Ý Nghĩa Của Cúng Thí Thực Và Nghi Thức Cúng Thí Thực Chuẩn Nhất
Có thể bạn quan tâm
- Cúng thí thực là gì?
- Ý nghĩa của cúng thí thực trong Phật giáo
- Cách sắp lễ cúng thí thực tại nhà
- Lưu ý khi cúng thí thực
- Nghi thức cúng thí thực 2021 chuẩn nhất
Cúng thí thực là gì?
Chúng ta thường thấy mọi người nhắc đến nghi thức cúng thí thực nhưng không phải ai cũng hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức này. Thí thực là bố thí, theo đó cúng thí thực là việc bố thí thông qua việc thờ cúng.
Việc cúng thí thực xuất phát từ quan niệm cho rằng những người bị chết oan, tai nạn, chết trẻ…, chưa tái sinh và không có người cúng thức ăn cho họ nên luôn có cảm giác đói khổ. Hơn nữa, chẳng mấy ai trong số đó hiểu rằng chết là để chuyển sinh hay họ chẳng thể nào có cơ hội thưởng thức thức ăn như khi còn sống nên tâm họ vẫn hướng tới những món đồ đó đầy khao khát.
Những người này phần đông sinh vào cảnh giới thấp như địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh và luôn tự cảm thấy mình đói khát. Và hãy thử tưởng tượng như chính chúng ta đang là những kẻ đói thì luôn thèm ăn, không thể nghĩ tới điều gì khác huống gì là đạo lý của cuộc đời.
Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người, được tái sinh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người, phải tái sinh vào cõi ngạ quỷ”.
Những chúng sinh trong loài quỷ này, đa số chịu nhiều sự đói khát và có hình thù quái lạ phần nhiều cầu mong sự cúng thí thực phẩm của người đời. Vì thế, chúng ta thường tổ chức các nghi lễ với vật phẩm vật hiến cúng và đối tượng thọ nhận phải có sự tương ưng.
Theo tục thờ cúng dân gian của người Việt, người ta thiết lập bàn gọi là bàn thượng và bàn hạ. Bàn thượng cúng hoa, bông trái và nước trong tinh khiết dành cúng chư thiên và các chúng sinh ở cảnh giới cao, gọi là bàn Thiên. Bàn hạ là cúng thức ăn thông thường như người đang sống thường dùng như cơm, cháo, bánh trái để cúng cho các hương linh, gọi là bàn hương linh.
Người cúng thỉnh sư đọc tụng chân ngôn, cầu sự gia trì của Phật và Bồ-tát giúp cho chúng hương linh (ngạ quỷ) được thọ dụng no đủ và thoát khổ.
Ý nghĩa của cúng thí thực trong Phật giáo
Theo quan niệm Phật giáo, việc thực hiện cúng thí thực chủ yếu là dành cho những người không được vào cõi an lạc mà bị đầy xuống địa ngục hay vào ngạ quỷ. Những chúng sinh ở cõi ngạ quỷ này phải chịu nhiều khổ đau, đói rét, luôn mong muốn nhận được cúng phẩm của người thân. Chính vì vậy, nghi thức cúng thí sẽ giúp họ nhận được phẩm vật mà con người hiến cúng.
Lễ cúng thí thực vốn có nguồn gốc Phật giáo nhưng nếu không hiểu rõ ý nghĩa tích cực và phương pháp lễ cúng này mà áp dụng lễ cúng theo kiểu Tế Đàn cực đoan, rườm rà thì lại trở thành mê tín, chắc chắn không có phước báo tốt đẹp.
Một lễ cúng đầy đủ ý nghĩa cần có người hiểu và dùng pháp ngữ khai thị hương linh nhận thức về đạo lý để họ xả ly chấp thủ, luyến ái và sớm được giải thoát tự tại. Vấn đề ở đây cần nhận thức rõ ràng tinh thần của người hiến cúng, và đối tượng được hiến cúng trong pháp thí thực một cách có trí tuệ. Người hiến cúng thí thực bằng pháp bất thiện sẽ mắc nghiệp xấu.
Trong Phẩm Tế Đàn thuộc kinh Tăng Chi có ghi chép lại. Vị Bà-la-môn Uggatasarira có ý định đốt lửa, dựng trụ tế đàn, giết hàng trăm con bò, con cừu, con heo làm thực phẩm hiến cúng để cầu mong được quả phước lớn. Đức Phật đã thẳng thắn phê phán, cho đó là hành động bất thiện.
