Ý Thức (triết Học Marx-Lenin) – Wikipedia Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
Có người đề nghị trang Ý thức (triết học) nên được di chuyển thành Ý thức (triết học Marx-Lenin). Xin hãy thảo luận điều đó tại trang yêu cầu di chuyển. Vui lòng không di chuyển trang cho tới khi thảo luận kết thúc. |
Các ví dụ và quan điểm trong bài viết này có thể không thể hiện tầm nhìn toàn cầu về chủ đề này. Vui lòng giúp cải thiện bài viết này hoặc thảo luận về vấn đề này tại trang thảo luận, hoặc tạo bài viết mới sao cho phù hợp. |
Ý thức theo định nghĩa của triết học Mác - Lenin là một phạm trù được quyết định với phạm trù vật chất, theo đó ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất khách quan vào bộ óc con người và có sự cải biến và sáng tạo. Ý thức có mối quan biện chứng với vật chất.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Theo quan điểm của chủ nghĩa Lenin thì trong lịch sử triết học, vấn đề nguồn gốc, bản chất của ý thức là một trong những vấn đề trung tâm của cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Triết học duy vật biện chứng khẳng định, ý thức của con người có nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội.
Mặt tự nhiên
[sửa | sửa mã nguồn]Theo quan điểm của triết học Marx-Lenin, ý thức là một thuộc tính của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc người, là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ não người. Nếu không có sự tác động của thế giới khách quan vào bộ não người và không có bộ não người với tính cách là cơ quan vật chất của ý thức thì sẽ không có ý thức. Bộ não người và sự tác động của thế giới khách quan vào bộ não người là nguồn gốc tự nhiên của ý thức. Các nhân tố bao gồm:
- Bộ óc:
Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định rằng ý thức là thuộc tính của một dạng vật chất sống có tổ chức cao là bộ óc người. Bộ óc người hiện đại là sản phẩm của quá trình tiến hoá lâu dài về mặt sinh vật - xã hội và có cấu tạo rất phức tạp, gồm khoảng 14 - 15 tỷ tế bào thần kinh. Các tế bào này tạo nên nhiều mối liên hệ nhằm thu nhận, xử lý, dẫn truyền và điều khiển toàn bộ hoạt động của cơ thể trong quan hệ với thế giới bên ngoài thông qua các phản xạ có điều kiện và không điều kiện.
- Sự phản ánh:
Cũng theo chủ nghĩa Marx-Lenin, hoạt động ý thức con người diễn ra trên cơ sở hoạt động sinh lý thần kinh của bộ óc người. Sự phụ thuộc của ý thức vào hoạt động của bộ óc thể hiện ở chỗ khi bộ óc bị tổn thương thì hoạt động ý thức sẽ bị rối loạn. Tuy nhiên, nếu chỉ có bộ óc người mà không có sự tác động của thế giới bên ngoài để bộ óc phản ánh lại tác động đó thì cũng không thể có ý thức. Phản ánh là thuộc tính chung, phổ biến của mọi đối tượng vật chất. Phản ánh là năng lực giữ lại, tái hiện lại của hệ thống vật chất này những đặc điểm của hệ thống vật chất khác.
Trong quá trình phát triển lâu dài của thế giới vật chất, thuộc tính phản ánh của vật chất cũng phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp:
- Phản ánh vật lý: Là hình thức phản ánh đơn giản nhất ở giới vô sinh, thể hiện qua các quá trình biến đổi cơ, lý, hoá.
- Phản ánh sinh học: Là những phản ánh trong sinh giới trong giới hữu sinh cũng có nhiều hình thức khác nhau ứng với mỗi trình độ phát triển của thế giới sinh vật.
- Phản ánh ý thức: là hình thức cao nhất của sự phản ánh thế giới hiện thực, ý thức chỉ nảy sinh ở giai đoạn phát triển cao của thế giới vật chất, cùng với sự xuất hiện của con người.
