Ý Nghĩa Thủ ấn Phật – Buddha Mudrā

Ý nghĩa thủ ấn Phật – Buddha mudrāÝ nghĩa thủ ấn Phật – Buddha mudrā

Ths. Nguyễn Hoàng Lai (Hoài Lan) – Thiện Phước

 

Như chúng tôi đã giới thiệu về nguồn gốc hình tượng đức Phật để hiểu rõ hơn về sự hình thành và phát triển các trường phái nghệ thuật hình tượng đức Phật “sự phát triển của nghệ thuật hình tượng Đức Phật đã phát triển qua hai thời kỳ chính:

 - Thời kỳ phi thánh tượng khoảng thế kỷ thứ V – I TCN
; - Thời kỳ thánh tượng thế kỷ thứ I TCN – ngày nay.

 Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật hình tượng Đức Phật là thời kỳ thánh tượng, đặc biệt là hệ thống nghệ thuật Phật giáo phát triển đã làm nên sự bứt phá ngoạn mục trong nghệ thuật Phật giáo, đáng chú ý nhất là những hình tượng Đức Phật được khắc trong chùa hang Ajanta và Ellora, khu vực động Đôn Hoàng (Trung Hoa) và khu vực Đông Nam Á”[1]

Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu về ý nghĩa các thủ ấn (Muddà) Phật, mà chủ yếu là Phật giáo Nam Truyền đó chính là Tích Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, Thái Lan và được sử dụng chính thống trong việc tạc tượng thờ kể cả những trường phái Phật giáo phát triển cũng dùng thủ ấn cơ bản này để tạo nên hình tượng đức Bổn Sư.

Từ Muddà hay mudra được sử dụng trong Phật giáo và Ấn giáo, nghĩa ban đầu là dấu hiệu, ấn tướng hay dấu ấn, có thể dấu hiệu thể hiện qua động tác thân thể, thường là cử chỉ của tay, (stamp, seal, countting on fingers)[2] hay chính xác hơn vị trí và tư thế của bàn tay và ngón tay.

Như vậy từ Mudra (muddà) đã được sử dụng như là một biểu trưng về các tư thế trong Phật giáo và Ấn giáo trong truyền thống văn hoá Ấn Độ, “như cử chỉ chào Namaste (Namas + te, Devanagari: नमस् + ते = नमस्ते)”[3] và những tượng đất nung được các nhà khảo cổ học khai quật có niên đại từ 3000 – 2000 năm TCN trong tư thế này[4], và một số thủ ấn chủ yếu là các tư thế cơ thể, trên bàn tay như Một trăm lẻ tám (108) mudra được sử dụng trong các nghi thức Tantra (Đát-đặc-la) thường xuyên.

Trong phạm vi nghiêm cứu của bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu 25 thủ ấn của Phật (mudda of buddha in dailly life), ta có thể hiểu nôm na là các tư thế chính của Phật được sử dụng trong đời sống hàng ngày và miêu tả một cách sống động về hình tượng đức Phật, ở đây chỉ thuần tuý là các tư thế của Phật (theo truyền thống Phật giáo Nam Truyền)[5] trong đời sống thường ngày chứ không phải mang ý nghĩa dùng trong việc bắt ấn (108 ấn) trong nghi thức Tantra.

1. Abhaya Mudrā (Vô Uý thủ ấn)

Abhaya Mudrā (Vô Uý thủ ấn)

Abhaya: nghĩa là không sợ hãi

Tư thế của thủ ấn này là tay phải đưa lên ngang tầm ngực, lòng bàn tay xoay ra phía ngoài, các ngón tay hướng thẳng lên trên, tay còn lại để xuôi theo tư thế toạ thiền (đối với tượng ngồi) tay trái duỗi hướng xuống đất (đối với tượng đứng).

Có nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa, nguồn gốc của thủ ấn này, dựa theo sử liệu về cuộc đời đức Phật thì những dữ kiện như đức Phật hàng phục voi say Nālāgiri, khi Đề-bà Đạt-đa (Devadatta) âm mưu làm hại Ngài, hoặc Ngài đứng với cả hai tay theo thủ ấn Vô Úy là dựa theo truyền thuyết Ngài từ cung trời Đâu-suất (Tavatimsa) trở về địa cầu sau 3 tháng giảng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Có tài liệu giải thích đó là để chỉ Ngài đã ngăn chặn nạn dịch, nạn đói và chiến tranh xảy ra tại thành Vesāli (Chú giải Ratana Sutta, kinh Châu Báu). Có tài liệu giải thích đó là dựa theo câu chuyện Ngài đã hóa giải, ngăn chặn cuộc chiến giữa hai quốc gia láng giềng (bộ tộc Sakya và Koliya) tranh chấp về việc sử dụng nguồn nước sông Rohini.