Việc giết hại con vật để tế lễ không mang lại lợi ích cho người chết, chỉ khiến tội duyên của người đó càng thêm sâu nặng hơn thôi. Người hiến cúng bằng thiện pháp sẽ đưa đến phước lành, dùng phẩm hạnh thanh tịnh cúng tế.
Pháp hiến cúng này thể hiện được phẩm hạnh từ bi giúp các sinh linh thoát khỏi cảnh giới đói khổ. Nghi thức cúng thí thực có ý nghĩa này rất quan trọng là pháp tu hạnh bố thí, chúng ta nhận rõ rằng việc bố thí cho người cõi dương thì dễ dàng hơn vì ta đem cái thật cho người thật, nhưng cúng thí cho người cõi âm là đem cái vật hữu hình thí cho chúng sinh của thế giới vô hình là việc không hề dễ dàng.
Theo Đạo Phật, việc cúng thí thực không đúng pháp sẽ chẳng mang lại lợi ích gì bởi trong một lễ cúng dưới hình thức nào, ngoài vật phẩm cúng thí, điều quan trọng mà ta thấy ở Phật giáo là sự khai thị hương linh trong lễ cúng để vong linh được nghe giáo lý đức Phật dạy mà cởi bỏ bám víu, dính mắc tham sân, vọng tưởng để được thoát cảnh giới đọa lạc.
Có như vậy, mới gọi là “âm siêu dương thái”, và ngược lại nếu không có trí tuệ chánh Pháp soi sáng thì hiệu quả đem lại sẽ chẳng như mong muốn là điều chắc chắn.
Cách sắp lễ cúng thí thực tại nhà
Theo lời Phật dạy, Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chư Tăng chùa Ba Vàng đã hướng dẫn các gia đình chuẩn bị đồ lễ và cách sắp lễ như sau:
Trà: Pha nước trà có hương thơm.
Thực: Mâm cơm chay: Các đồ thức ăn từ rau củ quả, không có thịt của chúng sinh. Sữa tươi hoặc nước cơm. Hoa, quả, bánh, kẹo, nước, sữa, cháo, gạo, muối. Số lượng mỗi loại không cần nhiều.
Phật tử bày lễ trên chiếc bàn, cắm hương vào cùng chỗ cắm hoa.
Lưu ý khi cúng thí thực
- Các đàn cúng lễ không sát sinh, không đốt tiền vàng, mã, giấy sớ.
- Khi làm lễ không kiêng kỵ ngày giờ, tháng, năm và tuổi. Do gia đình bố trí công việc mà sắp xếp thời gian phù hợp để làm lễ cúng thí thực và phóng sinh tại nhà.
- Khi cúng khấn, dùng chuông, mõ, khánh hay không dùng đều được.
- Đối với các phần cần đọc nhiều lần và có chuông thì lần cuối sẽ đánh chuông.
- Có 2 cách xưng danh khi bạch lễ:
+ Cụm từ “chúng con” dùng trong trường hợp người bạch lễ bạch đại diện cho nhiều người tham gia khóa lễ.
+ Từ “con” dùng trong trường hợp làm lễ một mình.
- Có 2 mục văn nguyện hương:
+ Có hương đốt là hương nén, hương trầm…
+ Không có hương đốt.
Nghi thức cúng thí thực 2021 chuẩn nhất
(Cắm hương trước hoặc cầm hương đọc xong thì cắm hương)
(3 chuông, lễ 1 lễ, quỳ chắp tay, 1 hồi chuông)
1. Nguyện hương
Có hai mục văn nguyện hương: (a) Dùng hương đốt, hương trầm,…; (b) Dùng tâm hương.
(Quỳ)
a. Dùng hương đốt, hương trầm,…
Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 chuông)
b. Dùng tâm hương
Nguyện ý thành, tâm kính
Biến mãn khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Tâm Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Tâm Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Tâm Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 chuông)
2. Văn Khấn
(Quỳ gối, chắp tay bạch)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Nam mô thập phương pháp giới thường trụ Tam Bảo tác đại chứng minh! Chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ cho chúng con. Chúng con xin thỉnh chư Thiên, chư Thần linh quang giáng về đây, chứng giám lòng thành và ủng hộ cho gia đình chúng con.
Đệ tử con tên là:… Pháp danh:… ở tại:… Hôm nay là ngày… tháng… năm…, gia đình chúng con, vâng theo lời Đức Phật dạy, hướng tới các vong linh ngạ quỷ khổ đói, thực tập tu tâm từ bi, chúng con sắm sửa vật thực lòng thành, thực hành bố thí, hiến cúng đến cho chúng và cũng đem công đức này, để cầu hạnh phúc đến cho gia đình.
