Yên Phong, Bắc Ninh: Khổ… Vì đất Xen Kẹt - Báo Thanh Tra

3 năm mòn mỏi chờ gỡ… quy hoạch

Ngày 21/06/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 782/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phía Đông Bắc thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, trên địa bàn một số xã, trong đó có Yên Trung.

Nngày 16/11/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 4437/UBND-XDCB giới thiệu địa điểm cho UBND xã Yên Trung lập quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Trung Lạc với tổng diện tích 4,8ha.

Trong quá trình thực hiện, UBND xã Yên Trung nhận thấy kẹp giữa quy hoạch khu đất được UBND tỉnh giới thiệu và KCN Yên Phong mở rộng còn có 1,8ha đất nông nghiệp của khoảng 90 hộ dân đang canh tác sử dụng (đã quy hoạch là đất cây xanh).

Điều này dẫn tới thực trạng, khi thực hiện xây dựng các dự án theo quy hoạch được duyệt, đã biến nơi đây thành một vùng trũng phải để hoang hoá.

Ông Nguyễn Văn Long, Bí thư Chi bộ thôn Trung Lạc cho biết, từ khi có quy hoạch, xây dựng các dự án, người dân hoàn toàn không thể canh tác vì mặt bằng bị thay đổi, đặc biệt là việc cấp, thoát nước gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, một người dân thôn Trung Lạc thì cho rằng, tình trạng này xuất phát một phần nguyên nhân từ bất cập trong quy hoạch. Việc quy hoạch một diện tích lớn để dải cây xanh nằm giữa các dự án khiến xảy ra tình trạng không thể khớp nối hạ tầng, bảo đảm tính đồng bộ. Quy hoạch tổng thể các dự án đều có tỷ lệ cây xanh vì vậy không thể có dải cây xanh nằm ngoài dự án (hiện trạng đất kẹp dài 800m  rộng 21m)  tổng diện tích 16.800m2.

Trước bất cập này, ngày 17/05/2019, UBND xã Yên Trung đã có Văn bản số 89/UBND-ĐCXD gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong và các sở, ngành về việc đề nghị xem xét giới thiệu đại điểm khu đất xen kẹt nằm giữa KCN Yên Phong mở rộng và dự án đấu giá đất thôn Trung Lạc để có phương án quy hoạch đồng bộ để tránh lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.

Ngày 03/06/2019, UBND huyện Yên Phong đã có Văn bản số 866/UBND-KTHT gửi UBND, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh trong đó nêu ý kiến: Để thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng và thu hồi gọn khu đất trên khi thực hiện dự án, UBND huyện Yên Phong đề nghị UBND, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh xem xét giới thiệu địa điểm bổ sung khu quy hoạch đất cây xanh vào dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Trung Lạc.

Ngày 06/06/2019, Sở Xây dựng có Văn bản số 1089/SXD-QH gửi báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ: Theo đồ án quy hoạch phân khu phía Đông Bắc thị trấn Chờ, kẹp giữa dự án khu nhà ở đấu giá thôn Trung Lạc và KCN Yên Phong mở rộng có dải cây xanh cách ly (nằm ngoài ranh giới KCN), hiện không có cơ quan nào đầu tư.

Vì vậy, để tránh việc xen kẹt đất nông nghiệp không có khả năng canh tác, chống lấn chiếm, Sở Xây dựng báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cho phép bổ sung diện tích đất cây xanh xen kẹp và một phần đường giao thông theo quy hoạch với diện tích khoảng 1,8ha theo quy hoạch chi tiết và gắn với dự án khu nhà ở đấu giá thôn Trung Lạc để đầu tư xây dựng đồng bộ.

Biên bản họp các hộ dân tại thôn Trung Lạc kiến nghị các cấp có thẩm quyền liên quan đến diện tích 1,8ha

Các cấp chính quyền từ xã đến sở, ngành đều có ý kiến báo cáo đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn, bất cập tuy nhiên suốt gần 3 năm qua quy hoạch khu vực này vẫn đang trong giai đoạn… chờ UBND tỉnh Bắc Ninh.

Sớm tháo gỡ bất cập để người dân ổn định cuộc sống

Theo các hộ dân, ngay từ khi dự án KCN Yên Phong mở rộng và khu nhà ở đất đấu giá được thực hiện thì toàn bộ diện tích 1,8 ha đã không thể canh tác vì các mảnh ruộng đã bị biến dạng không còn ô, thửa, lối vào…

Trước tình trạng này, để tận dụng nguồn lực từ đất đai phục vụ đời sống, ngày 19/01/2019, các hộ dân có đất đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến có sự tham gia của bí thư chi bộ, trưởng thôn…

