Ý Nghĩa Các Chi Tiết Trên Bức Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Ngày nay, ở Việt Nam, khi bước vào các nhà thời hay nguyện đường, chúng ta đã khá quen thuộc với hình ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Vào năm 1866, Đức Giáo Hoàng Pio IX đã long trọng trao bức Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho dòng Chúa Cứu Thế với lời nhắn nhủ: “Hãy làm cho thế giới biết đến Mẹ”.

Nhiều tài liệu cho rằng bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có nguồn gốc từ thời trung cổ. Trên bức ảnh, ta thấy Đức Mẹ Maria trên tay ẵm bồng Hài Nhi Giêsu, nhưng mắt Đức Mẹ nhìn thẳng vào người ngắm nhìn ảnh chứ không hướng về Chúa Giêsu và cũng như chẳng hướng lên trời cao. Xung quanh Đức Mẹ và Chúa Giêsu còn có rất nhiều những chi tiết khác như: thiên thần, có ký tự cổ… Vậy những biểu tượng này có ý nghĩa gì, xin mời các bạn cùng tìm hiểu.

ý nghĩa các ký hiệu trên bức linh ảnh đức mẹ hằng cứu giúp

1. Các kí hiệu viết bằng tiếng Hy Lạp

  • 1A: Mẹ (MP: Μήτηρ – Meter)
  • 1B: Của Thiên Chúa (ΘΥ: Θεού – Tou Theou)
  • 1C: Tổng lãnh Thiên thần Micae (OAM)
  • 1D: Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel (OAΓ)
  • 1E: Tên Cực Thánh Giêsu Kitô (Iς-Xς — Ἰησοῦς Χριστός)

2. Tổng lãnh Thiên thần Micae: Ngài cầm trong tay một ngọn giáo, một khúc lau dài và một bình dấm, những vật dụng này sẽ xuất hiện trong cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Tay của Ngài được phủ bởi một tấm vải nhằm khắc ghi và tôn kính những vật linh thánh.

3. Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel: Ngài nắm cây Thánh Giá với các mũi đinh, biểu trưng cho giờ lâm tử sắp đến, điều này khiến Hài Nhi Giêsu ôm lấy Mẹ của mình để được nâng đỡ, chở che. Tay của Ngài được phủ bởi một tấm vải nhằm khắc ghi và tôn kính những vật linh thánh.

4. Ngôi sao 8 cánh trên đầu Đức Mẹ: Mẹ chính là ánh sáng loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu đến trong thế gian, tượng trưng cho vai trò của Mẹ trong mầu nhiệm của Thiên Chúa và Giáo hội. Ngôi sao cũng chỉ cho chúng ta biết Mẹ là người duy nhất dẫn chúng ta đến với Chúa.

5. Ánh Mắt của Mẹ: Chan chứa tình yêu và lòng trắc ẩn, luôn dõi theo chúng ta là con cái của Mẹ nơi trần thế, là nguồn an ủi và hy vọng bất tận của chúng ta, mắt Mẹ có sức hút mãnh liệt mỗi khi chúng ta nhìn lên Mẹ, để hướng về mầu nhiệm Cứu Chuộc là chính Chúa Giêsu mà Mẹ đang bồng trên tay. Mắt của Mẹ mở to và luôn hướng nhìn về phía chúng ta.

6. Miệng của Mẹ: So với tỉ lệ khuôn mặt, ta thấy miệng của Mẹ hơi nhỏ, ngụ ý dạy chúng ta bài học thinh lặng trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

7. Tay phải của Mẹ: Bàn tay phải của Mẹ hướng trực tiếp vào Thánh Tâm Chúa Giêsu và hướng lên cây Thánh giá của Thiên Thần Gabriel. Trong khi đó, hai bàn tay của Chúa Con đặt trọn vào lòng bàn tay phải của Đức Mẹ như một điểm tựa vững chắc để chỉ ra rằng: Mẹ đang giới thiệu Chúa Giêsu, Con của Mẹ tới tất cả chúng ta.

