Ý Nghĩa Huyết đồ Và Chỉ định Xét Nghiệm Huyết đồ Hợp Lý | Medlatec

I. Khái niệm Huyết đồ

Huyết đồ là bản tổng kết có bình luận tình trạng sinh lý, bệnh lý của bệnh nhân được phản ánh thông qua các chỉ số của dòng hồng cầu, dòng bạch cầu và dòng tiểu cầu.

Lam máu Leucemia kinh dòng bạch cầu hạt

Hình ảnh: Lam máu leucemia kinh dòng bạch cầu hạt

II. Huyết đồ bao gồm những gì?

Một kết quả Huyết đồ bao gồm 3 phần chính:

- Công thức máu

- Hồng cầu lưới

- Bình luận về số lượng, hình thái, kích thước, tính chất bắt màu của tế bào trên tiêu bản nhuộm Giemsa.

1. Công thức máu

- Trước đây, công thức máu thường được xác định bằng phương pháp thủ công thông qua các công cụ pha loãng, buồng đếm,…điều này dễ gây ra việc nhầm lẫn trong các thao tác hành chính, sai số lớn. Ngày nay, công thức máu thường được xác định thông qua các máy Huyết học tự động, bán tự động với nhiều nguyên lý khác nhau.

- Công thức máu thường đưa ra các thông tin sau:

a. Dòng hồng cầu: Bao gồm các chỉ số:

Chỉ số

Giới hạn bình thường

(Đối tượng > 16 tuổi)

Nam

Nữ

Số lượng hồng cầu (RBC)

4.32 – 5.72 T/L

3.90 – 5.03 T/L

Lượng huyết sắc tố (HGB)

13.5 – 17.5 g/dL

12.0 – 15.5 g/dL

Thể tích khối hồng cầu (HCT)

42.0 - 47.0%

37.0 - 42.0 %

Thể tích trung bình hồng cầu (MCV)

85 – 95 fL

Lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH)

28.0 – 32.0 pg

Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC)

32.0 – 36.0 g/dL

Độ phân bố kích thước hồng cầu (RDW)

10.0 - 16.5%

b. Dòng bạch cầu: Bao gồm các chỉ số:

Chỉ số

Giới hạn bình thường

(Đối tượng > 16 tuổi)

Số lượng bạch cầu (WBC)

3.5 – 10.5 G/L

Tỷ lệ phần trăm bạch cầu đoạn trung tính (Neutrophil)

43.0 – 76.0 %

Tỷ lệ phần trăm bạch cầu lympho (Lymphocyte)

17.0 – 48.0 %

Tỷ lệ phần trăm bạch cầu mono (Monocyte)

4.0 – 8.0 %

Tỷ lệ phần trăm bạch cầu đoạn ưa acid (Eosinophil)

0 – 7.0 %

Tỷ lệ phần trăm bạch cầu đoạn ưa base (Basophil)

0 – 2.5 %

Số lượng bạch cầu đoạn trung tính

2.00 – 6.90 G/L

Số lượng bạch cầu lympho

0.60 – 3.40 G/L

Số lượng bạch cầu Mono

0 – 0.90 G/L

Số lượng bạch cầu đoạn ưa acid

0 – 0.70 G/L

Số lượng bạch cầu đoạn ưa base

0 – 0.20 G/L

c. Dòng tiểu cầu: Bao gồm các chỉ số:

Chỉ số

Giới hạn bình thường

(Đối tượng > 16 tuổi)

Số lượng tiểu cầu (PLT)

150 – 450 G/L

Thể tích trung bình tiểu cầu (MPV)

4.0 – 11.0 fL

Thể tích khối tiểu cầu (PCT)

0.100 – 1.000%

Độ phân bố kích thước tiểu cầu (PDW)

10.0 – 16.5 %

2. Hồng cầu lưới

- Hồng cầu lưới trong máu ngoại vi là xét nghiệm quan trọng trong việc đánh giá khả năng sinh sản của tủy xương và sự đáp ứng của tủy xương đối với tình trạng thiếu máu ngoại vi.