Đệ tử con chân thật tu học, dưới sự giáo dưỡng của Sư Phụ và chư Tăng chùa Ba Vàng (tu ở chùa nào thì đọc tên chùa đó), với sự chân thật nương tựa Tam Bảo, con xin được nương oai lực Tam Bảo, hạnh nguyện độ sinh và độ cho vong linh của chư Tăng chùa Ba Vàng, con xin thỉnh mời các vong linh cô hồn, ngạ quỷ lang thang đói khổ, không người thân cấp đỡ cúng tế, cùng các vong linh, có hữu duyên với gia đình chúng con, được nương năng lực của Tam Bảo, mà vân tập về tại nơi đây, dự pháp nghe kinh, mong nguyện họ được nương oai lực Tam Bảo, được giác ngộ và thọ tài ẩm thực hiến cúng của gia đình chúng con.
Chúng con nhất tâm mời thỉnh. (3 lần)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 lễ)
3. Lễ Phật
(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh)
Đại từ đại bi thương chúng sinh,
Đại hỷ đại xả cứu hàm thức,
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm.
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ. (1 chuông)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 chuông. 1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chính Pháp ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 chuông. 1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc Hiền Thánh ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 chuông. 1 lễ)
4. Tán Pháp
(Ngồi; khai chuông mõ)
Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn,
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp.
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ,
Nguyện hiểu nghĩa chân đức Thế Tôn.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (3 lần. 3 chuông)
5. Tụng kinh: Bài Kinh Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Thịt Năm Đứa Bé
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại thành Xá Vệ (Sàvatthi). Trong làng nọ không xa thành Xá Vệ, có một người vợ địa chủ không sinh con. Quyến thuộc của ông nói: “Ðể ta kiếm một cô gái khác cho ông”. Nhưng ông không muốn, do lòng yêu thương vợ. Về sau, khi nghe chuyện này, bà vợ giục chồng đi cưới vợ khác để khỏi tuyệt dòng giống. Nhưng khi cô vợ mới có thai, người vợ vô sinh lòng đầy ganh tỵ, đem thức ăn uống đãi một vị du sĩ và nhờ ông ấy thực hiện việc phá thai. Cô vợ kể chuyện với mẹ, bà liền triệu tập gia quyến đến bảo người vợ vô sinh:
– Chị đã làm chết con nó còn ở trong bụng.
Người ấy đáp:
– Tôi vô tội.
Họ bảo:
– Nếu chị vô tội, vậy hãy thề đi.
Người ấy bèn thề độc, thách thức tai họa xảy đến nếu bà có tội. Không lâu sau đó, người ấy từ trần và tái sanh làm một nữ ngạ quỷ xấu xí ở không xa thành phố này. Cùng thời ấy, có tám Tỳ-kheo đang an cư mùa mưa trong tỉnh đi đến thành Xá Vệ để yết kiến bậc Ðạo Sư, vừa vào một nơi trong rừng có bóng mát và nước chảy không xa làng ấy. Sau đó, nữ ngạ quỷ hiện hình trước các vị Trưởng lão, một vị trong số ấy liền hỏi:
Trần truồng và xấu xí hình dung,
Ngươi thở mùi hôi thối nặc nồng,
Bao phủ toàn thân đầy bọ nhặng,
Ngươi là ai đứng ở đây chăng?
Nữ ngạ quỷ đáp:
Tôn giả, con là ngạ quỷ nương,
Thần dân khốn khổ của Diêm vương,
Vì con đã phạm hành vi ác,
Con đến cõi ma đói ẩn thân.
Sáng ngày năm đứa bé con sinh,
Chiều tối năm trai lại hiện hình,
Tất cả, con đều xâu xé hết,
Nhưng không vừa đủ để nuôi mình.
Lòng con đang cháy, nóng như rang,
Bốc khói vì cơn đói bạo tàn,
Con chẳng tìm đâu ra nước uống,
Hãy nhìn tai họa giáng đầu con.
Khi nghe xong chuyện này, vị Trưởng lão hỏi:
Ngày xưa đã phạm ác hành gì,
Do khẩu, ý, thân đã thực thi,
Nay phải đền bù vào tội lỗi,
Ngươi xâu xé thịt lũ hài nhi?
Sau đó, nữ ngạ quỷ kể cho vị Trưởng lão về những việc đã làm:
Vợ bé chồng con đang có thai,
Con mưu việc ác chống nàng hoài,
Chính con với trí tâm điên đảo,
Ðã khiến nàng kia sẩy bé trai.
