Ý Nghĩa Cửu Huyền Thất Tổ Là Gì? Phân Loại Và Cách Thờ Cúng

CỬU HUYỀN THẤT TỔ: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TÊN GỌI, Ý NGHĨA VÀ CÁCH THỜ CÚNG ĐẦY ĐỦ NHẤT

Cửu Huyền Thất Tổ có thể là một định nghĩa khá mới lạ và thường gây tò mò cũng như hiểu lầm tại Việt Nam. Tục thờ Cửu Huyền Thất Tổ ca ngợi tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của con người. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu chính xác tên gọi, ý nghĩa, phân loại cũng như phương thức thờ cúng chuẩn mực. Bạn sẽ tìm được đáp án đầy đủ nhất những điều cần biết về Cửu Huyền Thất Tổ ngay trong bài viết này.

Danh Mục Nội Dung

  • 1. Cửu Huyền Thất Tổ là gì?
  • 2. Lịch sử của tục thờ Cửu Huyền Thất Tổ
  • 3. Ý nghĩa tục thờ Cửu Huyền Thất Tổ
  • 4. Các loại Cửu Huyền Thất Tổ
  • 5. Vật dụng thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ
  • 6. Cách thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ
    • Cách bài trí bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ
    • Bài cúng cơm Cửu Huyền Thất Tổ
    • Cách thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ hàng ngày ra sao?

1. Cửu Huyền Thất Tổ là gì?

Trong văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa đến nay, phong cách bố trí và sắp xếp trên bàn thờ gia tiên luôn được chú trọng hàng đầu. Có rất nhiều gia đình có những tấm liễn, tranh chữ thư pháp, bài vị ghi bốn chữ Hán là Cửu Huyền Thất Tổ. Vậy Cửu Huyền Thất Tổ là gì và nó tượng trưng cho những cá nhân nào?

Cửu Huyền: 9 đời hay 9 thế hệ, nôm na chỉ: cao – tằng – tổ – cha – mình – con – cháu – chắt – chít. Trong đó, “cửu” là chín, “huyền” vừa mang nghĩa đen vừa mang nghĩa bóng: Khi con người đã qua một kiếp, sau cùng tất cả đều tan rã hết, chỉ còn lại cát bụi đen huyền. Hoặc hiểu cơ bản “huyền” là cõi âm, là cõi của cố nhân. Như vậy, Cửu Huyền được đánh dấu là thế hệ của bản thân mình làm mốc giữa, tiến về trước 4 đời và về sau 4 đời thành 9 đời. Cụ thể như sau:

+ Cao tổ (hay còn được gọi là Thủy tổ): Ông sơ

+ Tằng tổ: Ông cố

+ Tổ phụ: Ông nội

+ Phụ: Cha

+ Mình: Bản thân

+ Tử: Con trai

+ Tôn: Cháu nội

+ Tằng Tôn: Chắt (con của cháu nội)

+ Huyền tôn: Chít (con của chắt)

Thất Tổ: Chỉ 7 ông tổ của dòng họ, tính từ đời ông nội mình trở ngược về trước thêm 6 đời là 7 đời. Có nơi tính từ đời của cha mình hoặc chính bản thân mình. Trong đó, thờ Thất Tổ từ đời cha mình là phổ biến nhất, cụ thể bao gồm (từ đời cha mình trở về trước):

+ Phụ thân (Cha): Nhất Tổ

+ Tổ (Ông nội, Nội tổ hay Tỷ khảo): Nhị tổ

+ Tằng Tổ (Ông cố, Cụ): Tam tổ

+ Cao tổ (Ông sơ): Tứ tổ

+ Tiên tổ (hay Huyền tổ): Ngũ tổ

+ Viễn tổ (hoặc Hiển tổ): Lục tổ

+ Thỉ tổ: Thất Tổ

Từ định nghĩa trên, ta có thể thấy giữa “cửu huyền” và “thất tổ” có điểm hơi mâu thuẫn với nhau. Trong khi “thất tổ” là thờ từ đời cha mình trở đi là thế hệ những người quá cố đã đi trước thì “cửu huyền” lại thờ cả đời trước lẫn đời sau mình. Như vậy là mình lạy cả mình lẫn con cháu 3 đời của mình. Theo nhà Phật lý giải điều đó tượng trưng cho sự vay trả mà bản thân mình nằm ở giữa như một mắt xích quan trọng, vay của đời trước trả cho đời sau. Hàm ý sâu xa ám chỉ những hành động mà chính bản thân mình làm tốt hay xấu đều có ảnh hưởng rất lớn đến đời trước và cả đời sau, hiểu nôm na là việc tạo nghiệp, gánh nghiệp hay trả nghiệp.

