Ý TƯỞNG ẨM THỰC KIỂU MỚI (SNYT 2)

VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ Ý TƯỞNG

Thị trường ẩm thực ở Việt Nam vô cùng lớn, kinh doanh ẩm thực sẽ thu “tiền tươi thóc thật” nhưng cũng rất gian nan, nếu bạn thật sự có niềm đam mê và năng khiếu ẩm thực thì mới nên dấn thân.

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu của con người. Kinh doanh ẩm thực là hướng đi đầy thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng. Để kinh doanh thành công, trước tiên người khởi nghiệp phải trả lời được hai câu hỏi hóc búa đó là “Kinh doanh theo mô hình nào?” và “Phương pháp kinh doanh làm sao?” trước khi gia nhập thị trường.

Để tìm ra mô hình kinh doanh mới, chúng ta hãy lượn một vòng thị trường xem thói quen ăn uống của dân ta thế nào. Thông thường mọi người sẽ tự nấu ăn hoặc ăn đồ người khác nấu ở nhà. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng làm như vậy. Đôi khi họ mua đồ ăn đã chế biến sẵn ở ngoài về nhà ăn. Đôi khi họ ra ngoài ăn… Dù ăn ở đâu, dưới hình thức nào, con người luôn muốn ăn trong khung cảnh tốt, được phục vụ chu đáo, đồ ăn thật hoàn hảo…, nhưng chi phí giảm tối đa, thời gian lại nhanh nhất… Với những yêu cầu này chắc chắn ở nhà nấu ăn cũng như ra đường không phải lựa chọn tốt nhất. Vậy mô hình kinh doanh nào có thể đáp ứng được những yêu cầu đó? Câu trả lời chính là mô hình Ẩm thực kiểu mới. Chỉ khi bạn đáp ứng được tất cả nhu cầu về ăn uống của con người một cách chuyên nghiệp, thì bạn mới đạt đến thành công rực rỡ trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực mà thôi!

Tôi thấy thị trường hiện nay rất bát nháo. Người kinh doanh luôn tìm mọi cách moi tiền của khách hàng, điều này khiến cho giá cả hàng hóa bị đẩy lên rất cao. Muốn sự nghiệp của mình trường tồn bạn phải tìm cách làm lợi cho cả đôi bên, không nên chăm chắm làm lợi cho mình. Đã gọi là kinh doanh chuyên nghiệp thì phải đem đến cho khách hàng nhiều lợi ích. Không ý thức cao độ mình là người phục vụ khách hàng thì không thể hoạt động tốt trong lĩnh vực dịch vụ được.

Tại sao bạn không tìm cách tự cung tự cấp hay hợp tác với người khác để đem lại nhiều nguồn lợi cho khách hàng? Bạn chỉ biết bán rau, bán thịt thôi ư? Tại sao không trồng rau, nuôi heo…? Bạn chỉ biết cung cấp thực phẩm? Tại sao không liên kết với người khác để cung cấp không gian ăn uống, các tour ăn uống, sự kiện ăn uống …? … Phải đa dạng hóa, đa phương hóa để nâng cao chất lượng phục vụ. Phải sáng tạo, đổi mới không ngừng để lôi kéo khách hàng. Với tốc độ phát triển chóng mặt của xã hội mà “ngồi một chỗ” thì chỉ có đi xuống.

Trong kinh doanh, tôi ghét nhất là sự không rõ ràng. Cứ mập mờ để khách hàng nhầm lẫn là người không tốt. Bạn phải đặt tất cả lên bàn. Việc đó như thế nào, chi phí ra làm sao. Phải thỏa thuận trước, cụ thể, rõ ràng … với khách hàng, khách hàng đồng ý thì làm. Nếu bạn làm ăn một ngày với một người thì giở mánh khóe còn sống được, nhưng nếu bạn làm ăn nhiều ngày với nhiều người thì giở mánh khóe có bền không? Nhiều người suy nghĩ nông cạn, thấy lợi trước mắt là lao vào làm. Như thế là họ tự đưa mình vào ngõ cụt. Suy nghĩ nhỏ nhen, hành động chụp giật … không còn thích hợp trong thời buổi này nữa. Bạn phải học cách làm ăn đàng hoàng để tồn tại và phát triển.