Hồng cầu lưới

- Hồng cầu lưới thường được xác định thông qua phương pháp thủ công nhuộm Cresyl Blue. Tuy nhiên, phương pháp này có sai số lớn, phụ thuộc nhiều từ người đọc lam. Ngày nay, số lượng hồng cầu lưới đã có thể xác định được trên các hệ thống máy huyết học hiện đại, điều này đảm bảo tính đúng và khách quan của xét nghiệm

3. Bình luận về số lượng, hình thái, kích thước, tính chất bắt màu của tế bào

a. Nguyên tắc

- Quan sát các đặc điểm hình thái trên tiêu bản máu nhuộm Giemsa, đối chiếu với các thông số đo được, đếm được (số lượng các loại tế bào, huyết sắc tố,…) với thực tế trên tiêu bản, nếu không có sự phù hợp phải tìm nguyên nhân: do kỹ thuật hay do bệnh lý.

- So sánh các thông số, các đặc điểm quan sát được với giá trị tham chiếu tương ứng của người khỏe mạnh ở cùng lứa tuổi, cùng giới tính và cùng điều kiện sống.

- Đối chiếu với lâm sàng bao gồm: bệnh sử, các triệu chứng cụ thể, tình trạng xuất huyết, nhiễm trùng,...

b. Nội dung cần bình luận

- Hồng cầu: Số lượng hồng cầu: bình thường, tăng, giảm, mức độ tăng, giảm? Đặc điểm phân bố hồng cầu (bình thường, chuỗi tiền, ngưng kết)? Kích thước hồng cầu: To, nhỏ hay bình thường? Bình sắc hay nhược sắc? Kích thước đồng đều hay không? Nếu không đồng đều thì hồng cầu to hay nhỏ chiếm ưu thế? Hình thái có bình thường hay không? Nếu không bình thường cần mô tả hình thái, mức dộ nhiều hay ít của các tế bào bất thường (Hình giọt nước, Oval, hình bia, hình liềm,…), có bất thường trong hồng cầu hay không (thể Jolly, vòng Cabot,…)? Có hồng cầu non hay không, loại nào chủ yếu? Hồng cầu lưới bình thường, tăng hay giảm?

- Bạch cầu: Số lượng bạch cầu bình thường, tăng hay giảm; mức độ tăng giảm? Nhận xét từng loại bạch cầu quan sát được trên tiêu bản về số lượng và hình thái. Đặc biệt lưu ý đến các loại bạch cầu có hình thái bất thường, có phải blast hay không, thuộc loại bạch cầu nào?

- Tiểu cầu: Số lượng tiểu cầu bình thường, tăng hay giảm? Độ tập trung tiểu cầu tăng hay giảm (nếu tiêu bản làm từ máu đã chống đông sẽ không đánh giá được mức độ tập trung tiểu cầu)? Kích thước tiểu cầu bình thường, to hay nhỏ? Có tiểu cầu khổng lồ hay không? Trong trường hợp nghi ngờ sinh máu ngoài tủy cần xem xét có mẫu tiểu cầu ở máu ngoại vi hay không?

- Các bất thường khác: Ký sinh trùng sốt rét, ấu trùng giun chỉ,…

III. Ý nghĩa của các chỉ số trong Huyết đồ

1. Dòng hồng cầu

- Số lượng hồng cầu (RBC):

+ Tăng: Trong các bệnh lý mất nước: Sốt, tiêu chảy,…; tăng sinh tủy mạn ác tính.

+ Giảm:

  • Thiếu nguyên liệu tổng hợp: thiếu sắt, Acid folic, Vitamin B12, thiếu men G6PD.
  • Mất máu: Mất máu cấp: xuất huyết tiêu hóa, mất máu do tai nạn giao thông,…
  • Rối loạn hấp thu: Trong các bệnh lý gan: viêm gan, xơ gan, viêm gan tắc mật, ung thư gan; viêm dạ dày mạn tính,…
  • Tan máu miễn dịch.
  • Lượng huyết sắc tố: (HGB):

+ Tăng: Trong các bệnh lý mất nước: Sốt, tiêu chảy, bỏng...; bệnh đa hồng cầu.

+ Giảm:

  • Giảm tổng hợp do thiếu nguyên liệu tổng hợp: thiếu sắt, Acid folic, Vitamin B12, thiếu men G6PD.
  • Giảm tổng hợp do bị ức chế: Trong các bệnh lý Leucemia.
  • Mất máu: Mất máu cấp: xuất huyết tiêu hóa, mất máu do tai nạn giao thông,…
  • Tan máu: tan máu miễn dịch hay tan máu trong bệnh lý Thalasemia.
  • Thể tích khối hồng cầu (HCT):

+ Tăng: Trong các bệnh lý mất nước: Sốt, tiêu chảy, bỏng...; bệnh lý đa hồng cầu.