Thai chừng hai tháng máu tuôn tràn,
Bà mẹ giận đưa các họ hàng,
Bà ấy bảo con thề độc hại,
Và con bị phỉ báng muôn vàn.
Chính con đã nhận lấy lời thề,
Khủng khiếp, tràn đầy giả dối kia:
“Nếu việc ấy do tôi tự tạo,
Thì tôi ăn thịt đám hài nhi”.
Do kết quả hành nghiệp của mình,
Cùng lời thề độc ác gian manh,
Con xâu xé thịt bầy con trẻ,
Vì quá khứ con vấy máu tanh.
Chư vị Trưởng lão xúc động xót thương nữ ngạ quỷ, bèn đến nhà vị địa chủ kia bảo ông hồi hướng đến ngạ quỷ công đức buổi thọ trai mà ông cúng dường chư vị. Lập tức nữ ngạ quỷ thoát khỏi cảnh khốn khổ kia, nhận được nhiều ân phước và hiện hình ban đêm cho người chồng thấy. Sau đó, chư Trưởng lão đến thành Xá Vệ đúng thời và trình lên đức Thế Tôn vấn đề ấy.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
(Trích: Kinh Tạng Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh 3, Ngạ Quỷ Sự, Phẩm Con Rắn, Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Thịt Năm Đứa Bé, trang 264 – 266)
(Hết bài kinh)
6. Khai Thị Cho Vong Linh
(Quỳ, chắp tay, chủ sám đọc)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Con xin được nương oai lực của Tam Bảo, nói cho các vong linh, về ý nghĩa lời Đức Phật dạy trong bài kinh, liên hệ với việc làm hôm nay của con.
Kính thỉnh các vong linh ngạ quỷ, đang hiện diện nơi pháp hội, đàn tràng bố thí vật thực nơi đây. Nội dung bài kinh trên, nói về một người vợ cả, khi còn sống ở đời, đã làm việc ác vì lòng đố kỵ, mà đã làm cho người vợ bé bị sẩy thai, rồi sau đó để chối tội, bà ta đã thề độc. Do các việc ác đó, nên khi chết, bà đã tái sinh làm ngạ quỷ, chuyên xé xác các con của mình để ăn, mà vẫn không hết được, các cơn đói khát thiêu đốt. Nhưng hạnh phúc đã đến với ngạ quỷ, nó đã gặp được vị Tỳ-kheo trưởng lão, khuyến hóa được vị trưởng giả, hồi hướng phước báu, từ công đức cúng dường đến cho nó, nhờ phúc báu cao quý đó, mà ngạ quỷ được thoát khỏi cảnh khổ.
Học theo lời Đức Phật dạy trong kinh, hôm nay gia đình con tùy duyên như pháp, xin cúng dường Tam Bảo, hộ trì Tam Bảo, hộ trì chư Tăng tại chùa Ba Vàng, Phường Quang Trung, TP Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh, với số tịnh tài là… và xin hồi hướng phúc lành tạo ra đó, đến cho các vong linh ngạ quỷ, nguyện phúc lành này, sẽ giúp cho các vong linh, tiêu trừ phần nào nghiệp khổ, để hiện tại họ thọ thực được phần thức ăn hiến cúng, của gia đình chúng con và phát sinh được nhân duyên, được quy y Tam Bảo tu theo Phật pháp sớm thoát cảnh khổ.