2. Lịch sử của tục thờ Cửu Huyền Thất Tổ

Trên thực tế, tuy tục thờ Cửu Huyền Thất Tổ bắt nguồn từ Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc Thuộc rất lâu rồi. Thế nhưng, trong những tư liệu của Trung Quốc như Hiện đại Hán ngữ Từ điển (1992), Trung Văn Đại Từ, Vương Vân Ngũ đại từ điển,… Về đến Việt Nam, Cửu Huyền Thất Tổ mới được đón nhận và được coi là “đạo” ở trong rất nhiều các gia đình.

Được bắt nguồn từ Đạo Giáo, lại trải qua quá trình Tam Giáo hỗn hợp, Cửu Huyền Thất Tổ cũng mang những đặc điểm biểu trưng cho tính từ bi, bác ái của Phật Giáo. Trong quá khứ, cách thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ của những tầng lớp khác nhau trong xã hội cũng hoàn toàn không giống nhau. Ví dụ:

+ Tầng lớp sĩ và thứ dân: Chỉ được thờ tới Nhất tổ (tức ông nội).

+ Tầng lớp các quan đại phu: Chỉ được thờ tới Tam tổ (tức ông sơ).

+ Hoàng đế (Hoàng gia): Người duy nhất được phép thờ đến Thất tổ.

Chính bởi chỉ có Hoàng đế mới được thờ đến Thất tổ mà người dân muốn thờ Thất Tổ thì phải nhờ đến Cửu Huyền để tránh phạm thượng. Cũng từ đó mà Cửu Huyền Thất Tổ ra đời và trở thành một phần trong cuộc sống, văn hóa tâm linh đặc sắc của người Việt.

3. Ý nghĩa tục thờ Cửu Huyền Thất Tổ

“Uống nước nhớ nguồn” hay “Sang đò nhớ ơn người chèo chống, nằm võng nhớ ơn người mắc dây” đã trở thành những châm ngôn sống khắc ghi sâu đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt. Tục thờ Cửu Huyền Thất Tổ cũng vậy. Nó bày tỏ tình cảm gia đình, lòng biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ trước. Tiền nhân đã có công rất lớn để sinh ra mình, dưỡng dục, chăm sóc, hy sinh để mình được sống và có ngày hôm nay. Thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ cũng là một cách để ghi nhớ công ơn của tổ tiên và giáo dục những thế hệ sau này về truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của toàn dân tộc.

4. Các loại Cửu Huyền Thất Tổ

Tùy vào sở thích hay suy nghĩ của những gia đình khác nhau mà họ cũng có cách thờ Cửu Huyền Thất Tổ khác nhau. Trong đó có 3 loại hình chính:

+ Bài vị Cửu Huyền Thất Tổ: Đây là lựa chọn phổ biến nhất của các gia đình bởi sự gọn gàng, ngay ngắn nhưng vẫn vô cùng lịch sự. Bài vị tương tự như những loại bài vị khác nhưng được thêm chữ Cửu Huyền Thất Tổ bằng chữ dạng thư pháp hoặc chữ Hán.

+ Tranh thờ Cửu Huyền Thất Tổ: Bề thế hơn so với bài vị, tranh thờ được khắc họa bằng những hình ảnh đẹp mắt, có chân đế, lưng dính áp vào tường phía sau, trên có khắc thêm câu đối, hình ảnh,… Tranh thờ chỉ phù hợp với những loại bàn thờ vừa và lớn.

+ Liễn thờ Cửu Huyền Thất Tổ: Với mức giá đắt nhất trong các loại vừa kể trên, liễn thờ mang đặc điểm như một bức hoành phi. Tuy nhiên, trên liễn có chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” cùng những câu đối, châm ngôn có liên quan khác.

