Ý Nghĩa Chữ Phúc Trong Tiếng Hán

Mỗi dịp tết đến xuân về mọi người đều chúc phúc cho nhau, chúc nhau Phúc lộc đầy nhà và nhiều nhà treo chữ Phúc để mong muốn gia đình được gặp nhiều phúc lành. Vậy Chữ phúc có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hàng ngày? Cùng Tiếng Trung Toàn Diện tìm hiểu nhé!

Phúc (hay còn gọi là Phước) là biểu trưng cho sự may mắn, sung sướng và hạnh phúc. Từ ngày xưa con người đã có nhiều hình tượng biểu thị chữ phúc mà ngày nay chúng ta thường thấy trong các tài liệu nghiên cứu, các áng văn chương, trong kiến trúc, trong các vật trang trí và ngay cả trên các y phục…

Chữ Phúc nghĩa là: Những sự tốt lành đều gọi là Phúc. Trong Kinh Thi chia ra 5 phúc: (1) Giàu 富 (2) Yên lành 安寧 (3) Thọ 壽 (4) Có đức tốt 攸好德 (5) Vui hết tuổi trời 考終命. [1] Cũng có nhiều sách nói: ngũ phúc: năm điều phúc đến nhà, là 富 phú, 貴 quý, 壽 thọ, 康 khang, 寧 ninh

Đây là một niềm ước mơ của người dân khi mùa xuân về. Nếu chiết tự chữ Phúc 福có thể thấy là toàn bộ ước mơ về một cuộc sống đủ đầy: Bên trái là bộ thị – ở đây có nghĩa là kêu cầu, mong muốn thể hiện ước mơ của con người). Bên phải gồm 3 bộ chữ: Bộ miên 宀 chỉ một mái nhà – (phải có nhà để ở, an cư rồi mới lạc nghiệp). Dưới là bộ khẩu nghĩa là miệng – (trong nhà phải có người, cả gia đình sum họp vui vẻ, tiếng nói cười rộn rã, không khí gia đình phải vui tươi đầm ấm). Dưới cùng là bộ điền 田 – (có nhà rồi phải có ruộng để cày cấy sinh sống. có ruộng, có đất đai là có tất cả. Như vậy chữ phúc 福 là một ước mơ bình dị về một cuộc sống yên bình, mong sao cho gia đình có người, có nhà, nề nếp hiếu thuận, ấm êm; có ruộng để làm ăn sinh sống. Đó là ước mơ ngàn đời của những con người lao động, không mơ sự giàu sang, phú quý, mà chỉ ước mơ một cuộc sống giản dị tốt đẹp, bền lâu mãi mãi. Cuộc sống như thế chính là phúc – chỉ một chữ mà gợi lên cảnh sống yên bình, lương thiện, hiền hòa.

Cũng như câu đối, dán chữ “Phúc” cũng là một tập tục rất lâu đời trong dân gian. “Phúc” là một trong những chữ lâu đời nhất của Trung Quốc,chữ “Phúc” ngày nay, do bộ “lễ” ( 礻) và 3 chữ “nhất” (一), “khẩu” (口), “điền” (田) biểu hiện sự cầu mong của con người, sao cho có ruộng có vườn và một đời sống no đủ.

>>> Xem thêm: Ý nghĩa của chữ Thọ trong tiếng Hán

Dán chữ “Phúc” là gửi gắm ước vọng, niềm mong mỏi của con người về cuộc sống hạnh phúc và tương lai tươi sáng. Nhằm thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn niềm hy vọng này, nhiều người còn dán ngược chữ “Phúc” để biểu thị ý nghĩa “Hạnh phúc đã đến”, “Vận may đã đến”.

Vì sao khi dán ngược? Tương truyền, vào thời nhà Thanh, có một năm khi chuẩn bị Tết, viên đại quản gia trong phủ Cung thân vương theo lệ, đã viết rất nhiều chữ “Phúc”, rồi sai người đi dán khắp nơi trong phủ. Chẳng may, có một người hầu không biết chữ đã dán ngược chữ “Phúc” lên chính giữa cánh cửa lớn của vương phủ, khiến người qua lại đều buột miệng: “福 倒 了” (Chữ Phúc dán ngược ). Nghe vậy, đám thân vương quý tộc và các mệnh phụ phu nhân thay vì giận dữ lại tỏ ra vô cùng hoan hỉ, coi đó là điềm lành, bèn cho gọi người hầu đến trọng thưởng!

Trong tiếng Hán, chữ “đảo” (倒) nghĩa là “ngược” với chữ “đáo” (到) có nghĩa là “đến”, “tới” lại có cùng âm đọc là “dào”, nên khi nghe ai đó nói “Phúc đảo liễu” thì người nghe hoàn toàn có thể hiểu là “Phúc đến rồi” (Phúc đáo liễu: 福 到了)

Ngày nay ở Trung Quốc, có một số gia đình vẫn thích dán ngược chữ “Phúc” trong dịp Tết với hi vọng hạnh phúc, vận may sẽ đến.

Tóm lại trong tiếng Hán, chữ Phúc mang đến nghĩa no đầy, hạnh phúc, may mắn. Chữ Phúc lộn ngược đầu được đọc là " phúc đảo" đồng âm với từ " phúc đáo" nghĩa là phúc đến. Dán ngược chữ Phúc như vậy mới mang đầy đủ ý nghĩa là phúc tới, đem dán trước cửa nhà thì trở thành "phúc đáo tiền môn - phúc đến trước cửa".

>>> Xem thêm: Ý nghĩa của chữ Lộc trong tiếng Hán

Từ khóa » Chữ Phúc Tiếng Hán Viết Như Thế Nào