Trước khi đưa ra hình kinh doanh này tôi đã tham khảo nhiều mô hình kinh doanh tương tự. Khi vào một số trang web kinh doanh ẩm thực tôi thấy họ trình bày rất sơ sài. Một trang web hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực đâu có làm như vậy. Khách hàng muốn biết nguyên liệu đó thu mua ở đâu, món ăn đó chế biến ra sao; chương trình đó tổ chức thế nào … Nói chung họ muốn bạn phải mô tả tỉ mỉ cách thức bạn sẽ làm để họ có cơ sở quyết định có nên sử dụng dịch vụ, mua hàng của bạn hay không. Kinh doanh bài bản mà làm auk h khách hàng sẽ không tin tưởng.

Ở mô hình kinh doanh này chúng ta có thể:

- Mở chuỗi cửa hàng kinh doanh ẩm thực. Ở đây chúng ta bán thực phẩm sơ chế và chế biến sẵn, phục vụ nhu cầu ăn uống của khách hàng tại chỗ hay mang đi. Nếu khách hàng có nhu cầu giao hàng tận nhà chỉ cần khách hàng liên hệ với chúng ta là trong vài phút có người giao hàng tận nhà cho khách hàng.

- Phát triển những dịch vụ phục vụ nhu cầu ẩm thực như: Cho thuê phụ việc, đầu bếp; phục vụ; ca sĩ, diễn viên, MC …; cho thuê trang thiết bị, máy móc, dụng cụ; dạy nấu ăn hay kinh doanh ẩm thực; tư vấn và tổ chức sự kiện (có tiệc tùng) …

Như vậy, mô hình Ẩm thực kiểu mới là sự kết hợp bốn mô hình: Nhà vườn + siêu thị + nhà hàng + dịch vụ. Nhu cầu về thực phẩm sạch ngày một lớn nhưng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan làm cho niềm tin của người dân dành cho những nhà phân phối dần giảm sút. Họ đặt niềm tin vào siêu thị nhưng hàng trong nhiều siêu thị vẫn không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, giá cả ở siêu thị lại cao, nhiều siêu thị không bán đủ loại thực phẩm sơ chế, chế biến sẵn, cũng như cung cấp những dịch vụ về ẩm thực. Khách hàng tìm đến hàng quán lề đường nhưng cũng không khá hơn, còn nhà hàng thì thu nhập của người dân làm sao kham nổi? Một số cá nhân, tổ chức nhận thấy điều này đã tìm cách lấp vào khoảng trống – hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ẩm thực, nhưng do trình độ, phẩm chất, năng lực, nguồn vốn … hạn chế họ không thể biến doanh nghiệp của mình thành “vị cứu tinh”.

Dưới đây tôi sẽ diễn giải ý tưởng cụ thể hơn cho bạn hiểu:

Trước tiên, bạn cần thành lập một ban điều hành mô hình Ẩm thực kiểu mới. Ban điều hành này có nhiệm vụ phát triển mô hình Ẩm thực kiểu mới theo các hướng sau đây:

Hướng A: Mở chuỗi cửa hàng kinh doanh ẩm thực và dịch vụ về ẩm thực. Ở đây chúng ta sẽ bán thực phẩm sơ chế và chế biến sẵn, phục vụ nhu cầu ăn uống của khách hàng tại chỗ hay mang đi. Thông qua chuỗi cửa hàng kinh doanh ẩm thực này chúng ta sẽ phát triển vô số loại hình dịch vụ phục vụ cho nhu cầu ẩm thực của khách hàng (khách hàng có thể liên hệ với chuỗi cửa hàng ẩm thực để được đáp ứng những nhu cầu của mình). Có thể kể một số loại hình dịch vụ ẩm thực như:

- Khách hàng đặt hàng thực phẩm (sống và chín) ở chuỗi cửa hàng ẩm thực => chúng ta lấy hàng, sơ chế/chế biến cho khách hàng => khách hàng có thể đến chuỗi cửa hàng ẩm thực lấy hoặc chúng ta sẽ giao đến nơi khách hàng chỉ định.