Mặt xã hội.
[sửa | sửa mã nguồn]Để ý thức có thể ra đời, bên những nguồn gốc tự nhiên thì điều kiện quyết định cho sự ra đời của ý thức là nguồn gốc xã hội, thể hiện ở vai trò của lao động, ngôn ngữ và các quan hệ xã hội.
“ | Sau lao động và cùng với lao động là ngôn ngữ đó là hai sức kích thích chủ yếu của sự chuyển biến bộ não loài vật thành bộ não loài người, từ tâm lý động vật thành ý thức | ” |
— Engels[1] |
- Lao động:
Là hoạt động đặc thù của con người, là hoạt động bản chất người. Đó là hoạt động chủ động, sáng tạo, có mục đích. Lao động đem lại cho con người dáng đi thẳng đứng, giải phóng hai tay. Điều này cùng với chế độ ăn có thịt đã thực sự có ý nghĩa quyết định đối với quá trình chuyển hoá từ vượn thành người, từ tâm lý động vật thành ý thức.
“ | Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người, và như thế đến một mức độ và trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta phải nói: Lao động đã sáng tạo ra bản thân con người | ” |
— Engels[2] |
Việc chế tạo ra công cụ lao động có ý nghĩa to lớn là con người đã có ý thức về mục đích của hoạt động biến đổi thế giới. Thực chất của hoạt động lao động là tác động vào thế giới khách quan, làm biến đổi thế giới nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Nhờ có lao động, bộ não con người được phát triển và ngày càng hoàn thiện, làm cho khả năng tư duy trừu tượng của con người ngày càng cao. Cũng là lao động ngay từ đầu đã liên kết con người lại với nhau trong mối liên hệ tất yếu, khách quan. Mối liên hệ đó không ngừng được củng cố và phát triển đến mức làm nảy sinh ở họ một nhu cầu "cần thiết phải nói với nhau một cái gì đó". Và ngôn ngữ xuất hiện.
- Ngôn ngữ:
Theo quan điểm của triết học Mác - Lê nin thì ngôn ngữ là phương tiện để con người giao tiếp trong xã hội, là hệ thống tín hiệu thứ hai, là cái vỏ vật chất của tư duy, là hình thức biểu đạt của tư tưởng. Ngôn ngữ là yếu tố quan trọng để phát triển tâm lý, tư duy của con người và xã hội loài người.
Bản chất
[sửa | sửa mã nguồn]Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng về bản chất, ý thức là sự phản ánh khách quan vào trong bộ óc con người một cách năng động, sáng tạo.
- Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan: Thể hiện rằng nội dung của ý thức do thế giới khách quan quy định. Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan vì nó nằm trong bộ não con người. Ý thức là cái phản ánh thế giới khách quan nhưng nó là cái thuộc phạm vi chủ quan, là thực tại chủ quan. Ý thức không có tính vật chất, nó chỉ là hình ảnh tinh thần, gắn liền với hoạt động khái quát hóa, trừu tượng hóa, có định hướng, có lựa chọn. ý thức là sự phản ánh thế giới bởi bộ não con người
- Ý thức là sự phản ánh sáng tạo thế giới: Ý thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào trong bộ óc con người, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Tuy nhiên, không phải cứ thế giới khách quan tác động vào bộ óc người là tự nhiên trở thành ý thức. Ngược lại, ý thức là sự phản ánh năng động, sáng tạo về thế giới, do nhu cầu của việc con người cải biến giới tự nhiên quyết định và được thực hiện thông qua hoạt động lao động.
“ | Ý thức chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi trong đó | ” |
— Karl Marx[3] |
- Ý thức là sản phẩm lịch sử của sự phát triển xã hội nên về bản chất là có tính xã hội: Ý thức không phải là một hiện tượng tự nhiên thuần túy mà là một hiện tượng xã hội. ý thức bắt nguồn từ thực tiễn lịch sử-xã hội, phản ánh những quan hệ xã hội khách quan.
