Ý Thức Hệ – Phần I - CSCI INDOCHINA

I/ Giới thiệu

Những ý thức hệ chiếm ưu thế và tương phản nhau, thường nảy sinh từ cùng một tổ chức xã hội. Chúng dựa trên cùng một sự sắp đặt về kinh tế, cùng các ranh giới lãnh thổ, cùng một cộng đồng dân cư với ý nghĩa là các đơn vị phân tích. Nhưng chúng xác lập những mối quan hệ khác nhau giữa những đơn vị này và những tổ chức khác nhau trong phạm vi của chúng. Mặc dù hai ý thức hệ chủ yếu của thời đại chúng ta, mà chúng ta đặt tên cho chúng là chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội – đòi hỏi phải lý giải xã hội trong bối cảnh lịch sử và so sánh đối chiếu, cả hai đều bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng công nghệ ở châu Âu. Và cả hai, không thể nhầm lẫn được, đều gắn chặt với xã hội công nghiệp khi nó nảy sinh ở châu Âu thời kỳ đó. Vì chúng phát triển từ cùng một tổ chức, và chúng có nhiều điểm chung. Chúng là hai mặt của một đồng xu: một mặt diễn tả cấu trúc tổng thể trông có vẻ như thế nào đó đối với một người chấp nhận nó và mong cho nó tồn tại; mặt kia, diễn tả nó trông có vẻ ra sao đó đối với một kẻ khước từ nó và thúc đẩy nó diệt vong…

Các ý thức hệ là những lý giải cho sự tổ chức xã hội, nhưng chúng cũng là những định giá về nó. Các định giá này, có khuynh hướng xoay vòng: sự tổ chức xã hội cho ra đời những niềm tin về cái đúng, cái thích hợp, cái đáng ao ước, nghĩa là những giá trị nhất định.Các giá trị này được giả đoán, và rồi xã hội phán xét bản thân nó bằng các giá trị này. Nền dân chủ tự do, cho ra đời các định giá có tính chất thực chứng về sự bình đẳng, chủ nghĩa cá nhân, sự thành đạt về vật chất và sự tự do cá nhân. Lúc này, xã hội được phán xét trong phạm vi cái khung ấy – nó có cho phép nhận thức những giá trị đó hay không? Ý thức hệ thống trị, dựa trên một câu trả lời khẳng định: Có, xã hội này cung ứng các điều kiện thiết yếu cho sự bình đẳng, sự thành đạt vật chất và sự tự do cá nhân. Ở nơi nào những thiếu hụt được công nhận, chúng được lý giải không phải như là các triệu chứng của một hệ thống thất bại, nhưng như là những lầm lạc hay những vấn đề tạm thời trong một xã hội thành công.

Sự chấp nhận rộng rãi về một ý thức hệ, tạo ra một sự bất lực trong phán xét tính chân thực của nó. Có sự thuận lợi trong việc tin vào cái mà nhiều người khác có vẻ tin tưởng, trong việc thừa nhận sự thông thái theo truyền thống. Người ta sợ làm điều khác biệt. Đôi khi, cũng có những hậu quả xã hội nghiêm trọng. Đối với nhiều người, kẻ thừa nhận một viễn cảnh lầm lạc đã vượt ra khỏi vòng cương tỏa, có cái gì đó lạc lõng và không thể nào chấp nhận được.

Các ý thức hệ đối kháng, gắn liền với rất nhiều viễn cảnh. Chúng phê phán xã hội đương thời và tạo ra một viễn cảnh có tính sáng tạo về một sự thay đổi. Cả chủ nghĩa xã hội và phe “quyền lợi mới”, đều có những phê phán về viễn cảnh này; và dù chúng ta tán thành hay chối bỏ chúng, chúng ta đều hàm ơn các thành tố của chúng, vì chúng cho phép chúng ta hình dung ra những con đường khác nhau để thực hiện nhiều điều.