- Tư vấn và tổ chức sự kiện (có tiệc tùng) cho khách hàng. Tất nhiên, để tổ chức sự kiện theo đúng kịch bản của khách hàng chúng ta phải có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp cộng với đội ngũ hỗ trợ từ phía bên ngoài. Sự kiện mà chúng ta “đánh” chủ lực là tổ chức tiệc nhóm nhỏ ở nhà khách hàng hoặc nơi khách hàng chỉ định (chúng ta có thể thuê cho khách hàng hoặc khách hàng tự thuê).

- Cho thuê người phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách hàng như người đi chợ, đầu bếp chính, người phụ bếp, phục vụ bàn, người rửa chén, người dọn dẹp, người lau chùi, ca sĩ, diễn viên, MC …

- Cho thuê trang thiết bị, máy móc, dụng cụ … phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách hàng hoặc phục vụ công việc kinh doanh ẩm thực của khách hàng.

- Dạy nấu ăn, trang trí món ăn, tổ chức sự kiện …

- Dạy kinh doanh về ẩm thực.

Hướng B: Phát triển những kênh cung cấp các sản phẩm và dịch vụ về ẩm thực trên mạng internet. Đặc biệt là phát triển các website, trang mạng xã hội, fanpage … Thông qua những kênh bán hàng trên mạng internet chúng ta sẽ bán các sản phẩm và dịch vụ về ẩm thực mà chúng ta đã kể ở trên. Mỗi hướng triển khai đều cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình để những hướng khác hoạt động thuận lợi, nhưng hướng B có vai trò quan trọng vì độ phủ sóng của nó rất rộng. Muốn phát triển lớn mạnh phải chú trọng đầu tư cho truyền thông.

Hướng C: Chúng ta sẽ tự mình xây dựng những đội ngũ bán hàng hoặc hợp tác với những cá nhân, tổ chức có năng lực bán hàng rong ruổi trên mọi nẻo đường trên thế giới này để đem về những hợp đồng ẩm thực. Những đội ngũ này sẽ tiếp xúc thường xuyên với từng người dân để lấy bằng được đơn hàng từ họ. Thông qua những đội ngũ này chúng ta sẽ bán các sản phẩm và dịch vụ về ẩm thực mà chúng ta đã kể ở trên.

………………….

Những món ăn mà chúng ta phát triển trong mô hình Ẩm thực kiểu mới là tất cả món ăn trên thế giới. Chủ yếu là món ăn Việt Nam. Những món ăn này có thể được chúng ta cải tiến lại hoặc sáng tạo hoàn toàn.

Giá sản phẩm và dịch vụ mà chúng ta đưa ra sẽ rẻ hơn giá bình quân trên thị trường nhưng chất lượng lại vượt trội, thậm chí đặc sắc hơn hẳn. Giá rẻ đến từ cách thức tổ chức sản xuất, thu mua, quản lí, tổ chức … kinh doanh, chứ không phải chúng ta giảm chất lượng hay số lượng sản phẩm, dịch vụ.

Chúng ta thực hiện khép kín chu trình kinh doanh từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra để có những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất phục vụ cho khách hàng. Ví dụ, chúng ta sẽ hợp tác với nhà sản xuất hoặc tự mình sản xuất theo kĩ thuật mình đưa ra, quản lí và kiểm nghiệm để có những nguyên vật liệu đúng chuẩn. Chúng ta không lấy nguyên vật liệu từ những nhà sản xuất không hợp tác với chúng ta. Mọi thông tin về xuất xứ nguyên vật liệu đều được chúng ta công bố rộng rãi và thường xuyên. Chúng ta sẽ mua bảo hiểm hoặc bồi thường cho khách hàng khi có bất cứ sự cố về an toàn thực phẩm nào do chúng ta gây ra. Tất nhiên, chúng ta sẽ tuân thủ qui trình kinh doanh theo qui định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lí.