Tại cuộc họp 100% các hộ dân đều khẳng định hiện trạng 1,8ha không thể canh tác vì KCN đã đào mương phân cách rộng tới 10m, sâu 5m, đồng thời quy hoạch dải cây xanh nằm kẹp giữa 2 dự án là không hợp lý vì KCN mở rộng và khu đất đấu giá đã đều có quy hoạch cây xanh đầy đủ, không thể có giải cây xanh nằm ngoài dự án. Các hộ dân đề nghị UBND xã Yên Trung và các cấp có thẩm quyền thu hồi hết diện tích kể trên mới tiến hành thu hồi các dự án bên cạnh. Nếu không thì việc thu hồi các dự án để thực hiện dự án như: Đất đấu giá giai đoạn 2, khu trung tâm văn hoá, KCN Yên Phong phải dừng lại vì sẽ làm thay đổi mặt bằng…

Do UBND xã Yên Trung chưa kịp triển khai, vì vậy, tất cả các hộ dân nhất trí đề nghị cán bộ thôn cùng ông Nguyễn Văn Xuân là người dân thôn Trung Lạc đang có đất canh tác tại khu 1,8ha đứng ra thay mặt thống nhất giữa các hộ dân thu gom đất xen kẹt dải cây xanh. Đồng thời, mong muốn tiếp tục có phương án sản xuất khi bị thu hồi đất. Các hộ dân mong muốn khi thu gom xong, ông Xuân làm thủ tục gửi các cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử đất từ đất canh tác sang đất ở - dịch vụ để đồng bộ với quy hoạch khu đất đấu giá nằm sát cạnh.

Biên bản bàn giao toàn bộ diện tích đất và danh sách người dân nhận lại tiền từ ông Xuân

Do quá trình xây dựng các dự án làm biến dạng hiện trạng nên người dân đã nhờ ông Xuân là người có phương tiện đứng ra san ủi, tâng lấp đất tạo mặt bằng để tiếp tục canh tác, sản xuất. Các hộ dân đóng cho ông Xuân số tiền 2 triệu/m để xây dựng hạ tầng và không phải nộp thêm bất kỳ khoản khác. Còn tiền sử dụng đất, tiền chi phí khác theo quy định của Nhà nước các hộ phải tự nộp vào Nhà nước.

Ông Lê Hồng Liên, một trong các hộ dân có đất tại khu vực 1,8ha cho biết: Người dân đã đóng cho ông Xuân 200 triệu để “nhờ” san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy chưa được UBND tỉnh đồng ý, các hộ dân thống nhất sẽ nhận lại tiền và ông Xuân giao toàn bộ diện tích đã thu gom, san lấp cải tạo cho chính quyền địa phương quản lý. Điều này được thể hiện tại biên bản giao đất ngày 12/11/2021 giữa đại diện lãnh đạo thôn Trung Lạc và ông Xuân.

“Hiện có tới 90% số hộ đã nộp tiền đều đã nhận lại tiền từ ông Xuân. Chỉ có một số hộ không chịu nhận lại, Bí thư Chi bộ thôn Trung Lạc cùng ông Xuân đã đến tận nhà để giao tiền nhưng vẫn kiên quyết không nhận. Thông tin cho rằng, số tiền hàng trăm triệu đồng người dân đã góp cho ông Xuân để tôn lấp mặt bằng “không cánh mà bay” là không chính xác”- ông Liên cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Ngữ khẳng định: “Các hộ mới chỉ thoả thuận với cá nhân ông Xuân, hoàn toàn không phải là hợp đồng chuyển nhượng và nhờ ông Xuân làm đại diện lo hộ thủ tục trình các cấp có thẩm quyền. Đại đa số người dân đều mong mỏi các cấp chính quyền thực hiện chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, thương mại để tiếp tục sản xuất, tránh gây lãng phí tài nguyên. Việc một số hộ chưa nhất trí với ý kiến tại các hội nghị là do đang có đòi hỏi vượt lên trên cả quyền lợi chung của tập thể. Trong đó, có nhiều cá nhân khi khu đất mới hình thành mặt bằng thì đã mang văn bản thỏa thuận với ông Xuân thực hiện chuyển nhượng với người khác làm ảnh hưởng tới tình hình chính trị của địa phương”.

Theo phản ánh của các hộ dân, hiện có 1 gia đình thực hiện giao dịch mua bán đất nông nghiệp với người ngoài địa phương lên tới cả tỷ đồng. Trước tình trạng mua bán trái phép đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho biết: Ngay sau khi nắm thông tin, lãnh đạo xã tổ chức cuộc họp gồm các cán bộ chủ chốt và Công an xã để xác minh thông tin, nắm bắt tình hình. Ngày 21/04/2021, UBND xã Yên Trung đã có Văn bản số 109/UBND-ĐC trong đó gửi cấp uỷ, trưởng các thôn trên địa bàn. Trong đó, UBND xã Yên Trung nghiêm cấm trưởng thôn, lãnh đạo thôn xác nhận việc mua bán đất nông nghiệp, đất trồng lúa nước không đúng đối tượng, quy định. Đồng thời, lãnh đạo thôn chủ động rà soát đến từng thửa đất, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, không để tình trạng xảy ra.

Trước thực trạng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh, các cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp xem xét, hoàn chỉnh quy hoạch một cách đồng bộ, không để lãng phí tài nguyên, đáp ứng được những nguyện vọng chính đáng của người dân.

Từ khóa » Dự án Vạn Xuân Niên