+ Giảm:

  • Giảm tổng hợp do thiếu nguyên liệu tổng hợp: thiếu sắt, Acid folic, Vitamin B12, thiếu men G6PD.
  • Giảm tổng hợp do bị lấn át: Trong các bệnh lý Leucemia.
  • Mất máu: Mất máu cấp: xuất huyết tiêu hóa, mất máu do tai nạn giao thông,…
  • Tan máu: tan máu miễn dịch hay tan máu trong bệnh lý Thalasemia.
  • Các chỉ số thể tích trung bình hồng cầu (MCV) và lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH):

+ Tăng: Tăng trong các bệnh lý gây kéo dài đời sống hồng cầu: Thiếu vitamin B12, thiếu Acid folic, bệnh nhân sau cắt lách, rối loạn hấp thu tại dạ dày và ruột,...

+ Giảm: Trong thiếu máu thiếu sắt, bệnh lý huyết sắc tố, Thalasemia,...

Hai chỉ số này thường được sử dụng đánh giá kính thước hồng cầu, có ý nghĩa rất lớn trong việc sàng lọc thalassemia.

  • Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC):

Giảm trong thiếu máu thiếu sắt, bệnh lý thalassemia, bệnh lý huyết sắc tố. Chỉ số này thường được sử dụng đánh giá hồng cầu bình sắc hay nhược sắc.

2. Dòng bạch cầu

  • Số lượng bạch cầu (WBC):

+ Tăng:

  • Trong các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính do nhiễm vi sinh – ký sinh trùng.
  • Tăng cao trong Leucemia kinh hay cấp.
  • Do sử dụng thuốc.

+ Giảm:

  • Nhiễm trùng nặng.
  • Nhiễm virus siêu vi (HIV, viêm gan, Dengue, CMV,…)
  • Suy tủy, ức chế sinh tủy.
  • Điều trị ung thư.
  • Thiếu vitamin.
  • Bệnh lý dòng bạch cầu: Leucemia.
  • Công thức bạch cầu:

+ Bạch cầu đoạn trung tính: Tăng trong nhiễm trùng, viêm, Leucemia, stress,…

+ Bạch cầu đoạn ưa acid: Tăng trong các bệnh lý nhiễm ký sinh trùng, giun sán, bệnh lý Leucemie kinh.

+ Bạch cầu ưa base: Tăng trong nhiễm độc, dị ứng.

+ Bạch cầu Monocyte: Tăng trong nhiễm trùng, viêm, ung thư, nhiễm virus.

+ Bạch cầu Lymphocyte: Tăng trong các bệnh lý nhiễm virus, lao, Leucemia dòng lympho (đặc biệt Leucemie kinh dòng lympho).

Lam máu bình thường và lam máu leucemia

Hình ảnh minh họa lam máu bình thường và lam máu Leucemia

3. Dòng tiểu cầu

  • Tăng: Tiểu cầu tăng trong các bệnh lý: Viêm, nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật sau cắt lách, Leucemia (CML), đa hồng cầu, tăng tiểu cầu nguyên phát, tăng tiểu cầu thứ phát.
  • Giảm: Tiểu cầu giảm trong các bệnh lý: Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, suy tủy, ức chế tủy, bệnh lý gan (xơ gan, viêm gan do virus), sốt Dengue,…

Tài liệu tham khảo:

Đỗ Trung Phấn cùng cộng sự (2009). Tế bào và tổ chức cơ quan tạo máu. Kỹ thuật xét nghiệm huyết học và truyền máu, nhà xuất bản Y học, Hà Nội, trang 33.

Hà Thị Anh cùng cộng sự (2009). Kỹ thuật xét nghiệm huyết học và truyền máu, nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

Ngô Thị Hồng Thảo, bài giảng phân tích Huyết đồ.

Bộ môn sinh lý – Đại học Y dược Hồ Chí Minh, bài giảng phân tích Huyết đồ.

Giới hạn người bình thường Viện Huyết học Truyền máu Trung Ương.

Từ khóa » Nguyên Tiền Hồng Cầu