“ | Ngay từ đầu, ý thức đã là một sản phẩm xã hội, và vẫn như vậy đến chừng nào con người còn tồn tại | ” |
— Karl Marx và Engels[4] |
Theo Lenin thì nếu coi tư tưởng (ý thức) là có tính vật chất tức là một bước sai lầm đến chỗ lẫn lộn chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm.[5]
Cấu tạo của ý thức
[sửa | sửa mã nguồn]Ý thức là một hiện tượng tâm lý - xã hội có kết cấu rất phức tạp bao gồm nhiều thành tố khác nhau có quan hệ với nhau. Có thể chia cấu trúc của ý thức theo hai chiều:
- Theo chiều ngang: Bao gồm các yếu tố như tri thức, tình cảm, niềm tin, lý trí, ý chí..., trong đó tri thức là yếu tố cơ bản, cốt lõi.
- Theo chiều dọc: Bao gồm các yếu tố như tự ý thức, tiềm thức, vô thức, trong đó tự ý thức ở cấp độ sâu nhất.
Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức
[sửa | sửa mã nguồn]Lê nin: Sự đối lập giữa vật chất và ý thức chỉ có ý nghĩa tuyệt đối trong những phạm vi hết sức hạn chế, trong trường hợp này chỉ giới hạn trong vấn đề nhận thức luận cơ bản là thừa nhận cái gì có trước và sau? Ngoài giới hạn đó thì không còn nghi ngờ gì nữa đằng sau sự đối lập đó là tương đối.[6]
Vật chất quyết định ý thức
[sửa | sửa mã nguồn]Vật chất là cái có trước, ý thức có sau. Vật chất quyết định ý thức, còn ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất vào trong bộ não con người. Vật chất quyết định nguồn gốc của ý thức: không có sự tác động của thế giới khách quan vào trong bộ não người thì sẽ không có ý thức. Ý thức là sản phẩm của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ não người. Thế giới vật chất là nguồn gốc khách quan của ý thức. Vật chất quyết định nội dung của ý thức: ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, nội dung của ý thức mang tính khách quan, do thế giới khách quan quy định. Vật chất quyết định bản chất của ý thức. Vật chất quyết định phương thức, kết cấu của ý thức.
Sự tác động của ý thức
[sửa | sửa mã nguồn]Sự tác động của ý thức đối với vật chất phải thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Biểu hiện ở chỗ: ý thức trang bị cho con người sự hiểu biết về thế giới xung quanh, giúp con người xác định mục tiêu, lựa chọn phương pháp cho hoạt động của mình tạo nên ở con người tình cảm, niềm tin, ý chí, thôi thúc con người nỗ lực hành động để đạt được mục tiêu đề ra. Ý thức có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự vận động, phát triển của những điều kiện vật chất ở những mức độ nhất định.
Nếu ý thức phản ánh phù hợp với hiện thực thì nó sẽ làm thúc đẩy sự phát triển của các điều kiện vật chất. Nếu ý thức phản ánh không phù hợp với hiện thực thì nó sẽ kìm hãm sự phát triển của các điều kiện vật chất. Song sự kìm hãm đó chỉ mang tính tạm thời, bởi vì sự vật vận động theo các quy luật khách quan vốn có của nó, nên nhất định phải có ý thức tiến bộ, phù hợp, thay thế cho ý thức lạc hậu, không phù hợp.
