Ý Nghĩa 12 Lời Nguyện Niệm Phật - Chùa Hoằng Pháp
Có thể bạn quan tâm
Ngôi chùa Hoằng Pháp uy linh Mái cong ngói đỏ đậm tình quê hương.
- Trang chủ
- Thư viện kinh sách
- Sách HT. Thích Chân Tính
- 12 lời nguyện niệm Phật
- Lời nguyện thứ nhất
- Lời nguyện thứ hai
- Lời nguyện thứ ba
- Lời nguyện thứ tư
- Lời nguyện thứ năm
- Lời nguyện thứ sáu
- Lời nguyện thứ bảy
- Lời nguyện thứ tám
- Lời nguyện thứ chín
- Lời nguyện thứ mười
- Lời nguyện thứ mười một
- Lời nguyện thứ mười hai
- Công đức niệm Phật
- Mấy lời tâm huyết
Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật! Kính thưa quý Phật tử! Trong buổi nói pháp hôm nay, chúng tôi xin nói về đề tài “Công Đức Niệm Phật Chuyển Hóa Ba Nghiệp Ô Uế Thành Ba Nghiệp Thanh Tịnh”. Như quý vị đã biết, pháp môn niệm Phật là một trong vô lượng pháp môn mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dạy. Pháp môn tu tập tuy có khác nhưng mục đích vẫn là một. Ví như nước trong bốn biển chỉ có một vị: đó là vị mặn. Trong tất cả giáo pháp của đức Như Lai cũng chỉ có một vị: đó là vị giải thoát. Ví như thuốc để chữa bệnh. Bệnh có nhiều nên thuốc cũng phải có nhiều để đối trị với các căn bệnh. Khi bệnh lành người ta cũng không cần đến thuốc nữa. Do vậy, có nhiều thứ bệnh thì phải có nhiều thuốc để chữa trị. Niệm Phật cũng là một trong những pháp môn để chữa trị những căn bệnh phiền não của chúng sinh. Trong giáo lý Nam tông, niệm Phật là một trong những đề mục Thiền định, trong đó có 10 đề mục suy niệm gồm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm Niết-bàn, niệm sự chết, niệm thân và niệm hơi thở. I. Niệm Phật: Là nghĩ đến công đức vô lượng và trí tuệ siêu việt của đức Phật, gồm 10 đức hiệu là: Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Toàn Tri, Thế Tôn. 1. Ứng Cúng: Đức Phật là bậc đã tận trừ tất cả tham, sân, si, ái... các lậu hoặc đã dứt, cho nên xứng đáng được trời, người cung kính cúng dường. 2. Chánh Biến Tri: Cái biết chơn chánh trùm khắp. Trí của đức Phật cũng giống như một tấm gương sáng, tất cả mọi sự mọi vật trong thế gian đều hiện rõ trong tấm gương đó. Hoặc như một hồ nước trong vắt, tất cả mọi sự vật đều có thể hiện ra một cách rõ ràng. 3. Minh Hạnh Túc: Đức Phật đã chứng đầy đủ tam minh: Túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh. Hạnh nguyện của thân, khẩu đã được viên mãn. 4. Thiện Thệ: Có nghĩa là đức Phật đã khéo léo vượt qua được sinh tử, đạt đến cứu cánh Niết-bàn. 5. Thế Gian Giải: Hiểu rõ hết tất cả các pháp của thế gian này. 6. Vô Thượng Sĩ: Bậc sĩ không ai trên được. 7. Điều Ngự Trượng Phu: Đức Phật có khả năng điều phục những bậc trượng phu hoặc những bậc xuất gia đến nơi cứu cánh Niết-bàn. 8. Thiên Nhân Sư: Thầy của trời, người. 9. Toàn Tri: Đức Phật đã tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. 10. Thế Tôn: Đức Phật được thế gian tôn kính. Đây là 10 đức hiệu của chư Phật. Bên Nam tông khi niệm Phật người ta thường nhớ đến 10 đức hiệu này. II. Niệm Pháp: Là nghĩ đến giáo pháp của đức Phật, có khả năng chuyển hóa con người từ xấu thành tốt, từ đau khổ đến hạnh phúc, từ phiền não thành Bồ-đề, từ phàm thành Thánh, từ chúng sinh thành Phật. Chẳng hạn như 37 phẩm trợ đạo gồm: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát Thánh đạo phần, hoặc Lục độ gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Ví dụ: Bố thí có thể đối trị được với tâm tham. Nhẫn nhục đối trị với tâm sân hận v.v.. III. Niệm Tăng: Nghĩ đến phẩm hạnh thanh tịnh, đức tính hòa hợp và mô phạm của Tăng đoàn. Những vị đã cắt ái ly gia sống đời phạm hạnh cao viễn, xứng đáng được mọi người lễ bái cúng dường. IV. Niệm giới: Giới có công năng ngăn ngừa các ác pháp và làm cho hành giả hoàn hảo phẩm hạnh. Giới cũng là nền tảng của Định và Tuệ - có giới mới có định và tuệ. V. Niệm thí: Thí là cho, là xả - luôn luôn nghĩ đến mọi người, nghĩ đến làm lợi ích cho mọi người, vô ngã, vị tha. VI. Niệm thiên: Nghĩ đến phước lành mà chư Thiên đã tạo được và mình cũng có khả năng tạo được các phước lành như chư Thiên. VII. Niệm Niết-bàn: Nghĩ đến cảnh giới vắng lặng, bất sinh bất diệt. VIII. Niệm sự chết: Là nghĩ đến cái chết, cái vô thường. Một hơi thở vào mà không thở ra thì coi như đã chết. Do nhờ hằng nghĩ đến sự chết giúp cho mình tinh tấn tu tập, đồng thời trừ được tâm tham đắm ngũ dục. IX. Niệm thân: Nghĩ đến sự giả tạo của thân thể. Thân thể của chúng ta do tinh cha huyết mẹ tạo nên, do đất nước gió lửa tạo nên và trong thân luôn chứa đựng những thứ ô uế như: phân, giải, nước tiểu, đờm... Mặc dù bên ngoài ta trông thấy đẹp đẽ nhưng bên trong ai cũng có một hầm cầu, một hầm nước tiểu. Nếu để ra bên ngoài thì ai cũng sợ. Tuy nó được che đậy bên trong không ai thấy, nhưng chúng ta cũng hằng quán tưởng sự nhơ nhớp để đối trị với tâm tham đắm sắc dục. X. Niệm hơi thở: Theo dõi hơi thở của mình. Hít vào biết là hít vào, thở ra biết mình thở ra. Đây là đề mục thiền định mà bên Nam tông thường hay sử dụng.