2. Saddassana Mudra (Thập độ thủ ấn)

Saddassana Mudra (Thập độ thủ ấn)

Tư thế này tay phải xoay ra ngoài ngón tay cái và ngón trỏ chạm vào nhau, lòng bàn tay trái xoay ra ngoài và hơi hướng xuối dưới ngón trỏ và ngón cái duỗi ra, các ngón còn lại hơi cong lại.

Thập độ tức ám chỉ công hạnh thực tập để đạt đến quả vị giải thoát (pāramī) hay dịch là đáo bỉ ngạn (pháp thực hành đến bờ bên kia, bờ giải thoát) gồm có:

1)  Dānaṃ: Thí, là đem của cải hoặc Phật Pháp mà cho chúng sanh.

2)  Sīlaṃ: Giới, là không phạm điều luật của đức Phật đã răn cấm hoặc gìn giữ thân và khẩu được trong sạch.

3)  Nekkhammaṃ: xuất gia, là sự đi tìm đạo đức cao thượng hoặc dứt bỏ vợ con, của cải mà đi tu hành.

4)  Paññā: Trí tuệ, là thông suốt tất cả các pháp.

5)  Viriyaṃ: Tinh tấn, là một lòng cố gắng tu hành tấn tới.

6)  Khantī: Nhẫn nhục, là gắng chịu những điều sỉ nhục.

7)  Saccaṃ: Chân thật, là không gian tà, giả dối.

8)  Ādhitthānaṃ: Quyết định, là quyết định không thay đổi chí hướng.

9)  Mettā: Bác ái, hiền lành, nhân từ, mong cho tất cả mọi loài được vui.

10) Upekkhā: Xả, là không vui, không buồn, thờ ơ không để ý, có tâm bình đẳng.

3. Dukkhasacca mudra (khổ đế thủ ấn)

Dukkhasacca mudra (khổ đế thủ ấn)

Tư thế này bàn tay phải úp xuống, ngón giữa tay phải chạm và ngón giữa của tay trái, lòng bàn tay trái hướng ra ngoài, các ngón tay hướng lên trên.

Để giải thích cho ý nghĩa của thủ ấn này, trong cuộc đời đức Phật sau khi ngài thành đạo dưới cội cây bồ đề ngài đã ngự tới vườn Lộc Uyển xứ Isipatana, gần Benares (Baranasi ngày nay) và giảng giải bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammcakkappavattana sutta) về Tứ Diệu Đế (khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế).

Khổ đế là phần mở đầu của bài kinh Chuyển Pháp Luân và như thế nào là sự thật về khổ “Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm lại chính thân ngủ uẩn là khổ”[6], đây là bài pháp đầu tiên được đức Phật thuyết giảng sau khi ngài thành đạo.

4. Addhacandra mudra (Tam Bảo Thủ Ấn)

Addhacandra mudra (Tam Bảo Thủ Ấn)

Tư thế của bàn tay phải lòng bàn tay hướng lên trên, ngón trỏ và ngón cái chạm vào nhau, các ngón tay hơi cong lại theo thình cánh hoa nở; còn tay trái trì duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng lên trên.

Thủ ấn này ám chỉ đối với ba ngôi tam bảo Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo và sự quan trọng của đại chúng tăng liên quan đến dữ kiện Di Mẫu Gotami cúng dường y lên đức Phật nhưng ngài không nhận, ngài bảo nương nương cúng dường đến tăng để cho được phước báu trọn vẹn.

5. Patahattha mudra (Trì Bình Thủ Ấn)

Patahattha mudra (Trì Bình Thủ Ấn)

Thủ ấn này vị trí hai bàn tay chồng lên nhau tay phải để trên tay trái hai bàn tay duỗi ra để nâng bình bát.

Trong hoạt động hằng ngày của Đức Phật chia làm năm thời đó chính là buổi sáng, buổi trưa, canh đầu, canh giữa và canh cuối.

Buổi sáng đó chính là lúc ngài trì bình hóa duyên tế độ những người hữu duyên và thọ thực.

Đây là tư thế thủ ấn trì bình mà các nhà nghệ thuật điêu khắc sử dụng để mô tả về đời sống thường nhật của Ngài.

