ý Nghĩa Các Xét Nghiệm Chẩn đoán Viêm Gan B

Tùy theo từng trường hợp với những mục đích cụ thể mà mỗi loại xét nghiệm viêm gan B có những ý nghĩa khác nhau với những chỉ số xét nghiệmriêng biệt hoặc kết hợp. Xét nghiệm viêm gan B được thực hiện nhằm kiểm tra phát hiện viêm gan B, chẩn đoán tình trạng bệnh, mức độ tổn thương gan, theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị.

Các xét nghiệm viêm gan B bao gồm:

1. Xét nghiệm HBsAg

HBsAg là kháng nguyên bề mặt của virut viêm gan B. Nếu một người được xét nghiệm máu, kết quả tìm thấy HBsAg (tức là HBsAg (+)) chứng tỏ người đó đang bị nhiễm virut viêm gan B.

2. Xét nghiệm Anti-HBs (HBsAb)

Khi cơ thể có đáp ứng miễn dịch bảo vệ chống virut viêm gan B thì sẽ tạo được kháng thể chống kháng nguyên HBsAg, kháng thể này được gọi là Anti-HBs (hoặcgọi là HBsAb).Kháng thể Anti-HBs cũng xuất hiện trong máu nếu cơ thể có đáp ứng miễn dịch sau khi được tiêm vacxin phòng bệnh viêm gan B.

Anti-HBs (+) chứng tỏ cơ thể đã có miễn dịch đặc hiệu, không cần tiêm vacxin phòng bệnh viêm gan virut B; Anti-HBs (-) chứng tỏ cơ thể chưa có miễn dịch đặc hiệu với virut viêm gan B, cần tiêm vacxin phòng bệnh.

Giai đoạn “cửa sổ” miễn dịch trong nhiễm virut viêm gan B: là giai đoạn mà trong máu của người nhiễm virutviêm gan Bkhông còn tìm thấy kháng nguyên HBsAg và chưa thể phát hiện được kháng thể tương ứngAnti-HBs. Để xác định tình trạng nhiễm virut viêm gan B trong giai đoạn “cửa sổ” miễn dịch thì cần xét nghiệm tìm thấy kháng thể Anti-HBc IgM trong máu.

3. Xét nghiệm HBeAg

HBeAg là một kháng nguyên ở phần vỏ của virut viêm gan B. Sự xuất hiện của HBeAg trong máu chứng tỏ virut đang nhân lên và có khả năng lây lan mạnh.

HBeAg (+) là một dấu hiệu chứng tỏ virut đang hoạt động.

HBeAg (-) có 2 khả năng: hoặc virut không hoạt động hoặc virut vẫn đang hoạt động nhưng có đột biến vùng gen mã hóa tổng hợp HBeAg. Để khẳng định virut có đột biến vùng gen này cần xét nghiệm HBV-DNA và HBV-genotyping.

Hiện tượng chuyển đổi huyết thanh trong nhiễm virut viêm gan B xảy ra khi kháng nguyên HBeAg từ (+) thành (-) và xuất hiện kháng thể Anti-HBe (HBeAb).

4. Xét nghiệm Anti-HBe (HBeAb)

Anti-HBe là kháng thể chống kháng nguyên HBeAg.

Nếu xét nghiệm Anti-HBe (+) chứng tỏ người bệnh đã có miễn dịch một phần. Xét nghiệm Anti-HBe (-) chứng tỏ cơ thể chưa có miễn dịch với virut viêm gan B.

5. Xét nghiệm Anti-HBc (HBcAb)

Anti-HBc là kháng thể chống kháng nguyên lõi HBcAg của virut viêm gan B (kháng nguyên HBcAg chỉ hiện diện trong tế bào gan bị nhiễm virut viêm gan B, không tìm thấy trong máu).

Anti-HBc xuất hiện trong huyết thanh chứng tỏ cơ thể đã từng nhiễm virut viêm gan B trong quá khứ hay đang nhiễm virut viêm gan B.

Anti-HBc chỉ được tạo ra khi cơ thể nhiễm virut, không được tạo ra sau khi tiêm vacxin phòng bệnh viêm gan B.

Có 2 loại kháng thể Anti-HBc là IgM và IgG.Anti-HBc IgM xuất hiện trong giai đoạn nhiễm cấp tính hay trong đợt kịch phát của nhiễm HBV mạn tính, Anti HBc-IgG xuất hiện trong giai đoạn nhiễm mạn tính.

6. Xét nghiệm HBV-DNA (Đo tải lượng virut viêm gan B)

Phần lõi của virut viêm gan B chứa DNA (axit nhân). Khi virut viêm gan B nhân bản hoàn chỉnh trong tế bào gan sẽ tạo ra những hạt virut hoàn chỉnh có phần vỏ (chứa kháng nguyên HBsAg) và lõi HBV-DNA. Sự nhân bản của virut viêm gan B sẽ phá hủy tế bào gan, gây tổn thương cho gan, các hạt virut hoàn chỉnh sẽ xuất hiện trong máu kèm theo men gan (men ALT) tăng trong máu người nhiễm virut.

