Y, Bác Sỹ Thủ đô Kiên Cường Trên Tuyến đầu Chống Dịch COVID-19

Y, bác sĩ Thủ đô kiên cường trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bác sĩ Hà Tấn Dũng (ngoài cùng bên phải). Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Là một trong những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội được đề nghị xét tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bác sĩ Hà Tấn Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp, hy sinh và nỗ lực, kiên cường để bảo vệ sức khỏe, mang lại sự sống và bình yên cho người dân.

Bác sĩ Dũng đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực Y tế dự phòng bắt đầu từ năm 1997. Đến năm 2018 được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng khoa Ký sinh trùng – Côn trùng, CDC Hà Nội. Khi dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus SAR-CoV-2 gây ra là dịch mới và là một trong những thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID– 19 của CDC, bản thân anh Dũng đã luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và thực hiện có hiệu quả.

Bác sĩ đã tham mưu xây dựng quy trình phun khử khuẩn để đáp ứng kịp thời trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh nguy hiểm, đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ phun khử khuẩn của thành phố và quận, huyện an toàn. Bên cạnh đó, còn luôn phối hợp triển khai và thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của ngành, thành phố; hướng dẫn đội đáp ứng nhanh của tuyến dưới, thực hiện phun khử khuẩn tại các ổ dịch và những nơi nguy cơ cao, tại các nơi sự kiện y tế công cộng, các biện pháp dự phòng và truyền thông nguy cơ nhằm khống chế ổ dịch.

Đặc biệt, trong quá trình phòng chống dịch COVID-19, bác sĩ Dũng còn tham gia Đoàn công tác hỗ trợ phòng chống dịch tại tỉnh Bắc Giang từ tháng 5 đến tháng 6/2021, sẵn sàng vượt khó cùng anh em đồng nghiệp và đạt được thành tựu nhất định góp phần khống chế, đẩy lùi dịch bệnh tại nhiều xã, huyện của tỉnh.

Với tinh thần và quan điểm: Khoa được gọi là nhà, anh em đồng nghiệp là những người thân trong gia đình, luôn duy trì công việc 24/24h nên mọi sinh hoạt, ăn uống của bác sĩ đều không ổn định. Nhưng dù công việc có khó khăn, vất vả, nhưng với vai trò đầu tàu, bác sĩ Trưởng khoa luôn giữ gìn đoàn kết nội bộ, được anh em đồng nghiệp tin tưởng, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo chia sẻ của bác sĩ Dũng trong thời gian Hà Nội cũng như cả nước gồng mình chống lại đại dịch, tôi cùng với anh em đồng nghiệp đã được cơ quan giao phó nhiều trọng trách, bản than bác sĩ nằm trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch của đơn vị và Đội trưởng của Đội cơ động số 3. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là nghiên cứu và đề xuất quy định cụ thể cho việc sử dụng trang bị phòng hộ cho cán bộ Y tế khi tham gia chống dịch. Khó khăn trong thời điểm dịch mới xảy ra là chưa có quy định cụ thể cho việc sử dụng các phương tiện phòng hộ trong phòng, chống dịch COVID-19. Chính vì vậy, bác sĩ Dũng đã cùng anh em ngày đêm nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo các tài liệu của các Viện cũng như của quốc tế và căn cứ vào đặc điểm sinh học của virrus để đưa ra đề xuất về quy định phòng hộ bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch. Sau khi sơ khảo và mở Hội nghị xin ý kiến các chuyên gia Viện an toàn và vệ sinh lao động, Viện trang thiết bị và công trình y tế, Viện vệ sinh dịch tễ, Bộ Y tế... đã đưa ra quy định cụ thể về sử dụng bảo hộ cho cán bộ y tế. Ngay sau đó phổ biến hướng dẫn cho các quận, huyện để tuyến dưới định hướng mua sắm cũng như các nhà sản xuất cùng biết quy chuẩn để sản xuất.

Mặc dù bản thân đã được học tập, nghiên cứu và có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng khi đối diện với dịch COVID-19 và trực tiếp bắt tay vào việc bác sĩ Dũng vẫn thấy căng thẳng, lo lắng cũng như áp lực. Vì nếu không đưa ra được phương pháp, cách làm hiệu quả thì việc phòng chống dịch sẽ không có kết quả.

