Yakuza – Wikipedia Tiếng Việt

Bài này viết về tổ chức tội phạm tại Nhật Bản. Đối với loạt game, xem Yakuza (sê-ri trò chơi).
Bài viết hoặc đoạn này cần người am hiểu về chủ đề này trợ giúp biên tập mở rộng hoặc cải thiện. Bạn có thể giúp cải thiện trang này nếu có thể. Xem trang thảo luận để biết thêm chi tiết. (tháng 12/2024)
Yakuza
"Yakuza" viết bằng katakana
Nguồn gốcKabukimono
Khởi lậpThế kỷ 17
Số thành viên thực tế34.500 người (năm 2017)[1]
Thủ lĩnh
  1. Yamaguchi-gumi
  2. Sumiyoshi-kai
  3. Inagawa-kai
  4. Aizukotetsu-kai
  5. Toa-kai
Hoạt độngTống tiền, cướp, cờ bạc bất hợp pháp, sòng bạc, giết người, mại dâm, buôn lậu

Yakuza (やくざ hay ヤクザ), còn được biết đến với tên gọi gokudō (極道 (cực đạo), gokudō?), là thành viên của các tổ chức tội phạm truyền thống ở Nhật Bản. Ngày nay Yakuza là một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới. Các Yakuza thường có đặc điểm để nhận biết, đó là hình xăm Irezumi (hình xăm truyền thống của Nhật Bản).

Nguồn gốc ra đời và lịch sử phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]
Một yakuza với hình xăm rồng đang chạy đến để giúp đồng đội của mình, người đang chống lại cảnh sát.

Vào thời kỳ các sứ quân (thời kỳ Edo, 1603–1867), Yakuza chỉ gồm những nhóm tội phạm nhỏ, chuyên bảo kê cho các chợ phiên sau đó thì làm lính đánh thuê cho các sứ quân. Năm 1881, Yakuza được tập hợp lại trong một tổ chức có tên "Thương hội Biển đen" – chuyên hoạt động trên biển và giết người thuê.

Cũng theo một số nguồn tin khác, Yakuza xuất phát từ Samurai, vào thời kỳ Tokugawa (1543–1616) người sáng lập ra thời kỳ Mạc phủ Edo đã không cần sử dụng hàng chục vạn Samurai, dẫn tới nhiều người trong số này không có kế sinh nhai, chuyển thành đội quân chuyên cướp phá làng mạc tại những nơi mà họ đi qua trong đất nước, và đây cũng là tiền thân cho tổ chức Yakuza sau này.

Từ Yakuza ám chỉ: dãy chữ số "8-9-3" (Ya – Ku – San theo âm Hán Nhật onyomi), một phức hợp số căn bản trong một trò chơi Nhật cổ truyền (Hanafuda); Điều này cũng có nghĩa là "vô dụng" hoặc "đồ bỏ" cách chơi bài Hanafuda theo lối đánh 3 cây khi mà 8 + 9 + 3 hợp thành con số 20 (Con số lớn nhất có thể hợp được từ ba lá bài tuy nhiên lại bị tính là thua cuộc. 8 9 3 là cảm giác khi lặn bài được con 8, con 9 rồi mà lại bị dính con 3 thật là vô dụng).

Cơ cấu tổ chức và các hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]

Là tổ chức phi chính phủ có quy mô lớn trên thế giới, chuyên về các hoạt động thuộc lĩnh vực "thế giới ngầm" và thực thi công lý theo cách riêng của họ.

Các hoạt động chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Yakuza sau khi dần đi vào ổn định tổ chức, thì chúng nặng về mưu lợi kinh tế, thoát ly chính trị, ban đầu Yakuza không dính líu gì đến những nhóm yêu nước trên toàn Nhật Bản. Nhưng đến đầu thế kỷ 20, phong trào công nhân Nhật Bản phát triển mạnh, hàng loạt tổ chức công đoàn mang khuynh hướng chính trị thiên tả được lập nên trong các nhà máy, đe dọa loại bỏ ảnh hưởng và quyền lợi của các nghiệp đoàn đen đã khiến các ông trùm Yakuza hoảng sợ, ngả dần về phía chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Chúng nhanh chóng bị hấp dẫn và gia nhập hàng ngũ Kokuryu-kai (Hắc Long giang túy hội), do Ryohei Uchida, người kế tục Mitsuru Toyama trong Huyền Dương xã thành lập năm 1901 (một liên minh của những hiệp hội dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản). Kể từ đó, từ chỗ chỉ là những tên tội phạm đường phố, Yakuza đã chính thức tham gia vào những biến cố chính trị, trở thành những "nhà ái quốc bẩn thỉu" (lời các nhà sử học Nhật) với tôn chỉ hoạt động gồm 3 chống: chống chủ nghĩa tư bản, chống chủ nghĩa cộng sản và chống nền dân chủ kiểu phương Tây.