Xét nghiệm HBV-DNA sẽ cho biết số lượng hạt virut viêm gan B hoàn chỉnh có trong máu tại thời điểm được xét nghiệm. Phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay để kiểm tra HBV-DNA là kỹ thuật Realtime PCR. Trong xét nghiệm này, máu của người bệnh sau khi lấy (3 ml máu tĩnh mạch cho một lần xét nghiệm) được cho vào ống thu máu chuyên dụng EDTA, sau đó, mẫu máu được tách huyết thanh hoặc huyết tương, DNA của virut sẽ được nhân bản trong ống nghiệm tạo nên hàng tỷ bản sao mới. Kỹ thuật xét nghiệm HBV-DNA có độ nhạy rất cao, cho phép phát hiện được HBV-DNA trong mẫu thử dù số lượng hạt virut hoàn chỉnh trong máu người bệnh rất thấp.

Số lượng virut viêm gan B trong máu được biểu thị bằng đơn vị copies/ml hoặc bằng đơn vị IU/ml. Có thể quy đổi giữa hai loại đơn vị này: 1 IU/ml tương đương 5,82 copies/ml.

Tùy thuộc công nghệ sử dụng trong kỹ thuật xét nghiệm mà mỗi loại xét nghiệmđo tải lượng virut viêm gan B sẽ có ngưỡng phát hiện (ngưỡng định lượng) khác nhau, có thể là 50 copies/ml, 100 copies/ml hay 300 copies/ml. Ngưỡng phát hiện cho thấy khả năng nhận diện (phát hiện) số lượng virut tối thiểu có trong máu tại thời điểm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện (HBV-DNA âm tính) có nghĩa số lượng virut trong máu rất thấp.Như vậy, HBV-DNA âm tính không có nghĩa là virut đã bị tiêu diệt hoàn toàn trong cơ thể, cho nên người bệnh vẫn phải tiếp tục được theo dõi sau đó cho đến khi kết quả định lượng HBsAg không còn tìm thấy kháng nguyên này trong máu.

Kết quả xét nghiệm đo tải lượng HBV có ý nghĩa góp phần xác định thời điểm cần tiến hành điều trị bằng thuốc ức chế virut. Xuyên suốt quá trình điều trị người bệnh cần đo tải lượng virut định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị dựa vào sự thay đổi tải lượng virut qua mỗi lần được kiểm tra. Nếu tải lượng virut giảm dần nhưng lại bùng phát gia tăng ở lần kiểm tra tiếp theo, khả năng cao đã xảy ra tình trạng virut kháng thuốc. Khi đó, việc thay đổi phác đồ điều trị khác cần được nghiên cứu và chỉ định để người bệnh được tiếp tục được điều trị.

7. Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan virut B mạn tính:

HBsAg (+) > 6 tháng hoặc HBsAg (+) và Anti-HBc IgG (+).

8. Chỉ định điều trị (dùng thuốc ức chế sao chép HBV):

Khimen ALT tăng trên 2 lần giá trì bình thường hoặc có bằng chứng xác nhận có xơ hóa gan tiến triển/xơ gan với bất kể ALT ở mức nào; và:

HBV-DNA ≥ 105 copies/ml (20.000 IU/ml) nếu HBeAg (+) hoặc HBV-DNA ≥ 104 copies/ml (2.000 IU/ml) nếu HBeAg (-).

9. Xem xét ngừng thuốc ức chế sao chép HBV uống khi:

Trường hợp HBeAg (+): sau 6-12 tháng có chuyển đổi huyết thanh HBeAg và HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện.

Trường hợp HBeAg (-):HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện trong 3 lần xét nghiệm liên tiếp cách nhau mỗi 6 tháng.

10. Các xét nghiệm tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên

Hiện nay, một số xét nghiệm virus viêm gan B, viêm gan C, virus HPV được thực hiện thường quy tại Phòng xét nghiệm vi sinh-Sinh học phân tử của Bệnh viện Trường Đại học Y khoa – Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên bởi đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên xét nghiệm được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật sinh học phân tử.

1. HBV đo tải lượng Real-time PCR

2. HCV đo tải lượng Real-time PCR

3. HPV Real-time PCR

4. HBV kháng thuốc Realtime-PCR

5. HCV kháng thuốc Realtime-PCR

6. HCV genotype (xác định týp virus viêm gan C)

7. HPV genotype (xác định týp virus HPV)

Từ khóa » Nồng độ Phát Hiện Virus Ngưỡng Tuyến Tính 50 Copies