Ngoài ra, đối với đội cơ động số 3, trên cương vị người chỉ huy của đội, dù thuận lợi do tiền thân của đội là các cán bộ của đội phản ứng nhanh trước đó nên hoạt động diễn tập phòng chống các bệnh đường hô hấp được thực hiện nhuần nhuyễn. Nhưng với dịch bệnh COVID-19 anh em làm việc trong trạng thái căng thẳng và không có thời gian cụ thể, luôn túc trực 24/24 giờ. "Cứ có lệnh là lên đường làm nhiệm vụ không kể ngày hay đêm, có những bữa vừa chuẩn bị ăn thì lại phải bỏ suất cơm xuống, mang bụng đói lên đường", bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Chia sẻ cảm nhận về Trưởng khoa Hà Tấn Dũng, chị Nguyễn Thị Thúy, Phó trưởng khoa cho biết: Bác sĩ Dũng là một người rất hiền hòa và luôn vui vẻ, thương yêu anh, chị em trong khoa cũng như đoàn kết, gắn bó với các khoa, phòng khác. Chính vì vậy mọi người luôn coi Khoa Ký sinh trùng – Côn trùng là ngôi nhà thứ hai của mình, nhất là khi có người anh cả gương mẫu, giỏi giang, tâm huyết như bác sĩ Dũng để cho tất cả các anh, chị em học tập, phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn trong cuộc chiến chống COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nụ cười bệnh nhân- Niềm vui người Thầy thuốc

Y, bác sĩ Thủ đô kiên cường trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Cũng là một bác sĩ trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Cấp cứu- Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã có nhiều đóng góp trong phòng chống dịch khi vừa bảo đảm, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh thông thường vừa điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Trung chia sẻ, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên khám, chữa bệnh là nhu cầu thiết yếu của người dân. Thời gian qua, bệnh viện đã có nhiều biện pháp chủ động phòng, tránh dịch bệnh quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Khoa Cấp Cứu là tuyến đầu điều trị bệnh nhân của một bệnh viện. Với đặc thù của công việc là cấp cứu ban đầu nhưng trong mùa dịch lại thêm công tác sàng lọc, không để bệnh nhân đã bị nhiễm COVID--19 lọt vào bệnh viện. Chính vì vậy, các y, bác sĩ ở đây không chỉ vất vả hơn về công tác chuyên môn mà còn phải tập trung cao độ trong việc sàng lọc phát hiện ra ca nhiễm virus SARS-CoV-2; đồng thời, tránh lây nhiễm chéo cho những người xung quanh.

Trong suốt những năm tháng công tác tại Khoa Cấp cứu, bản thân bác sĩ Trung đã trải qua nhiều ca cấp cứu khẩn cấp, cam go để giành giật sự sống, cơ hội điều trị cho người bệnh. Vì vậy, khi những ca bệnh sau khi được cứu sống họ đã có những sẻ chia, cảm thông nhiều hơn với đội ngũ y, bác sĩ.

"Những lúc như vậy, tôi thêm yêu nghề hơn, trân trọng hơn công việc mình đang có và trên tất cả là sự tin tưởng, yêu mến mà người dân dành cho mình cũng như anh, chị em đồng nghiệp. Tinh thần sẻ chia, động viên ấy như đang tiếp thêm lửa để chúng tôi vững tin vượt qua đại dịch, vượt qua tất cả", bác sĩ Trung xúc động chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung: Sức khỏe của người dân, nụ cười hạnh phúc của người bệnh sau khi được cấp cứu thành công còn là khoảnh khắc để tôi nhìn lại mình, nhắc nhở mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Những thành tích của tôi cũng chính là công lao đóng góp của cả tập thể bệnh viện và của cả ngành Y tế. Tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo của thành phố cùng sự nỗ lực của toàn bộ ngành Y tế chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng dịch bệnh. Đây là cuộc chiến khó khăn, vất vả nhưng cũng là dịp để chúng tôi cống hiến công sức và chuyên môn của mình để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Thiện Tâm

Từ khóa » Chống Sĩ