Ý Nghĩa Của 6 Chữ: Nam Mô A Di đà Phật (Phạn Ngữ)

Ý nghĩa của 6 chữ : Nam mô A di đà Phật | Phạn ngữ : Namo (नमो) Amitàbha (अमित) Buddha (बुद्ध).

Chữ Namas được chia làm hai nhóm có gốc từ động từ √nam (chữ devaganari √ नम् ), chữ namas nhóm một (chữ  devaganari नमस्), dạng trung tính, có nghĩa : kính chào, tôn kính, ngưỡng mộ. Trên phương diện giới từ hay liên từ : chúc tụng, ca ngợi, tán tụng.

Động từ căn √nam (√ नम् √nam) có nghĩa : uốn cong, nghiêng xuống, chào, vinh danh, được uốn cong, tự quy phục, nhượng bộ.

Chữ namas nhóm hai (chữ  devaganari नमस्), là thân động từ phản thân của namas nhóm một, có nghĩa : vinh danh, và khi làm trực bổ cách : làm danh dự, chào hỏi, kính trọng, ngưỡng mộ.

Chữ Namaste (chữ  devaganari नमस्ते) là chữ ghép của : namas (नमस्) và te (ते), có nghĩa : tôi chào bạn, chào bạn, hân hạnh chào bạn.

Chữ namaskāra (chữ  devaganariनमस्कार) là chữ ghép của  namas nhóm một và thân từ -kāra (chữ  devaganari कार : người ấy làm). Chữ namaskāra dùng để diễn đạt hành động của một người đang chào hay đang tôn kính ai đó, khi họ cuối đầu và nói chữ Namas.

Chữ namaskāram là câu chào có nghĩa : hân hạnh chào bạn.

Trong Phật học chữ : Namah (नम), Namas (नमस्), hay Namo có nghĩa là đem thân tâm về qui ngưỡng Phật, Pháp, Tăng.

A Di Đà là danh từ phiên âm có gốc từ hai chữ trong tiếng Phạn: amitābha và amitāyus.

Chữ amitābha là chữ ghép từ hai chữ : amita và ābha.

Chữ amita ghép từ hai chữ : amita [a-mita], thuộc tĩnh từ, thân từ có ba dạng : nam tính, trung tính, nữ tính, viết theo chữ devaganari : अमित. Thuật ngữ này mang nhiều nghĩa  :

1 : không đo lường được, không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, bao la, vô tận, vô bến bờ.

2 :  qúa khứ phân từ của động từ [ am]  am thuộc tĩnh từ, thân từ có ba dạng : nam tính, trung tính, nữ tính, có nghĩa là bị thương, bịnh

Chữ  a, अ : biến cách riêng, phủ định, bên trong,  số một

Chữ mita_1, nhóm một (chữ devaganari : मित)  là quá khứ phân từ của động từ gốc √mā nhóm một (√ मा mā, chữ devaganari), thuộc tĩnh từ, thân từ có ba dạng : nam tính, trung tính, nữ tính, có nghĩa là : đo lường, giới hạn, hạn chế, vừa phải, dung hòa, khiêm tốn, ngắn, nhỏ.

Chữ mā, nhóm một, viết theo chữ devaganari मा, có nghĩa : người mẹ, ánh sáng, so sánh, đo, phục vụ, ghi dấu, không giới hạn.

Chữ  mita_2, nhóm hai  là qúa khứ phân từ của gốc động từ √mi (√मि, chữ devaganari), thuộc tĩnh từ, thân từ có ba dạng : nam tính, trung tính, nữ tính, có nghĩa là : thiết lập, bám lấy, dính vào, đo, không giới hạn, cảm nhận, phán đoán.

Chữ  amita nhóm hai, là qúa khứ phân từ của động từ √am (√अम्, chữ devaganari : hướng tới, đi tới, làm đau, bị bịnh, gây bịnh), thuộc tĩnh từ, thân từ có ba dạng : nam tính, trung tính, nữ tính, có nghĩa là : thương tích, bịnh.

Chữ ābhā nhóm một (chữ devaganari : आभा) là chữ ghép từ hai chữ :  [ā-bhā_1], có nghĩa là : chiếu sáng, soi sáng, gom lại, làm cho sáng lên, làm cho rạng rỡ lên, tôn trọng.

Chữ ābhā nhóm hai (chữ devaganari : आभा), thân từ thuộc nữ tính có nghĩa là : rực rỡ, sắc đẹp, hình dáng, màu sắc.

Chữ ā (chữ devaganari : आ),  có nhiều chức vụ dùng khác nhau :

1) Tiền tố âm : tới, hướng tới (người nói).

2) Giới từ : từ khi.

3) Trạng cách : đến khi, ngay khi, xa hơn nữa.

4) Liên từ : nhiều hơn, ngay cả.

Chữ động từ gốc √bhā nhóm một (chữ devaganari : √ भा), có nghĩa : tỏa sáng, tỏa sự huy hoàng, xuất hiện, sẽ được thấy, làm vui lòng.

Chữ āyus (chữ devaganari : आयुस्), có gốc từ chữ āyu (chữ devaganari : आयु), thân từ thuộc trung tính, có nghĩa : tuổi tác, tuổi thọ, cuộc sống, sức khỏe, sức sống.

