Yêu Cầu Về Tính Hợp Pháp Và Hợp Lý Của Quyết định Hành Chính

1. Khái quát về quyết định hành chính

1.1. Khái niệm quyết định hành chính.

Quyết đinh hành chính là một dạng của quyết định pháp luật, do các chủ thể quản lý hành chính nhà nước ban hành theo trình tự hình thức pháp luật quy định, nhằm đề ra những chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp dụng những quy tắc đó giải quyết một công việc cụ thể trong quản lý hành chính Nhà nước có tính chất bắt buộc phải thực hiện đối với các đối tượng liên quan.

1.2. Đặc điểm của quyết định hành chính. a. Đặc điểm chung. Quyết định hành chính là một loại quyết định pháp luật. Vì vậy nó có tất cả các tính chất của quyết định pháp luật mà quan trọng là tính quyền lực nhà nước, tính pháp lý. – Tính quyền lực nhà nước : nó được thể hiện của ý chí nhà nước tức là đã thể hiện tính quyền lực nhà nước. Tính quyền lực được thể hiện thông qua việc: chỉ có Nhà nước mới có quyền quy định về thẩm quyền ban hành; luôn mang tính bắt buộc các biện pháp bảo đảm. – Tính pháp lí: Pháp luật quy định rõ thẩm quyền ban hành trình tự, hình thức…Nội dung chứa các quy phạm pháp luật, mệnh lệnh và tạo ra các hệ quả pháp lý. b. Đặc điểm riêng. Ngoài những đặc điểm chung nêu trên quyết định hành chính còn có những đặc điểm riêng sau: – Tính dưới luật :

Đặc trưng này xuất phát từ nguyên tắc pháp chế trong quản lý Nhà nước thể hiện ở chỗ quyết định hành chính được xây dựng và ban hành trên cơ sở Hiến pháp và luật.

Có nghĩa là nội dung của quyết định hành chính được ban hành phải phù hợp để thi hành không chỉ Hiến pháp, luật, pháp lệnh mà mọi quyết định pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và cơ quan quyền lực cùng cấp. – Quyết định hành chính có những mục đích và nội dung phong phú, xuất phát từ đặc điểm của hoạt động quản lý hành chính Nhà nước. Quyết định hành chính không chỉ gắn liền với nội dung mà cả trình tự xây dựng và ban hành cũng như hình thức quyết định.

Có nghĩa là quyết định hành chính phải được ban hành theo hình thức và trình tự do pháp luật quy định. Quyết định hành chính được ban hành theo thủ tục hành chính với những hình thức tên goi khác nhau do pháp luật quy định.

– Quyết định hành chính là những các quyết định được nhiều chủ thể trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, để thực hiện nhiệm vụ và chức năng quản lý. Chủ thể chủ yếu ban hành quyết định là những cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương, những chủ thể có thẩm quyền chung cũng như những chủ thể có thẩm quyền riêng.

1.3. Vai trò của quyết định hành chính trong quản lý nhà nước.

a. Quyết định hành chính đưa ra chủ trương lớn trong lĩnh vực quản lý hành chính.

– Quyết định nhằm đưa ra những chủ trương chính sách, giải pháp lớn về quản lý hành chính đối với cả nước, cả một vùng hay đối với một đơn vị hành chính nhất định.

– Quyết định có giá trị cụ thể hóa các quyết định lập pháp. Trong thực tiễn, rõ ràng nhiều khi cũng có những quy định lập pháp chỉ điều chỉnh mức độ chung, trong khi đó hành pháp cần cụ thể linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực tiễn xã hội.

Bên cạnh hoạt động lập pháp bao giờ cũng tồn tại hoạt động lập quy để bảo đảm các nhu cầu ổn định, mềm dẻo, linh hoạt trong các quan hệ xã hội.

b. Quyết định hành chính điều tiết các vấn đề thực tiễn.