Chúng ta cam đoan sẽ đem lại lợi ích cho khách hàng vượt trội hơn những đối thủ cạnh của mình như: Chất lượng, số lượng món ăn (bao gồm vệ sinh an toàn thực phẩm), giá cả, cung cách phục vụ, thời gian phục vụ, không gian ăn uống, tiện ích mua sắm/sử dụng …

Ưu điểm của mô hình Ẩm thực kiểu mới so với những mô hình ẩm thực hiện nay là:

- Đáp ứng nhu cầu ẩm thực của khách hàng một cách tốt nhất. Ví dụ, chất lượng, số lượng, giá cả, cung cách phục vụ, thời gian phục vụ, không gian ăn uống, tiện ích mua sắm/sử dụng …

- Phạm vi hoạt động của mô hình vô cùng sâu rộng, không bỏ sót bất cứ thị trường ngách nào, vì lẽ đó nó có thể đạt được mức lợi nhuận lớn.

- Mô hình tác động tích cực đến nhiều cá nhân, tổ chức ngành nghề liên quan, chính vì vậy, sẽ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thay đổi nhận thức, hoàn thiện kĩ năng, cung cấp kĩ thuật … cho nhiều người, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng, thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển và tiến bộ.

- Ở những mô hình ẩm thực cũ, họ kiếm tiền bằng cách bán sản phẩm, dịch vụ của mình, ở mô hình Ẩm thực kiểu mới này chúng ta kiếm tiền bằng cách giúp khách hàng có những bữa ăn sạch sẽ, ngon bổ và vui vẻ.

- Ở những mô hình ẩm thực cũ, nhân viên phục vụ tập trung tại một chỗ và có thể họ chỉ phục vụ được khách hàng ở trong vùng địa lí nào đó, ở mô hình Ẩm thực kiểu mới này nhân viên và khách hàng ở khắp mọi nơi. Tương lai chúng ta sẽ kết nối những người gia nhập mạng lưới của mình và khách hàng qua mạng internet, sao cho việc phục vụ ăn uống và ăn uống trở nên nhanh chóng, tiện lợi nhất.

Mô hình kinh doanh Ẩm thực kiểu mới được minh họa qua hình dưới đây:

Chú thích:

- A: Chuỗi cửa hàng kinh doanh ẩm thực và dịch vụ về ẩm thực.

- B: Những kênh cung cấp các sản phẩm và dịch vụ về ẩm thực trên mạng internet.

- C: Những đội ngũ bán hàng trực tiếp đến khách hàng.

- D: Những cá nhân, tổ chức có nguồn lực phục vụ cho mô hình Ẩm thực kiểu mới; những cơ sở vật chất do ban điều hành mô hình Ẩm thực kiểu mới xây dựng, phụ trách và sở hữu.

- E: Những cá nhân, tổ chức có nguồn lực phục vụ cho mô hình Ẩm thực kiểu mới hợp tác với ban điều hành mô hình Ẩm thực kiểu mới.

NHỮNG LƯU Ý TRƯỚC KHI THỰC HIỆN

+ Để thành công bạn cần chuẩn bị kĩ càng trước khi khởi nghiệp. Một trong những công việc bạn cần đầu tư kĩ lưỡng, bài bản là bản kế hoạch kinh doanh. Không có kế hoạch trước khi làm bất cứ điều gì bạn cũng khó thu lại kết quả cao. Khi bắt tay vào hoàn thiện bản kế hoạch kinh doanh của mình, bạn cần phải:

  • Liệt kê cụ thể những đối thủ cạnh tranh ở nơi bạn kinh doanh. Đó là những đối tượng cụ thể nào? Lập bảng so sánh điểm mạnh, điểm yếu của họ so với mô hình kinh doanh của bạn, để từ đó hoạch định ra sách lược đánh bại họ.
  • Liệt kê cụ thể những nhà cung cấp và những thông tin liên quan đến họ (ở đâu, cung cấp gì, kĩ thuật sản xuất ra sao, tiêu chuẩn chất lượng thế nào …?).
  • Lên danh sách tuyển dụng những người phù hợp.
  • Lên danh sách những nguồn lực tài chính. Chúng hiện có bao nhiêu? Và cách để huy động chúng? …
  • Lên danh sách những nguồn lực. Chúng là gì? Có bao nhiêu? Hiện trạng thế nào? …
  • Bạn cần soạn ra chính sách, lập ra sơ đồ quản lí nhân viên.
  • Bạn cần soạn ra chính sách đãi ngộ nhân viên. Lương? Ngoài giờ? Phụ cấp? Thưởng? Hỗ trợ? Phải thật cụ thể.
  • Bạn cần soạn ra những qui định làm việc: Giờ giấc? Đồng phục? Trang thiết bị? Thậm chí soạn cả những qui định chi tiết trong từng công việc cụ thể.

