ý Nghĩa Của Trò Chơi Dân Gian Với Sự Phát Triển Của Trẻ Mầm Non

PHÒNG GD&ĐT TAM DƯƠNG

TRƯỜNG MN HOÀNG LÂU

BÀI TUYÊN TRUYỀN

Ý NGHĨA CỦA TRÒ CHƠI DÂN GIAN VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ MẦM NON

Như chúng ta đã biết, hoạt động chủ đạo của trẻ em chính là hoạt động vui chơi, trẻ em không chỉ cần được chăm sóc sức khỏe, được học tập, mà quan trọng nhất trẻ phải được thỏa mãn nhu cầu vui chơi. Xuất phát từ vai trò quan trọng của hoạt động vui chơi đối với trẻ em và nhu cầu hưởng thụ của hoạt động này, tôi thấy việc tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết và rất có ý nghĩa. Chính vì vậy, chơi luôn giữ một vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục trẻ mầm non. Trò chơi nói chung và trò chơi dân gian nói riêng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non, vì vậy giáo viên cần áp dụng các trò chơi dân gian có hiệu quả nhất trong các hoạt động của trẻ. Nhưng để áp dụng tốt nhất, có hiệu quả nhất chúng ta cần tìm hiểu trò chơi dân gian là gì?

Trò chơi dân gian là một loại hình trò chơi do người dân lao động sáng tạo ra dựa trên hoạt động lao động thường ngày, dưới hình thức mô phỏng lại những hoạt động đó.

Trò chơi dân gian gắn liền với cuộc sống của người dân, những trò chơi đơn giản, dễ chơi với những bài đồng dao âm điệu nhịp nhàng hoà quyện với những trò chơi, tạo nhịp điệu, làm cho trò chơi trở lên sống động, vui tươi, nhí nhảnh.

Các trò chơi dân gian trẻ em như: Truyền thẻ, rồng rắn lên mây, lộn cầu vồng, ô ăn quan, chi chi chành chành,… có thể chơi mọi lúc, mọi nơi bởi lẽ nó không phụ thuộc vào hình thức lễ hội như trò chơi của người lớn.

Điểm đặc biệt của trò chơi dân gian đó là hầu hết trò chơi đều gắn liền với những bài đồng dao. Nó là yếu tố ngôn ngữ bổ sung cho trò chơi, là nhịp điệu của trò chơi. Đây là yếu tố có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển ngôn ngữ của trò chơi dân gian đối với trẻ.

* Có rất nhiều loại trò chơi dân gian như:

- Loại trò chơi vận động: là trò chơi cho trẻ em vận động chân tay, chạy nhảy, lộn vòng, gây không khí vui nhộn: Tập tầm vông, dung dăng dung dẻ, lộn cầu vồng, lò cò…những loại trò chơi này thường được chơi ở ngoài trời để dễ tiếp xúc với thiên nhiên với cảnh vật xung quanh, nhằm tăng cường sức khoẻ và các tố chất về thể lực cho trẻ.

- Loại trò chơi học tập: Đó là những trò chơi nhằm phát huy trí tuệ của trẻ em, dạy các cháu biết quan sát, tính toán…

- Loại trò chơi mô phỏng: Đây là những trò chơi mà trẻ mô phỏng, bắt chước cách sinh hoạt của người lớn như: làm nhà, cày ruộng, nấu ăn…Nhờ đó trẻ nhập vào các mối quan hệ xã hội, học được cách ứng xử giữa người lớn với nhau, qua đó trẻ học được làm người.

- Loại trò chơi sáng tạo: Đây là loại trò chơi trong đó trẻ em tự tay làm những đồ vật bằng vật liệu tự nhiên như: Xếp thành chong chóng, đất xét thành con vật…qua đó giúp cho trẻ khéo tay, phát huy sáng kiến khơi dậy khiếu thẩm mỹ cần cho cuộc sống và lao động sau này.