Các văn bản pháp quy đưa ra các quy định còn các văn bản hành chính cá biệt thì biến quyết định thành hiện thực và cũng tạo cơ sở cho pháp luật được thi hành trong thực tế.

Các văn bản này nhằm mục đích tạo ra một hành lang pháp lý để các chủ thể pháp luật hành chính thực hiện được các quyền và nghĩa vụ của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính cụ thể.

c. Quyết định hành chính góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo cơ hội quản lý tốt và phát triển xã hội.

– Quyết định hành chính mang tính bắt buộc đối với mọi cá nhân và tổ chức cho nên trong những hoàn cảnh nhất định họ phải làm theo nhằm đưa ra các chuẩn mực ứng xử và điều chỉnh các hành vi xử sự theo mong muốn thiết lập trật tự xã hội ổn định.

Mặt khác, các biện pháp chế tài của luật hành chính không chỉ mang tính chất trừng trị người vi phạm mà quan trọng hơn nó có tác dụng giáo dục, răn đe người vi phạm không lặp lại vi phạm đó đồng thời ngăn chặn những hành vi mới xảy ra. Nhờ đó mà trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quyết định quản lý Nhà nước tạo cơ hội cho sự phát triển của xã hội theo định hướng chung của Nhà nước

2. Các yêu cầu về tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính.

2.1.Khái quát về tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính.

Chất lượng của một quyết định quản lý nhà nước được xem xét qua tính hợp pháp và tính hợp lý. Đây là hai tiêu chuẩn đánh giá quyết định quản lý nhà nước ở hai góc độ khác nhau, tuy độc lập nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, thống nhất và bổ trợ cho nhau.

Tính hợp pháp là biểu hiện của nguyên tắc Pháp chế. Trong khi tính hợp lý của quyết định quản lý nhà nước thể hiện tính “Khả thi”và hiệu quả cao nhất về kinh tế – chính trị, xã hội. Sức sống và khả năng tồn tại của các quyết định quản lý nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào tính hợp lý của nó.

Quyết định quản lý nhà nước khi được ban hành chỉ có thể trở thành bộ phận hữu cơ của cơ chế điều chỉnh pháp luật và có hiệu quả khi nội dung và hình thức của chúng bảo đảm cả tính hợp pháp và tính hợp lý.

Để bảo đảm tính hợp pháp và hợp lý của nội dung và hình thức quyết định thì thủ tục xây dựng và ban hành chúng cũng phải theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với lý luận và thực tiễn. Nghĩa là thủ tục đó cũng phải bảo đảm tính hợp pháp và tính hợp lý.

Tính hợp pháp là yêu cầu cơ bản của nguyên tắc pháp chế, còn tính hợp lý là yêu cầu của nghệ thuật quản lý, của chính cuộc sống.

Như vậy, tính hợp pháp của quyết định quản lý nhà nước là sự phù hợp của quyết định đó với thẩm quyền, nội dung, hình thức, phương pháp quản lý của các chủ thể quản lý trong khuôn khổ luật định. Tính hợp pháp đối với thủ tục xây dựng và ban hành quyết định quản lý nhà nước là sự phù hợp của hoạt động xây dựng và ban hành quyết định đó với các yêu cầu về thủ tục do luật định. Tính hợp lý của quyết định quản lý nhà nước là sự thể hiện phương án được lựa chọn để điều chỉnh đối tượng quản lý trong quyết định là phương án tốt nhất.

Hiện nay, pháp luật nước ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này, nhiều văn bản khác nhau cũng chỉ áp dụng một công thức chung là quan tâm đến việc có “trái với pháp luật”, “trái với văn bản” cấp trên hay không.

