Ý Nghĩa Của Bài Hát "Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non" (nhạc Sĩ Giao Tiên)

Xưa nay, loài ngựa thường tượng trưng cho sự phóng khoáng, hoang đàng, thích chinh phục những miền đất mới, hoặc nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. Đặc biệt là loài ngựa hoang còn là biểu tượng của sự tự do khoáng đạt.

Trong nhạc Phạm Duy, ai cũng biết đến ca khúc Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang nói về một gã giang hồ nổi tiếng. Trong nhạc Trịnh, hình bóng ngựa hiện lên nhẹ nhàng hơn, bàng bạc một kiếp nhân sinh: Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa, hoặc Ngựa buông vó người đi chùn chân đã bao lần…

Nhạc viết về ngựa thì có nhiều, nhưng tự ví mình là ngựa để tung vó một cách tự do phóng khoáng trên đồi cỏ non, thì hình như chỉ có nhạc sĩ Giao Tiên trong ca khúc Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non:

Em dấu yêu ơi anh đang quay về mười năm xa vắng Anh đã đưa em, đưa em đi tim một giấc mơ đời

Mười năm lạc loài phải không em Mười năm hận thù trĩu trong tim Ta trót vong thân , ta trót vong ân Mang tuổi hoa niên, làm kiếp lưu đầy.

Bóng tà ngả trên lưng đồi cỏ non Gió hiền thoáng vi vu hàng lau xanh

Ngoài kia là đồng thơm hương lúa mới Bên lũy tre xanh ngả nghiêng hàng dừa Và đây là dòng sông ta thương mến, Soi bóng chung đôi những ngày ấu thơ

Anh sẽ đưa em, đưa em xa rời vùng mây tăm tối Anh sẽ đưa em, đưa em đi về, về lối trăng hiền

Còn ai đợi chờ nữa không em Còn ai dặn dò nữa không em Thôi hãy theo anh, men lối ăn năn Ta thoát cơn mê cùng dắt nhau về.

Gần đây, nhạc sĩ Giao Tiên (nay đã ngoài 80 tuổi) đã nói về ý nghĩa của ca khúc này như sau:

“Lúc sáng tác ca khúc này tôi tự ví bản thân như một chú ngựa trên thảo nguyên rộng lớn đang đi tìm người bạn đời. Tôi giải phóng tâm hồn mình trước những quan niệm, hình ảnh cũ và thả hồn vào một thế giới trừu tượng khác để âm nhạc được bay bổng, mới lạ hơn. Thật sự ca khúc này có ca từ rất dễ hát, phù hợp với mọi hoàn cảnh nên may mắn được đông đảo khán giả yêu thích”.

Em dấu yêu ơi anh đang quay về mười năm xa vắng Anh đã đưa em, đưa em đi tim một giấc mơ đời

Mười năm lạc loài phải không em Mười năm hận thù trĩu trong tim Ta trót vong thân, ta trót vong ân Mang tuổi hoa niên, làm kiếp lưu đầy.

Một thời gian dài của tuổi trẻ chỉ quanh quất với những tính toán thường tình, tự đày đoạ mình trong những triền miên hận thù nhỏ nhen của cuộc mưu sinh, tự ví mình là một kẻ “lạc loài”. Nay nhìn lại thấy tiếc nuối vì đã trót “vong thân” và “vong ân” mười năm trời, phí hoài cả một thời hoa niên đã qua, không thể nào quay lại được.

Cuộc đời không có được mấy lần 10 năm, nên khi tuổi đời đã thấm, ta chỉ muốn giải phóng lòng mình khỏi những ưu tư mệt mỏi của ngày đã qua, bỏ lại sau lưng tất cả để được quay về vùng vẫy trên một vùng thảo nguyên rộng lớn, đẹp đẽ, nơi có đồng lúa thơm hương, có luỹ tre xanh, hàng dừa ngả nghiêng và dòng sông thơ mộng, thanh bình. Nơi đó có sự tự do, phóng khoáng và đầy tình thương mến của người dân quê mùa, cũng là nơi không có niềm ưu tư buồn phiền nào:

Bóng tà ngả trên lưng đồi cỏ non Gió hiền thoáng vi vu hàng lau xanh

Ngoài kia là đồng thơm hương lúa mới Bên lũy tre xanh ngả nghiêng hàng dừa Và đây là dòng sông ta thương mến, Soi bóng chung đôi những ngày ấu thơ…

Ở cuối bài hát là lời mời gọi người yêu nhỏ, hãy cũng bỏ lại sau lưng tất cả những phiền muộn của cuộc đời, xa rời vùng mây tăm tối của quá khứ, bỏ qua những bon chen nơi chốn phồn hoa để theo nhau về lối trăng hiền, nơi mà lứa đôi có thể sống một cuộc đời êm đềm và lương thiện:

Anh sẽ đưa em, đưa em xa rời vùng mây tăm tối Anh sẽ đưa em, đưa em đi về, về lối trăng hiền

Còn ai đợi chờ nữa không em Còn ai dặn dò nữa không em Thôi hãy theo anh, men lối ăn năn Ta thoát cơn mê cùng dắt nhau về.

Ở thời nào thì cũng có nhiều người muốn “thoát cơn mê” đời, thoát ly khỏi những mệt mỏi của cuộc toan tính mưu sinh, rồi cùng dắt nhau về vùng xa xôi để sống thật giản dị, bình thản.

Sau này, có nhiều ca sĩ hát thành “đưa em đi về, về lối CHÂN hiền”, nghe khá là vô nghĩa. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa “thảm hoạ” bằng một ca sĩ nổi tiếng hát: “Còn ai dặn dò nữa không em” thành “Còn ai GIẬN HỜN nữa không em”, làm cho lời hát thành ngô nghê và khó hiểu.

Trước năm 1975, ca khúc này gắn liền với giọng hát đầy mạnh mẽ, rực lửa của Hùng Cường hoặc Elvis Phương. Mời các bạn nghe lại sau đây:

Click để nghe Elvis Phương hát

Click để nghe Hùng Cường hát

Bài: Đông Kha

Từ khóa » Nhạc Vó Ngựa Trên đồi Thảo Nguyên