Năm 1919, được Toyama thu nạp, những ông trùm Yakuza đã dẫn 60 ngàn "lính" của mình tham gia và làm lực lượng nòng cốt cho tổ chức Dai Nippon Kokusa-kai (Đại Nhật Bản túy hội) do nhà chính trị cực hữu này thành lập, đẩy nước Nhật trượt dài theo khuynh hướng phát xít. Trong vòng 15 năm, từ 1930 đến 1945, Yakuza đã gây ra 29 vụ chính biến, ám sát 2 thủ tướng, 2 bộ trưởng, góp phần đưa nước Nhật nhảy vào vòng xoáy Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 trong tư cách là thành viên phe phát xít.

Dù có nhiều băng nhóm khác nhau, mỗi băng nhóm lại do những ông trùm khác nhau lãnh đạo, nhưng nhìn chung chúng đều tham gia hoạt động trên các lĩnh vực như kiểm soát thị trường lao động, kiểm soát việc kinh doanh... và đều có những âm mưu tham gia chính trường. Mặc dù có thời gian Yakuza chủ trương không dính líu tới ma túy, không buôn bán, sản xuất nhưng gần đây chúng đã tham gia rất tích cực vào buôn bán ma túy. Ngoài ra, chúng còn chi phối phần lớn lĩnh vực cờ bạc tại Nhật.

Theo số liệu của cảnh sát Nhật, vào thời hoàng kim, Yakuza Nhật kiểm soát được từ 50 đến 150 tỉ USD ngoài sự kiểm soát của nhà nước, thu lãi khoảng 16 tỉ USD mỗi năm. Chỉ tính riêng Inagawa, "ông trùm của mọi ông trùm", đã nắm trong tay gần 800 doanh nghiệp hợp pháp, thu về mỗi năm 200 triệu USD lợi nhuận, đồng thời được 119 ông trùm khác cống nạp liên tục mỗi người 1.300 USD mỗi tháng.

Thế lực của Yakuza tiếp cận vào nhiều lĩnh vực khác nhau như tống tiền, cờ bạc, buôn lậu, cho vay nặng lãi, rửa tiền, buôn bán ma túy, lừa đảo, mại dâm... Thành viên Yakuza lên đến 90.000 người, chia thành hàng trăm băng nhóm nhỏ, nhưng nổi bật nhất là băng đảng quyền lực Yamaguchi Gumi. Yamaguchi Gumi là băng nhóm tội phạm lớn nhất thế giới, có đến 20.000 thành viên. Năm 2011, Nhật Bản xôn xao vì ông trùm của băng nhóm được thả sau 6 năm ngồi tù. Dưới sự điều hành của ông trùm này, nhóm Yamaguchi Gumi đã thu về 80 tỷ USD mỗi năm với các hoạt động đánh bạc, buôn bán ma túy và tống tiền.[2]

Tuy nhiên, có một điều rất lạ là dù thế nào đi nữa, dù có tham gia rất nhiều vào các hoạt động phi pháp nhưng Yakuza lại rất ít dính líu tới các vụ giết người hay thanh toán lẫn nhau. Minh chứng cho điều này: cả nước Nhật cũng chỉ ghi nhận được trên dưới 20 vụ giết người mỗi năm (như năm 1981 có 22 vụ giết người).

Thành viên và luật lệ

[sửa | sửa mã nguồn]
Thành viên Yakuza với các hình xăm trong lễ hội Sanja Matsuri, tại đền thờ Yakuza trong khu Asakusa ở Tokyo

Yakuza có khoảng 90.000 thành viên, chia thành khoảng 3.000 băng nhóm khác nhau hoạt động khắp nơi trên lãnh thổ Nhật Bản và một số quốc gia khác. Các con số thống kê khác cho thấy sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thành viên Yakuza lên đến 184.000, đông hơn cả quân đội Nhật Bản vào thời điểm lúc bấy giờ.