Đó là 10 đề mục suy niệm trong giáo lý Nam tông để dẫn đến định tâm. Riêng Bắc tông, niệm Phật thường là chỉ cho pháp môn Tịnh độ và niệm Phật là niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà. Mà A-di-đà nghĩa là vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức. * Vô lượng quang: Ánh sáng vô lượng - tượng trưng cho trí tuệ. * Vô lượng thọ: Thọ mạng vô lượng - tượng trưng cho tính bất sinh bất diệt. * Vô lượng công đức: Là công đức vô lượng, đầy đủ phước đức trí tuệ. Thể hiện tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Vậy niệm Phật là gì? Niệm là tưởng nhớ hoặc nghĩ nhớ. Phật là một bậc giác ngộ, một bậc tỉnh thức có đầy đủ ba đức tính: vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức và ba nghiệp luôn thanh tịnh. Như vậy khi niệm Phật chúng ta luôn có sự tỉnh thức và sáng suốt, đó là vô lượng quang. Lúc niệm Phật mình trở về với tính bất sinh bất diệt, đó là vô lượng tho. Lúc niệm Phật ba nghiệp được thanh tịnh, đó là vô lượng công đức. Cho nên: “Khởi niệm A-di-đà Thức tỉnh tâm hồn ta Quay về với chính giác Tịnh lạc ngay trong ta”. Khi mình khởi niệm một câu danh hiệu đức Phật thì lúc đó tâm hồn mình có tỉnh thức. Có tỉnh mới niệm được Phật, nhớ được Phật. Lúc đó tâm của ta là tâm chính chứ không còn tâm tà nữa. Khi niệm Phật là quay về với chính giác, ngay lúc đó mình có được tâm thanh tịnh và an lạc. Phèn có khả năng làm cho nước đục thành trong. Danh hiệu Phật cũng có khả năng chuyển ba nghiệp ô uế của chúng ta thành ba nghiệp thanh tịnh. Vì khi niệm Phật thì: - Ý không nghĩ ác- Miệng không nói ác- Thân không làm ác Cho nên, chuyển được ba nghiệp ô uế của mình thành ba nghiệp thanh tịnh. Trong mỗi người chúng ta có ba chỗ tạo tác gọi là ba nghiệp: đó là ý, khẩu và thân. Ý: Trong Duy thức học gọi ý là thức thứ sáu: “Công vi thủ, toi vi khôi”. Nghĩa là: Công nó đứng đầu mà tội nó cũng đứng nhất. Vì sao? Vì tất cả những điều tốt đẹp hoặc xấu xa đau khổ đến với mình cũng đều phát xuất từ ba nghiệp, mà nghiệp ý là chính. Vì khi ý nghĩ quấy thì miệng mới nói quấy, thân làm điều quấy; khi ý nghĩ thiện thì miệng nói thiện và thân làm điều thiện. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp nói năng hay hành động thì sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe”.Và câu thứ hai, đức Phật cũng nói: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh, tạo nghiệp nói năng hay hành động thì sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình”. Như vậy tất cả những quả xấu hay tốt cũng đều từ ý dẫn đến hành động của khẩu và thân. Nếu ý nghĩ, lời nói và hành động thiện đưa đến kết quả thiện. Nếu ý nghĩ, lời nói và hành động ác dẫn đến quả báo ác. Về ý thì biểu hiện của nó là tham, sân và si. Tham: Là những thứ ham muốn nhằm thỏa mãn nhu cầu về tâm sinh lý của con người, như những thứ ngũ dục (tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ kỹ), lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Ngũ dục, lục trần làm cho người ta say đắm, mê hoặc. Nó có vị ngọt đồng thời cũng có vị đắng. Ví như mật dính trên lưỡi dao, đứa bé vì ham ăn lè lưỡi liếm. Khi liếm nó vừa hưởng được vị ngọt của mật, đồng thời cũng bị cái họa đứt lưỡi. Ngũ dục khi chưa có thì tìm cầu cho có, đấu tranh cho có. Nếu được cũng khổ mà không được cũng khổ. Có khi không được khổ ít, được lại khổ nhiều. Ví như có người mua tấm vé số hai ngàn, họ mong cầu được trúng số độc đắc 50 triệu. Khi xổ không trúng họ cũng buồn khổ, nhưng ít, vì chỉ mất có hai ngàn. Nếu xổ số trúng 50 triệu, họ rất mừng, nhưng trong cái mừng lại có cái lo. Họ lo gì ? Lo là vì từ trước đến nay mình chưa bao giờ cầm 50 triệu trong tay, bây giờ có 50 triệu lại sợ mất cắp, sợ kẻ cướp giết lấy của. Nếu không may khi đem số tiền về nhà cất trong tủ, kẻ trộm biết được mình trúng số, đêm đó nó bỏ thuốc mê, cậy cửa vào nhà lấy cắp 50 triệu thì nỗi khổ này lớn lắm. Trước không có thì không khổ, mà không trúng chỉ mất có hai ngàn. Bây giờ trúng số rồi thì mất tới 50 triệu, cái nỗi khổ này nó lớn gấp trăm lần. Có thể vì bị mất 50 triệu mà lên