2.2. Mối liên hệ giữa tính hợp pháp và hợp lý của các quyết định hành chính.

Hợp pháp tức là đúng với pháp luật hay không trái pháp luật. Mọi vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật được coi là có tính hợp pháp và chỉ khi nó được thực hiện theo đúng những yêu cầu mà pháp luật đã đặt ra. Do đó, một quyết định hành chính ra đời chỉ hợp pháp khi đảm bảo theo đúng những quy định của pháp luật về :

  1. Thẩm quyền của chủ thể ban hành,
  2. Trình tự thủ tục ban hành
  3. Không trái với những văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Hợp lý, theo nghĩa chung, là đúng lẽ phải, đúng với sự cần thiết, sự phù hợp với logic của sự vật.  Để ra đời và tồn tại lâu dài, một quyết định hành chính phải đảm bảo các yêu cầu về tính hợp lý như:

  1. Đảm bảo lợi ích của Nhà nước cũng như nguyện vọng của nhân dân,
  2. Phải phù hợp thực tế khác quan,
  3. Ngôn ngữ dễ hiểu, chính xác, rõ ràng,
  4. Có tính dự báo và tính khả thi cao.

Một quyết định hành chính không thể tồn tại nếu thiếu một trong hai tính hợp pháp hoặc tính hợp lý.

Trước hết, các quyết định hành chính ra đời trên cơ sở luật và để thi hành luật, chính thế cho nên không thể tồn tại quyết định hành chính bất hợp pháp. Nếu một quyết định hành chính không đảm bảo những yêu cầu về tính hợp pháp thì đương nhiên là nó sẽ bị mất hiệu lực.

Thứ hai, mọi quyết định hành chính đều nhằm thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước, thực thi pháp luật thực tế. Quyết định hành chính không chỉ đảm bảo lợi ích Nhà nước mà còn phải phù hợp thực tế khách quan cùng nguyện vọng nhân dân; phải rõ ràng chính xác để tránh hiểu sai, áp dụng sai, phải có tính khả thi mới có thể tiến hành áp dụng quyết định hành chính theo từng giai đoạn nhằm ổn định đời sống pháp luật của nhân dân.

Tính hợp pháp và hợp lý luôn gắn bó với nhau, cả về nội dung lẫn hình thức như một chỉnh thể thống nhất mà nếu thiếu một trong những yêu cầu đó thì việc ban hành chính sẽ không đạt hiệu quả, đạt được mục đích.

2.3. Yêu cầu về tính hợp pháp về quyết định hành chính.

Một quyết định hành chính chỉ có hiệu lực thi hành khi nó hợp pháp, tức là thoả mãn tất cả các yêu cầu sau: – Một là, quyết định hành chính được ban hành phải phù hợp với mục đích và nội dung của luật, không trái với hiến pháp, luật, pháp lệnh và các quy định của cơ quan nhà nước cấp trên.

Điều này xuất phát từ đặc điểm riêng của quyết định hành chính, đó là tính dưới luật. Chính do bởi hiệu lực pháp lý của các quyết định hành chính luôn thấp hơn luật nên không thể trái ngược với những quy định mà hiến pháp và luật đã đặt ra.

– Hai là, quyết định hành chính được ban hành trong phạm vi thẩm quyền của chủ thể ra quyết định quản lý.

Các cơ quan (người có chức vụ) tuyệt đối không được ban hành những quyết định mà pháp luật không cho phép, vượt quá phạm vi quyền hạn được trao, không được lẩn tránh và lạm quyền. Việc đảm bảo đúng thẩm quyền ở đây là thẩm quyền trên hai khía cạnh phạm vi và lĩnh vực. Cơ quan nào phụ trách quản lí cho khu vực, lĩnh vực gì thì ra quyết định hành chính cho khu vực, lĩnh vực ấy, không được phép vượt quá thẩm quyền, thậm chí, cấp trên cũng không được can thiệp vào lĩnh vực của cấp dưới.

– Ba là, quyết định hành chính phải bảo đảm trình tự, thủ tục, hình thức theo luật định.

