Ý Nghĩa Tượng Đức Mẹ Sầu Bi Trong Công Giáo - Mỹ Thuật Grand Art

Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là Đức Mẹ đau khổ, thương khó, thống khổ… Đức Mẹ là mẹ Đức Chúa Giêsu, trong cuộc đời 33 năm của Đức Chúa Giêsu, Mẹ đã cảm nhận nhiều nỗi đau thương: Lời tiên báo của ông Simêon. Cuộc chạy trốn sang Ai Cập; Lạc mất Chúa ba ngày; Vác thập tự giá lên đỉnh Calvê; Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập tự giá; Tháo xác Chúa; Táng xác Chúa.

Và cho đến ngày hôm nay, tuy đã về trời, Đức Mẹ Maria vẫn còn tiếp tục phải chịu bao đau khổ khi chứng kiến biết bao ích kỷ, hận thù, chia rẽ, chiến tranh… giữa đoàn con cái của mình. Nhưng nỗi thống khổ lớn nhất của Đức Mẹ chính là việc trầm luân của biết bao linh hồn đang sống trong tội lỗi và sẽ sa xuống hoả ngục. Lời tiên tri của cụ già Simêon khi xưa quả rất hiện thực, vì con tim của Đức Mẹ vẫn không ngừng bị bao lưỡi đòng đâm thấu, và người đâm thấu tâm hồn Đức Mẹ lại chính là những đứa con mà Đức Mẹ đã một lần sinh ra trong ân sủng. Trong số những đứa con phản nghịch ấy, phải chăng có tôi và bạn?

Giáo Hội đã đặt lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá để như muốn nói rằng: “Khi Đức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Chúa đứng kề bên mà thông phần đau khổ”. Cuộc đời Mẹ luôn kết hợp với những nỗi khổ đau của Con. Có lẽ không đau khổ nào lớn hơn đau khổ của chính Đức Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà theo lời của Thánh Gioan, “đã đứng kề bên thập tự giá Đức Chúa Giêsu” trên đồi Calvê. Không ai hiểu con cho bằng người mẹ, và cũng không ai đau khổ hơn người mẹ khi phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của con mình:

“Mẹ sầu bi, tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây thập tự giá, nơi Con Người đã bị treo lên. Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau buồn…”

Như Đức Giêsu, Con của Mẹ, Đức Mẹ Maria cũng tự đồng hoá chính mình với mầu nhiệm đau thương của thập tự giá. Bởi thế, Đức Mẹ đáng được gọi là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Qua việc cử hành lễ Mẹ Sầu Bi, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy chiêm ngắm hình ảnh của một người Mẹ đau thương vì Con và vì chúng ta:

“Ai là người không tuôn châu lệ, khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô, trong cảnh cực hình như thế? Ai có thể không buồn bã nhìn xem Mẹ Chúa Kitô, đang đau khổ cùng với Con Người?…” (Thánh thi Stabat Mater)

Chúng ta hãy nhớ rằng Đức Mẹ Maria đã bắt đầu cuộc lữ hành đức tin bằng những lời xin vâng: “Tôi là nữ tỳ Chúa. Tôi xin vâng như lời ngài truyền” và những lời vui tươi hăng hái của người mẹ trẻ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… Vì Đức Chúa đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Đức Chúa…”. Vì vậy, khi ngắm nhìn sự đau thương của Đức Chúa Giêsu và Mẹ Đức Chúa Giêsu trong ánh sáng Thánh Kinh, chúng ta không thể đồng hoá sự tuân phục của các Ngài với định mệnh thuyết hay thụ động tính [16]. Trái lại, như Công đồng Vatican II dạy: “Đức Trinh Nữ đã vững tiến trong cuộc lữ hành đức tin, và trung thành hợp nhất với Con Mẹ cho tới khi đứng dưới chân thập tự giá, theo đúng chương trình của Thiên Chúa”:

“Đức Maria, Nữ Vương cả đất trời, Vẫn hiên ngang đứng vững Gần bên thập giá Đức Kitô. Diễm phúc thay, Đấng không phải chết Mà được lãnh cành thiên tuế, Dành cho người tuẫn đạo”. (Xướng đáp, Kinh Chiều Lễ Đức Mẹ Sầu Bi)

và đó là niềm vui của Mẹ cũng là niềm hy vọng của chúng ta: Mừng vui lên, lạy Mẹ sầu bi, Xưa kia cùng với Con yêu dấu, Mẹ thông phần đau khổ, Ngày nay Mẹ lại được cùng Chúa, Chung hưởng phúc vinh quang. (Điệp ca Tin Mừng, Kinh Sáng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi)

Từ khóa » đức Mẹ Sầu Bi