Yêu Tiếng Việt, Như Một Liều Thuốc Chữa Lành

Đang có nhiều bạn trẻ chi tiền triệu học... tiếng Việt. Mới nghe qua nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc: Sao kỳ lạ quá, tiếng Việt mà phải bỏ tiền đi học?

Những khóa học này đang được nhiều bạn trẻ tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức và duy trì hai, ba năm qua. Gần như khóa nào, số lượng đăng ký học cũng vượt quá giói hạn, trong đó phần lớn là những bạn trẻ ở độ tuổi 20, 30.

Lớp tiếng Việt không biên giới

"Tiếng Việt - Hiểu sâu Viết sắc" được Thùy Dung tổ chức vào thứ tư và thứ sáu hằng tuần trên Google Meet. Một buổi dạy của Thùy Dung bắt đầu lúc 19h30, Dung chiếu mẩu tin tức chuyển ngữ, đăng trên một trang tin trong nước. Bài viết giới thiệu một loại hình nghệ thuật mới đang nổi lên ở nhiều quốc gia. Cả lớp, gồm 15 học viên, tập trung phân tích từ ngữ trong từng dòng, từng đoạn, dò xem chỗ nào dịch quá máy móc, chỗ nào ngữ pháp gặp vấn đề, chỗ nào ý tứ lủng củng, chỗ nào cần tinh gọn...

Xong phần "khởi động", Dung và các học viên bước vào bài học chính, xoay quanh chủ đề nguồn gốc cấu thành một số từ tiếng Việt. Dung giải thích trong tiếng Việt sẽ có nhiều từ mang theo "dấu ấn nghề nghiệp", tạo nên những lớp nghĩa mới. Chẳng hạn, "khuôn thước", "mực thước", "giềng mối", "kỷ cương"... là một vài từ được ghép từ các công cụ trong nghề ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hay "giặc đói", "giặc dốt", "giặc COVID-19"... là những từ chịu ảnh hưởng của ngành quân sự...

Nguyễn Thùy Dung (31 tuổi, quê Bến Tre), từng tốt nghiệp thủ khoa báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM). Dung hiện cũng là người đứng sau fanpage "Ngày Ngày Viết Chữ" thành lập năm 2016, thu hút hơn 200.000 lượt theo dõi. Đây là nơi đăng tải những bài viết giới thiệu những câu cú hay, những cách nói lạ mà quen, những cổ ngữ, từ Hán Việt trong văn thơ... Mỗi ngày một bài viết, tất cả đều nhận được hàng trăm lượt chia sẻ từ các bạn trẻ trên mạng xã hội.

Năm 2019, nhiều bạn chủ động nhắn tin cho Dung bày tỏ nguyện vọng được "đi xa hơn", không chỉ dừng lại ở việc đọc các bài viết trên "Ngày Ngày Viết Chữ" mà muốn ngồi trong lớp nghe Dung giảng những cái hay, cái đẹp của tiếng Việt và được dạy cách dùng từ, viết câu, viết đoạn.

Vậy là từ tháng 3-2019, Dung thành cô giáo tiếng Việt cho các bạn trẻ Việt. Gần như mỗi tháng, khóa "Tiếng Việt - Hiểu sâu Viết sắc" dành cho những bạn muốn biết tường tận nghĩa của từ Hán Việt lại bắt đầu. Mỗi khóa thường kéo dài 10 buổi, Dung thiết kế chương trình cân bằng giữa ngữ pháp, từ vựng và các bài tập thực hành. Học phí cho 2 khóa trên lần lượt là 5 triệu và 3 triệu đồng, dù vậy lúc nào cũng trong tình trạng "cháy hàng".

Trước đợt dịch, Dung dạy trực tiếp. 60% người theo học đang làm việc liên quan đến chữ nghĩa, còn lại là những bạn trẻ đăng ký chỉ vì đam mê, muốn hiểu thêm về tiếng nói của dân tộc. Một số bạn đã lặn lội từ Cần Thơ lên Sài Gòn hằng tuần để theo học.

Năm 2020, do dịch, các khóa học chuyển sang trực tuyến. Nhưng rồi đó lại là cơ hội để lớp"vượt biên" tiếp cận được những bạn trẻ hải ngoại. Đa phần là những người Việt đang sinh sống, học tập ở nước ngoài như Nhật, Mỹ... có mong muốn hiểu hơn tiếng Việt như một cách hướng về nguồn cội.

Dung nói từng dấu chân của mình nói riêng và "Ngày Ngày Viết Chữ" nói chung đều được tạo ra bởi cộng đồng, cụ thể là các bạn trẻ. "Ngày Ngày Viết Chữ" trước chỉ là một blog cá nhân, cũng vì được các bạn hưởng ứng và động viên nên mới "dời nhà" sang Facebook, lập thêm website.

Rồi cũng từ nhu cầu của các bạn, những khóa học tiếng Việt mới ra đời. "Đó là một minh chứng cho thấy vẫn có rất nhiều bạn trẻ nặng lòng với tiếng Việt" - Dung nói. "Nhiều bạn sau khi học xong đã gửi thư từ phương xa về cho mình, nói những lời cảm ơn vì đã giúp họ có thể viết được tiếng Việt tròn trịa và cảm nhận được tiếng nước ta vô cùng giàu đẹp mà bấy lâu nay các bạn không nhìn thấy"- Dung chia sẻ.

Từ khóa » Google Dịch Tiếng Nhật Sang Tiếng Việt