tăng xông đứt gân máu chết, hoặc có khi vì tiếc của mà thắt cổ, hoặc nhảy xuống sông tự tử. Nếu không mất phải lo gìn giữ nó cũng khổ. Cho nên, không có thì khổ ít mà có thì khổ nhiều là vậy. Vì tranh giành ngũ dục mà con người bất an, gia đình bất an, xã hội bất an, quốc gia bất an. Vì sao vậy? Vì ngũ dục mà người này đấu tranh với người kia, gia đình này đấu tranh với gia đình kia, quốc gia này đấu tranh với quốc gia nọ. Đức Phật thấy rõ cái hại của ngũ dục nên Ngài từ bỏ tiền bạc, địa vị, vợ đẹp con ngoan, ăn ngon, ngủ kỹ để vào rừng khổ hạnh tu hành. Trong kinh Trung Bộ, đức Phật có kể câu chuyện rằng: Có một anh bị bệnh cùi. Anh ta ở trong một cánh rừng và trong cánh rừng đó có một hố than lửa. Hằng ngày anh hơ mình trên hố than lửa và luôn cảm thấy dễ chịu. Anh lấy tay cào cấu các vết thương cho đã ngứa, máu mủ chảy ra trông rất dễ sợ. Thời gian sau anh được người nhà mời lương y đến chữa bệnh, cho thuốc uống, anh ta khỏi bệnh, mạnh khỏe an vui và đi lại tự tại. Một hôm anh trở lại cánh rừng, nơi mà trước kia anh hơ mình trên hố than lửa và gặp một người bệnh cùi đang đứng hơ mình trên hố than lửa đó. Anh ta đến gần hố lửa thì bây giờ không chịu nổi nữa. Đức Phật mới hỏi anh du sĩ: “Ma-gan Đi-da! Người hết bệnh kia bây giờ có muốn như người cùi này, được hơ mình trên hố lửa để tìm cảm giác khoái lạc như trước nữa không? Hoặc để tìm lại cái cảm giác uống thuốc cho hết bệnh hay không?”. Người du sĩ mới bạch Thế Tôn: “Người lành bệnh đó không bao giờ ao ước muốn trở lại giống như người bệnh cùi kia”.Đức Phật nói: “Trước đây, ta cũng đắm chìm trong dục lạc, bây giờ ta đã thoát ly ra khỏi ngũ dục và tìm được hanh phúc an lạc của người thoát khỏi ngũ dục đó. Ta rất thương khi thấy những người còn đang chìm đắm trong ngũ dục. Cũng giống như người lành bệnh kia, nhìn thấy người bệnh cùi đang hơ mình trên hầm lửa than đó vậy”. Chúng ta là Phật tử, có nghĩa là con Phật phải cố gắng học theo hạnh Phật, từ bỏ hoặc tập từ bỏ ngũ dục. Tuy nhiên, lòng tham ngũ dục của con người rất mạnh, muốn khắc phục, muốn từ bỏ nó không phải dễ. Chúng ta cần phải thấy được tai hại của ngũ dục và mình phải nhàm chán nó, mới hy vọng thoát ra khỏi nó được. Có một câu chuyện: Một anh tử tù được nhà vua ban cho một ân huệ. Nếu anh ta bưng cái bát đầy mật đi khắp thành phố, khi trở lại nơi xuất phát, bát mật đó không bị tràn ra ngoài sẽ được tha tội chết. Người tử tù này bưng bát mật đi vào thành phố, vì nghĩ đến cái chết nên anh ta không dám lơ là, mặc dù ở thành phố có rất nhiều trò chơi hấp dẫn. Vì sao vậy? Vì lúc này sự chết trước mắt anh ta rồi. Nếu anh ta lơ là, nhìn những thú vui hấp dẫn ở thành phố thì mật tràn ra bát và anh ta sẽ bị tử hình. Do vậy, anh ta chỉ có một việc là chăm chú nhìn vào bát mật. Tương tợ như thế, nếu tâm sợ sinh tử của chúng ta như anh tử tù kia sợ đổ bát mật, chắc chắn ngũ dục không hấp dẫn được. Do vậy, khi tu pháp môn niệm Phật, mình phải có tâm yểm ly (chán ghét và ghê sợ ngũ dục) và hân nguyện (mong muốn được về thế giới của đức Phật A-di-đà). Do chán ghét mình mới nỗ lực hướng đến thế giới của đức Phật. Vì thế, khi niệm Phật mình phải có tâm tha thiết muốn thoát khỏi sinh tử thì mới đoạn được ngũ dục. Biểu hiện thứ hai của ý là sân. Sân: Là trạng thái tâm lý nóng nảy, bức rức khó chịu. Nếu biểu hiện ra ngoài miệng thì la lối, chửi rủa; biểu hiện ra thân thì đỏ mặt tía tai, hoặc mặt xanh, người run, tay chân hành động. Ví dụ: Mình là người Phật tử, đi chùa tu hành theo lời Phật dạy rất tốt. Một hôm có người nói: “Ôi! Con đó mà tu hành gì! Có tu hú”. Hoặc nói mình là cái thứ khẩu Phật tâm xà, miệng niệm Nam mô bụng bồ dao găm. Khi nghe như vậy, nếu mình tu ít sẽ giận nhiều, tu nhiều giận ít và tu giỏi nữa thì không giận. Khi nghe người ta nói như vậy, nếu mình tu ít thì bắt đầu giận lên, đỏ mặt tía tai, rồi la lối chửi lại. Nếu bên đối phương nói lại tất nhiên hai bên sẽ gây gổ, dẫn đến đấm đá rồi chém giết nhau. Cho nên, “một đốm lửa sân có thể đốt cháy cả mẫu rừng công đức”. Có khi cả đời mình làm thiện nhưng vẫn thiếu; còn một phút làm ác cũng có thừa. Vì sao? Khi sân hận người ta thường nghĩ ác, dẫn đến miệng nói ác, thân mới làm việc ác. “Sân hận như lửa dữ Làm hư hoại dung nhan Thiêu đốt cả tâm can Cháy tan rừng công đức. Cái hại của bực tức Gây khổ mình và người Hiện đời không an lạc Thác đọa ba đường ác”. Chúng tôi còn nhớ, trong báo Công an ra ngày 11/08/2001 có đăng tin: Tại xã An Bình - Cần Thơ, có hai người hàng xóm vì tranh giành đất đai dẫn đến cãi nhau. Lúc đầu còn nhẹ, sau càng lúc càng to tiếng dữ dằn hơn. Một bên là ông, một bên là bà tranh cãi kéo dài cả tiếng đồng hồ. Người nhà, hàng xóm không ai cản ngăn được. Cãi nhau đến mức người đàn bà quá mệt dẫn đến bất tỉnh. Người nhà vội vã đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không còn kịp nữa, đã tử vong. Chúng ta thấy, chỉ một chuyện nhỏ nhưng không dằn lòng được, cãi nhau đến chết. Thật là một điều đáng tiếc! Hằng ngày cũng có rất nhiều thứ làm cho chúng ta sân hận. Ví như mấy bà mấy cô đi chợ, bị người khác chen lấn đụng, mình sinh bực tức nhăn nhó, la: “Đồ quỷ! Mắt để đâu mà đụng người ta vậy?”