6. Dhammacakka mudra (Chuyển Pháp Luân thủ ấn)

Dhammacakka mudra (Chuyển Pháp Luân thủ ấn)

Dhammacakka mudra (Chuyển Pháp Luân thủ ấn)                      

Sau khi Bồ Tát thành đạo tại cội cây Bồ Đề, Ngài thân hành đến vườn Lộc Uyển xứ Isipatana, gần Benares (Baranasi ngày nay) và giảng giải bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammcakkappavattana sutta) và đây là bài pháp đầu tiên được Đức Phật thuyết giảng trong cuộc đời 45 năm hoằng pháp của ngài bài pháp này được thuyến giảng đến năm vị Kiều Trần Như (Aññakoṇḍañña).

Tư thế thủ ấn này cả hai bàn tay ngón cái và ngón trỏ cong lại, chạm nhẹ vào nhau, tạo thành một hình tròn. Hai cánh tay xếp lại và đưa lên khoảng tầm ngực. Lòng bàn tay phải xoay ra phía trước, thẳng đứng, mu bàn tay trái xoay ra ngoài, nằm ngang, hay để nghiêng. Những ngón tay còn lại của bàn tay trái chạm nhẹ vào lòng bàn tay phải.

7. Varada mudra (Thí Nguyện thủ ấn)

Varada mudra (Thí Nguyện thủ ấn)

Ấn thí nguyện cũng được gọi là Dữ nguyện ấn hay Thí dữ ấn. Thí nguyện là cho phép được toại nguyện, lòng tay mặt hướng về phía trước, bàn tay chỉ xuống. Nếu ở tượng Phật Thích Ca đó là biểu hiện gọi địa thần (xem ấn xúc địa) chứng minh Phật quả. Trong một dạng khác, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau thành vòng tròn. Ấn vô úy và ấn thí nguyện hay được trình bày chung trong một tranh tượng. Thường tay mặt bắt ấn vô úy, tay trái ấn thí nguyện. Tượng đứng của các vị Phật hay có hai ấn này.

8. Karana mudra (Lìa Xa Ác Nghiệp thủ ấn)

Karana mudra (Lìa Xa Ác Nghiệp thủ ấn)

Thủ ấn này cả hai lòng bàn tay trái và phải đều hướng ra ngoài, ngón trỏ và ngón cái của cả hai bàn tay chạm vào nhau, bàn tay hướng lên trên.

9. Tinakirana mudra (Bát Chánh Hộ Trì thủ ấn)

Tinakirana mudra (Bát Chánh Hộ Trì thủ ấn)

Thủ ấn này hai lòng bàn tay ngửa lên trên, hai ngón cái hướng xuống đất và 8 ngón tay còn lại cong lại để biểu thị tám con đường giác ngộ đó là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

10. Vyākhyāna Mudrā (Giáo Hóa thủ ấn)

Vyākhyāna Mudrā (Giáo Hoá thủ ấn)

Tư thế của thủ ấn này là lòng bàn tay xoay ra trước, thường là ở bàn tay phải, ngang tầm ngực. Ngón tay cái và ngón tay trỏ chạm vào nhau thành một vòng tròn, các ngón còn lại hướng lên trên. Cánh tay cong nơi khuỷu tay và cổ tay.

Thủ ấn Thuyết Pháp hay còn gọi là Giáo Hóa thủ ấn thường thấy ở các tượng với oai nghi ngồi.

11. Sihakanna mudra (Tinh Tấn thủ ấn)

Sihakanna mudra (Tinh Tấn thủ ấn)

Tư thế của thủ ấn này là lòng bàn tay phải hướng xuống đất, ngón cái và ngón trỏ chạm vào nhau các ngón còn lại hướng xuống đất, bàn tay trái duỗi và lòng bàn tay hướng lên trên.

12. Katakakattha mudra (Giải Thoát thủ ấn)

Katakakattha mudra (Giải Thoát thủ ấn)

Tư thế thủ ấn này là bàn tay phải hướng lên trên lòng bàn tay hướng ra ngoài ngón cái chạm vào ngón trỏ, bốn ngón tay còn lại cong lại hướng vào lòng bàn tay.

13. Padumatattha mudra (Liên Hoa Tịnh Chỉ thủ ấn)

Padumatattha mudra (Liên Hoa Tịnh Chỉ thủ ấn)

Thủ ấn này phổ biến nơi hình tượng Đức Phật ngồi bán già hoặc kiết già, bàn tay phải hướng lên trên lòng bàn tay xoay ra ngoài, ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa cong lại đỡ lấy cánh hoa sen, các ngón tay còn lại cũng hơi cong theo, với hoa sen tượng trưng cho sự giác ngôn, tịch tịnh không còn phiền não bùn nhơ.