Sau đó quân số của Yakuza giảm dần, từ năm 1963 đến 1988 giảm chỉ còn khoảng 8 vạn thành viên. Một người nào đó muốn gia nhập Yakuza sau khi đã đủ các "điều kiện" đều phải trích máu ăn thề và phải xăm mình, thường là những hình như rồng, phượng, núi non, hoa... trên khắp cơ thể.

Yakuza đang lâm vào một giai đoạn thoái trào chưa từng có: số lượng thành viên sụt giảm mạnh. Số lượng các thành viên Yakuza đã giảm sút liên tục trong 13 năm liền. Theo số liệu của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật, con số này vào năm 2017 là 34.500 người – mức thấp kỷ lục kể từ khi cảnh sát bắt đầu thống kê từ 60 năm trước. Đó là chưa kể số các thành viên chủ chốt của Yakuza chỉ còn khoảng 16.800 người, số còn lại chỉ được coi là các thành viên thuộc loại “bán thường trực”. Các tập đoàn Yakuza lớn nhất hiện nay chỉ còn có Yamaguchi-gumi (4700 người); Sumiyoshi-kai, Kobe Yamaguchi-gumi và Inagawa-kai (chưa đầy 2.000 người).[1]

Một điều đặc biệt của các thành viên Yakuza giúp ta có thể nhận dạng dễ dàng đó là phần lớn đều có ngón tay út ngắn hơn bình thường hoặc mất hẳn. Nguyên do của điều này là theo luật của mafia Nhật, bất kỳ thành viên nào không hoàn thành lệnh cấp trên, lệnh của các ông trùm đều phải tự chặt một đốt ngón tay út. Những lần vi phạm sau sẽ lần lượt lấy đi những đốt tiếp theo của cả hai ngón tay út và có khi ở những ngón khác. Chính vì thế cho nên phần lớn thành viên Yakuza mang những bàn tay không nguyên vẹn. Tuy vậy, ngày nay, xăm mình và chặt ngón tay chỉ còn mang tính chất nghi thức. Theo thống kê trong những thành viên Yakuza hiện đại, có hơn 90% tên xăm mình, 43% tên có bàn tay cụt ngón, nhiều tên cụt 2 ngón và hơn nữa.

Ngày nay

[sửa | sửa mã nguồn]

Yakuza do gặp nhiều vấn đề khó khăn về tiền bạc buộc phải liên kết với cả Hangure (ý nói đến các băng nhóm tội phạm đường phố nhỏ lẻ, không thuộc về các tổ chức lớn). Tuy nhiên, thực trạng này chỉ có thể nhận thấy tại các thành phố lớn như Tokyo và Osaka. Còn Yakuza tại các vùng nông thôn còn lâm vào tình cảnh cùng cực hơn.

Ngoài việc trộm rau quả, Yakuza giờ đây cũng tham gia cả các hoạt động săn bắt trái phép: chẳng hạn như săn lùng hải sâm tại biển Nhật Bản và chuyển lậu sang Trung Quốc. Hiện tại, hình phạt cao nhất cho hoạt động đánh bắt trộm hải sâm chỉ là 6 tháng tù và khoản tiền phạt rất nhỏ là 10 ngàn yên, dù một kilogram hải sâm khô còn cao gấp 3 lần số tiền này. Vì miếng cơm manh áo, nhiều thành viên Yakuza giờ đây cũng không nề hà bất cứ công việc gì từ bán hàng lưu niệm, bói toán, bán tranh giả; thậm chí xin làm nhân viên bảo vệ v.v…

Chính quyền giải thích tình trạng sụt giảm liên tục là nhờ vào các đạo luật và biện pháp hạn chế mới. Tokyo bắt đầu tích cực đấu tranh chống các phe nhóm tội phạm từ những năm 1990. Đến năm 2011, các biện pháp triệt để nhất được áp dụng, đáng chú ý là quyết định cấm hợp tác với các tổ chức, băng nhóm tội phạm. Theo đó, các công ty bị phát hiện có liên quan đến tội phạm bị tước bỏ các dịch vụ ngân hàng và thu hồi các diện tích thuê mướn.