. Hoặc đi đám cưới, mặc đồ sạch đẹp đàng hoàng, đi ra đường. Trời mưa vừa xong, một chiếc xe đi ngang qua vũng nước văng tung tóe lên áo quần đẹp của mình. Chiếc xe đã đi qua rồi nhưng trong lòng mình vẫn cứ bực tức, càm ràm mãi. Hoặc khi về đến nhà nói con cái không nghe cũng thấy bực bội. Đó là những bực tức trong sinh hoạt đời thường của người tại gia. Còn đối với người xuất gia. Quý thầy trong chùa cũng có rất nhiều thứ bên ngoài đem đến phiền não, nếu không biết tu thì cũng phiền phức lắm. Cụ thể như trước đây, ở chùa chúng tôi có một bà già đến nói rằng: “Đi lỡ đường xin thầy cho tiền về xe”. Nghe nói vậy chùa cũng cho tiền. Vài tuần sau bà lại đến và nói: “Con khổ quá thầy ơi! Cho con ít tiền mua gạo ăn”. Chùa cũng cho ít tiền mua gạo. Thế rồi vài tuần sau bà lại đến và nói: “Con của con bệnh, không có tiền mua thuốc, cho con xin ít tiền mua thuốc”. Thấy vậy, chùa cũng cho. Rồi ba, bốn tuần sau lại thấy nữa, bà nói: “Dạ con khổ quá, thầy cho con xin ít tiền làm vốn bán vé số”. Quý vị thấy đấy? Nhiều khi có những việc có thể làm mình bực tức, nhưng nếu biết tu thì yên ổn cả. Nhất là những vị trụ trì trong chùa hằng trăm thứ việc, đối nội, đối ngoại đủ thứ hết, nếu không biết tu sẽ phiền não rất nhiều. Hằng ngày, chúng ta thường xuyên niệm Phật, biết buông xả, không chấp trước sẽ được an lạc. Còn nếu chúng ta cứ chấp trước mọi việc thì chắc chắn sẽ phiền não. Cứ xem những việc xảy ra không phải là của mình, coi như là gió thoảng mây bay vậy. Ví dụ: Nghe có tiếng chửi trước nhà, nếu chửi người khác mình đâu có buồn, nhưng nếu gọi tên mình ra chửi thì mình buồn, mình giận. Bây giờ ta cứ nghĩ là họ kêu tên người khác chửi, không phải kêu tên mình thì tự nhiên không chấp vào đó. Vì mình có chấp nên mới có khổ. Hãy cố gắng tập cười như đức Phật Di-lặc. Người ta càng chửi thì mình càng cười, như vậy người ta sẽ không chửi nữa. Chúng ta hãy tập cười đi. “Khi tiếng niệm Di-đà Vang vọng trong tâm ta Rơi đi những phiền não Cho Bồ-đề nở hoa”.Lúc nào cũng nhớ Phật, niệm Phật thì tất cả phiền não rơi hết, không có gì làm cho ta phải tức giận hoặc buồn phiền. Chắc chắn cây Bồ-đề của ta sẽ nở hoa kết quả. Cho nên, niệm Phật chuyển hóa được tâm sân hận. Biểu hiện thứ ba của ý là si mê. Si mê: là không sáng suốt, không hiểu rõ thực tướng của vũ trụ nhân sinh là vô thường, khổ, không, vô ngã nên đã chấp có ta và những cái của ta. Từ chỗ si mê nên gây tạo ác nghiệp, rồi dẫn đi luân hồi ba cõi sáu đường. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy: “Hãy xem thế gian này Như xe vua lộng lẫy Người ngu ngắm mê mãi Kẻ trí chẳng bận tâm”. Người si mê tham đắm thế gian này. Đối với người trí thấy tất cả sự vật là vô thường, mộng ảo cho nên không làm họ tham đắm. Do si mê nên người ta dễ rơi vào biên kiến và tà kiến. Biên kiến: nghĩa là chấp một bên. Có người cho rằng chết là hết. Cũng có người cho rằng, người chết sinh làm người lại; thú chết sinh làm thú lại. Đó gọi là biên kiến.Tà kiến: nghĩa là không tin nhân quả, tội phước. Do biên kiến, tà kiến này mà người ta sống buông thả dễ gây tạo tội lỗi. Bởi vì họ không tin nhân quả và cho rằng chết là hết, hoặc người chết rồi sinh làm người trở lại. Do vậy, họ cứ ăn chơi, miễn là thỏa mãn dục vọng của mình. Đây là tư tưởng rất nguy hại, dẫn người ta đến chỗ tạo ác sa đọa. Đức Phật nói thân của chúng ta là vô thường, giả tạm, nhưng không vì vô thường giả tạm mà hủy hoại nó, phải biết nương cái thân giả tạm này để tu hành giải thoát, cũng như người ta nương chiếc thuyền để qua sông qua biển vậy. Khi niệm Phật thì ngay lúc đó mình tỉnh thức, sáng suốt hiểu được thế gian là vô thường, thân người là giả tạm nên không bị ngũ dục của thế gian làm mê hoặc. Niệm Phật là tạo cái nhân giải thoát, nhân thành Phật. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Khi mình niệm gì sẽ theo cái đó. Niệm ngũ dục thì bị luân hồi trong lục đạo. Niệm Phật thì thành Phật. Hằng ngày chúng ta nghĩ gì chắc chắn là chúng ta hướng theo đó. Chẳng hạn mình nghĩ đến sắc đẹp thì lúc nào cũng đi tìm sắc đẹp. Nghĩ đến tiền thì lúc nào cũng tìm cách để có tiền. Khi chúng ta nghĩ ngũ dục đó là cái nhân của luân hồi sinh tử. Khi mình nhớ Phật, đó là cái nhân của giải thoát, nhân thành Phật. Cho nên, hằng niệm Phật thì sáng suốt, còn thường niệm thế gian, niệm ngũ dục là si mê. Tóm lại, khi chúng ta nhất tâm niệm Phật, thường xuyên niệm Phật thì ngũ dục không làm ta tham đắm. Những thứ trái ý, nghịch lòng không làm ta sân hận. Những thứ giả tạo của thế gian không làm ta mê hoặc, gây tạo nhân sinh tử luân hồi. Đó là nói về ý nghiệp. Bây giờ nói qua khẩu nghiệp. Khẩu: Miệng là cửa ngõ của tâm hồn, là chỗ để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với người. Thế nên, tâm nghĩ thiện nói lời thiện, tâm nghĩ ác nói lời ác. Người xưa có câu: “Nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn táng bang”. Nghĩa là một lời nói được nước, một lời nói mất nước. Một lời nói khiến người thương yêu hay thù ghét; một lời nói khiến cho bạn bè gần hay xa nhau; một lời nói khiến cho người ta chia rẽ hay hòa hợp, gia đình đổ vỡ hay hạnh phúc; một lời nói khiến thế giới hòa bình hay chiến tranh. Vì tầm quan trọng của lời nói như thế, nên người xưa có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Có lẽ câu này ít ai áp dụng được, bởi vì muốn nói lời gì mà uốn lưỡi bảy lần thì làm sao mà uốn nổi. Nhưng ở đây, người xưa muốn nhắc nhở chúng ta phải hết sức cẩn thận lời nói. Vì lời nói khi phát ra cũng giống như mũi tên bắn vào lỗ tai người ta, khó lòng mà lấy ra được. Hoặc khi nói ra, cũng giống như nước đổ xuống đất, khó mà hốt trở lại được. “Chim khôn hót tiếng rảnh rang Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Phần lớn người ta có thói quen xấu là gặp nhau hay nói chuyện thị phi của người. Mà nói xấu người tức là mình xấu trước. Vì tâm xấu mới đi nói chuyện xấu của người. Cổ nhân nói: “Ngậm máu phun người, miệng mình dơ trước”. Khi nói thị phi tạo cho chúng ta thói quen xấu, gây phiền não cho người, mình phải mang quả báo đau khổ. Khi nói chuyện thị phi trở thành thói quen rồi thì rất khó sửa. Ngày nào không la cà, không nói chuyện thị phi thì không chịu nổi, ăn không ngon, ngủ không yên. Các cụ xưa có nói: “Đàn ông miệng rộng thì sang, Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”. Có lẽ người nữ bị bệnh này nhiều hơn nên các cụ mới nói như vậy. Nhưng theo chúng tôi nghĩ, đàn ông miệng rộng cũng tan hoang cửa nhà, đâu riêng gì đàn bà. Chúng ta thử đi ra các quán cà phê, nơi ăn nhậu xem các ông nói chuyện thì biết. Cho nên, người học Phật phải: “Bớt đi lời nói thị phi Bớt đi tội lỗi san si đau buồn Thêm câu niệm Phật nhiều hơn Phước điền thêm lớn tâm hồn thêm vui”. Hằng ngày mình bớt đi lời nói thị phi thì bớt được tội lỗi sân si đau buồn. Thay vì nói lời thị phi mình nên để cái miệng niệm Phật sẽ thêm được phước, tạo được niềm vui cho mình và mọi người. Tại sao người ta nói dối, nói lời ác, nói đâm thọc, nói ô uế? Cũng là do tham, sân, si. Có tham nên mới nói dối, có sân nên mới nói độc ác, có si nên mới nói đâm thọc, nói ô uế. Thường niệm Phật sẽ không khởi tâm tham, sân, si và sẽ không nói lời ô uế, lời ác. Đức Phật luôn nói lời chân thật. Cho nên, trong 32 tướng tốt, đức Phật có tướng lưỡi dài. Đức Phật lè lưỡi ra có thể lên đến trán. Còn mình thì sao? Lưỡi lè đến đâu? Họa may đến mũi là cùng. Người hay nói thị phi, nói ác độc sẽ bị quả báo thụt lưỡi, ú ớ nói không được. Tóm lại, thường niệm Phật thì không khởi tâm tham, sân, si và sẽ không nói lời ác, chuyển được nghiệp khẩu ô uế trở thành thanh tịnh. Đó là nghiệp khẩu. Bây giờ, chúng ta nói về nghiệp thân. Thân: Gồm ba nghiệp: sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Sát sinh: là cắt đứt mạng sống của động vật, lớn là con người, nhỏ là các loài súc vật, đó là hành động ác, thiếu tình thương, gây nhân luân hồi, bị quả báo đền mạng chết yểu. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy: “Ai ai cũng sợ gươm đao, ai ai cũng sợ sự chết, suy lòng mình ra lòng người, chớ giết, chớ bảo người giết”. Khi có một vật nhọn đâm vào thân thể, mình biết đau. Khi ai cầm dao giết mình, mình biết sợ. Như vậy các loài động vật cũng biết tham sống sợ chết. Nó cũng biết đau, biết khổ, biết yêu thương, biết báo thù. Có lẽ, trước đây quý vị có nghe radio, hoặc xem báo nói về những chuyện giết người chặt thành nhiều khúc bỏ nhiều nơi. Khi nghe chuyện này, ai cũng lên án và nguyền rủa người giết đó là tàn nhẫn độc ác, là mất nhân tính. Chỉ giết một người thôi mà người ta ghê tởm đến như vậy, lên án đến như vậy. Khi chiến tranh xảy ra, biết bao nhiêu người phải chết, có những người chết không còn thân thể. Quý vị cứ suy nghĩ, một quả bom nổ có thể làm chết hàng loạt người. Nếu nó rơi trúng một người nào thì nổ tan tành, thân không còn một mảnh vụn. Người ta thường lên án chiến tranh là vô nhân đạo, mất nhân tính, dã man, tội ác. Vậy mà hằng ngày người ta giết biết bao sinh mạng súc vật để ăn, để bồi bổ thân xác. Nước mắt, máu và oán hờn của chúng sinh ngày một chồng chất. Quý vị cứ bình tâm mà suy xét sẽ thấy. Chỗ thọc huyết heo, chỗ đập đầu bò, chỗ nhận nước chó, chỗ cắt cổ gà, chỗ mổ bụng cá, chỗ bóc mai cua, chỗ luộc ốc sò. Nếu đặt bản thân mình vào trường hợp những con vật bị giết như vậy, thử hỏi chúng ta có sợ không? Có đau khổ không? Có oán hờn người giết mình không? Theo chúng tôi nghĩ, chỉ thấy giết người một cách dã man mà chúng ta đã lên án. Trong khi đó, hằng ngày trên trái đất của chúng ta, biết bao nhiêu sinh mạng súc vật bị giết va bị giết một cách dã man, nhưng chúng ta lại không thấy chỗ này. Ví dụ khi chúng ta gây nhân sát hại, giết một người nào đó. Thứ nhất, người đó oán mình. Thứ hai, người thân của họ cũng sẽ oán mình. Như vậy mối oán thu này cứ trả vay, vay trả. Bây giờ mình giết họ, kiếp sau họ giết lại, cứ như thế mà giết hại lẫn nhau, biến thế gian này thành cái lò sát sinh khổng lồ mà hằng ngày chúng ta không để ý, không biết, không thấy. Trên thế giới của chúng ta mỗi ngày có biết bao nhiêu sinh mạng phải chết đau đớn, biết bao nhiêu oán hận. Nếu suy xét kỹ vấn đề này thì ta thấy rõ, thế gian sẽ chẳng bao giờ chấm dứt chiến tranh được, vì cái nhân quả của sát sinh cứ vay trả, trả vay mãi. Người ta sát sinh súc vật để làm gì? Để thỏa mãn khẩu vị, bồi bổ xác thân. Xét lại thân của chúng ta thật hay giả? Chắc chắn là giả rồi. Như vậy mình ăn để mà sống hay sống để mà ăn? Chắc chắn là ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Vì khi nhắm mắt rồi, xác thân này cũng trả về với cát bụi, không ai mang nó theo được. Vậy mà lúc sống chúng ta không thấy được điều này. Hằng ngày, chúng ta đưa biết bao sinh mạng súc vật vào cơ thể, biến thân mình thành nghĩa địa mà không biết. Ban đêm nếu ra nghĩa địa ngủ thì ta sợ ma, không dám ra ngủ. Hằng ngày ma ở trong mình mà không sợ. Chúng ta hãy suy lại trong thân mình xem, từ nhỏ đến lớn, hằng ngày ta giết hại và ăn biết bao nhiêu sinh mạng súc vật. Do vậy, oan hồn của nó trong thân, ta lại không sợ. Ma theo mình hằng ngày mà không sợ, lại sợ ma ở nghĩa trang. Đức Phật vì lòng thương, tôn trọng sự sống của chúng sinh nên khuyên chúng ta không nên sát sinh. Đối với người niệm Phật, hằng niệm Phật phải có lòng từ bi, không thể khởi tâm sát hại chúng sinh. Do vậy, thường niệm Phật sẽ chuyển đổi được nghiệp sát này. Trộm cắp: Những thứ người ta không cho mà lấy gọi là trộm cắp. Tại thế gian ai cũng cần có tiền bạc hoặc vật dụng để giúp cho cuộc sống được ấm no hạnh phúc. Cho nên, người ta phải vất vả làm ra tiền, phải thức khuya dậy sớm, lao thân khổ trí, đổ mồ hôi sôi nước mắt, dầm mưa dãi nắng, băng rừng lội suối, lên non xuống biển, vào sinh ra tử để mưu cầu của cải vật chất nhằm nuôi sống bản thân, gia đình, để được ấm no hạnh phúc. Được nó ai cũng vui, mất nó ai cũng khổ. Hằng quán sát như thế, khi lòng tham khởi lên, muốn lấy của người liền niệm Phật, nhớ Phật, noi theo gương Phật. Phật là người bố thí, không bao giờ tham lam trộm cắp của ai. Trộm cắp là hành động xấu xa, đê hèn. Hiện đời bị người khinh chê, xa lánh, bị pháp luật giam cầm. Đời sau bị quả báo làm thân trâu ngựa để đền trả. Cho nên, chư Tổ có nói: “Khoét vách đào tường chí những đâu Ngàn mưu trăm kế luống tham cầu Của người dẫu có đời nay được Đời khác luôn luôn kiếp ngựa trâu”. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật cũng có dạy: “Đây là con ta, đây là tài sản ta, người ngu thường nghĩ như thế, nhưng chính ta còn không có, huống chi là con ta hay tài sản ta”.Tại sao người ta phạm vào tội trộm cắp. Có rất nhiều lý do. Ở đây chúng tôi chỉ đơn cử hai lý do: vì đói khổ, vì hưởng thụ. - Vì đói khổ cho nên người ta trộm cắp để sống. Những người này cũng đáng thương. Họ đói khổ là do nhân quả. Kiếp trước họ không tu nhân tích đức, không biết bố thí cúng dường, tham lam bỏn xẻn nên kiếp này họ nghèo khổ. Hoặc kiếp này do làm biếng, thích ăn chơi nên mới đói khổ, lại còn gieo thêm nhân ăn cắp, ăn trộm. Hiện đời bị người khinh chê, bị pháp luật giam cầm. Quả báo đời sau phải chịu nghèo cùng khốn khổ, hoặc làm thân trâu ngựa để đền trả. - Vì hưởng thụ, hạng người này cũng đáng thương. Do chấp có cái ta và do si mê, không biết nhân quả tội phước. Họ nghĩ rằng: Sống là để hưởng thụ, chết là hết. Cho nên, họ lao vào hưởng thụ, nếu không có để hưởng thụ thì đi ăn cắp, ăn trộm cho có để hưởng thụ. Những người này cũng rất đáng thương, vì họ si mê. Người niệm Phật tâm sẽ không khởi lòng tham, không bị vật chất làm mê hoặc. Do vậy, khi niệm Phật, chúng ta có tỉnh thức, có sáng suốt và không bao giờ chúng ta phạm vào trộm cắp. Tà dâm: Đối với người thế gian, vợ chồng quan hệ với nhau gọi là chánh. Nếu có vợ có chồng mà còn tưởng nguyệt mơ hoa, dụ dỗ người để thỏa mãn lòng dục vọng, thông đồng với vợ chồng người để quan hệ bất chính đều gọi là tà dâm. Đối với người xuất gia tuyệt đối không được dâm dục, vì ái dục là gốc của luân hồi sinh tử. Khi đức Phật thành đạo, Ngài có nói: “Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi sinh tử, Như Lai thênh thang đi, đi mãi, Như Lai đi tìm mãi mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất căn nhà này. Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn. Này hỡi người thợ cất nhà, Như Lai đã tìm được ngươi rồi. Từ nay trở đi ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đã bị sụp đổ, cây đòn dông của ngươi dựng lên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả vô sinh bất diệt. Như Lai đã đoạn tận tất cả ái dục”. Đức Phật khẳng định Ngài đã tận trừ tất cả ái dục. Đức Phật thường được gọi là bậc vô lậu. Lậu có nghĩa là những thứ phiền não tham, sân, si, ái... Lậu còn là chất dơ trong con người chúng ta, khi nó thải ra ngoài gọi là lậu. Lậu là chất dơ tinh huyết. Vô lậu còn có nghĩa là không lọt vào vòng sinh tử luân hồi. Như vậy, đức Phật là bậc vô lậu, là bậc đã ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Cho nên, đức Phật khuyên chúng ta tu “Tam vô lậu học” là “giới, định, tuệ”. Khi giữ giới được trong sạch chắc chắn không còn lậu nữa. Hiện tại chúng ta sống trong cõi này là cõi dục. Người ta từ dục sinh ra, cho nên sắc dục dễ đắm nhiễm mà rất khó chế phục. Các cụ xưa thường nói: “Lửa gần rơm sẽ cháy”, hoặc “nam châm gần sắt sẽ hút”. Trong Phật giáo chúng ta có từ “khát ái”, nghĩa là thèm khát về ái dục, cũng như mèo thấy mỡ vậy. Hoặc như người uống nhằm nước muối, càng uống càng khát. Trong kinh, đức Phật ví ái dục như khúc xương trần, khúc xương hết thịt chỉ còn dính chút gân máu. Con chó đói gặm khúc xương này, gặm hoài nhưng không đã, không no bụng nên cứ gặm mãi, càng gặm thì càng bực tức, càng mẻ răng trầy lợi. Đức Phật nói ái dục cũng như vậy. Hậu quả của người đắm mê sắc dục là gia đình mất hạnh phúc, người đời khinh chê, mất nhân cách đạo đức, hình sắc xấu xí, tàn tạ. “Đời người mấy độ thanh xuân Nhiều lần sinh nở tinh thần hao tan Thuốc nào chữa được cho nhan Ngoài ba mươi tuổi đã toan xuân già”. Đắm say sắc dục dẫn đến sức khỏe hao mòn, bệnh tật: “Đa dâm, đa dục, đa tình, Hao thần, hao khí, hao tinh, thân tàn”. Tinh, khí, thần là vật báu, là tinh hoa của con người. Những người đắm say sắc dục phải bị hao tán. Hao tán nhiều sẽ dẫn đến bệnh hoạn, chết yểu. Tai hoạ của đắm mê sắc dục là vĩnh viễn trôi lăn trong vòng luân hồi lục đạo. Để răn dè những người đã có gia đình mà còn ngoại tình, các cụ xưa có câu: “Có chồng mà lại lấy trai, Chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu”. Nghe câu này, tôi lại nhớ câu lúc nãy. “Đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”. Hình như các cụ xưa có tâm thiên vị, lúc nào cũng chê mấy bà, mấy cô rồi hăm doạ đủ thứ. Còn mấy ông năm thê bảy thiếp, bia ôm đủ thứ hết mà không sao. Đàn bà ngoại tình “chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu”. Rõ ràng không công bằng rồi. Đối với nhân quả hay trước pháp luật thì mọi người đều như nhau. Nên chúng tôi có làm một câu lục bát để tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ. Hễ ai phạm cũng bị quả báo chứ không phải chỉ riêng người nữ: “Có vợ còn thích bia ôm, Chết xuống âm phủ phải ôm cột đồng”. Như vậy về nhân quả mới đúng. Người nữ ngoại tình bị cưa hai nấu dầu. Còn mấy ông có vợ rồi lại thích bia ôm, chết xuống âm phủ cho ôm cột đồng mới đáng. Cột đồng này bên trong lửa đốt hừng hực rất nóng, ôm vào thì biết liền. Để ngăn ngừa sự đắm nhiễm của sắc dục, đức