Ý Nghĩa Lịch Sử Của Hội Nghị Giơ-ne-vơ - Báo Hà Tĩnh
Có thể bạn quan tâm
Hướng tới kỷ niệm 60 năm ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954 - 20/7/2014)
Hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc vào ngày 26/4/1954, trong đó nội dung bàn về chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào ngày 16/5 mà không đạt kết quả. Hội nghị bàn về chiến tranh ở Đông Dương bắt đầu từ ngày 8/5/1954, đúng lúc chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội cả thế giới.
Hội nghị Giơ-ne-vơ là một hội nghị quốc tế, do hoàn cảnh lịch sử lúc đó nên thành phần, thời gian, bước đi của hội nghị do các nước lớn quyết định. Nhưng về phía Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút ra được bài học trong cuộc chiến tranh, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận ý muốn đó… Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của Việt Nam… Việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với Chính phủ Pháp” (1).
Hiệp định Giơ-ne-vơ là sự xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, công nhận độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Tham dự đàm phán, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đoàn của Pháp do Bộ trưởng Ngoại giao Bi-đôn dẫn đầu. Việt Nam lần đầu tiên tham dự một đấu trường quốc tế lớn với tư thế của người chiến thắng. Điều đó tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện tiếng nói chính nghĩa của mình và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặt trên bàn hội nghị để đàm phán gồm 8 điểm về giải pháp toàn diện cho vấn đề Đông Dương. Trong đó nhấn mạnh 2 vấn đề quân sự và chính trị cho 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Phải nói rằng, kết quả trên bàn đàm phán là do chiến trường quyết định. Chiến thắng Điện Biên Phủ có tác động quyết định đến việc đánh bại dã tâm và chính sách xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào, Campuchia, chấp nhận kết thúc chiến tranh, rút hết quân viễn chinh về nước để nhân dân 3 nước tự quyết định vận mệnh của mình.
Có một thực tế là về thế trận chung, mặc dầu Việt Nam là người chiến thắng, song lại ở vào thế không thuận. Hội nghị có 9 bên tham gia thì phía Pháp có 6: Pháp, Anh, Mỹ và 3 chính phủ bù nhìn do Pháp bảo trợ ở Đông Dương. Phía Việt Nam có Liên Xô và Trung Quốc. Song, các nước đồng minh của Việt Nam cũng có những mục đích, chiến lược riêng mà vào thời điểm đó chúng ta chưa hiểu hết, mặt khác cũng phải dựa vào họ. Về phía Việt Nam, đây là lần đầu tiên ta tham dự một hội nghị quốc tế, đất nước lại đang diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt với thực dân Pháp, kinh tế khó khăn, nền ngoại giao non trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, nhìn chung còn phải dựa vào Liên Xô và Trung Quốc.
Đặc biệt, đoàn Việt Nam không có phương tiện để liên lạc trực tuyến với chiến khu Việt Bắc, mọi sự liên lạc đều phải thông qua Trung Quốc, Việt Nam đặt niềm tin vào 2 nước đồng minh anh em của mình. Trên chiến trường tuy ta thắng to ở Điện Biên Phủ nhưng tương quan lực lượng vẫn còn chênh lệch. Cụ thể là: “So sánh lực lượng quân sự địch vượt ta quá xa, chúng nhiều hơn ta 193.000 quân, riêng quân ngụy đã hơn 47.000 người” và “tính theo tiểu đoàn bộ binh ta có 127 tiểu đoàn, so với 267 tiểu đoàn của địch”(2), “Ưu thế về vật chất của địch vẫn ở thế áp đảo, với tổng số quân lên đến 450.000 người và nước Pháp chưa phải đã hết khả năng tăng viện cho chiến tranh Đông Dương, trong khi Mỹ chắc chắn sẽ không để đồng minh Pháp một mình đối phó”(3).
Yếu tố quốc tế vào thời điểm đó, các nước lớn có dấu hiệu đi vào hòa hoãn, họ đã toan tính với nhau muốn kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Còn Trung Quốc thân cận của ta thì muốn giải quyết vấn đề Đông Dương bằng phương pháp hòa bình theo hướng có lợi cho mình nên đã “chấp nhận” trong đàm phán để cách mạng 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia chịu sự thiệt thòi. Như là tách vấn đề 3 nước giải quyết riêng; nêu ra việc Việt Nam rút quân khỏi Lào và Campuchia; không ủng hộ Việt Nam đưa vĩ tuyến 16 là giới tuyến quân sự tạm thời… Sự nhân nhượng này đã giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế và tiến tới bình thường quan hệ với phương Tây mà trước hết là với Anh và Pháp, đồng thời đẩy đế quốc ra xa biên giới phía Nam, hạn chế sự uy hiếp trực tiếp và bao vây của Mỹ.