Trong cuộc đấu tranh, bút chiến về quan hệ vật chất và ý thức Ph.Ăng-ghen đã bảo vệ quan điểm của Các Mác và phê phán lại rằng khi đấu tranh với những người theo chủ nghĩa duy tâm, Mác buộc phải nhấn mạnh vào cái nguyên lý chủ yếu mà họ phủ nhận, nhưng không có nghĩa là hạ thấp vai trò của ý thức, tinh thần. Chỉ có chủ nghĩa duy vật tầm thường, không biện chứng mới phủ nhận, coi nhẹ tác động của tinh thần mà thôi.[7]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Biện chứng của tự nhiên, Engels, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, năm 1971, trang 259
- ^ Biện chứng của tự nhiên, Engels, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, năm 1971, trang 251-252
- ^ C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập. Nhà xuất bản chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, năm 1993. tập 23, trang 35
- ^ C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, tập I. Nhà xuất bản chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, năm 1980, trang 290
- ^ VI. Lê nin: Toàn tập, tập 18, Nhà xuất bản Tiến bộ, Matcova, 1980, trang 300
- ^ Lê nin: Toàn tập, tập 18, Nhà xuất bản tiến bộ, Matcova, năm 1980, trang 173
- ^ Triết học Mác – Lenin, chương trình cao cấp, tập II, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1994, trang 50
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2006
- Giáo trình Triết học Mác - Lê nin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2006
- Giáo trình Triết học Mác – Lê nin, Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2004
- Giáo trình đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2006
- Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2006
- Giáo trình Kinh tế học Chính trị Mác – Lê nin (tái bản), Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2005
- Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (tái bản có sửa đổi, bổ sung), Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2003
- Nhập môn Marx, Rius (Eduardo del Rio), người dịch: Nguyễn Hà, hiệu đính: Bùi Văn Nam Sơn, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2006
- Một số vấn đề Triết học Mác – Lenin: Lý luận và thực tiễn (tái bản có bổ sung), Lê Doãn Tá, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2003
- Triết học Mác – Lenin (tập II), Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, năm 1994 (xuất bản lần thứ ba)
- Triết học Mác – Lenin (tập III), Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, năm 1994 (xuất bản lần thứ ba)
- Triết học Mác – Lenin (tập II), Vụ Công tác Chính trị - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 1996
- Kinh tế Chính trị Mác – Lenin (in lần thứ 2 có sửa chữa, bổ sung), Vũ Anh Tuấn, Phạm Quang Phân, Tô Đức Hạnh, Nhà xuất bản Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2007
- 100 câu hỏi và bài tập kinh tế chính trị Mác – Lenin (tái bản lần thứ 5), An Như Hải, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội, năm 2008
- Chính trị, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Chủ biên: Lê Thế Lạng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2004 (tái bản có bổ sung, sửa chữa)
- Triết học
Từ khóa » Tồn Tại Khách Quan Là Cái Gì
-
Tồn Tại Khách Quan Là Gì? Tồn Tại Khách Quan Là Tồn Tại Thế Nào?
-
Khách Quan Là Gì? Phân Biệt Một Số Khái Niệm Của Triết Học
-
Tồn Tại Khách Quan Là Tồn Tại Như Thế Nào? - Đọc Tài Liệu
-
[PDF] Vật Chất Là Một Phạm Trù Nền Tảng Của Chủ Nghĩa Duy Vật Triết
-
Tồn Tại Khách Quan Nghĩa Là Gì - Học Tốt
-
Định Nghĩa Vật Chất Của Lênin? - Luật Hoàng Phi
-
Vật Chất (triết Học) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Suy Nghĩ Về Vận Dụng Triết Học Marx-Lenin Vào Công Tác Xác
-
Sự Vận Dụng ý Nghĩa Mối Quan Hệ Giữa Khách Quan Và Chủ Quan ...
-
Theo Triết Học Mác - Lênin - Bản Chất Của Nhận Thức Là Gì? - Luật Havip
-
ĐỀ CƯƠNG CHUYÊN ĐỀ 1 – CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN
-
Quan điểm Của Chủ Nghĩa Mác - Lênin Về Tôn Giáo Và Sự Vận Dụng ...
-
Phạm Trù Vật Chất Của Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng Trong "Chủ ...