* Một số trò chơi dân gian hiện nay thường được tổ chức trong trường mầm non: Chi chi chành chành, thả đỉa ba ba, lò cò, mèo đuổi chuột, cắp cua,…

* Tổ chức trò chơi dân gian: Đây là một quá trình giáo dục vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm quản lý và nghiệp vụ sư phạm để thu hút hướng trẻ vào trò chơi và với sự chuẩn bị chu đáo với các điều kiện để trò chơi diễn ra, tạo cho trẻ một "sân chơi " tốt, lành mạnh và bổ ích, không chỉ có sự hiểu biết về trò chơi, được thoả mãn nhu cầu chơi mà còn tiếp nhận được kinh nghiệm xã hội lịch sử, nét đẹp, nét văn hoá của dân tộc ẩn chứa trong trò chơi dân gian.

* Ý nghĩa của trò chơi dân gian:

Trò chơi dân gian trẻ em có ý nghĩa luyện kỹ năng. Nó góp phần phát triển toàn diện cho trẻ. Trong đó, phát triển ngôn ngữ có mối quan hệ qua lại biện chứng với sự phát triển toàn diện về các mặt: Đức – trí – lao - thể - mỹ. Bởi lẽ ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc tích luỹ kiến thức, phát triển tư duy và còn là phương tiện làm phong phú đời sống tinh thần của trẻ, đáp ứng nhu cầu giao tiếp giữa trẻ và mọi người xung quanh. Và chính sự phát triển về các mặt: Đức – trí – lao - thể - mỹ. Là cơ sở cho việc làm phong phú hơn vốn ngôn ngữ, tạo môi trường rèn luyện ngôn ngữ nói.

Trò chơi dân gian là một thế giới của trẻ thơ, nó tạo ra cho trẻ một môi trường tự nhiên để rèn luyện và phát triển ngôn ngữ, đặc biệt là giáo dục chuẩn mực ngữ âm cho trẻ. Vì vậy người giáo viên cần sử dụng những biện pháp dạy phù hợp để mang lại hiệu quả cao

Sử dụng những bài đồng dao đã có sẵn của tác giả đã viết, được truyền từ đời này sang đời khác bằng phương pháp truyền miệng, hay đưa vào các trò chơi để giáo dục ngữ âm cho trẻ.

Giúp trẻ rèn luyện về ngôn ngữ, có kỹ năng phát âm tốt, trẻ ham chơi các trò chơi có lời đồng dao.

Trong những bài đồng dao với hình thức thơ bốn chữ được cấu thành từng hai cặp, hai chữ một, thể hiện rõ nhịp điệu 2 – 2 nhịp đi và thích hợp nhất để hành động. Đồng thời tạo cho các em dễ nhớ nhất, vui nhộn nhất.

Từ bài đồng dao quen thuộc " Chi chi chành chành "

CHI CHI CHÀNH CHÀNH

Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa đứt cương

Ba vương ngũ đế

Bắt dế đi tìm

Con chim làm tổ

Miếng mỡ mèo tha

Ù à ù ập

Đóng sập cửa vào.

Thể chính là bốn chữ theo nhịp 2 – 2. Vẫn chủ yếu là vần lưng của chữ thứ hai của câu sau ăn khớp với chữ thứ tư của câu trước.

Cấu trúc như vậy bài thơ có dài bao nhiêu cũng dễ học và tạo cho trẻ hứng thú, và các em có cảm giác như tự mình sáng tạo ra bài đồng dao chứ không phải do học tập từ người khác.

Cách chơi: Khoảng 4 – 5 trẻ một nhóm. Một trẻ làm "cái" xoè bàn tay ra. Các trẻ khác đặt ngón tay vào lòng bàn tay trẻ làm " cái". Trẻ làm "cái" vừa gõ ngón tay vừa đọc theo nhịp của bài hát "Chi chi chành chành…" Đến từ sập trẻ làm "cái" nắm tay vào để bắt các ngón tay của các bạn. Các bạn rút ngón tay nhanh ra khỏi lòng bàn tay của trẻ làm "cái". Ai bị cái bắt ngón tay thì xoè bàn tay cho các bạn chơi tiếp. Người thua cuộc phải chịu hình phạt để người thắng cuộc sai khiến

Tổ chức cho trẻ chơi theo biện pháp này thực sự sẽ đem lại thích thú mới mẻ cho trẻ. Trẻ không những nhớ cách chơi, mà còn học cách phân vai chơi, rèn luyện trí nhớ. Qua đó rèn phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ..