Qua phần phân tích trong Phạn ngữ : A Di Đà là danh từ phiên âm có gốc từ hai chữ amitābha và amitāyus. Amitàbha, tức là ánh sáng vô lượng và Amitāyus là sự sống không giới hạn bởi không gian và thời gian. Do đó Amitàbha hay Amitàyus, 2 từ khác nhau và không cùng nghĩa nhưng đều chỉ cho Đức Phật A di đà. Từ đó, sự ra đời của những bài lược sử nói về Đức A Di Đà có những góc độ và khía cạnh khác nhau, tùy theo mỗi thời kỳ lịch sử.

Chữ Phật, phạn ngữ viết theo mẫu tự la tinh là Buddha, chữ devaganari viết बुद्ध. Chữ Buddha là quá khứ phân từ của chữ budh nhóm một, thuộc tĩnh từ, thân từ có ba dạng : nam tính, trung tính, nữ tính, có nghĩa : tỉnh thức, sáng suốt, thông thái, khôn ngoan.

Động từ căn √budh nhóm một (√बुध्), có nghĩa : tự đánh thức, tự tỉnh thức, xem, tìm hiểu, khám phá, nhận thức,  cảm nhận, hiểu biết, hiểu, quan sát, suy nghĩ, tập trung, khơi dậy, phục hồi, làm cho hiểu, nhớ, tiết lộ, thông báo, thông tin, tư vấn, khuyên bảo, suy nghĩ đứng đắn, cố gắng tìm hiểu.

Chữ budh nhóm hai, có gốc từ chữ budh nhóm một, thuộc tĩnh từ, thân từ có ba dạng : nam tính, trung tính, nữ tính, có nghĩa : người tự tỉnh thức, người hiểu biết, thông minh, sáng suốt, khôn ngoan.

Chữ  buddhi (बुद्धि) có gốc từ chữ budh nhóm một và thân từ -ti (ति hình thể hoạt động, thuộc nữ tính), có nghĩa : tinh thần, thông minh, khả năng nhận thức, hiểu biết, trí tuệ, nghĩ, ý tưởng, giải quyết.

Phần tóm lược ý nghĩa của 6 chữ : Nam mô A di đà Phật

Qua phần định nghĩa của Phạn ngữ : Namah (नम), Namas (नमस्), hay Namo (नमो) Amitàbha (अमित) Buddha (बुद्ध).

Từ Namah (नम), Namas (नमस्), hay Namo (नमो) có nghĩa là đem thân tâm về quy ngưỡng…

Amitàbha (अमित) là danh hiệu của  Đức Phật A di đà.

Buddha (बुद्ध) là người hoàn toàn tỉnh thức.

Như vậy : Namo (नमो) Amitàbha (अमित) Buddha (बुद्ध), có nghĩa là : Đem thân tâm qui ngưỡng Đức Phật A di đà.

Người con Phật thường dùng câu niệm Phật này để chào nhau, tuy là một câu có 6 chữ ngắn gọn, nhưng nó hàm chứa một tính lễ độ và một sự nhắc nhở cho nhau để thánh hóa tâm hồn mình, qua Hồng danh của Đức Phật A Di Đà.

Niệm A di đà là một cách tu, nhanh chóng, dễ dàng, dựa vào tha lực, và đại nguyện của Đức Phật A di đà, bằng cách nhất tâm niệm danh hiệu của Ngài : “Nam-mô A-di-đà Phật”, để trau dồi đức hạnh và xoa dịu những khổ đau cho mình và những người chung quanh trong cuộc sống mỗi ngày.

Phương pháp tu đơn giản này cũng là phương tiện hữu hiệu giúp cho sự tự lực của chính mình thoát khỏi những hố sâu của tội lỗi.

Về thân tộc hay ngày sinh của Đức Phật A di đà trong những tài liệu tham khảo không có đầy đủ chi tiết ghi lại rõ ràng, chỉ có những truyền thuyết khác nhau như một câu chuyện với nội dung diễn đạt tình đại bi chan hoà, ánh sáng trí tuệ, qua sự tỏ bày của Ngài trong 48 điều nguyện, mà các kinh : Bi Hoa, Quán Phật Tam Muội Hải, Diệu Pháp Liên Hoa (phẩm Thí Dụ), Thủ Lăng Nghiêm, Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Xuất Sinh Bồ-tát, kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ, v.v…đều có ghi lại như một phần Tiểu sử của Ngài.

Đức Phật A Di Đà và cõi Tây phương Tịnh độ của Ngài có thật hay chỉ là huyền thoại biểu trưng cho : “Niềm tin là mẹ sanh công đức” theo Kinh Hoa Nghiêm, thì pháp môn niệm Phật cũng đã góp phần đem lại ít, nhiều lợi ích cho người con Phật.

Sự phát bồ đề tâm, bằng tín nguyện chính tâm tỉnh giác, tìm lại đức Phật A Di Đà trong chính mình qua cách niệm 6 chữ : Nam mô A Di Đà Phật, để cho tấm lòng an tịnh cũng không phải là lỗi gì, trong những hành động thường ngày như : đi, đứng, ngồi, nằm, nghỉ…

Kính bút

Huệ Chi

Từ khóa » Niệm Phật A Di đà Bằng Tiếng Phạn