Những nguyên nhân riêng tư phổ biến nhất dẫn tới tình trạng rời bỏ Yakuza chính là nỗi lo sợ phải đi tù, cũng như sinh kế đối với những thành viên có gia đình. Trong bất cứ trường hợp nào, chủ yếu vẫn là vấn đề tiền bạc: sau một loạt những lệnh cấm đoán của chính phủ, những thành viên thông thường đến nuôi thân cũng còn gặp khó khăn chứ đừng nói đến chuyện lo cho vợ con.

Một phần những thành viên Yakuza sau một thời gian hoàn lương vẫn buộc phải quay lại với con đường tội phạm. Nhật Bản hiện vẫn chưa có một hệ thống chính sách giúp những người từng là thành viên của tổ chức Yakuza tái hòa nhập cộng đồng. Sau một thời gian không thể tìm kiếm một công việc lương thiện, nhiều người  không còn cách nào khác là quay trở lại với hoạt động tội phạm – có điều chủ yếu tham gia vào những hành động hạ cấp nhất như trộm cướp hay lừa đảo.

Trên thực tế, Yakuza sẽ khó có thể biến mất hoàn toàn mà chỉ đơn giản lui vào hoạt động kín đáo và bí mật hơn trước cái nhìn của công chúng. Hình ảnh một thành viên Yakuza đã thay đổi rất nhiều từ vài năm qua: không còn là những kẻ với hình xăm khắp người với những ngón tay bị chặt cụt sau những lần mắc lỗi trước ông chủ.

Một phần nào trong số này đã trở thành những thương gia tháo vát, táo bạo, có quan hệ thân cận với giới chức thượng lưu trong xã hội. Họ điều hành các câu lạc bộ thoát y, cho vay nặng lãi, các cửa hàng bán đồ khiêu dâm, ma túy hay vũ khí. Nói cách khác, các công ty của Yakuza từ vài thập niên qua đã dần dần “hợp pháp hóa” thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực kinh doanh. Chẳng hạn như tại Tokyo, bất cứ ai cũng có thể thưởng thức một tách cà phê, đăng ký đi nghỉ ở nước ngoài, mua thực phẩm, đi xem hòa nhạc, thậm chí học tiếng Anh qua dịch vụ do các công ty của Yakuza cung cấp.[1]

Ảnh hưởng trong xã hội Nhật Bản

[sửa | sửa mã nguồn]

So với các tổ chức tội phạm như Cosa Nostra ở Ý, Mafia ở Mỹ, Hội Tam Hoàng của người Hoa, thì hoạt động của Yakuza tại Nhật vẫn công khai, tại nhiều thành phố ở Nhật, các hội sở của chúng thường được thể hiện qua các logo và biển báo đặc trưng. Không những thế, Yakuza còn được xem là có mối liên minh chính trị lâu đời với những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu cực đoan.

Ít người biết rằng, trong hai thảm họa ghê gớm động đất Kobe 1995 và động đất và sóng thần Tōhoku 2011, Yakuza là những người đầu tiên gửi hàng cứu trợ đến cho các nạn nhân của thảm họa. Họ làm điều này một cách lặng lẽ và nhanh chóng hơn nhiều các quan chức chính phủ. Một nhà nghiên cứu về Yakuza cho biết, họ làm điều này hoàn toàn vì thiện nguyện chứ không phải để quảng bá tên tuổi.[3]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c “Nhật Bản: Ngày tàn của Yakuza đang đến?”.
  2. ^ http://dantri.com.vn/the-gioi/mafia-nhat-thu-ve-hang-ty-usd-tu-kinh-doanh-mai-dam-va-ma-tuy-20150824165404962.htm
  3. ^ Terril Yue Jones (25/3/2011). “Yakuza among first with relief supplies in Japan”. Reuters. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 3 năm 2011. Truy cập 29/3/2011. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= và |ngày tháng= (trợ giúp)

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn] Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Yakuza.
  • Thư viện Tội phạm: Yakuza Lưu trữ 2006-08-11 tại Wayback Machine
  • Quirky Japanese Webpage: Crime and Conspiracies
  • Kinh tế ngầm: Yakuza
  • Tiếng lóng Yakuza Lưu trữ 2014-09-27 tại Wayback Machine

Từ khóa » Các Cấp Bậc Yakuza