Các ý thức hệ đối kháng thường thường bắt đầu với một viễn cảnh có tính phê phán nảy sinh từ sự thừa nhận về những mâu thuẫn giữa cái mà ý thức hệ thống trị vẽ ra như là chân lý và cái mà các giác quan nhận thức nó như là thực tại. Và như thế, chúng bắt đầu, như là những phong trào cải cách và các thành viên của chúng là những nhà phê phán xã hội. Sự bình đẳng, sự thành đạt vật chất, sự tự do cá thể có thể được cho là những “giá trị” đúng đắn, nhưng xã hội được phán xét là không đủ khả năng để cung ứng cho việc hiện thực hóa chúng. Sự phán xét phủ định dẫn tới một phân tích về sự tổ chức xã hội phân kỳ, được lan truyền bởi những người nắm giữ ý thức hệ thống trị và tin tưởng rằng, nó sẽ đạt tới các đối tượng của nó. Dần dần, sự phân tích biến thành một ý thức hệ đối kháng đã phát triển trọn vẹn, một con đường khác hẳn trong cách nhìn xã hội.

Một số người nghĩ rằng, ý thức hệ là một cái gì đó xảy ra đối với người khác, và nói chung là góp phần gây phiền toái cho những người khác. Thuật ngữ được sử dụng ở đây không mang ý nghĩa như thế. Tất cả chúng ta đều bị nhúng chìm trong những nhận thức mang tính chất ý thức hệ về thế giới của chúng ta.

II/ Định nghĩa ý thức hệ

Ý thức hệ được định nghĩa là: Các ý tưởng, nhận thức, giá trị và niềm tin chung, thông qua đó những thành viên của một xã hội diễn dịch lịch sử và những sự kiện xã hội đương thời đã định hình các kỳ vọng và khát khao của họ đối với tương lai.

Ý thức hệ thống trị được định nghĩa là một tập hợp các ý tưởng, nhận thức, giá trị và niềm tin mang tính đặc thù được chia sẻ một cách phổ biến nhất và có tác động lớn nhất đến hành động xã hội ở bất kỳ một thời điểm nào trong bất kỳ một xã hội nào.

Một ý thức hệ đối kháng được định nghĩa là một tập hợp các ý tưởng,… được duy trì bởi một thiểu số quan trọng và có tác động đáng kể đến hành động xã hội. Có thể có nhiều hay ít các ý thức hệ đối kháng trong bất kỳ xã hội nào ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào.

Có một định nghĩa khác về ý thức hệ: các ý tưởng và giá trị của giai cấp cầm quyền, được phổ biến thông qua các cơ quan do giai cấp đó kiểm soát theo những phương thức gây sự hoang mang về các thực tại giai cấp đối với các giai cấp phụ thuộc. Ở đây, chúng tôi không sử dụng định nghĩa này.

III/ Những vấn đề ứng dụng

Ý thức hệ và lý thuyết là những thực thể khác nhau, dù chúng cùng được tạo tác từ một vấn đề. Lý thuyết bao gồm các giả thiết hiển nhiên, một nguyên lý nhờ đó các giả thiết được nối kết với các kết luận ở một mặt, và các chứng cứ vật chất có thể thu thập được ở mặt kia. Nhờ định nghĩa, nó mở ra sự thách thức thông qua sự thể hiện các chứng cứ hoàn thiện hay tạo ra tranh luận, hay bởi một phản biện về logic đã gắn kết với những kết luận với các giả thiết. Do vậy, nó không phải là niềm tin, nó cần phải được thẩm tra.

Ở một số cách thức, các lý thuyết là kẻ thù của các ý thức hệ vì chúng có khuynh hướng phân tích mở xẻ các ý thức hệ. Một ai đó đã bắt đầu thế này: “Ừm, tôi tin vào điều này điều khác, tôi cho là tôi sẽ viết tất cả ra theo một cách thức có hệ thống để những người khác cùng nghĩ như tôi”. Rồi trong lúc viết, tác giả bắt đầu thấy có một số cái mâu thuẫn, một số khe hở trong logic, một số cái không tương hợp giữa lý thuyết và chứng cứ. Và người đọc, xem kỹ bản văn đó sẽ bảo rằng: “…nó không được hay cho lắm”. Các lý thuyết phát triển theo thời gian ngày càng đi xa khỏi nền tảng ý thức ban đầu, trở nên phức tạp, logic, quả quyết hơn – nhưng thường là vượt xa những bước khởi đầu của chúng đến nỗi chúng bỏ phần đông những tín đồ lại phía sau.