Trước bối cảnh lịch sử như đã phân tích, việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ có những điều chưa đạt được như mong muốn của chúng ta lúc đó. Tuy nhiên, trước những khó khăn và tương quan thế trận như trên, việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ ở thời điểm đó là một thắng lợi quan trọng của dân tộc ta.
Hiệp định Giơ-ne-vơ là sự xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, công nhận độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thành quả quan trọng nhất của Hội nghị Giơ-ne-vơ chính là giá trị pháp lý quốc tế đảm bảo cho sự thực hiện mục tiêu cao cả thiêng liêng của dân tộc ta là thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Ở khía cạnh ngoại giao vào thời điểm bấy giờ, đây là một thành quả đem lại thế và lực mới cho nước ta trên trường quốc tế.
Hiệp định Giơ-ne-vơ mở ra thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Tranh thủ điều kiện hòa bình, Việt Nam tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, chuẩn bị hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này. Hội nghị Giơ-ne-vơ cũng đã đem lại những bài học quý giá cho cách mạng Việt Nam. Đó là bài học về kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao. Cần tạo cục diện đánh - đàm mà trước tiên là từ thắng lợi ở chiến trường, nhưng ngoại giao cũng rất quan trọng làm cho thế giới thấy rõ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, tác động vào nội bộ đối phương nhằm kiềm chế kẻ thù và tạo áp lực kéo địch xuống thang. Trong đấu tranh ngoại giao cần thiết phải nắm chắc được tương quan lực lượng, sự tính toán của các nước lớn để đánh giá đúng tình hình, từ đó đặt ra được lộ trình đấu tranh để thắng từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Bài học tổng quát nhất là luôn kiên trì tinh thần độc lập tự chủ, không bị chi phối trước bất cứ thế lực nào. Chính nhờ vậy, giúp chúng ta ở hội nghị Pari về sau này có kinh nghiệm hơn, vững vàng hơn trước những sức ép từ các phía mà không bị quốc tế hóa.
Còn đó những mưu toan về lợi ích dân tộc của những nước lớn đã được thể hiện từ hội nghị Giơ-ne-vơ. Việc hiệp thương thống nhất nước nhà sau 2 năm không thực hiện được, buộc nhân dân ta phải tiếp tục cuộc chiến tranh với đế quốc Mỹ để giành độc lập, thống nhất đất nước. Ngày nay, trong một thế giới hòa hoãn nhưng đầy thách thức, cần hết sức cảnh giác với những toan tính giữa ranh giới của quan hệ bạn - thù, đồng minh - đối thủ mà tất cả dường như đều đặt trước lợi ích dân tộc của các quốc gia. Bất kỳ lúc nào thì vấn đề độc lập tự chủ, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đối với chúng ta cũng là cao cả và thiêng liêng nhất, không thể nhân nhượng.
_______
(1) Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, tập 7, tr. 168-169.
(2), (3) Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử. Nxb Quân đội nhân dân, tr. 15-16, 414.
Từ khóa » Trình Bày ý Nghĩa Của Hiệp định Giơ Ne Vơ
-
Hiệp định Genève, 1954 – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nêu Nội Dung Cơ Bản Và ý Nghĩa Lịch Sử Của Hiệp định Giơ-ne-vơ ...
-
Hãy Nêu Những Nội Dung Cơ Bản Và ý Nghĩa Lịch Sử Của Hiệp định ...
-
Hiệp định Giơ-ne-vơ – ý Nghĩa Và Bài Học Sau 65 Năm Nhìn Lại
-
Ý Nghĩa Của Hiệp định Giơnevơ 1954? - Thùy Trang
-
Nội Dung Cơ Bản, ý Nghĩa Của Hiệp định Giơnevơ Năm 1954
-
Nêu Nội Dung Cơ Bản Và ý Nghĩa Lịch Sử Của Hiệp định ...
-
Tư Liệu - Văn Kiện - Hiệp định Giơ-ne-vơ Năm 1954 Về Đông Dương...
-
Nêu Nội Dung Chính Và ý Nghĩa Của Hiệp định Giơ-ne-vơ Về Chấm ...
-
Hiệp định Giơ-ne-vơ Năm 1954: Một Thắng Lợi Trên Con đường Cứu ...
-
Nội Dung Và Phân Tích ý Nghĩa Lịch Sử Của Hiệp định Giơ- Ne-vơ Năm ...
-
Cho Biết Nội Dung Cơ Bản Và ý Nghĩa Lịch Sử Của Hiệp định Giơnevơ ...
-
Nêu Nội Dung Cơ Bản Và ý Nghĩa Lịch Sử Của Hiệp định Giơ-ne-vơ ...
-
[CHUẨN NHẤT] Nội Dung Chính Của Hiệp định Giơnevơ - TopLoigiai