Ý Nghĩa Của Phân Giai đoạn Trong Ung Thư

Định giai đoạn trong ung thư là một quá trình nhằm xác định mức độ khối bướu lan tràn trong cơ thể để dự đoán tiến triển bệnh trong tương lai, từ đó có hướng điều trị thích hợp.

Mỗi bệnh nhân có những điểm riêng biệt cần phải lưu ý trong điều trị, tuy nhiên nhìn chung những người có cùng giai đoạn bệnh thường có tiên lượng tương tự nhau vì vậy thường được điều trị cùng một phương pháp. Giai đoạn cũng là cách bác sĩ dùng thảo luận với bệnh nhân nhằm giúp họ hiểu rõ ràng hơn về tình trạng lan tràn của ung thư trong cơ thể mình và tiếp cận với các phương pháp điều trị dễ dàng hơn.

Việc phân giai đoạn cần thiết như thế nào?

Để chọn được phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân ung thư, các bác sĩ phân giai đoạn dựa trên các yếu tố như khối u có kích thước như thế nào, các tế bào ung thư đã di chuyển đến các cơ quan nằm kế cận hoặc đến hạch bạch huyết, cơ quan nằm xa vị trí phát hiện ung thư hay chưa.

Ví dụ như, một ung thư ở giai đoạn sớm có thể được phẫu thuật hay xạ trị, tuy nhiên đối với những ung thư tiến triển có thể được điều trị với hóa trị. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng phương pháp điều trị được lựa chọn còn tùy thuộc vào từng loại ung thư, chứ không chỉ vào giai đoạn bệnh. Điều đó có nghĩa rằng không phải những bệnh nhân được phẫu thuật là những bệnh nhân có tiên lượng tốt, còn những bệnh nhân được hóa trị là những bệnh nhân có tiên lượng xấu. Hãy thảo luận với bác sĩ điều trị của bạn để hiểu rõ hơn về tình trạng của bản thân.

Mời xem thêm: Tại sao điều trị ung thư cần phải hóa trị? – BS Trần Hoàng Hiệp

Không phải loại ung thư nào cũng được phân giai đoạn. Ví dụ như bệnh bạch cầu hay dân gian hay gọi là “bệnh máu trắng” (ung thư máu) vì đây là loại ung thư của tế bào máu và lan tràn khắp cơ thể. Các loại ung thư này được phân loại dựa trên loại tế bào bị hư hỏng dẫn đến việc hình thành ung thư.

Làm thế nào để phân giai đoạn ung thư?

Trước khi phân loại ung thư, câu hỏi đầu tiên cần trả lời là bệnh nhân có thực sự bị ung thư hay không. Để trả lời cho câu hỏi này một cách chính xác thì sinh thiết là điều cần thiết, và thường được chỉ định trong những trường hợp các biểu hiện triệu chứng hay kết quả hình ảnh học nghi ngờ ung thư. Việc sinh thiết được thực hiện bằng cách lấy toàn bộ hay một phần của khối u để đem đến các đơn vị chuyên về giải phẫu bệnh để quan sát dưới kính hiển vi. Các mẫu mô sinh thiết sẽ được các chuyên gia quan sát về hình dạng, kích thước tế bào, sự xâm lấn của tế bào sang vùng mô kế cận, miễn dịch học, qua đó xác định một cách rõ ràng việc có hay không các tế bào ung thư trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên sinh thiết chỉ nhằm xác định ung thư, không dùng trong phân loại giai đoạn ung thư trước phẫu thuật. Sau phẫu thuật, khối u được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân được làm giải phẫu bệnh một lần nữa, lần này các thông tin sẽ góp phần vào xếp giai đoạn sau mổ. Điều đó có nghĩa có 2 kiểu xếp giai đoạn: giai đoạn trước phẫu thuật và giai đoạn sau phẫu thuật. Giai đoạn sau phẫu thuật là chính xác nhất.

Để định giai đoạn bệnh cho bệnh nhân ung thư, các bác sĩ sử dụng các loại xét nghiệm về sinh hóa, hình ảnh học như siêu âm, CT Scan, MRI, PET để xác định vị trí khối u trong cơ thể. Các bệnh nhân ở giai đoạn muộn có tiên lượng xấu và khả năng sống sau 5 năm thấp hơn nhiều so với những bệnh nhân ở được phát hiện ở giai đoạn sớm và rất sớm. Ngoài ra, tiên lượng của bệnh nhân còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như tuổi, giới tính, các bệnh nền đi kèm, mức độ biệt hóa của tế bào ung thư.

Mời xem thêm: Các xét nghiệm hình ảnh trong ung thư – BS Đặng Phước Hưng

Các hệ thống phân loại giai đoạn trong ung thư?

Hiện nay có nhiều hệ thống phân loại khác nhau, tuy nhiên TNM là hệ thống phổ biến và hiệu quả nhất cho hầu hết các loại ung thư. Đây là hệ thống được Ủy ban liên hợp về ung thư Hoa Kỳ (AJCC) và Hiệp hội phòng chống ung thư quốc tế (UICC) lựa chọn là công cụ cho các bác sĩ để phân loại giai đoạn bệnh. Hệ thống này được cập nhật mỗi 6 đến 8 năm dựa vào những hiểu biết sâu hơn của y học về ung thư.