Ngoài ra giáo viên cần tổ chức các trò chơi đóng kịch bởi đóng kịch chính là sự nhập vai. Do đó nó có ý nghĩa lớn đối với trẻ vì sự nhập vai lại là nhu cầu giải tỏa trong khi chơi, chắp cánh cho tâm hồn trẻ được bay bổng theo trí tưởng tượng

Rèn kỹ năng phân vai, nhập vai chơi cho trẻ, rèn sự chú ý cho trẻ trong khi chơi. luyện phát âm cho trẻ thông qua lời thoại của nhân vật.

Ví dụ: Trò chơi “ Mèo đuổi chuột

“Mèo đuổi chuột

Mời bạn ra đây

Tay nắm chặt tay

Đứng thành vòng rộng

Chuột luồn lỗ hổng

Chạy vội chạy mau

Chuột đuổi đằng sau

Chốn đâu cho thoát

Thế rồi chú chuột

Lại đóng vai mèo

Co cẳng đuổi theo

Bắt mèo hóa chuột”

Cách chơi: Có nhiều người chơi xếp thành vòng tròn khép kín, cầm tay nhau, đứng cách nhau một sải tay. Một người làm mèo và một người làm chuột ngồi quay lưng vào nhau ở giữa vòng tròn. Khi có hiệu lệnh xuất phát thì người làm chuột phải ra sức chạy nhanh và người làm mèo thì cố sức đuổi. Những người làm vòng tròn nắm tay nhau và đọc bài đồng dao “ Mèo đuổi chuột…” hết bài thì ngồi sụp xuống. Mèo mà vỗ được vào vai chuột thì coi như chuột

Các trò chơi mà giáo viên tổ chức cho trẻ nhằm phát triển các giác quan, tăng cường thể lực cho trẻ, giúp trẻ trở thành những người lao động tài giỏi trong tương lai. Những trẻ chơi một cách hăng hái, hoạt động nổi bật trong khi chơi thường cũng chính là những đứa trẻ thông minh, tháo vát và biết tổ chức trong cuộc sống. Cần phải tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi dân gian để phát triển ở trẻ tinh thần tập thể, biết nhường nhịn bạn bè, biết giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của mình với bạn khác và phát triển vốn ngôn ngữ cần thiết cho trẻ. Do đó khi tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ giáo viên cần tìm hiểu kỹ cách chơi, luật chơi và chuản bị đầy đủ các yếu tố cần thiết để tiến hành trò chơi.

Những kinh nghiệm của tôi rất đơn giản, giáo viên có thể dễ dàng thực hiện, một số giáo viên và cả phụ huynh học sinh trong trường đã áp dụng kinh nghiệm của tôi trong việc tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi dân gian và đạt được kết quả tốt. Bằng việc tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi dân gian, tôi đã giúp trẻ được thỏa mãn nhu cầu vui chơi, phát triển ngôn ngữ cho trẻ một cách phong phú. Đồng thời bảo tồn được một di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện – Học sinh tích cực”.

Trên đây là một số kinh nghiệm của tôi trong việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo chơi các trò chơi dân gian và ý nghĩa của trò chơi dân gian với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Đã được thực hiện trong lớp, trong trường mầm non Hoàng Lâu. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các chị em đồng nghiệp và các cấp lãnh đạo

Hoàng Lâu, ngày 10 tháng 12 năm 2017

Người viết

Lê Thị Lan

Từ khóa » Trò Chơi Dân Gian Cho Trẻ Mầm Non Là Gì