Các ý thức hệ thông thường thu hút một số người muốn công bố và làm cho chúng có tính hệ thống. Ngoài các lý thuyết gia còn có những nhà thần học, những nhà tiên tri định nghĩa các ý thức hệ, họ cố gắng chứng minh các niềm tin riêng biệt của họ là duy nhất và đúng đắn. Vì lý do này, chúng ta có thể kiểm tra những ý thức hệ như thế thông qua các tác phẩm của các nhà thần học và phát biểu của các nhà tiên tri. Và khi chúng ta bắt đầu trông thấy các giá trị mà họ đề cao, các viễn cảnh không tưởng mà họ vạch ra, chúng ta có thể gọi tên các ý thức hệ và nhận dạng chúng trong mối quan hệ với nhau khi đối chiếu các giá trị đặc thù. Nhưng cũng vì lý do đó, chúng ta cần phân biệt giữa lý thuyết và ý thức hệ, chúng ta cần nhận ra những khác biệt có thể có giữa điều mà các nhà thần học và tiên tri nói với điều mà đại đa số những tín đồ chấp nhận.

Các ý thức hệ có thể được đặt trong phạm vi mà chúng ta nhìn nhận là có tính chất chính trị, nghĩa là, chúng nói về thế giới chính trị và lý giải vì sao quần chúng cần phải được điều hành. Các ý thức hệ khác cũng có thể có những hàm ý về chính trị, nhưng có thể được diễn đạt dường như những hệ thống niềm tin tôn giáo. Mặc dù ngôn ngữ diễn đạt dường như rất khác nhau, thường là có những mối liên hệ gần gũi giữa cái mà mọi người tin tưởng về ý nghĩa của sự tồn tại của nhân loại hay những thuộc tính của thiên nhiên và thần thánh, và cái mà họ tin tưởng về sự điều hành chính trị trong thế giới đương đại.

Ở đây, chúng tôi quan tâm tới các ý thức hệ chủ yếu của xã hội chúng ta, các ý thức hệ thống chính trị và đối kháng đã thúc đẩy một số lượng người rất lớn. Và trước hết, dù không phải là ưu tiên, chúng tôi quan tâm tới việc các ý thức hệ này nối kết ra sao với các sự kiện kinh tế và chính trị. Ngoài các ý thức hệ trung tâm này, còn có những phiên bản khác về thế giới được một thiểu số tán thành. Một số trong các phiên bản này mang các hình thức chính trị, một số khác mang hình thức tôn giáo.

Các ý thức hệ chính trị, rốt cuộc rút gọn lại thành sự nhấn mạnh tương đối đặt trên chủ nghĩa cá thể hơn là chủ nghĩa tập thể, và trên chủ nghĩa bình quân hơn là chủ nghãi phát triển các tầng lớp ưu tú. Chính trong các phạm vi này, chúng ta có thể nhận dạng những khác biệt giữa một ý thức hệ với một ý thức hệ khác. Chúng ta có những tên gọi mang tính chính trị cho nhiều lập trường khác nhau trong xã hội, theo hai đường liên tiến: thứ nhất, từ những người chủ nghĩa cá nhân cực đoan (xã hội tuyệt đối không cần có những đòi hỏi đối với cá nhân, và không cần có luật lệ, chính phủ hay các hạn chế đối với hành động cá nhân) tới những nhà tập thể chủ nghĩa cực đoan (xã hội luôn luôn nằm trên cá thể, và luôn có quyền yêu cầu sự tuân thủ các luật lệ vì lợi ích của cộng đồng); và đường thứ hai, từ chủ nghĩa ưu tú cực đoan (cần có những nhà cai trị và những nhà cai trị phải có quyền lực tuyệt đối) tới chủ nghĩa bình quân cực đoan (tất cả mọi người cần tuyệt đối bình đẳng về điều kiện, chứ không phải chỉ các cơ may). Các khác biệt giữa những lập trường được gọi tên này, có thể được ghi chú lại bởi các nhà lý thuyết, thần học hay tiên tri, nhưng như đã thấy, chúng ta phải cảnh giác đối với việc giả thiết rằng, tất cả những thứ gắn liền với các lập trường được đặt tên có sự kiên định trong các niềm tin của chúng.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Vũ Quang Hà – Các lý thuyết xã hội học T2 – NXB ĐHQG HN 2002.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Hệ ý Thức Là Gì