Các quyết định hành chính, nhất là các quyết định hành chính chủ đạo bắt buộc phải đảm bảo các trình tự thủ tục xây dựng và ban hành như quy định của pháp luật. Quyết định hành chính chủ đạo yêu cầu rất cao đối với vấn đề trình tự thủ tục. Bởi nội dung của nó quyết định những vấn đề rất lớn, có trình tự thủ tục phức tạp, hội đồng họp và thảo luận dựa trên dự thảo, thông qua theo ý kiến đa số, không thể ban hành một cách tùy tiện.

Các quyết định quy phạm và quyết định cá biệt tuy không có trình tự thủ tục phức tạp như quyết định chủ đạo nhưng đều là những văn bản pháp luật, có tính pháp lý nên về hình thức, trình tự thủ tục xây dựng và ban hành phải tuân thủ theo đúng những gì pháp luật đã quy định.

2.4. Yêu cầu về tính hợp lý của quyết định hành chính.

Để bảo đảm tính hiệu quả, quyết định hành chính phải đáp ứng các yêu cầu về tính hợp lý vì có hợp lý thì mới có khả năng thực thi cao. Một quyết định hành chính được coi là có tính hợp lý khi nó đáp ứng được yêu cầu: – Quyết định hành chính phải tính đến yêu cầu tổng thể bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân. Yêu cầu này đòi hỏi sự cân đối hợp lý giữa lợi ích Nhà nước và xã hội, coi lợi ích Nhà nước và lợi ích chung của công dân là tiêu chí để đánh giá sự hợp lý của quyết định hành chính.

– Quyết định hành chính phải xuất phát từ yêu cầu khách quan của việc thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, tuyệt đối không được xuất phát từ ý muốn chủ quan của chủ thể ra quyết định.

– Quyết định hành chính phải có tính dự báo. Phải xem xét hiệu quả không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị – xã hội, cả mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa hậu quả trực tiếp và gián tiếp, kết quả trước mắt và kết quả cuối cùng. Các biện pháp được đề ra trong quyết định phải phù hợp đồng bộ với biện pháp trong quyết định có liên quan.

– Quyết định hành chính phải bảo đảm kỹ thuật lập quy. Tức là ngôn ngữ, văn phong, cách trình bày phải rõ ràng,  ngắn ngọn,dể hiểu, thuật ngữ pháp lí chính xác, không đa nghĩa.

Bởi các quyết định hành chính ban hành nhằm để thi hành luật trên thực tế nên nếu không rõ ràng chính xác sẽ dễ gây hiểu lầm dẫn đến áp dụng sai, thậm chí là tùy tiện, “lách luật” để phạm pháp.

– Quyết định hành chính phải có tính khả thi, có nghĩa là phải có cơ sở, điều kiện để thực hiện quyết định trên thực tế. Những quyết định không mang tính khả thi trên thực tế sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn.

Như vậy một quyết định hành có tính khả thi là một quyết định có khả năng thực hiện trên thực tế hay nói cách khác là những quyết định có khả năng đi vào cuộc sống mà không dừng lại trên giấy.

Cụ thể là ta cần phải đảm bảo tính khách quan, thoát ly thực tiễn kinh tế – xã hội, coi thường quy định pháp luật xã hội, áp đặt lên xã hội những quy định mà không cần, không mong muốn, không thể thực hiện được. Muốn làm được như vậy, thì đòi hỏi các cơ quan xây dựng quyết định hành chính phải bán sát thực tiễn xã hội và đánh giá được thực hiện trạng đang diễn ra.

Trên đây là tư vấn của FBLAW chúng tôi về Yêu cầu về tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính. Bạn có bất kỳ vướng mắc nào về pháp luật hành chính hãy liên hệ ngay tới chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ một cách nhanh chóng và kịp thời nhất nhé!

Từ khóa » Hình Thức Pháp Luật Thể Hiện Sự Tồn Tại Của Pháp Luật