+ Chú trọng xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Xây dựng thương hiệu ở đây phải hiểu là xây dựng hình ảnh tổ chức từ những điều nhỏ nhất. Xây dựng thương hiệu phải gắn liền với xây dựng văn hóa tổ chức. Khi xây dựng thương hiệu, bạn phải làm cho khách hàng nhận ra bạn là ai, thế mạnh của bạn là gì (bạn đem lại lợi ích gì cho khách hàng mà những đối thủ khác không bằng bạn). Nói chung, bạn phải làm nổi bật thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng ở những “điểm nhấn” do chính bạn tạo ra. Bạn nên định vị thương hiệu dựa vào những gợi ý dưới đây:

  • Sản phẩm/dịch vụ của bạn đem đến cho khách hàng lợi ích gì?
  • Bạn phục vụ khách hàng như thế nào?
  • Khách hàng cảm nhận được điều gì khi đến với bạn?

+ Để giảm chi phí, tôi khuyến khích bạn phát huy thế mạnh từ những gì mình có; mua lại những đồ cũ sau đó sửa sang, tân trang lại; tái chế đồ bỏ đi; tìm những giải pháp tiết kiệm nguyên vật liệu… ngay từ đầu.

+ Chú ý kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức để lấy đơn hàng vào các dịp họ có nhu cầu. Bạn cũng nên dành nhiều ưu đãi cho những khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn nhiều lần.

+ Theo thời gian các yếu tố như nhu cầu, tâm lí … của khách hàng thay đổi, bạn cần biết thay đổi không gian, món ăn, cung cách, dịch vụ … Luôn luôn nghiên cứu phát triển thì sự nghiệp của bạn mới trường tồn.

+ Quản lí mô hình Ẩm thực kiểu mới là rất phức tạp. Nếu chưa có kiến thức và kinh nghiệm thì bạn phải học tập, trải nghiệm mới có thể làm tốt.

+ Kinh doanh ẩm thực phải có lương tâm. Đó là thứ giúp bạn trường tồn. Chính vì vậy, bạn nên chọn những phương pháp đúng đắn, món ăn lành mạnh. Tuyệt đối không chơi trò “bẩn thỉu”. Công bằng với khách hàng thì họ mới tín nhiệm bạn.

+ Phải hiểu rõ nguồn lực của mình, đặt ra mục tiêu rõ ràng mà mình có thể đạt được, sau đó phân bổ nguồn lực của mình vào từng công việc cụ thể một cách hợp lí.

+ Mô hình Ẩm thực kiểu mới có 3 hướng phát triển là A, B, C, nhưng phải biết phát triển hướng nào trước, hướng nào sau (chứ không phải phát triển đồng loạt). Bên cạnh đó, còn phải biết điều tiết nhịp độ phát triển của các hướng (nghĩa là phát triển với tốc độ như thế nào).

+ Để mô hình Ẩm thực kiểu mới phát triển, ngay từ đầu phải chuẩn hóa tất cả các công việc, như là:

  • Chuẩn hóa sản phẩm. Ví dụ, các món ăn phải đạt những tiêu chuẩn nào? Các tiêu chuẩn đó phải được các tổ chức uy tín chứng nhận. Sau đó công bố các tiêu chuẩn này ra công chúng. Các món ăn phải được chế biến làm sao? Làm thực nghiệm, sau đó lập ra công thức riêng, thao tác riêng … để huấn luyện cho nhân viên. Làm sao cho chất lượng tốt nhất và đồng nhất, chi phí (nhân công, thời gian, nguyên liệu …) tối ưu …
  • Chuẩn hóa dịch vụ. Ví dụ, phong cách, thái độ, cư xử, hành động … của nhân viên phục vụ khi tiếp khách ở từng trường hợp cụ thể như thế nào. Không chuẩn hóa được dịch vụ sẽ không thể đảm bảo được chất lượng dịch vụ khi qui mô tổ chức ngày càng lớn mạnh.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt đẹp hơn, đặc sắc hơn, thậm chí phát triển nhiều sản phẩm phục vụ những nhu cầu riêng nào đó.