14. Attha dhamma mudra (Bát Chánh Đạo thủ ấn)

Attha dhamma mudra (Bát Chánh Đạo thủ ấn)

Bát Chánh Đạo thủ ấn với tư thế hay lòng bàn tay hướng ra ngoài, hai ngón tay cái cong lại và tất cả tám ngón còn lại thẳng và hướng lên trên để ám chỉ 8 con đường đi đến giác ngộ.

15. Samābhita mudra (Thiền Định thủ ấn)

Samābhita mudra (Thiền Định thủ ấn)

Hình tượng với tư thế Đức Phật ngồi hành thiền, chân xếp tréo kiểu bán già hay kiết già, hai bàn tay đặt đùi, để ngửa, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái (đôi khi, bàn tay trái đặt trên bàn tay phải). Hai đầu ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau, hoặc để song song đan xen.

Có thể nói đây là hình tượng và thủ ấn phổ biến nhất trong truyền thống nghệ thuật hình tượng Đức Phật Nam truyền và là thủ ấn phổ biến nhất.

16. Dāna mudra (Bố thí thủ ấn)

Dāna mudra (Bố thí thủ ấn)

Thủ ấn này được các nghệ nhân tạc tượng mô tả với hình thái hai lòng bàn tay hướng ra ngoài các ngón tay buông xuống hướng về phía mặt đất, như là thể hiện sự buông xả, xả thí.

17. Tripattakahattha mudra (Thập Độ Chỉ Định thủ ấn)

Tripattakahattha mudra (Thập Độ Chỉ Định thủ ấn)

Thủ ấn này được mô tả lòng bàn tay phải hướng ra ngoài áp út và ngón giữa chạm vào ngón tay cái, lòng bàn tay trái hướng vô trong ngón trỏ và ngón cái chạm vào nhau như đang chỉ định về những công hạnh thập độ mà Ngài đã thực hành trong vô lượng kiếp.

18. Ñàna mudra (Nhất Thiết Chủng Trí thủ ấn)

Ñàna mudra (Nhất Thiết Chủng Trí thủ ấn)

Tư thế thủ ấn này biểu trưng cho việc Đức Phật đang sử dụng trí tuệ với lòng bàn tay phải hướng ra ngoài ngón trỏ và ngón tay cái chạm vào nhau, các ngón còn lại hướng lên trên, lòng bàn tay trái hướng vô trong ngón trỏ và ngón cái của tay phải hơi chạm vào ngón út của tay trái.

19. Canda mudra (Hương Vị Pháp Bảo thủ ấn)

Canda mudra (Hương Vị Pháp Bảo thủ ấn)

Canda mudra (Hương Vị Pháp Bảo thủ ấn)

Đây là thủ ấn kết hợp với hình tượng Đức Phật ngồi bán già hoặc kiết già và thuyết giảng, giáo giới hàng đệ tử trong tư thế lòng bàn tay phải hướng ra ngoài ngón trỏ và ngón cái chạm vào nhau, các ngón còn lại hướng lên trên, lòng bàn tay trái hướng lên trên, tay trái duỗi dọc theo chân trong tư thế bán già hoặc kiết già.

20. Mahā karunà mudra (Đại Bi thủ ấn)

Mahā karunà mudra (Đại Bi thủ ấn)

Đây là thủ ấn Đức Phật sử dụng tứ vô lượng tâm, trong đó tâm đại bi được thể hiện qua việc tay phải đặt ngang ngực, lòng bàn tay hướng vô trong và ngón tay hướng qua trái hơi lên trên, lòng bàn tay trái hướng lên trên, tay trái duỗi dọc theo chân trong tư thế bán già hoặc kiết già, ở giữa có cảm giác như một khoảng không để thể hiện tâm đại bi.

21. Vinayahattha mudra (Xiển Dương thủ ấn)

Vinayahattha mudra (Xiển Dương thủ ấn)

Trong thủ ấn này lòng bàn tay phải hướng lên trên ngón trỏ chỉ ra ngoài, ngón cái thẳng và ba ngón còn lại hơi cong vào bên trong, lòng bàn tay trái hướng lên trên, tay trái duỗi dọc theo chân trong tư thế bán già hoặc kiết già.