Giờ này, con xin tác lễ cúng dường vật thực, đến cho các vong linh ngạ quỷ, đang hiện diện tại đàn lễ.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
7. Cúng thực, phát nguyện
(Ngồi, pháp khí: mõ)
Chú biến thực: Nam mô tát phạ đá tha nga đá phả rô chỉ để ám tam bạt ra tam bạt ra hồng. (7 lần. 1 chuông)
Chú biến thủy: Nam mô tô rô bà ra đát tha nga đá ra đát điệt tha án tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô sa bà ha. (7 lần. 1 chuông)
Phổ cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. (7 lần. 3 chuông)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thỉnh các chúng đã lãnh thọ phước báu, vật thực tại đàn lễ này, cùng chúng con phát tâm Bồ Đề, thực hành công hạnh Bồ Đề:
(đọc phát nguyện 3 lần)
“Phát tâm Bồ Đề
Hộ trì Tam Bảo
Chuyển tải Phật pháp
Rộng khắp thế gian”
Nguyện chư vị tinh tấn Bồ Đề, cầu Vô Thượng Đạo. (1 chuông. 1 lễ)
8. Phục nguyện
(Quỳ, chắp tay bạch)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Gia đình chúng con, tạo lập công đức, xin mang phúc báu, hồi hướng nguyện cầu, cho tất cả các vong hồn tiên tổ, thân quyến quá vãng và các chúng vong linh ngạ quỷ, cô hồn, đã thọ nhận phước báu, vật thực trong đàn lễ hiến cúng của chúng con, được nương tựa Tam Bảo tu hành mau thoát khổ và được kết duyên pháp lữ với chúng con, đời đời kiếp kiếp trợ duyên cho nhau tu hành, cho tới ngày thành Phật. Chúng con cũng xin hồi hướng phúc lành, trong đàn lễ hiến cúng này, đến cho gia đình chúng con, nguyện cầu cho cha mẹ (nguyện gì đọc nấy)… và toàn thể gia đình, tiêu trừ nghiệp chướng, bình an hạnh phúc, con cháu thảo hiền, công việc hanh thông và cùng nhau tinh tấn tu hành theo chính Pháp của Phật, cho tới ngày liễu thoát luân hồi sinh tử.
Chúng con cũng nguyện cầu, cho tất cả các vong hồn tiên tổ, thân quyến quá vãng và các chúng vong linh (ngạ quỷ, cô hồn), đã thọ nhận phước báu, vật thực trong đàn lễ hiến cúng của chúng con, được kết duyên pháp lữ với chúng con, đời đời kiếp kiếp trợ duyên cho nhau tu hành, cho tới ngày thành Phật. Chúng con cũng xin hồi hướng phúc lành, trong đàn lễ hiến cúng này, đến cho gia đình chúng con (nguyện gì đọc nấy)… và toàn thể gia đình, cùng nhau tinh tấn tu hành theo chính Pháp của Phật, cho tới ngày liễu thoát luân hồi sinh tử.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 lễ)
(Nếu thả phóng sinh thì chủ sám tiếp tục tác bạch theo hướng dẫn của chương trình thả phóng sinh. Không đọc phần tam tự quy. Nếu không phóng sinh thì đọc tiếp phần tam quy)
9. Tam tự quy
(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh)
Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Vô Thượng. (1 chuông. 1 lễ)
Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 chuông. 1 lễ)
Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại. (3 chuông. 1 lễ)
(1 hồi khánh kết thúc khóa lễ)
(Kết lễ)
Khóa lễ của chúng con đã viên mãn, chúng con xin dọn đồ cúng lễ. Chúng con xin thành kính tri ân Tam Bảo và tùy hỷ các vị Hộ Pháp, quỷ thần đã tham gia khóa lễ và ủng hộ cho khóa lễ công đức của chúng con. Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 vái)
Xem thêm: Kinh Viên Giác là gì và ý nghĩa của Kinh Viên Giác
Từ khóa » Cúng Thị Thực Là Gì
-
Cúng Thí Thực Là Gì? Văn Khấn Cúng Thí Thực Tại Nhà Và Lễ Vật
-
Cúng Thí Thực Là Gì Và ý Nghĩa Của Nghi Thức Cúng Thí Thực
-
Cách Cúng Thí Thực để Có được Nhiều Lợi ích Và Phước Báu
-
Nghi Thức Cúng Thí Thực Trong Phật Giáo - .vn
-
Cúng Thí Thực Là Gì? ý Nghĩa Và Nghi Thức Cúng Trong Phật Giáo
-
Nghi Thức Cúng Thí Thực Tại Nhà Năm 2022 - Trầm Tuệ
-
Cúng Thí Thực Là Gì? Nghi Thức Cúng Thí Thực Trong Phật Giáo
-
Nghi Thức Cúng Thí Thực Tại Nhà, Cơ Quan, Cửa Hàng… - Chùa Ba Vàng
-
Thị Thực Là Gì? Có Bao Nhiêu Loại Thị Thực? - Visa24h
-
Cúng Cô Hồn Như Thế Nào Và Cần Lưu ý điều Gì? - Báo Kinh Tế đô Thị
-
Cúng Thí Thực Là Gì? Ý Nghĩa Và Nghi Thức ...
-
Cúng Thí Thực Là Gì? Văn Khấn Cúng Thí Thực Tại Nhà Và Lễ Vật
-
Cúng Thí Thực Là Gì? Văn Khấn Cúng Thí Thực Tại Nhà Và Lễ Vật
-
Suy Nghĩ Về Việc Cầu Siêu Và Cúng Thí Thực - Vườn Hoa Phật Giáo