 15g, xuyên sơn giáp 10g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang, chia nước sắc thành 2 lần và dùng hết trong ngày.

2. Bài thuốc chữa vú sưng to và viêm tuyến vú

  • Chuẩn bị: Tạo giác thích và xuyên sơn giáp mỗi thứ 6g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống.

3. Bài thuốc chữa tắc tia sữa

  • Chuẩn bị: Vảy tê tê 10g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày 1 lần, đồng thời cần kết hợp với châm cứu để đả thông kinh mạch.

4. Bài thuốc chữa sản phụ ít sữa

  • Chuẩn bị: Xuyên sơn giáp một lượng vừa đủ.
  • Thực hiện: Đem nướng, sau đó tán nhỏ. Mỗi lần dùng 4g uống cùng với ít rượu, ngày dùng 2 lần.

5. Bài thuốc giúp thông sữa

  • Chuẩn bị: Thiên hoa phấn, xuyên khung, mộc thông, cát canh, xuyên sơn giáp (sao vàng), đương quy, thược dược, phục linh, các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Trộn đều các vị, mỗi lần dùng 50g sắc với 500ml nước, còn lại 200ml và chia thành 3 lần uống, dùng hết trong ngày.

6. Bài thuốc chữa mụn nhọt

  • Chuẩn bị: Bạch chỉ 5g, hoàng kỳ 6g, xuyên sơn giáp 10g, đương quy 6g, gai bồ kết (tạo giác thích) 8g.
  • Thực hiện: Đem sắc với 600ml nước còn lại 200ml, chia thành 3 lần và dùng hết trong ngày.

7. Bài thuốc chữa tràng nhạc lở loét

  • Chuẩn bị: 1 ít xuyên sơn giáp.
  • Thực hiện: Đốt, nghiền nát và đắp vào.

8. Bài thuốc trị u buồng trứng

  • Chuẩn bị: Ngũ linh chi, đại hoàng, ngũ linh chi, tam lăng và nga truật đều sao giấm, xuyên sơn giáp sao và xạ hương.
  • Thực hiện: Sắc uống.

9. Bài thuốc chữa chứng huyết niệu vô căn

  • Chuẩn bị: Bột xuyên sơn giáp.
  • Thực hiện: Mỗi ngày dùng 1.5g bột uống trước khi đi ngủ.

10. Bài thuốc trị bướu cổ

  • Chuẩn bị: Cam thảo đất 12g, huyết đằng 12g, ích mẫu 12g, hoàng cung trinh nữ 6g, huyền sâm 12g, xuyên sơn giáp (sao cát cho phồng) 1g, thương nhĩ 12g, uất kim 10g, lá bưởi bung 14g, bồ công anh 16g, tam thất 8g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang và chia thành 3 lần dùng.

11. Bài thuốc trị đau nhức, viêm cơ, áp xe, mụn nhọt

  • Chuẩn bị: Bồ công anh 16g, xuyên sơn giáp (sao cát) 1.5g, liên kiều 12g, sài đất 12g, thổ phục linh 16g, đinh lăng 16g, kim ngân hoa 10g, rễ bưởi bung 16g, bạch chỉ nam 16g và trúc diệp 14g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc uống.

12. Bài thuốc trị phụ nữ bị bế kinh đột ngột (tinh thần bất an, bụng dưới căng cứng, đau bụng dữ dội và tình chí rối loạn)

  • Chuẩn bị: Kê huyết đằng 16g, trạch lan 12g, nhục quế 8g, hồng hoa 10g, hương phụ 10g, xuyên sơn giáp (sao cát) 1.5g, nga truật 12g, tô mộc 20g, chỉ xác 10g, đương quy 10g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.

13. Bài thuốc trị áp xe vú

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị cam thảo đất và ích mẫu mỗi thứ 12g, xa tiền, ngân hoa, hoàng kỳ và trần bì mỗi thứ 10g, rễ đinh lăng, bồ công anh mỗi thứ 20g, tô mộc, lá bưởi bung mỗi thứ 16g, kê huyết đằng 18g, xuyên sơn giáp 1.5g. Đem các vị sắc lấy nước uống.
  • Bài thuốc 2: Dùng kê huyết đằng 12g, mã đề thảo 12g, bạch chỉ nam 12g, xuyên sơn giáp 1.5g, lá đinh lăng 16g, bồ công anh 16g, nga truật 10g, hoàng cung trinh nữ 6g, chỉ xác 8g, kim ngân hoa 10g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

14. Bài thuốc chữa chứng ít sữa hoặc chưa có sữa ở phụ nữ sau sinh

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị lá đinh lăng non 24g và xuyên sơn giáp (sao cát) 1g. Đem xuyên sơn giáp nấu cháo với chân lợn, sau đó thêm lá đinh lăng vào, ăn khi còn nóng.
  • Bài thuốc 2: Dùng sài hồ 6g, xuyên sơn giáp (sao cát) 1g, bạch linh 10g, cam thảo 12g, củ đinh lăng 16g, hoài sơn 16g, đại táo 10g, phòng sâm 16g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, trần bì 10g, ngũ gia bì 12g. Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang và uống khi còn nóng.

15. Bài thuốc trị u xơ tiền liệt tuyến

  • Chuẩn bị: Trinh nữ hoàng cung 6g, xuyên sơn giáp 1g, đại hoàng 6g, mẫu lệ 10g, chè khô 6g, cam thảo đất 15g, uất kim 10g, ngũ gia bì 14g, huyền sâm 12g, bồ công anh 16g và kim ngân hoa 10g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.

16. Bài thuốc chữa xơ gan

  • Chuẩn bị: Cà gai leo 12g, đại hoàng 6g, nam hoàng bá 14g, trúc diệp 12g, nhân trần 10g, sơn tra 10g, hạ liên châu 12g, xuyên sơn giáp (sao cát) 1.5g, hoa mào gà 12g, hương nhu trắng 14g, cỏ mực 15g, kê nội kim 8g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang. Dùng liên tục trong 10 – 15 ngày, sau đó ngưng 3 ngày và dùng trở lại.

17. Bài thuốc xử lý búi trĩ sưng đau

  • Chuẩn bị: Bạch thược, chi tử (sao đen) và kim ngân hoa mỗi thứ 10g, rau má và cỏ mực mỗi thứ 16g, hoàng kỳ, bạch truật, phòng sâm và đương quy mỗi thứ 12g, chỉ xác 8g, rau má 16g, xuyên sơn giáp (sao cát) 1g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu xuyên sơn giáp

  • Không dùng khi mụn nhọt đã phá miệng và người hư nhược.
  • Hiện tại các nghiên cứu về dược liệu xuyên sơn giáp còn rất hạn chế. Do đó phần lớn các bài thuốc từ dược liệu này đều xuất phát từ dân gian và chưa được công nhận trên phương diện khoa học. Vì vậy cần tránh tình trạng thu bắt tê tê quá mức, gây sụt giảm số lượng quần thể và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

Xuyên sơn giáp là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Tuy nhiên trên thực tế, tác dụng của dược liệu này chưa thực sự được công nhận, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng các bài thuốc nói trên.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Cách Dùng Vẩy Tê Tê Lợi Sữa