Ngoài ra, còn phải chuẩn hóa tất cả công việc có liên quan đến mô hình kinh doanh này.

+ Tạo những nền tảng vững chắc ngay từ đầu để tổ chức phát triển lâu dài. Ví dụ:

  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất.
  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nguyên liệu, cơ sở vật chất … tốt nhất phục vụ mô hình Ẩm thực kiểu mới. Kết nối mọi người (từ người bình thường đến người xuất sắc) để mô hình Ẩm thực kiểu mới phát triển mạnh mẽ. Đầu tư vào các mô hình chăn nuôi, trồng trọt … phục vụ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp mô hình kinh doanh này. Ngoài ra còn tăng cường đầu tư ngoài ngành để tài chính vững chắc.
  • Tìm kiếm, nghiên cứu, đầu tư vào nhân tài, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ để luôn là người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực. Đừng bao giờ cho rằng ẩm thực chỉ gói gọn trong vài ba món ăn/uống, nguyên liệu nào đó, hãy cố gắng tìm tòi ra nhiều món ăn/uống, nguyên liệu mới để sự nghiệp thăng hoa.

+ Không phát triển ồ ạt, đồng loạt mà chọn ra những “đại biểu” rồi tập trung vào phát triển chúng đạt đến mức độ nào đó mới chọn tiếp những “đại biểu” khác. Ví dụ, trong khoảng thời gian nào đó, trong vùng địa lí nào đó, trong một không gian nào đó… chọn ra một số món ăn để phát triển chủ lực. Khi những món ăn này đạt mục tiêu đề ra sẽ chọn tiếp những món ăn khác để phát triển tiếp. Cách làm này sẽ giúp tổ chức vừa tinh nhuệ vừa tài hoa.

+ Đặt ra chỉ tiêu, lập ra kế hoạch, đưa ra phương pháp, hoạch định chiến lược, chuẩn bị nguồn lực, đầu tư kĩ càng… trước khi bán hàng. Chú trọng tìm kiếm, bồi dưỡng, đãi ngộ… đội ngũ bán hàng để tổ chức ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, không được quên tầm quan trọng của hoạt động bán hàng qua mạng vì thời buổi này là thời buổi công nghệ thông tin. Nếu có thể hãy nghiên cứu viết ra các ứng dụng giúp cho việc bán hàng và mua hàng trở nên tiện lợi, nhanh chóng… hơn.

+ Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của tổ chức nói riêng và hình ảnh của ẩm thực Việt Nam nói chung. Phải coi trọng hoạt động quảng bá và phải quảng bá tích cực, thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn còn phải liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi. Làm sao để tổ chức của bạn có thể phục vụ được nhiều người là bạn thành công.

+ Trong buổi đầu khởi nghiệp bạn chú ý áp dụng 3 chính sách sau:

  • Tập trung phục vụ tốt khách hàng ở nơi kinh doanh.
  • Ưu tiên phát triển những món ăn có thể phục vụ tốt nhu cầu nhiều đối tượng, sau đó mới phát triển những món ăn chuyên biệt.
  • Phát triển đội ngũ bán hàng trực tiếp tấn công thị trường.

+ Để có thể trả lời được câu hỏi “Ngân sách marketing bao nhiêu?”, bạn cần phải liệt kê chi tiết mọi thứ, sau đó phân tích kĩ lưỡng trước khi quyết định. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp giỏi sẽ trả lời được những câu hỏi:

  • Cần chi ở đâu? Hãy xác định những “điểm chi” hiệu quả và chỉ chi cho những “điểm chi” đó! Thậm chí tìm ra cách để không phải chi.
  • Chi bao nhiêu?
  • Chi như thế nào (lập kế hoạch chi)?

+ Dựa vào sách lược marketing đưa ra, bạn bắt đầu lên kế hoạch marketing cụ thể. Đầu tiên doanh nghiệp làm gì, sau đó làm gì nữa, chi phí cho những công việc ấy bao nhiêu …?

Marketing về cái gì? Ở đâu? Ra sao? Ba nguyên tắc cơ bản cần nắm trước khi lập một kế hoạch marketing là: Segment (phân loại khách hàng); Target (chọn khách hàng mục tiêu); Position (định vị thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng). Khách hàng phải là điểm xuất phát đồng thời là điểm cuối cùng của mọi hoạt động marketing.