5. Vật dụng thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ

Việc mua các vật dụng thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ, gia chủ cần lưu ý mua những đồ dùng sạch sẽ, mới hoàn toàn và sau khi mua về cần tẩy uế bằng rượu trắng pha gừng. Một số vật dụng cần thiết bao gồm:

+ Bài vị (hoặc tranh thờ, liễn thờ, tùy vào hoàn cảnh và mong muốn của từng gia đình)

+ Lư hương đồng (cắm 3 cây hương)

+ 2 đèn nghi nằm ở 2 bên lư hương

+ Ly đựng rượu

+ Ấm đựng trà/rượu

+ Đèn vọng

+ Lọ hoa

Bộ Thờ Cửu Huyền Thất Tổ Đầy Đủ

6. Cách thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ

Chính là lập bàn thờ gia tiên (tổ tiên), lập bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ cũng yêu cầu chủ nhà phải thực hiện một cách đầy đủ, tỉ mỉ và cẩn thận nhất có thể. Thông thường, các bước để lập bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ sẽ bao gồm:

Bước 1: Gia chủ cần chuẩn bị đầy đủ những vật phẩm cần thiết cho bàn thờ như nến, bát hương, bài vị (hoặc tranh hay liễn thờ), vật phẩm thờ cúng,…

Bước 2: Sử dụng rượu trắng pha gừng để lau chùi, tẩy uế những vật phẩm thờ cúng và phơi khô tự nhiên.

Bước 3: Bốc bát hương. Chú ý cần cẩn thận làm theo những gì mà thầy cúng, thầy pháp để tránh phạm điều kỵ.

Bước 4: Sau khi bốc bát hương thì sắm lễ, chuẩn bị thực hiện việc cúng lễ, thắp hương,…

Cách bài trí bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ

Khi bạn đã lập xong bàn thờ, cần chú ý chăm chút thắp hương cho bàn thờ hàng ngày và cúng cơm (hoặc cúng bằng trái cây, bánh kẹo) vào ngày mùng 1 hoặc ngày rằm âm lịch hàng tháng. Bên cạnh đó, một số điều kiêng kỵ tránh làm trên bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ như:

+ Không đặt bài vị, liễn hay tranh thờ trong lồng kính vì đó sẽ tượng trưng cho sự chèn ép, không tốt cho gia chủ.

+ Gia chủ phải lau dọn thường xuyên để đảm bảo bàn thờ luôn sạch sẽ, sáng sủa để duy trì tính thiêng liêng, uy nghiêm trong nhà.

+ Nếu nhà bạn vừa thờ Phật, vừa thờ gia tiên, nên để bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ ở độ cao dưới bàn thờ Phật (để lệch ra, không để ngay dưới chân Phật).

+ Nên thắp hương bằng hoa quả tươi, tránh bày đồ giả, hoa giả trên bàn thờ.

Bài cúng cơm Cửu Huyền Thất Tổ

Sau khi đã thắp hương và vái lạy 3 cái, gia chủ bắt đầu khấn như sau:

Hôm nay, ngày…. tháng…. Năm…

Chúng con tên là….., …..tuổi, ở tại địa chỉ….

Nhân ngày…, chúng con thành tâm kính thỉnh Cửu Huyền Thất Tổ, nội ngoại tông thân, đồng lai lâm tọa vị, chứng minh lòng thành của con cháu.

Kính mong Cửu Huyền Thất Tổ anh linh, phù hộ độ trì cho chúng con và gia đình được bình an mạnh khỏe, tiêu tan bệnh tật, tai qua nạn khỏi, công việc làm ăn may mắn và thuận lợi.

Chúng con thành tâm kính dâng và biết ơn công lao cao cả của Cửu Huyền Thất Tổ và Nội ngoại tông thân.

Kính thỉnh. ”

Bài cúng không nhất thiết phải giống y hệt như trên, điều quan trọng là gia chủ thành tâm nguyện cầu điều mà mình mong muốn được Cửu Huyền Thất Tổ phù hộ. 

Cách thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ hàng ngày ra sao?

Cửu Huyền Thất tổ cũng chính là bàn thờ gia tiên, hoặc ít nhất bài vị của Cửu Huyền Thất Tổ cũng nằm ở vị trí chính giữa bàn thờ. Chính vì vậy mà việc thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ cũng gần như tương đương với việc thờ cúng gia tiên. Bạn vẫn có thể thắp hương hàng ngày. Bày trí cúng cơm hoặc hoa quả, kẹo bánh vào ngày mùng 1 hoặc 15 âm lịch hàng tháng.

 

Trên đây là một số thông tin cần thiết nhất khi bạn lựa chọn việc thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ. Đây là một hình thức thờ cúng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Đồng thời, tục thờ Cửu Huyền Thất Tổ góp phần giáo dục người trẻ, những thế hệ sau thêm yêu quý, tôn trọng công lao sinh thành, nuôi dưỡng của tiền nhân đã cho mình ngày hôm nay.

Từ khóa » Cúng Cửu Huyền Vào Ngày Nào