Hệ thống TNM phân loại ung thư dựa trên:

  • T – (primary) Tumor: đặc điểm của bướu nguyên phát nghĩa là bướu xuất hiện ung thư đầu tiên. Cần lưu ý rằng bướu nguyên phát không phải nơi ung thư được phát hiện đầu tiên, mà là nơi xuất hiện khối tế bào ung thư đầu tiên và sau đó xâm lấn đến các vùng khác. Bướu nguyên phát thường được đánh giá về kích thước, mức độ xâm lấn của bướu ở cơ quan bướu xuất hiện đầu tiên và các cơ quan kế cận.
  • Tx: không thể đánh giá được bướu nguyên phát. Gặp trong trường hợp bệnh nhân đã được phẫu thuật ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không được cung cấp đầy đủ thông tin về bướu.
  • T0: không thể xác định được bướu nguyên phát (Ung thư di căn không rõ ổ nguyên phát).
  • Tis: ung thư tại chỗ (chỉ mới phát triển ở tầng trên nhất cùng của mô bệnh).
  • T1, T2, T3, T4 được phân loại dựa theo kích thước khối bướu, sự xâm lấn vào các cơ quan kế cận. Số càng lớn, bướu càng lớn hoặc sự xâm lấn vào cơ quan kế cận càng nhiều.
  • N – Nodes: mô tả những hạch bạch huyết kế cận đã có sự xuất hiện của tế bào ung thư từ bướu nguyên phát.
  • NX: không thể đánh giá được các hạch vùng
  • N0: ung thư chưa di căn tới các hạch vùng.
  • N1, N2, N3: phân loại dựa theo kích thước, vị trí, hoặc số lượng hạch mà ung thư đã di căn đến. Số càng lớn, mức độ di căn của khối bướu đến hạch càng nhiều.
  • M – Metastasis: mô tả những cơ quan xa vị trí bướu nguyên phát có sự xuất hiện của tế bào ung thư.
  • M0: không tìm thấy sự di căn xa.
  • M1: có tế bào ung thư di căn đến các cơ quan ở xa.

Hầu hết các loại ung thư đều có một hệ thống phân loại TNM riêng, vì vậy các chữ cái và số không phải lúc nào cũng có cùng ý nghĩa trong các loại ung thư khác nhau. Ví dụ như, trong một số loại ung thư T được đánh giá dựa trên kích thước bướu, trong khi những loại khác T mô tả sự xâm lấn của ung thư đối với cơ quan mắc bệnh và các cơ quan lân cận.

Dựa trên phân loại TNM bệnh nhân sẽ được xếp vào các giai đoạn từ I đến IV trong đó nhóm IV là nhóm nặng nhất, có tiên lượng xấu nhất, khả năng sống còn thấp nhất so với các nhóm còn lại. Đối với bệnh nhân ung thư được phát hiện rất sớm, khi bướu chỉ mới phát triển tại chỗ và chưa lan tràn, sẽ được xếp vào giai đoạn 0 hay còn gọi là ung thư tại chỗ.

Ví dụ như một bệnh nhân ung thư vú phân giai đoạn theo TNM là T2N1M0 (bướu 2-<5cm, di căn 1-3 hạch nách, chưa di căn xa) thì được xếp vào giai đoạn IIB, tiên lượng sống 5 năm là 70% 5. Bệnh nhân ung thư đại trực tràng phân giai đoạn theo TNM là T1N0M0 (bướu xâm lấn lớp dưới niêm mạc, chưa di căn hạch, chưa di căn xa) thì được xếp vào giai đoạn I, tiên lượng sống 5 năm là 90% 6.

Một điểm quan trọng mà nhiều người hay hiểu sai chính là giai đoạn của ung thư sẽ thay đổi theo diễn tiến và điều trị. Thật sự giai đoạn ung thư chỉ được đánh giá một lần vào thời điểm đầu tiên bệnh nhân được chẩn đoán ung thư. Ví dụ như, một phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn II, sau khi điều trị khối bướu được loại bỏ, nhưng sau đó bị tái phát và di căn đến xương. Lúc này, chẩn đoán sẽ là ung thư vú giai đoạn II tái phát di căn xương chứ không phải là ung thư vú giai đoạn IV.

Chịu trách nhiệm nội dung: Lê Ngọc Quỳnh Thơ

Góp ý nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp

Tài liệu tham khảo:

[1] Cancer Staging

https://www.cancer.org/treatment/understanding-your-diagnosis/staging.html

[2] Edge SB, Byrd DR, Compton CC, Fritz AG, Greene FL, Trotti A, eds. American Joint Committee on Cancer Staging Manual. 7th ed. New York, NY: Springer; 2010.

[3] National Cancer Institute. Cancer Staging. 2015.

www.cancer.gov/cancertopics/factsheet/detection/staging

[4] Yarbro CH, Frogge MH, Goodman M, Groenwald SL, eds. Cancer Nursing Principles and Practice. 5th ed. Sudbury, MA: Jones and Bartlett Publishers, Inc. 2000.

[5] Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ung thư vú. Bài giảng ung bướu học. 2011

[6] Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ung thư đại trực tràng. Bài giảng ung bướu học. 2011

Từ khóa » Chẩn đoán Tnm Là Gì