Nên lập kế hoạch marketing dựa theo 4P (Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), Promotion (xúc tiến)). Sản phẩm/dịch vụ là cái bạn định đem bán. Nó có chất lượng, mẫu mã, màu sắc, kích cỡ, bao gói, dịch vụ kèm theo … như thế nào? Giá cả là số tiền bạn mong muốn khách hàng trả khi mua sản phẩm/dịch vụ của bạn. Để định giá sản phẩm/dịch vụ bạn phải nắm được nhiều vấn đề, trong đó có 3 vấn đề cơ bản là chi phí bạn phải bỏ ra, mức giá khách hàng chấp nhận, giá bán của các đối thủ. Giá bán sản phẩm/dịch vụ của bạn có cạnh tranh nổi với giá bán sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ? Tại sao họ bán giá rẻ hay đắt hơn bạn? Địa điểm là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh. Liệu địa điểm diễn ra hoạt động kinh doanh có đem lại hiệu quả kinh doanh như mong đợi? Nếu khách hàng ở xa thì bạn có giao hàng đến tay họ hay không? Xúc tiến là hoạt động lôi kéo khách hàng mua hàng của bạn. Bạn có những hoạt động xúc tiến nào để lôi kéo khách hàng?

+ Bạn hãy lên kế hoạch bán hàng dựa vào những câu hỏi dưới đây:

  • Mục tiêu của bạn là gì?
  • Bạn sẽ triển khai bao nhiêu kênh bán hàng, điểm bán hàng? Ví dụ: Mở cửa hàng, mở điểm bán, lập trang web…
  • Những kênh bán hàng đó được triển khai cụ thể ra sao? Ví dụ: Làm cái gì? Tuyển những ai? Đào tạo ra sao?…
  • Trong thời gian bao lâu (đưa ra các mốc thời gian cụ thể cho từng công việc cụ thể)?
  • Chi phí để triển khai các công việc cụ thể?
  • Những hoạt động hỗ trợ bán hàng?
  • Cách thức phòng ngừa rủi ro?

+ Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho những người khởi nghiệp thất bại là không quản lí tài chính chặt chẽ. Muốn quản lí tài chính chặt chẽ bạn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Trước khi chi tiêu bạn phải lập ra kế hoạch chi tiêu. Trong kế hoạch chi tiêu bạn phải trả lời được các câu hỏi: Chi tiêu vào cái gì? Tại sao lại chi tiêu vào cái đó? Có cách nào để không chi tiêu vào cái đó mà vẫn đạt được mục tiêu hay không? Nếu phải chi tiêu vào cái đó thì cách thức chi tiêu nào là tối ưu? Làm sao chi tiêu không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi? Chi lúc nào? Chi bao nhiêu?
  • Khi đồng tiền chạy đến tay bạn phải lập ra kế hoạch quản lí đồng tiền sao cho không thất thoát. Trong kế hoạch quản lí đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Tại sao phải quản lí đồng tiền? Quản lí đồng tiền như thế nào, bằng phương pháp nào? Làm sao để quản lí đồng tiền không gặp rủi ro?
  • Cuối cùng, bạn phải có kế hoạch tái đầu tư đồng tiền sao cho hiệu quả. Bạn phải lập ra kế hoạch đầu tư đồng tiền. Trong kế hoạch đầu tư đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Đầu tư vào cái gì? Tại sao lại đầu tư vào cái đó (nếu đầu tư vào cái đó mà không đem lại hiệu quả sẽ không đầu tư nữa)? Làm sao đầu tư không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi tối ưu? Đầu tư lúc nào? Đầu tư bao nhiêu?

*Bạn nào quan tâm đến Ý tưởng này, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ email: contact@anastar.vn | anastar1512@gmail.com hoặc số điện thoại: 0928.53.80.89 | 0389.35.79.85 để biết thêm chi tiết! Hoặc cách khác, bạn cũng có thể gửi câu hỏi / yêu cầu cụ thể qua Bản đăng kí sau đây: http://bit.ly/TuVanKhoiNghiep

Chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống!

Từ khóa » Những ý Tưởng Về ẩm Thực