22. Byākhyāna mudra (Thuyết Giảng thủ ấn)

Thuyết giảng thủ ấn với lòng bàn tay hướng ra ngoài ngón giữa chạm vào ngón cái ngón áp út và ngón út con lại ngón trỏ hướng lên trên, đây là hình tượng mô tả việc Đức Phật giáo giới và thuyết giảng đến chúng đệ tử.

Byākhyāna mudra (Thuyết Giảng thủ ấn)

23. Uttarabodhi mudra (Tối Thượng Bồ Đề thủ ấn)

Uttarabodhi mudra (Tối Thượng Bồ Đề thủ ấn)

Thủ ấn với lòng bàn tay phải hướng ra ngoài, lòng bàn tay trái hướng vô trong, ngón tay cái và ngón trỏ của tay phải chạm nhẹ vào ngón giữa của tay phải.

24. Prātihāriya mudra (Sanh Diệt Tuệ thủ ấn)

Prātihāriya mudra (Sanh Diệt Tuệ thủ ấn)

Thủ ấn Sanh Diệt tuệ với các ngón tay phải bao bọc các ngón tay trái, lòng bàn tay hướng vô trong và các ngón tay trái hướng lên trên, để thể hiện việc Đức Phật chỉ các tuệ giác trong các mức độ thiền tập.

25. Cảm Thắng Ma Vương thủ ấn (Maravijaya Mudra) hay còn gọi là Xúc Địa thủ ấn (Bhūmisparśa Mudra)

 Cảm Thắng Ma Vương thủ ấn (Maravijaya Mudra) hay còn gọi là Xúc Địa thủ ấn (Bhūmisparśa Mudra)

Cảm Thắng Ma Vương thủ ấn (Maravijaya Mudra) hay còn gọi là Xúc Địa thủ ấn (Bhūmisparśa Mudra)

Trong thủ ấn nầy, Đức Phật ngồi kiết già hay bán già, với bàn tay trái trong ấn Thiền Định. Bàn tay phải duỗi xuống, lòng bàn tay xoay vào trong, mu bàn tay đưa ra ngoài, các ngón tay hướng xuống đất. Thủ ấn này được tìm thấy rất phổ biến trong việc tạc hình tượng Đức Phật.

Thủ ấn nầy dựa theo sự tích ghi trong Chú giải Phật sử. Khi Bồ-tát ngồi hành thiền trong đêm rằm tháng Vesak, Ma vương (Māra) xuất hiện quấy nhiễu Ngài. Ma vương có ý định đuổi Ngài ra khỏi chỗ ngồi dưới cội bồ-đề và hỏi: “Ai là chứng nhân để biết chỗ ngồi này là của Ngài?” Đức Phật từ tư thế thiền định, đặt bàn tay phải chạm đất và tuyên bố: “Mặt đất này là chứng nhân, đã chứng kiến qua nhiều kiếp, ta đã hoàn thiện hạnh Bố thí ba-la-mật, hạnh Trì giới ba-la-mật, và các ba-la-mật khác.” Ngay lúc đó, mặt đất rung chuyển, với âm thanh vang dội khắp vũ trụ. Ma vương run sợ, thất bại, và rút lui.

 

Trên đây là 25 thủ ấn được dung rất phổ biến trên hình tượng Đức Phật, việc kết hợp các thủ ấn là sự kết hợp tuyệt vời giữa văn hoá và nghệ thuật, các nghệ nhân đã thổi hồn vào hình tượng Đức Phật cho chúng ta cảm giác sống động, như làm sống lại hình tượng của Ngài, mô tả những sinh hoạt thường nhật, như tái hiện lại Đức Phật một còn tại thế đang hoằng hoá độ sinh. Đó cũng là những điều người viết trăn trở khi bắt gặp đâu đó các tư thế thủ ấn của Phật Thích Ca Mâu Ni mà không hiểu được. Hy vọng qua bài viết này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về hình tượng đức Phật.

 

[1] Nguồn gốc hình tượng đức Phật, Ths.Hoài Lan, Tạp Chí Phật Giáo Nguyên Thuỷ

[2] Pali-English Dictionary, -Thomas William Rhys Davids, William Stede, first edition Delhi 1993, P .538

[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thủ_ấn

[4] Sharma & Sharma (2004), Panorama of Harappan Civilization, ISBN 978-8174790576, Kaveri Books, page 129

[5] 25 thủ ấn được trình bày trong bài nghiên cứu này chủ yếu được chuyển ngữ và sưu tầm từ tại liệu Myanmar

[6] Mahavagga tr. 10, Samyutta Nikaya (Tương Ưng Bộ), quyển V, trang 420.

 

Từ khóa » Thủ ấn Chuyển Pháp Luân