Phật khuyên nên hạn chế tiếp xúc với người khác phái, nhưng thực tế việc này rất khó. Đức Phật nói rằng nếu có tiếp xúc mình nên quán người nam là cha, là anh hoặc em; đối với người nữ thì là mẹ, chị hoặc em. Nói thì dễ, nhưng khi gặp mặt quán không phải dễ. Đức Phật nói nếu quán không được thì quán bất tịnh, nghĩa là quán ở trong thân người nhiều thứ dơ bẩn. Ngày xưa, đức Phật dạy các đệ tử, nhất là các vị xuất gia, vào trong rừng hoặc nghĩa địa quán tử thi. Vì ngày xưa, người ta chết, có khi chôn, có khi bỏ xác trong rừng hoặc nghĩa địa sình thối ra. Các thầy vào đó nhìn thấy thực tế thân người hôi thối dơ bẩn, nhàm chán không đắm mê sắc dục. Bây giờ vấn đề quán tử thi không có, vì không ai bỏ tử thi sình thối làm ô nhiễm, pháp luật nghiêm cấm. Đối với người tu pháp môn niệm Phật, chúng ta lúc nào cũng niệm Phật, nhớ Phật chắc chắn mình sẽ không nghĩ đến sắc dục. Tâm nghĩ Phật sẽ không còn chỗ trống để niệm sắc dục. Như lúc nãy chúng tôi đã trình bày, coi việc sinh tử là việc lớn và mình phải chán ghét ngũ dục, mong muốn được giải thoát, được về với thế giới của đức Phật, nhờ vậy mà sự niệm Phật của chúng ta mới thiết tha và mới có thể dứt trừ được tam đắm nhiễm sắc dục. Tóm lại, hằng ngày tâm ý của chúng ta không nghĩ cái này thì nghĩ cái khác. Không nghĩ thiện thì nghĩ ác, không nghĩ chính thì nghĩ tà, không nghĩ tốt thì nghĩ xấu, không nghĩ phải thì nghĩ trái, không nghĩ Phật thì nghĩ ma. Từ những ý nghĩ điên đảo tham, sân, si dẫn đến tạo nghiệp, từ chỗ tạo nghiệp dẫn đến trả quả, trôi lăn mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Hằng niệm Phật Di-đà sẽ chuyển tâm tham, sân, si thành giới, định, tuệ. Khi niệm Phật chí thành không tạp niệm, đó là giới. Niệm liên tục không gián đoạn, đó là định và lúc niệm nhận rõ được câu Phật hiệu, gọi là tuệ. Vậy khi niệm Phật sẽ chuyển được ba nghiệp ô uế thành ba nghiệp thanh tịnh. Mục đích tu học của người Phật tử chúng ta là làm sao ba nghiệp được thanh tịnh. Đó là chính. Như vậy, hằng niệm Phật là tạo cho ba nghiệp của mình được thanh tịnh. Nếu ba nghiệp được thanh tịnh thì mình với chư Phật mới có sự cảm ứng đạo giao. Cho nên, bài quán tưởng mà chúng ta tụng đọc hằng ngày là: “Năng lễ sở lễ tánh không tịch Cảm ứng đạo giao nan tư nghị”. Nếu tâm của mình thanh tịnh như đức Phật thì việc cảm ứng không khó nữa, vì cùng một tần số thanh tịnh với nhau. Giống như quý vị ngồi đây, ở không trung không ai nhìn thấy hình ảnh, không ai nghe được âm thanh. Vậy mà nếu để tivi ở đây, bắt đài gì thì tự nhiên có hình và có tiếng. Vậy hình và tiếng đó ở đâu? Ở không trung. Chúng ta bật đài nào ra hình ảnh đài đó không lẫn lộn. Vì sóng của tần số nào ứng với tần số đó. Quý vị ngồi đây 100 người, cùng một lúc bấm điện thoại di động liên hệ với 100 người khác. Một trăm người cùng lúc nói với nhau mà làn sóng của ai nấy nói, không lẫn lộn với sóng của ai. Cũng như vậy tại không trung có chư Phật, chư Bồ-tát, có ma, có quỷ. Nếu tâm mình là tâm Phật sẽ ứng với Phật chứ không lẫn lộn đâu cả. Tâm ma sẽ ứng với ma. Do vậy, mình hằng niệm Phật sẽ chuyển được ba nghiệp ô uế thành ba nghiệp thanh tịnh. Đồng thời mình niệm Phật cũng là để gieo nhân thành Phật, gieo nhân về thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà. Đó là nhân quả rõ ràng. Hôm nay, chúng tôi trình bày về công đức niệm Phật có thể chuyển hóa được ba nghiệp ô uế trở thành ba nghiệp thanh tịnh. Rất mong tất cả đại chúng luôn cố gắng lúc nào cũng nhớ Phật, niệm Phật. Được như vậy thì hiện tại và vị lai chúng ta luôn sống trong chánh niệm tỉnh giác và an vui hạnh phúc. Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật! Facebook Google Tweet Xem tiếp Sách cùng thể loại Xem tất cảCông đức niệm Phật Chuyển hóa ba nghiệp ô uếthành ba nghiệp thanh tịnh
Từ khóa » Niệm Phật để Làm Gì
-
Niệm Phật – Wikipedia Tiếng Việt
-
Niệm Phật Là Gì? Vì Sao Phải Niệm Phật? - .vn
-
Niệm Phật Và Những điều Cần Biết
-
Niệm Phật Là Gì ? Niệm Phật Là Niệm Như Thế Nào ? Lợi ích Của Niệm ...
-
Niệm Phật để Làm Gì?
-
Ý Nghĩa Và Lợi ích Của Việc Niệm Phật
-
Công đức Niệm Phật Và Lợi ích Lớn Lao Khi Niệm Phật
-
Mục đích Niệm Phật | Giác Ngộ Online
-
Ý Nghĩa & Giá Trị Của Pháp Môn Niệm Phật | Giác Ngộ Online
-
Hàng Ngày Bạn Niệm Phật Như Thế Nào ? Phật Dạy Cách Niệm ...
-
Niệm Phật Có Nghĩa Là Gì? Phải Chăng Niệm Phật Chỉ Là đọc Lại Như ...
-
Ý Nghĩa Và Lợi Ích Của Việc Niệm Phật - My Blog
-
Câu 'Nam Mô A Di Đà Phật' Có ý Nghĩa Gì? - VTC News
-
Cách Niệm Phật Tại Nhà - - Tuệ Tâm