8. Tay trái của Mẹ: Bàn tay trái của Đức Mẹ đỡ nâng trẻ Giêsu, đó là bàn tay êm ái cho tất cả mọi người tìm đến bên Mẹ. Vị trí bàn tay trái cùng chiều với bàn tay phải, đặt Chúa Giêsu lên Trái tim Mẹ hướng về phía những người đang chiêm ngưỡng bức ảnh ngụ ý nhắn nhủ: “Hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

9. Màu sắc trang phục của Đức Mẹ: Màu đỏ là màu áo các trinh nữ đã mặc trong thời đại của Đức Kitô, biểu trưng cho sự đồng trinh. Màu xanh thẫm thiên chức làm Mẹ, màu các bà mẹ Palestine mặc trong thời đó. Màu sắc trên áo Mẹ còn tượng trưng cho xuất thân hoàng gia (dòng dõi vua David) của Mẹ.

10. Khuôn mặt Chúa Giêsu: Hài nhi Giêsu lo âu sợ hãi nhìn về phía Thập giá với ánh nhìn xa xăm, Ngài tín thác vào sự trung tín của Chúa Cha, nhất là trong cuộc Thương Khó.Trong khi mang trong mình hình hài của một trẻ thơ, thì khuôn mặt của Chúa Giêsu toát lên sự trưởng thành, chín chắn tượng trưng cho đức khôn ngoan vượt trên tuổi tác.

11. Bàn tay của Chúa Giêsu: Bàn tay của Chúa Con bám chặt lấy bàn tay của Đức Mẹ biểu thị mối tương quan nghĩa thiết giữa ý muốn của Mẹ với ý muốn của Người Con, để tất cả nên một trong người Con, như vậy Mẹ đã tham gia vào chương trình Cứu chuộc nhân loại.

12. Bàn chân Chúa Giêsu: Chiếc giầy rơi khỏi chân trẻ Giêsu nói lên bản tính Thiên Chúa của Người không vướng với trần gian. Bản tính con người của Người được diễn tả qua chiếc giầy bên chân còn lại, rất vững chãi. Điều này nói lên Đức Kitô có hai bản tính.

13. Màu sắc  trang phục của Chúa Giêsu: Áo choàng màu xanh lá tượng trưng cho hai bản tính con Người và bản tính Thiên Chúa. Đai lưng màu đỏ tượng trưng cho: Chúa Kitô đổ máu đào để cứu rỗi nhân loại thoát khỏi tội lỗi. Chiếc áo choàng vàng là biểu tượng của sự Phục Sinh, Chúa sẽ sống lại từ cõi chết. Như vậy, màu sắc trên trang phục của Ngài hòa quyện với nhau là sự tuyên bố chắc chắn về mầu nhiệm Nhập Thể, Cuộc Khổ Nạn, Sự Chết và Phục Sinh của Chúa Kitô.

14. Màu nền của bức linh ảnh: Màu vàng đại diện cho Thiên Đàng vĩnh cửu và ánh sáng huyền siêu của sự Phục Sinh chiếu tỏa qua y phục của Chúa Giêsu và Mẹ Maria để ban ơn cho những ai cầu nguyện trước linh ảnh này.

Trong bức Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, chúng ta thấy khuôn mặt Mẹ có dáng vẻ buồn, nhưng không phải nỗi buồn của tuyệt vọng. Thật ra bức ảnh, không muốn chúng ta ưu sầu với những đau đớn của Chúa Giêsu hay của Đức Mẹ, nhưng mời gọi ta chạy đến với Mẹ trong mọi hoàn cảnh, để Mẹ dẫn đưa ta đến với Chúa, nguồn mạch sự sống và bình an.

1 1 voteĐánh giá bài viết

thiết kế website công giáo cho giáo xứ, hội đoàn, dòng tu Nguồn catholicsstrivingforholiness.com Tagsảnh đức mẹ hằng cứu giúp đức mẹ hằng cứu giúp hình ảnh mẹ hằng cứu giúp hình đức mẹ hằng cứu giúp tranh mẹ hằng cứu giúp ý nghĩa ảnh đức mẹ hằng cứu giúp ý nghĩa ảnh mẹ hằng cứu giúp ý nghĩa đức mẹ hằng cứu giúp

Từ khóa » Hình đức Mẹ Cứu Giúp